Giúp những người góa bụa vượt qua thử thách
Giúp những người góa bụa vượt qua thử thách
KINH THÁNH tường thuật về nàng Ru-tơ và bà mẹ chồng Na-ô-mi; đây là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về những góa phụ. Cả hai đều là góa phụ. Tuy nhiên, Na-ô-mi không những mất chồng mà cả hai con trai, trong đó một người là chồng của Ru-tơ. Vì sống trong xã hội nông nghiệp, mọi việc đều tùy thuộc vào người đàn ông trong gia đình, do đó họ lâm vào tình thế thật bi đát.—Ru-tơ 1:1-5, 20, 21.
Dù vậy, Na-ô-mi có một người bạn và là người an ủi xuất sắc, con dâu Ru-tơ không chịu lìa xa bà. Theo thời gian, Ru-tơ chứng tỏ nàng “quí cho [Na-ô-mi] hơn bảy con trai”—không những vì tình yêu thương sâu đậm nàng dành cho Na-ô-mi mà còn vì tình yêu mến của nàng đối với Đức Chúa Trời. (Ru-tơ 4:15) Khi Na-ô-mi khuyên Ru-tơ trở về với gia đình và bạn bè người Mô-áp, Ru-tơ trả lời bằng một câu cảm động nhất đã từng được ghi lại, diễn tả lòng trung thành: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi. Mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân-cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!”—Ru-tơ 1:16, 17.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời chú ý đến thái độ của Ru-tơ. Ngài ban phước cho gia đình nhỏ đó gồm Na-ô-mi và Ru-tơ. Cuối cùng Ru-tơ kết hôn với một người Y-sơ-ra-ên tên Bô-ô. Con trai của họ, là tổ phụ của Chúa Giê-su Christ, đã được Na-ô-mi chăm sóc như chính con trai bà vậy. Câu chuyện này là một gương cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương những góa phụ biết đến gần và tin cậy nơi Ngài. Ngoài ra, Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài coi trọng những người trìu mến giúp đỡ kẻ góa bụa trong cơn thử thách. Vậy, ngày nay những người góa bụa ở giữa chúng ta có thể được nâng đỡ như thế nào?—Ru-tơ 4:13, 16-22; Thi-thiên 68:5.
Cụ thể nhưng không độc đoán
Thái độ tốt nhất khi giúp đỡ một góa phụ là phải rõ ràng và cụ thể nhưng không độc đoán. Nên tránh những đề nghị mơ hồ như: “Nếu cần gì, xin chị báo cho tôi biết”. Làm thế chẳng khác nào bảo với người đang lạnh và đói: “Hãy sưởi cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại chẳng giúp đỡ gì cả. (Gia-cơ 2:16) Nhiều người dù có nhu cầu thật sự cũng không muốn xin được giúp đỡ. Họ thà đau khổ âm thầm. Đối với những người đó, muốn giúp họ chúng ta cần sáng suốt để cảm nhận điều họ cần. Mặt khác, quá chủ động, muốn chi phối cuộc sống của người góa phụ, có thể gây tổn thương về cảm xúc hoặc va chạm. Do đó, Kinh Thánh nhấn mạnh chúng ta cần thăng bằng trong cách cư xử đối với người khác. Khi khuyên nên quan tâm đến lợi ích của người khác cách bất vị kỷ, Kinh Thánh cũng nhắc chúng ta không nên là kẻ thày lay.—Phi-líp 2:4; 1 Phi-e-rơ 4:15.
Ru-tơ đã bày tỏ một thái độ thăng bằng đối với Na-ô-mi. Dù khắng khít trung thành với mẹ chồng nhưng Ru-tơ không lấn át hoặc chi phối bà. Nàng có sáng kiến khôn ngoan trong việc kiếm lương thực cho cả hai người, nhưng vẫn nghe theo những chỉ dẫn của Na-ô-mi.—Ru-tơ 2:2, 22, 23; 3:1-6.
Dĩ nhiên, nhu cầu giữa người này và người khác có thể khác nhau nhiều. Sandra được đề cập trong bài trước nói: “Trong lúc đau buồn tôi đã có được những điều tôi cần—những bạn bè rất thân và đầy yêu thương vây quanh tôi”. Ngược lại, Elaine, được đề cập trong bài trước, cần thời gian yên tĩnh cho riêng mình. Thế nên, giúp đỡ hữu ích nghĩa là sáng suốt và biết thăng bằng giữa việc tôn trọng sự riêng tư của người khác với việc sẵn sàng trợ giúp khi cần.
Sự ủng hộ từ gia đình
Nếu người góa phụ có một gia đình nồng ấm, yêu thương, thì những người trong nhà có thể làm được nhiều điều để trấn an rằng bà sẽ đủ sức đương đầu với nghịch cảnh. Dù một vài người trong gia đình có thể giúp đỡ nhiều hơn người khác, nhưng mọi người đều có thể góp phần. “Nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—1 Ti-mô-thê 5:4.
Trong nhiều trường hợp, giúp đỡ hoặc “báo-đáp” về tài chính có thể không cần thiết. Một số góa phụ có ngân quỹ riêng đủ lo liệu nhu cầu bản thân, và trong vài xứ, những người khác được quyền hưởng những trợ cấp xã hội. Nhưng các thành viên trong gia đình phải giúp đỡ nếu các góa phụ gặp thiếu Gia-cơ 1:27.
thốn. Nếu một góa phụ không còn bà con gần hoặc những người này không có điều kiện trợ giúp, Kinh Thánh khuyên anh em cùng đức tin hãy làm điều đó: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ”.—Ai hành động theo những nguyên tắc này của Kinh Thánh thật sự “kính những người đàn-bà góa”. (1 Ti-mô-thê 5:3) Thật thế, tôn kính một người nghĩa là biểu lộ lòng kính trọng đối với người ấy. Người được tôn kính cảm thấy mình có giá trị, được yêu thương, được kính trọng. Họ không cảm thấy người khác giúp mình chỉ vì bổn phận. Ru-tơ, dù góa bụa trong một thời gian, đã thật sự tôn kính Na-ô-mi bằng cách sẵn lòng yêu thương chăm sóc đến những nhu cầu thể chất và tình cảm của mẹ chồng. Trên thực tế, thái độ của Ru-tơ tạo được tiếng tốt cho nàng, đến nỗi chồng tương lai của nàng nói: “Cả dân-sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền-đức”. (Ru-tơ 3:11) Tình yêu mến của Na-ô-mi dành cho Đức Chúa Trời cùng với tính dễ dãi và lòng cảm kích sâu đậm của bà đối với những nỗ lực của Ru-tơ hiển nhiên đã khiến nàng vui thích giúp đỡ bà. Na-ô-mi thật là một gương tốt cho những góa phụ ngày nay!
Đến gần Đức Chúa Trời
Dĩ nhiên, các thành viên trong gia đình và bạn bè không thể lấp đầy khoảng trống sau cái chết của người bạn đời. Vì lý do này, điều quan trọng là người bị mất mát cần đến gần “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn”. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Hãy xem xét gương của An-ne, một góa phụ mộ đạo 84 tuổi vào thời Chúa Giê-su sinh ra.
Sau khi kết hôn chỉ được bảy năm, An-ne góa chồng. Bà tìm nguồn an ủi nơi Đức Giê-hô-va. “[Bà] chẳng hề ra khỏi đền-thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu-nguyện”. (Lu-ca 2:36, 37) Đức Giê-hô-va có đáp ứng sự tin kính của An-ne không? Có! Ngài thể hiện tình yêu thương đối với bà một cách rất đặc biệt, cho bà nhìn thấy con trẻ sau này lớn lên sẽ làm Đấng Cứu Chuộc thế gian. Điều này chắc hẳn làm An-ne vui sướng và an ủi bà nhiều thay! Bà nghiệm thấy rõ ràng lẽ thật nơi Thi-thiên 37:4: “Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”.
Đức Chúa Trời hành động qua anh em tín đồ Đấng Christ
Elaine phát biểu: “Một thời gian rất lâu sau khi anh David mất, tôi bị đau về thể chất, như có một dao nhọn xoáy trong lồng ngực. Tôi ngỡ đó là chứng khó tiêu. Một ngày kia căn bệnh trở nên tệ đến nỗi tôi nghĩ mình phải đi khám bác sĩ. Một chị thiêng liêng đồng thời là một người bạn sáng suốt đã gợi ý rằng nỗi đau buồn có lẽ là nhân tố gây bệnh và khuyến khích tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và an ủi. Tôi làm theo lời khuyên của chị ngay, âm thầm cầu nguyện thiết tha, xin Đức Giê-hô-va nâng đỡ tôi trong nỗi đau buồn. Và Ngài quả đã đáp lời!” Elaine cảm thấy khá hơn, không lâu sau đó cơn đau về thể chất cũng biến mất.
Các trưởng lão hội thánh có thể đặc biệt tử tế bày tỏ tình bằng hữu đối với những góa phụ buồn khổ. Nhờ đều đặn nâng đỡ và an ủi về phương diện thiêng liêng một cách tế nhị và sáng suốt, các trưởng lão có thể giúp họ gần gũi Đức Giê-hô-va bất chấp mọi thử thách. Các trưởng lão cũng sắp đặt sự ủng hộ về vật chất cho những ai có nhu cầu. Những trưởng lão trắc ẩn và sáng suốt như thế thật sự là “nơi núp gió”.—Ê-sai 32:2; Công-vụ 6:1-3.
Niềm an ủi vĩnh cửu từ Vua mới của đất
Người mà bà lão An-ne vui mừng nhìn thấy hai ngàn năm trước đây giờ trở thành Vua Mê-si của Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Còn ít lâu nữa, chính phủ của Nước này sẽ loại trừ mọi nguyên nhân gây buồn khổ, kể cả sự chết. Khải-huyền 21:3, 4 nói về điều này: “Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người... Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. Bạn có chú ý đoạn này nói đến “loài người” không? Đúng thế, loài người sẽ được giải thoát khỏi sự chết, khỏi mọi nỗi buồn và than khóc do sự chết gây ra.
Nhưng còn có một tin vui hơn nữa! Kinh Thánh hứa người chết sẽ được sống lại. “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài [Chúa Giê-su] và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Giống như La-xa-rơ đã được Chúa Giê-su làm sống lại, người chết sẽ sống lại như người phàm, không phải thần linh. (Giăng 11:43, 44) Sau đó những ai “làm lành” sẽ trở nên người hoàn toàn và cảm nghiệm được sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va giống như một người cha “xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”.—Thi-thiên 145:16.
Ai đã mất người thân vì sự chết và đặt đức tin nơi hy vọng chắc chắn này sẽ tìm thấy nguồn an ủi lớn lao. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13) Vậy, nếu là người góa bụa, bạn hãy “cầu-nguyện không thôi” để hàng ngày được an ủi và giúp đỡ hầu gánh vác được nhiều trách nhiệm khác nhau. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; 1 Phi-e-rơ 5:7) Mỗi ngày hãy dành thì giờ đọc Lời Đức Chúa Trời để ý tưởng của Ngài an ủi bạn. Nếu làm những điều này, chính bạn sẽ cảm nhận Đức Giê-hô-va thật sự giúp bạn tìm thấy sự bình an, bất chấp mọi gian nan và thử thách mà bạn phải đương đầu dù là người góa bụa đi nữa.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Giúp đỡ hữu ích nghĩa là biết thăng bằng giữa việc tôn trọng sự riêng tư của người khác với việc sẵn sàng trợ giúp khi cần
[Hình nơi trang 7]
Góa phụ lớn tuổi An-ne được Đức Chúa Trời ban phước