Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh đóng thành một tập

Kinh Thánh đóng thành một tập

Kinh Thánh đóng thành một tập

NHẰM sao chép Kinh Thánh, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu là những người tiên phong trong việc dùng cuốn sách thay vì cuộn sách. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ không lập tức ghép tất cả các quyển sách của Kinh Thánh thành một tập. Flavius Cassiodorus, thuộc thế kỷ thứ sáu, là người góp công sức quan trọng trong việc gộp Kinh Thánh lại thành một tập.

Flavius Magnus Aurelius Cassiodorus sinh vào khoảng năm 485-490 CN trong một gia đình phong lưu ở Calabria, nằm trên một mũi đất ở miền nam nước Ý thời nay. Ông sống trong giai đoạn xáo trộn của lịch sử nước Ý khi bán đảo này nằm dưới ách đô hộ của người Goth, sau đó của người Byzantine. Khi được 60 hoặc 70 tuổi, Cassiodorus thành lập tu viện và thư viện Vivarium ở gần nhà ông tại Squillace, Calabria.

Một nhà soạn thảo Kinh Thánh cẩn trọng

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Cassiodorus là việc ghi chép Kinh Thánh. Sử gia Peter Brown viết: “Theo quan điểm của Cassiodorus, tổng thể nền văn hóa tiếng La-tinh đều phải góp phần cho việc ghi chép Kinh Thánh. Cần phải khai thác mọi phương tiện trước đây được sử dụng để nghiên cứu và sao chép những văn tự cổ điển để hiểu và sao chép Kinh Thánh một cách chính xác. Giống như một hành tinh hệ vừa mới thành lập, tổng thể nền văn hóa tiếng La-tinh phải xoay quanh quỹ đạo Lời Đức Chúa Trời giống như hành tinh xoay quanh mặt trời”.

Cassiodorus triệu tập những dịch giả và nhà văn phạm về tu viện Vivarium để đối chiếu toàn bộ Kinh Thánh và ông rất cẩn thận trông nom tiến trình soạn thảo. Ông chỉ giao phó công việc này cho vài nhà nghiên cứu uyên bác. Họ phải tránh hấp tấp sửa chữa những từ mà người ta cho rằng đã bị sai sót khi sao đi chép lại. Nếu có vấn đề liên quan đến ngữ pháp, thì họ phải xem các bản chép tay Kinh Thánh cổ có thẩm quyền hơn là cách dùng ngữ pháp La-tinh được công nhận. Cassiodorus ra chỉ thị: “Các đặc điểm về ngữ pháp... phải được bảo tồn, vì một văn bản cho là được soi dẫn không thể bị sai lạc... Các phương pháp diễn đạt trong Kinh Thánh, phép ẩn dụ và đặc ngữ phải được bảo tồn dù nghe lạ tai so với tiêu chuẩn tiếng La-tinh, cũng như các danh từ riêng trong ‘tiếng Hê-bơ-rơ’ ”.—The Cambridge History of the Bible.

Cuốn Codex Grandior

Các nhà sao chép ở tu viện Vivarium được giao cho nhiệm vụ chép ít nhất ba bản Kinh Thánh riêng biệt bằng tiếng La-tinh. Một trong các bản này, gồm chín tập, có lẽ chứa đựng bản dịch tiếng La-tinh Cổ, một bản dịch xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ hai. Một bản thứ nhì chứa đựng bản Vulgate bằng tiếng La-tinh mà Jerome hoàn tất khoảng đầu thế kỷ thứ năm. Bản thứ ba, gọi là Codex Grandior, nghĩa là “tập sách lớn hơn”, được lấy ra từ ba văn bản Kinh Thánh. Cả hai bản cuối này gộp tất cả các quyển sách Kinh Thánh lại thành một tập.

Dường như Cassiodorus là người đầu tiên phát hành những quyển Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh được đóng thành một tập, đặt tên là pandectae. * Chắc chắn ông nhận ra rằng gộp tất cả các sách của Kinh Thánh lại thành một tập thì rất là tiện, đỡ phải mất thì giờ tra cứu nhiều quyển.

Từ miền nam nước Ý sang Quần Đảo Anh Quốc

Ít lâu sau khi Cassiodorus chết (rất có thể vào khoảng năm 583 CN), cuộc hành trình của cuốn Codex Grandior bắt đầu. Người ta nghĩ rằng vào thời đó, một phần của thư viện Vivarium đã được chuyển vào thư viện Lateran ở Rome. Vào năm 678 CN, tu viện trưởng Ceolfrith, người Ăng-lô-Xắc-xông, đến Rome và mang sách này theo khi ông về Anh Quốc. Vậy tập sách này được đưa vào tu viện song lập Wearmouth và Jarrow, cả hai đều do ông Ceolfrith cai quản. Hai tu viện này nằm trong vùng đất nay là Northumbria, Anh Quốc.

Hẳn là cuốn Kinh Thánh đóng thành một tập của Cassiodorus đã gây nhiều ấn tượng và thu hút Ceolfrith và các tu sĩ dưới quyền vì tính chất dễ dùng của loại sách này. Vậy, chỉ trong vòng vài chục năm, họ chép thêm ba cuốn Kinh Thánh trọn bộ khác. Trong số đó hiện nay chỉ còn sót lại một cuốn chép tay to lớn gọi là Codex Amiatinus, gồm 2.060 trang làm bằng da dê, khổ 51 x 33 centimét. Cuốn Kinh Thánh đó dày 25 centimét, và cân nặng 34 kilogram tính luôn bìa. Đó là cuốn Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh đóng thành một tập trọn bộ xưa nhất vẫn còn tồn tại. Học giả Kinh Thánh nổi tiếng, Fenton J. A. Hort, thuộc thế kỷ 19, đã nhận ra tập sách này vào năm 1887. Ông Hort bình luận: “Cho đến một người hiện đại sống vào thế kỷ 19 cũng phải thán phục một bản [chép tay] phi thường dường ấy”.

Trở lại Ý

Hiện nay không ai tìm đâu ra cuốn Codex Grandior do Cassiodorus sai làm. Nhưng cuốn Codex Amiatinus, hậu duệ Ăng-lô-Xắc-xông của nó, đã bắt đầu trở lại Ý ít lâu sau khi được hoàn tất. Một thời gian ngắn trước khi chết, Ceolfrith quyết định trở lại Rome. Ông đem theo một trong ba bản Kinh Thánh chép tay bằng tiếng La-tinh để tặng cho Giáo Hoàng Gregory II. Trên đường đi, Ceolfrith chết tại Langres, Pháp, vào năm 716 CN. Nhưng cuốn Kinh Thánh tiếp tục cuộc hành trình với những người đi với ông. Cuối cùng, cuốn sách đó được đưa vào thư viện của tu viện Mount Amiata, ở miền trung nước Ý, do đó nó được gọi là Codex Amiatinus. Vào năm 1782, bản Kinh Thánh chép tay này được chuyển sang Thư Viện Medicean-Laurentian ở Florence, Ý. Trong thư viện đó, cuốn Codex Amiatinus đã trở thành một trong những bộ sưu tập quý báu nhất.

Cuốn Codex Grandior đã ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Kể từ thời Cassiodorus, những người sao chép và in ấn ngày càng thích sản xuất Kinh Thánh đóng thành một tập. Mãi cho đến tận ngày nay, có Kinh Thánh dưới dạng này dễ cho người ta tham khảo và do đó nhận lãnh lợi ích nhờ quyền lực của Kinh Thánh trên đời sống của họ.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

^ đ. 9 Các cuốn Kinh Thánh Hy Lạp trọn bộ dường như được lưu hành từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm.

[Bản đồ nơi trang 29]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Cuộc hành trình của cuốn Codex Grandior

Vivarium

Rome

Jarrow

Wearmouth

Cuộc hành trình của cuốn Codex Amiatinus

Jarrow

Wearmouth

Mt. Amiata

Florence

[Nguồn tư liệu]

Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.

[Các hình nơi trang 30]

Phía trên: Codex Amiatinus Bên trái: Hình vẽ E-xơ-ra trong cuốn Codex Amiatinus

[Nguồn tư liệu]

Biblioteca Medicea Laurenziana, Firenze