Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được mạnh mẽ và vui sướng nhờ tiến tới trong đường lối Đức Giê-hô-va

Được mạnh mẽ và vui sướng nhờ tiến tới trong đường lối Đức Giê-hô-va

Tự truyện

Được mạnh mẽ và vui sướng nhờ tiến tới trong đường lối Đức Giê-hô-va

DO LUIGGI D. VALENTINO KỂ LẠI

Đức Giê-hô-va khuyên bảo: “Nầy là đường đây. Hãy noi theo”. (Ê-sai 30:21) Sau khi làm báp têm cách đây 60 năm, tôi đã chọn đi theo lời khuyên này. Ngay từ buổi đầu, cha mẹ tôi đã làm gương cho tôi về mục tiêu này. Cha mẹ tôi gốc Ý, nhập cư vào Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ, năm 1921, và sinh sống, nuôi dạy ba anh em chúng tôi tại đó—anh Mike, em gái Lydia và tôi.

CHA MẸ tôi đã xem xét nhiều tôn giáo khác nhau nhưng cuối cùng đành thất vọng bỏ cuộc. Rồi một ngày kia vào năm 1932, cha tôi theo dõi chương trình truyền thanh bằng tiếng Ý. Ông đã rất thích chương trình ấy do Nhân Chứng Giê-hô-va phát sóng. Ông viết thư xin tìm hiểu thêm, và một Nhân Chứng người Ý từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn, New York, đã đến thăm. Sau cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài tới tảng sáng ngày hôm sau, cha mẹ tôi tin chắc rằng họ đã tìm được tôn giáo thật.

Cha mẹ bắt đầu tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ và niềm nở đón tiếp các giám thị lưu động. Tuy chỉ là một cậu bé, nhưng tôi đã được cùng họ đi rao giảng. Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về việc phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Một trong những người khách ấy là anh Carey W. Barber, bây giờ là thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau một thời gian ngắn, vào tháng 2 năm 1941, tôi đã làm báp têm lúc 14 tuổi, và bắt đầu phụng sự với tư cách là một tiên phong tại Cleveland từ năm 1944. Anh Mike và Lydia cũng bắt đầu theo đường lối lẽ thật của Kinh Thánh. Anh Mike đã trọn đời phụng sự Đức Giê-hô-va, và Lydia theo chồng là Harold Weidner trong suốt 28 năm thánh chức lưu động, và hiện nay, là những người truyền giáo đặc biệt trọn thời gian.

Ngục tù làm tôi càng quyết tâm tiến tới hơn

Đầu năm 1945, tôi bị tống giam vào Nhà Tù Liên Bang Chillicothe của bang Ohio vì theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện, tôi đã hành động hòa hợp với Ê-sai 2:4, dạy lấy gươm rèn lưỡi cày. Có một thời gian, những người có thẩm quyền trong trại giam chỉ cho phép các Nhân Chứng giữ một số sách báo do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Tuy nhiên, các Nhân Chứng ở hội thánh gần đó đã giúp đỡ. Đôi khi họ bỏ một số ấn phẩm ở những cánh đồng gần nhà tù. Sáng hôm sau, khi các tù nhân đến những nơi làm việc, thì họ tìm những ấn phẩm đó và kiếm cách đem vào nhà tù. Đến lúc tôi bị tù thì họ đã cho phép chúng tôi có nhiều sách báo hơn. Tuy vậy, tôi nhận thức được hơn bao giờ hết giá trị của thức ăn thiêng liêng do Đức Giê-hô-va cung cấp—một bài học khó quên mỗi lần nhận được một số Tháp Canh hoặc Tỉnh Thức! mới.

Dù chúng tôi được phép tổ chức buổi họp hội thánh trong nhà tù, nhưng họ cấm không cho những người không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va đến dự. Tuy nhiên, một số cai tù và các bạn tù đã kín đáo tham dự, thậm chí một vài người đã chấp nhận lẽ thật. (Công-vụ 16:30-34) Những chuyến viếng thăm của anh A. H. Macmillan là nguồn an ủi lớn lao. Anh luôn luôn đoan chắc với chúng tôi rằng thời gian bị giam giữ chẳng phải là vô ích vì tập cho chúng tôi gánh vác nhiệm vụ tương lai. Người anh quý mến đó đã khiến tôi xúc động và càng quyết tâm bước đi trong đường Đức Giê-hô-va.

Thêm bạn đồng hành

Thế Chiến II chấm dứt, các tù nhân được phóng thích. Tôi trở lại với thánh chức trọn thời gian, tức làm tiên phong. Nhưng vào năm 1947 cha tôi qua đời. Để giúp gia đình, tôi quay sang công việc thế tục và được phép hành nghề xoa bóp y khoa—một kỹ năng đã giúp đỡ tôi và vợ tôi đương đầu trong suốt 30 năm khó khăn. Nhưng tôi đang kể chuyện chẳng đầu đuôi gì cả. Trước hết, tôi xin kể về vợ tôi.

Một buổi chiều năm 1949 khi tôi đang ở Phòng Nước Trời thì điện thoại reo. Tôi nhấc điện thoại và nghe giọng dịu dàng: “Tôi là Christine Genchur, một Nhân Chứng Giê-hô-va vừa dọn đến Cleveland tìm việc làm, và muốn kết hợp với hội thánh”. Phòng Nước Trời của chúng tôi xa khu vực chị đang sống, nhưng vì thích nghe giọng nói của chị, tôi đã chỉ đường đến nơi họp của chúng tôi và khuyến khích chị đến Chủ Nhật tuần đó, ngày mà tôi sẽ nói bài diễn văn công cộng. Chủ Nhật ấy, tôi là người đầu tiên có mặt ở Phòng Nước Trời, tuy nhiên chẳng có chị lạ mặt nào đến. Suốt bài diễn văn, tôi luôn liếc mắt nhìn ra cửa nhưng không có ai vào. Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, chị cho biết chị chưa quen tuyến xe buýt. Do đó, tôi tình nguyện đến gặp để giải thích cho chị rõ hơn.

Tôi được biết cha mẹ chị, những người nhập cư gốc Tiệp Khắc, đã bắt đầu kết hợp với Học Viên Kinh Thánh sau khi đọc sách nhỏ Where Are the Dead? Cha mẹ chị làm báp têm năm 1935. Năm 1938, cha của Christine là tôi tớ hội đoàn (bây giờ gọi là giám thị chủ tọa) của hội thánh Clymer, Pennsylvania, Hoa Kỳ, và năm 1947, Christine làm báp têm lúc 16 tuổi. Chẳng bao lâu, tôi đã yêu người chị em có tinh thần thiêng liêng, lại xinh đẹp này. Chúng tôi kết hôn ngày 24-6-1950, từ đó Christine là người bạn trung thành của tôi, luôn sẵn sàng đặt quyền lợi Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu. Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va vì người bạn tài đức này đã đồng ý cùng tôi chia sẻ cuộc sống.—Châm-ngôn 31:10.

Một sự ngạc nhiên lớn

Ngày 1-11-1951, cả hai chúng tôi cùng bắt đầu làm tiên phong. Hai năm sau, tại một đại hội ở Toledo, Ohio, anh Hugo Riemer và Albert Schroeder nói chuyện với một nhóm tiên phong thích làm công việc giáo sĩ. Chúng tôi ở trong nhóm này. Được khuyến khích tiếp tục làm tiên phong tại Cleveland, nhưng ngay vào tháng sau chúng tôi đã được dành cho một sự ngạc nhiên lớn—thư mời theo học khóa 23 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, khai giảng vào tháng 2 năm 1954!

Trên đường đến Trường Ga-la-át, lúc đó ở South Lansing, New York, Christine quá hồi hộp đến nỗi cứ liên tục bảo tôi: “Chạy chậm lại, anh!” Tôi bảo nàng: “Christine à, nếu lái chậm hơn nữa biết bao giờ mới đến?” Tuy nhiên, khi vào đến trường, chúng tôi liền thấy thoải mái hơn. Anh Nathan Knorr tiếp đón nhóm học viên và đưa chúng tôi đi thăm quanh trường. Anh cũng giải thích cách tiết kiệm điện, nước, nhấn mạnh rằng sự tiện tặn là một đức tính tốt khi chăm lo quyền lợi Nước Trời. Chúng tôi luôn ghi nhớ và sống phù hợp với lời khuyên này.

Bay đến Rio

Chẳng bao lâu, chúng tôi tốt nghiệp, và vào mùa đông ngày 10-12-1954, chúng tôi lên máy bay tại Thành Phố New York, náo nức trông mong nhận nhiệm sở mới tại Rio de Janeiro tràn ngập ánh nắng, thuộc Brazil. Anh Peter và chị Billie Carrbello, là bạn giáo sĩ cùng đi với chúng tôi. Chuyến bay kéo dài 24 giờ, quá cảnh ở Puerto Rico, Venezuela, và ở Belém thuộc bắc Brazil. Tuy nhiên, do máy móc trục trặc, mãi 36 tiếng sau chúng tôi mới bay vào không phận Rio de Janeiro. Cảnh sắc thật tuyệt vời! Thành phố lấp lánh ánh đèn như những viên kim cương đỏ rực trên tấm thảm nhung, ánh trăng bạc lung linh phản chiếu trên mặt nước Vịnh Guanabara.

Nhiều thành viên của nhà Bê-tên nồng nhiệt ra sân bay đón chúng tôi. Sau đó họ đưa chúng tôi về trụ sở chi nhánh. Khoảng ba giờ sáng, chúng tôi mới đi ngủ. Vài giờ sau, chuông báo thức nhắc chúng tôi ngày thứ nhất làm giáo sĩ bắt đầu!

Bài học đầu tiên

Chúng tôi học ngay một bài quan trọng. Chúng tôi đến thăm một gia đình Nhân Chứng vào buổi tối. Khi chúng tôi muốn đi bộ về chi nhánh, thì chủ nhà cản: “Không được, trời đang mưa; anh chị không thể đi”, rồi cố nài ép chúng tôi ở lại qua đêm. Tôi cười ngất nói át lời anh: “Nơi chúng tôi ở trước đây cũng có mưa mà”. Và chúng tôi ra về.

Vì xung quanh Rio toàn là núi, nước mưa nhanh chóng đổ dồn lại, chảy cuồn cuộn xuống thành phố bên dưới và thường gây lụt lội. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã phải lội nước ngập tới đầu gối. Gần chi nhánh, các đường phố đã trở thành những giòng sông cuồn cuộn, chảy xiết, nước lên tới ngực chúng tôi. Cuối cùng, khi về đến nhà Bê-tên chúng tôi ướt đẫm. Ngày hôm sau, Christine không được khỏe và bị thương hàn, sức khỏe suy yếu một thời gian dài. Dĩ nhiên, là giáo sĩ mới, lẽ ra chúng tôi nên nghe theo lời khuyên của các Nhân Chứng địa phương có kinh nghiệm.

Những bước đầu trong nhiệm vụ giáo sĩ và công việc lưu động

Sau bước khởi đầu không mấy lý thú này, cả hai chúng tôi hăng hái bắt đầu thánh chức của mình. Gặp ai chúng tôi cũng đọc lời giới thiệu bằng tiếng Bồ Đào Nha, và dường như chúng tôi cùng tiến bộ trong việc học nói tiếng Bồ Đào Nha. Một chủ hộ thường chỉ tôi và nói với Christine: “Tôi hiểu chị, nhưng tôi không hiểu anh ấy”. Một chủ hộ khác lại nói với tôi: “Tôi hiểu anh nhưng không hiểu chị ấy”. Tuy thế, trong vài tuần lễ đầu, chúng tôi vui sướng có được hơn 100 phiếu đặt mua dài hạn Tháp Canh. Thật ra, ngay trong năm đầu chúng tôi ở Brazil, một số học viên Kinh Thánh của chúng tôi đã làm báp têm, điều này giúp chúng tôi lường được mức độ thành công trong nhiệm vụ giáo sĩ.

Vào giữa thập niên 1950, do thiếu anh em có khả năng, nhiều hội thánh ở Brazil không được giám thị vòng quanh viếng thăm đều đặn. Vì vậy mặc dù vẫn còn đang học ngoại ngữ, chưa nói được diễn văn công cộng bằng tiếng Bồ Đào Nha, tôi vẫn được chỉ định làm giám thị vòng quanh ở bang São Paulo vào năm 1956.

Vì chưa được giám thị vòng quanh viếng thăm trong hai năm liền, nên tất cả anh chị trong hội thánh chúng tôi viếng thăm đầu tiên đều rất mong được nghe tôi nói diễn văn công cộng. Để chuẩn bị cho bài diễn văn đó, tôi cắt các đoạn Tháp Canh bằng tiếng Bồ Đào Nha và dán trên các tờ giấy. Chủ Nhật đó, Phòng Nước Trời đông nghịt. Thậm chí, mọi người ngồi cả trên bục giảng, chờ biến cố lớn. Bài diễn văn, hay nói đúng hơn, bài đọc bắt đầu. Thỉnh thoảng tôi nhìn lên và kinh ngạc khi thấy không ai nhúc nhích, ngay cả trẻ con. Tất cả đều mở to mắt chăm chú nhìn tôi. Tôi nghĩ: ‘Valentino ơi, tiếng Bồ Đào Nha của cậu có tiến bộ rồi đấy! Những người này đang chú ý đó’. Nhiều năm sau đó, khi tôi viếng thăm lại hội thánh này, một anh đã có mặt trong buổi viếng thăm đầu tiên của tôi, nói: “Anh có nhớ bài diễn văn đầu tiên anh nói hôm đó không? Chúng tôi chẳng hiểu một lời nào trong bài đó cả”. Tôi thú nhận tôi cũng chẳng hiểu được bài diễn văn đó bao nhiêu.

Năm đầu tiên đó trong công việc vòng quanh, tôi thường đọc Xa-cha-ri 4:6. Những từ ‘chẳng phải là bởi năng-lực, bèn là bởi Thần ta’, nhắc tôi nhớ rằng lý do duy nhất giúp công việc Nước Trời phát triển là thánh linh Đức Giê-hô-va. Và cho dù chúng ta có những giới hạn rõ rệt, công việc này vẫn tiến triển.

Thử thách đi đôi với ân phước

Công việc vòng quanh đòi hỏi phải đem theo máy đánh chữ, thùng sách báo, va-li và cặp sách khi di chuyển trong nước. Christine đã khôn khéo ghi số trên hành lý của chúng tôi để khỏi quên khi đổi xe buýt. Thông thường di chuyển bằng xe buýt đến nơi kế tiếp phải mất 15 giờ qua những con đường bụi mù. Đôi khi thật khủng khiếp, nhất là khi hai xe buýt chạy ngược chiều cùng chen qua một chiếc cầu ọp ẹp, sát nhau đến nỗi như chỉ vừa đủ lọt tờ giấy. Chúng tôi cũng đi xe lửa, đi tàu, cưỡi ngựa.

Vào năm 1961 chúng tôi bắt đầu làm công việc địa hạt, đi từ vòng quanh này đến vòng quanh khác thay vì từ hội thánh này đến hội thánh kia. Vào nhiều tối trong tuần, chúng tôi thường chiếu phim do tổ chức của Đức Giê-hô-va sản xuất—mỗi lần tại một địa điểm khác. Thường thường chúng tôi phải làm thật nhanh, đánh lừa hàng giáo phẩm địa phương cố ngăn cản những buổi chiếu này. Tại một thị trấn, vị linh mục dọa dẫm bắt chủ hội trường hủy bỏ hợp đồng thuê địa điểm ông đã ký với chúng tôi. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã tìm được một nơi khác, nhưng dấu không cho ai biết và tiếp tục mời mọi người đến địa điểm cũ. Trước khi chương trình bắt đầu, Christine đã đến hội trường cũ và lặng lẽ hướng dẫn những người muốn đến xem phim tẽ sang địa điểm mới. Tối hôm đó, có 150 người xem phim với nhan đề thật thích hợp The New World Society in Action.

Mặc dù công việc lưu động trong những khu vực hẻo lánh đôi khi vất vả, nhưng những anh em sống ở đó rất biết ơn các cuộc viếng thăm của chúng tôi và tỏ lòng hiếu khách chia sẻ chỗ ở khiêm tốn của họ với chúng tôi khiến chúng tôi luôn cảm ơn Đức Giê-hô-va được đến thăm họ. Làm bạn với họ đem lại cho chúng tôi những ân phước ấm lòng. (Châm-ngôn 19:17; A-ghê 2:7) Do đó, thật buồn biết bao khi chúng tôi phải ngưng làm giáo sĩ sau hơn 21 năm phụng sự tại Brazil!

Được Đức Giê-hô-va dẫn lối trong kỳ khủng hoảng

Năm 1975, Christine phải giải phẫu. Chúng tôi trở lại công việc lưu động, nhưng sức khỏe của Christine suy giảm. Cách tốt nhất dường như là trở về Mỹ chữa bệnh. Tháng 4 năm 1976, chúng tôi về ở với mẹ tôi tại Long Beach, California. Sau hai thập niên sống ở nước ngoài, chúng tôi lúng túng không biết xoay xở thế nào. Tôi bắt đầu làm công việc xoa bóp kiếm tiền sinh sống. Tiểu bang California cấp cho Christine một chỗ ở bệnh viện để trị bệnh, nhưng ở đó nàng mỗi ngày lại một yếu đi vì các bác sĩ từ chối chữa bệnh không tiếp máu. Tuyệt vọng, chúng tôi cầu xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.

Một buổi chiều, khi đi rao giảng, chợt thấy một phòng mạch bác sĩ, tôi bỗng quyết định ghé vào. Mặc dù sửa soạn ra về, bác sĩ vẫn mời tôi vào, và chúng tôi đã nói chuyện suốt hai giờ. Sau đó bác sĩ: “Vì quý mến công việc giáo sĩ của ông, nên tôi sẽ chữa bệnh miễn phí cho vợ ông mà không tiếp máu”. Tôi tưởng chừng mình đang nằm mơ.

Vị bác sĩ tử tế này, hóa ra là một chuyên gia đầy uy tín. Ông chuyển Christine đến bệnh viện ông làm, và với sự chăm sóc tài ba của ông, chẳng bao lâu vợ tôi đã khỏe hơn. Chúng tôi rất biết ơn Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn chúng tôi trong thời gian khó khăn đó!

Nhiệm sở mới

Khi Christine phục hồi sức lực, chúng tôi làm tiên phong và vui mừng giúp đỡ một số người ở Long Beach trở thành những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Năm 1982 chúng tôi được yêu cầu làm công việc vòng quanh tại Mỹ. Chúng tôi tạ ơn Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì được Ngài sử dụng trong công việc lưu động—thánh chức mà chúng tôi yêu thích. Chúng tôi phụng sự tại California và sau đó ở New England, là vòng quanh gồm một số hội thánh nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau đó vòng quanh này cũng bao gồm cả Bermuda.

Sau bốn năm phụng sự trở lại với lòng vui mừng, chúng tôi được mời làm tiên phong đặc biệt ở nhiệm sở mới là nơi chúng tôi chọn. Mặc dù buồn vì rời bỏ công việc lưu động, chúng tôi quyết tâm tiến tới với nhiệm sở mới của mình. Nhưng ở đâu? Khi còn lưu động, chúng tôi để ý thấy hội thánh nói tiếng Bồ Đào Nha ở New Bedford, Massachusetts, cần giúp đỡ—do đó chúng tôi dọn đến New Bedford.

Khi đến nơi, hội thánh chào đón chúng tôi bằng một bữa tiệc linh đình. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy mình cần thiết, và làm chúng tôi cảm động phát khóc. Một cặp vợ chồng trẻ có hai con nhỏ tử tế mời chúng tôi cùng ở với họ cho tới khi tìm được chỗ ở riêng. Sự ban phước của Đức Giê-hô-va cho nhiệm sở tiên phong đặc biệt này thật vượt quá mong đợi của chúng tôi. Từ 1986 chúng tôi đã giúp 40 người ở thị trấn này trở thành Nhân Chứng. Họ là những gia đình thiêng liêng của chúng tôi. Ngoài ra, tôi được vui sướng thấy năm anh em tại địa phương trở thành những người chăn bầy quan tâm chu đáo. Điều này đạt nhiều kết quả tương tự như khi làm giáo sĩ.

Khi nhìn lại, chúng tôi vui mừng thấy mình đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ tuổi trẻ và đã sống theo lẽ thật. Chúng tôi tuy nay đã lớn tuổi và suy yếu, việc tiến tới trong đường lối của Đức Giê-hô-va vẫn khiến chúng tôi mạnh mẽ và vui sướng.

[Hình nơi trang 26]

Vừa đặt chân đến Rio de Janeiro

[Hình nơi trang 28]

Gia đình thiêng liêng của chúng tôi ở New Bedford, Massachusetts