Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các giáo phụ những người bênh vực lẽ thật Kinh Thánh chăng?

Các giáo phụ những người bênh vực lẽ thật Kinh Thánh chăng?

Các giáo phụ những người bênh vực lẽ thật Kinh Thánh chăng?

Dù là tín đồ Đấng Christ hay không, rất có thể quan niệm của bạn về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, về Chúa Giê-su và về đạo Đấng Christ chịu ảnh hưởng của họ. Một người trong vòng họ được mệnh danh là Lời Vàng Ý Ngọc; một người khác là Vĩ Nhân. Trên bình diện tập thể, họ được miêu tả là “hiện thân tối hậu của đời sống Đấng Christ”. Họ là ai? Chính là những nhà tư tưởng tôn giáo, nhà văn, nhà thần học và triết gia cổ đại đã chi phối phần lớn lối suy nghĩ của “đạo Đấng Christ” ngày nay—các Giáo Phụ.

GIÁO SƯ nghiên cứu về tôn giáo Demetrios J. Constantelos thuộc giáo hội Chính Thống Hy Lạp tuyên bố: “Kinh Thánh không chứa đựng toàn bộ lời Chúa. Không thể hạn chế Thánh Thần tiết lộ lời Chúa vào trong các trang giấy của một cuốn sách”. Có nguồn đáng tin cậy nào khác mặc khải ý tưởng của Đức Chúa Trời không? Constantelos khẳng định trong sách Understanding the Greek Orthodox Church (Tìm hiểu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp): “Thánh Truyền và Thánh Kinh [được] xem là hai mặt của cùng một đồng tiền”.

Cốt lõi của “Thánh Truyền” bao gồm những sự dạy dỗ và tác phẩm của các Giáo Phụ. Họ là những nhà thần học nổi danh và những triết gia “đạo Đấng Christ” sống từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ năm CN. Ảnh hưởng của họ đối với tư tưởng “đạo Đấng Christ” thời nay lớn đến mức nào? Họ có dạy sát Kinh Thánh không? Đối với môn đồ của Chúa Giê-su Christ, lẽ thật phải dựa trên cơ bản vững chắc nào?

Gốc tích lịch sử

Giữa thế kỷ thứ hai CN, các tín đồ Đấng Christ phải bênh vực đức tin trước những người La Mã ngược đãi họ cũng như những người dị giáo. Tuy nhiên, đây cũng là một thời đại có lắm ý kiến thần học. Những cuộc tranh cãi có tính cách tôn giáo bàn về “thiên cách” của Chúa Giê-su, về bản chất và công việc của thánh linh không chỉ gây chia rẽ giữa giới trí thức mà thôi. Những mâu thuẫn gay gắt về giáo lý “đạo Đấng Christ” và sự chia rẽ vô phương cứu chữa lan rộng ra trong phạm vi chính trị và văn hóa; đôi khi gây ra xô xát, phản loạn, phiến loạn, ngay cả nội chiến. Sử gia Paul Johnson viết: “Đạo Đấng Christ [bội giáo] đã bắt đầu trong sự hỗn loạn, mâu thuẫn và chia rẽ và cứ thế mà tiếp tục... Trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai CN, các vùng trung và đông Địa Trung Hải tràn ngập vô số ý tưởng tôn giáo mà mỗi phái đấu tranh để phổ biến... Vậy ngay từ buổi đầu, đã có nhiều hình thức đạo Đấng Christ ít có điểm gì chung”.

Trong thời đại ấy, bắt đầu nổi lên nhiều nhà văn và nhà tư tưởng cảm thấy cần phải dùng những từ triết học để biện giải sự dạy dỗ “đạo Đấng Christ”. Để làm vừa lòng những nhà trí thức ngoại giáo mới cải đạo, những nhà văn tôn giáo ấy dựa vào các tác phẩm văn chương Hy Lạp và Do Thái thời ban đầu. Kể từ Justin Martyr (khoảng năm 100-165 CN), nhà văn viết bằng tiếng Hy Lạp, những người tự xưng theo Đấng Christ càng ngày càng thấm nhuần di sản triết lý của nền văn hóa Hy Lạp một cách tinh vi hơn.

Hậu quả của xu hướng này được thấy trong những tác phẩm của Origen (khoảng năm 185-254 CN), một tác giả Hy Lạp sống ở Alexandria. Bài luận thuyết của Origen On First Principles là nỗ lực đầu tiên có hệ thống nhằm dùng triết học Hy Lạp để giảng giải các giáo lý chính của thần học “đạo Đấng Christ”. Cố giải thích và thiết lập “thiên cách” của Đấng Christ, Giáo Hội Nghị Nicaea (năm 325 CN) là một bước ngoặt đã tạo ra sức thôi thúc mới cho việc biện giải giáo điều “đạo Đấng Christ”. Giáo hội nghị ấy đánh dấu một thời đại trong đó các đại hội đồng tôn giáo tìm cách định nghĩa giáo điều ngày càng chính xác hơn.

Văn sĩ và nhà hùng biện

Eusebius ở Sê-sa-rê, nhà văn vào thời Giáo Hội Nghị lần thứ nhất ở Nicaea, kết hợp với Hoàng Đế Constantine. Trong hơn 100 năm sau Giáo Hội Nghị này, các nhà thần học, phần lớn viết bằng tiếng Hy Lạp, phát triển điều mà sau này trở thành giáo lý nổi bật của Giáo Hội tự xưng theo Đấng Christ, thuyết Chúa Ba Ngôi, nhưng phải mất nhiều thời gian để tranh cãi gay gắt. Đứng đầu trong số họ có Athanasius, giám mục khẳng khái của giáo phận Alexandria và ba người lãnh đạo giáo hội ở Cappadocia, vùng Tiểu Á—tức Basil Vĩ Nhân, anh em của ông là Gregory ở Nyssa và bạn họ là Gregory ở Nazianzus.

Những nhà văn và người truyền giáo trong thời đại đó nói năng rất hoạt bát. Gregory ở Nazianzus và John Chrysostom (nghĩa là “Lời Vàng Ý Ngọc”) sử dụng tiếng Hy Lạp, Ambrose ở Milan và Augustine ở Hippo sử dụng tiếng La-tinh đều là những nhà hùng biện lão luyện, những bậc thầy xuất sắc về nghệ thuật được coi trọng và ưa chuộng nhiều nhất thời bấy giờ. Nhà văn gây ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn đó là Augustine. Các luận đề thần học của ông chi phối một cách rộng rãi tư tưởng “đạo Đấng Christ” ngày nay. Jerome, nhà trí thức lừng lẫy nhất thời đó, đảm đương trách nhiệm chính về bản dịch Kinh Thánh Vulgate từ các tiếng nguyên thủy sang tiếng La-tinh.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là: Các Giáo Phụ ấy có theo sát Kinh Thánh không? Khi dạy, họ có triệt để trung thành với Kinh Thánh không? Các tác phẩm của họ có phải là một sự hướng dẫn đáng tin cậy để hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời không?

Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời hay của loài người?

Gần đây, Methodius ở Pisidia, Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Hy Lạp viết sách The Hellenic Pedestal of Christianity (Nền móng Hy Lạp của Ky-tô Giáo) để chứng tỏ nền văn hóa và triết lý Hy Lạp đã cung cấp cơ sở cho tư tưởng “đạo Đấng Christ” hiện đại. Ông thú nhận không chút do dự trong sách đó: “Hầu như tất cả các Giáo Phụ lỗi lạc đều xem rằng các nhân tố Hy Lạp rất hữu ích, và họ mượn các nhân tố ấy từ cổ nhân Hy Lạp để hiểu và diễn đạt đúng cách các chân lý Ky-tô Giáo”.

Chẳng hạn, hãy xem ý niệm cho rằng Cha, Con và thánh linh hợp thành Chúa Ba Ngôi. Sau Giáo Hội Nghị Nicaea, nhiều Giáo Phụ đã trở thành những người kiên định ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi. Những tác phẩm và bài bình luận của họ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc biến thuyết này thành một giáo lý nổi bật của Giáo Hội tự xưng theo Đấng Christ. Tuy nhiên, Kinh Thánh có nói đến Chúa Ba Ngôi không? Không. Vậy các Giáo Phụ lấy đâu ra thuyết này? Cuốn A Dictionary of Religious Knowledge (Một tự điển về kiến thức tôn giáo) ghi rằng nhiều người nói thuyết Chúa Ba Ngôi “là một thuyết sai lệch, mượn từ các ngoại giáo để ghép vào tín ngưỡng Ky-tô”. Cuốn The Paganism in Our Christianity (Tà giáo xen vào đạo Đấng Christ) khẳng định: “Thuyết [Chúa Ba Ngôi] hoàn toàn bắt nguồn từ ngoại giáo”. *Giăng 3:16; 14:28.

Một thí dụ khác là giáo điều về linh hồn bất tử, cho rằng người ta có một phần vẫn còn sống khi thân thể chết. Một lần nữa, các Giáo Phụ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn nhập khái niệm này vào một tôn giáo không hề dạy dỗ về linh hồn tồn tại sau khi người ta chết. Kinh Thánh cho thấy rõ ràng rằng linh hồn có thể chết: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. (Ê-xê-chi-ên 18:4) Niềm tin của các Giáo Phụ về linh hồn bất tử dựa trên cơ sở nào? Cuốn New Catholic Encyclopedia (Tân bách khoa Công Giáo) nói: “Khái niệm của Ky-tô Giáo về một linh hồn do Thiên Chúa tạo ra và cho nhập vào thân xác lúc thụ thai để con người trở thành một chỉnh thể sống là kết quả của cả một quá trình phát triển của triết lý đạo Đấng Christ lâu dài. Phải đợi đến thời Origen ở phương Đông và Thánh Augustine ở phương Tây, thực thể thần linh của linh hồn mới được xác lập, và một khái niệm triết học về bản chất của linh hồn mới hình thành... [Giáo lý của Augustine]... mượn nhiều tư tưởng (kể cả những sai lầm) của trường phái Plato Cải Cách”. Còn tạp chí Presbyterian Life thì nói: “Linh hồn bất tử là một khái niệm Hy Lạp hình thành trong những giáo phái huyền bí cổ xưa và được triết gia Plato tô điểm thêm”. *

Cơ bản vững chắc cho lẽ thật đạo Đấng Christ

Ngay dù chỉ xem xét sơ qua về gốc tích lịch sử của các Giáo Phụ, và nguồn gốc những sự dạy dỗ của họ, ta vẫn nên hỏi: Niềm tin của một tín đồ Đấng Christ thành thật có nên dựa vào sự dạy dỗ các Giáo Phụ không? Hãy để Kinh Thánh trả lời.

Trước hết, chính Chúa Giê-su Christ cấm dùng tước hiệu tôn giáo “Cha” hay “Phụ” khi ngài nói: “Đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 23:9) Gọi bất cứ một nhân vật tôn giáo nào là “Cha” đi ngược lại đạo Đấng Christ và Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời được viết xong vào khoảng năm 98 CN, khi sứ đồ Giăng hoàn tất phần của ông. Bởi vậy, tín đồ thật của Đấng Christ không cần dựa vào một người nào, xem họ là một nguồn mặc khải. Họ thận trọng hầu không “bỏ lời Đức Chúa Trời” vì cớ lời truyền khẩu của con người. Việc để cho các truyền thống của loài người thay thế Lời Đức Chúa Trời rất độc hại về thiêng liêng. Chúa Giê-su cảnh cáo: “Nếu kẻ mù dẫn-đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố”.—Ma-thi-ơ 15:6, 14.

Ngoài lời của Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh, tín đồ Đấng Christ có cần đến sự mặc khải nào khác không? Không. Sách Khải-huyền cảnh giác đề phòng chống lại việc thêm bất cứ điều gì vào lời được soi dẫn: “Nếu ai thêm vào sách tiên-tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai-nạn đã ghi-chép trong sách nầy”.—Khải-huyền 22:18.

Cả lẽ thật đạo Đấng Christ được chứa đựng trong Kinh Thánh, tức Lời Đức Chúa Trời được viết ra. (Giăng 17:17; 2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Giăng 1-4) Không cần phụ thuộc vào triết học của thế gian để hiểu đúng lẽ thật. Đối với những ai tìm cách giải thích sự mặc khải của Đức Chúa Trời bằng sự khôn ngoan của loài người, thật thích hợp nhắc lại các câu hỏi của sứ đồ Phao-lô: “Người khôn-ngoan ở đâu? Văn-sĩ ở đâu? Biện-sĩ đời nay ở đâu? Đức Chúa Trời há chẳng đã làm cho sự khôn-ngoan của thế-gian nầy ra ngu-dại ư?”—1 Cô-rinh-tô 1:20, Ghi-đê-ôn.

Hơn nữa, hội thánh thật của Đấng Christ là “trụ và nền của lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 3:15) Trong hội thánh, các giám thị bảo toàn sự dạy dỗ tinh khiết của họ, ngăn ngừa mọi sự ô nhiễm về giáo lý thâm nhập vào bên trong hội thánh. (2 Ti-mô-thê 2:15-18, 25) Họ không để cho ‘tiên-tri giả, giáo-sư giả và những đạo dối làm hại’ vào trong hội thánh. (2 Phi-e-rơ 2:1) Sau khi các sứ đồ chết, các Giáo Phụ đã để cho “các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ” bén rễ trong hội thánh đạo Đấng Christ.—1 Ti-mô-thê 4:1.

Các hậu quả của sự bội đạo này thật rõ ràng trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay. Những tín điều và thực hành của họ khác hẳn với lẽ thật của Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 15 Có thể nghiên cứu cặn kẽ về giáo lý Chúa Ba Ngôi trong sách mỏng Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 16 Muốn xem xét kỹ lưỡng Kinh Thánh dạy gì về linh hồn, xin xem nơi các trang 98-104 và 375-380 của sách Dùng Kinh Thánh để lý luận (Anh ngữ), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 18]

CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCIA

Nhà văn và tu sĩ Kallistos nói: “Giáo Hội Chính Thống... đặc biệt kính trọng những nhà văn thuộc thế kỷ thứ tư, và nhất là những người được mệnh danh là ‘ba Vị Tổng Giám Mục’, tức là Gregory ở Nazianzus, Basil Vĩ Nhân và John Chrysostom”. Sự dạy dỗ của các Giáo Phụ này có dựa trên Kinh Thánh được soi dẫn không? Về Basil Vĩ Nhân, sách The Fathers of the Greek Church (Các Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Hy Lạp) nói: “Các tác phẩm của ông cho thấy trong suốt cuộc đời, ông ngưỡng mộ Plato, Homer và những sử gia cùng với những nhà hùng biện. Chắc hẳn họ đã ảnh hưởng đến bút pháp của ông... Basil vẫn còn là một người ‘Hy Lạp’ ”. Đối với Gregory ở Nazianzus thì cũng thế. “Theo ông, nếu muốn thắng thế và trội hơn, Giáo Hội nên hoàn toàn thu nhận các truyền thống của nền văn hóa cổ”.

Giáo sư Panagiotis K. Christou viết về cả ba người này: “Dù thỉnh thoảng có cảnh giác đề phòng ‘triết-học và lời hư-không’ [Cô-lô-se 2:8]—hầu phù hợp với mệnh lệnh của Tân Ước—nhưng đồng thời họ vẫn nôn nả nghiên cứu triết học và các bộ môn liên hệ, thậm chí còn cổ động người khác học các môn đó”. Hiển nhiên, những thầy đạo này nghĩ rằng nếu chỉ dùng Kinh Thánh mà thôi thì không đủ để yểm trợ các ý tưởng của họ. Có thể nào vì đi tìm những cột trụ khác làm thẩm quyền mà sự dạy dỗ của họ hóa ra ngoại lai với Kinh Thánh không? Sứ đồ Phao-lô cảnh giác tín đồ Hê-bơ-rơ: “Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ-dành mình”.—Hê-bơ-rơ 13:9.

[Nguồn tư liệu]

© Archivo Iconografico, S.A./CORBIS

[Khung/​Hình nơi trang 20]

CYRIL Ở ALEXANDRIA​—⁠MỘT GIÁO PHỤ GÂY NHIỀU TRANH LUẬN

Một trong những Giáo Phụ gây tranh luận nhiều nhất là Cyril ở Alexandria (khoảng năm 375-444 CN). Sử gia của giáo hội Hans von Campenhausen miêu tả ông là người “độc đoán, hung bạo và xảo quyệt, luôn luôn tự đại về thiên hướng đề cao chức vụ cao trọng của mình” và nói thêm rằng “ông không bao giờ xem điều gì là đúng trừ khi điều đó có lợi cho việc mưu cầu quyền lực của ông... Ông không bao giờ ngần ngại dùng đến những phương pháp tàn nhẫn và vô liêm sỉ”. Khi còn tại chức giám mục ở Alexandria, ông đã dùng sự hối lộ, lời phỉ báng và vu khống để phế truất giám mục của Constantinople. Người ta xem ông là chủ mưu vụ ám sát tàn bạo đã gây thiệt mạng cho triết gia nổi tiếng tên là Hypatia vào năm 415 CN. Campenhausen nói về các tác phẩm thần học của Cyril: “Ông là người đầu tiên đặt ra thói quen giải quyết những vấn đề liên quan đến tín điều không chỉ nhờ Kinh Thánh mà cũng nhờ lời trích dẫn thích hợp và những sưu tập lời trích dẫn từ những người có thẩm quyền”.

[Hình nơi trang 19]

Jerome

[Nguồn tư liệu]

Garo Nalbandian