Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn người hôn phối

Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn người hôn phối

Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn người hôn phối

“Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”.—THI-THIÊN 32:8.

1. Hôn nhân hạnh phúc cần có những yếu tố nào?

MỘT diễn viên đu bay tung mình khỏi dàn đu, gập người, và điêu luyện nhào lộn trên không. Rồi anh duỗi thẳng người ra, giơ tay cho diễn viên đang lộn ngược trên dàn đu bên kia bắt lấy. Một đôi vận động viên trượt băng nghệ thuật cùng nhau lướt nhẹ trên sân băng. Bất ngờ, vận động viên nam nâng bạn diễn lên và thảy nàng trên không. Nàng xoay tít, duyên dáng đáp xuống trên một chân, rồi tiếp tục lượn tròn trên sân băng cùng bạn diễn. Cả hai tiết mục đều có vẻ rất dễ dàng. Nhưng nếu không luyện tập, không có bạn đồng diễn giỏi, và đặc biệt là không được hướng dẫn đúng đắn thì sẽ chẳng ai dám thử. Tương tự như thế, một hôn nhân hạnh phúc cũng có vẻ là chuyện tự nhiên. Nhưng không hẳn thế, nó còn tùy thuộc vào việc có người hôn phối tốt, có sự cố gắng hỗ trợ lẫn nhau và đặc biệt là có những lời khuyên khôn ngoan. Thật vậy, không thể thiếu sự hướng dẫn đúng đắn.

2. (a) Ai đã thiết lập hôn nhân, và với mục đích gì? (b) Một số hôn nhân đã được sắp đặt như thế nào?

2 Việc thanh niên nam nữ chưa lập gia đình muốn tìm người hôn phối—người bạn đời—là điều tự nhiên. Hôn nhân giữa nam nữ là sự sáng lập của Đức Chúa Trời và lâu nay vẫn là một thông lệ trong cuộc sống. Người đàn ông đầu tiên, A-đam, không tự ý chọn vợ nhưng chính Đức Giê-hô-va yêu thương đã ban nàng cho ông. (Sáng-thế Ký 2:18-24) Ngài muốn cặp vợ chồng đầu tiên sanh con cái, để dần dần có nhân loại đầy khắp đất. Sau cuộc nhân duyên đầu tiên, hôn nhân thường do cha mẹ của cô dâu và chú rể sắp đặt, đôi khi với sự đồng tình của các đương sự. (Sáng-thế Ký 21:21; 24:2-4, 58; 38:6; Giô-suê 15:16, 17) Mặc dù hôn nhân do cha mẹ sắp đặt vẫn còn phổ biến tại vài xứ và trong một số nền văn hóa, nhưng ngày nay đa số đều tự chọn người hôn phối.

3. Làm thế nào để chọn người hôn phối?

3 Vậy, làm thế nào để chọn người hôn phối? Một số người bị tác động bởi bề ngoài đẹp mắt và quyến rũ. Một số khác chú trọng đến lợi ích vật chất, tìm người có thể chu cấp đầy đủ, thỏa mãn mọi nhu cầu và mong muốn của họ. Nhưng chỉ hai cách chọn này thôi có tạo nên mối quan hệ hạnh phúc và mãn nguyện không? Châm-ngôn 31:30 nói: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không; nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi”. Câu này chứa đựng một ý quan trọng: Hãy nghĩ đến Đức Giê-hô-va khi lựa chọn người hôn phối.

Sự hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Chúa Trời

4. Đức Chúa Trời ban cho sự giúp đỡ nào trong việc lựa chọn người hôn phối?

4 Cha trên trời đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va, đã cho viết ra Lời Ngài để hướng dẫn chúng ta trong mọi vấn đề. Ngài nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. (Ê-sai 48:17) Vì thế, thật dễ hiểu khi Kinh Thánh có sự hướng dẫn cho mọi thời về cách chọn người hôn phối. Đức Giê-hô-va muốn hôn nhân của chúng ta được lâu bền và hạnh phúc. Vì vậy, Ngài giúp chúng ta hiểu và áp dụng sự hướng dẫn này. Chẳng phải đó là điều chúng ta trông đợi nơi Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương sao?—Thi-thiên 19:8.

5. Điều gì là tối quan trọng để có được hạnh phúc lâu bền trong hôn nhân?

5 Khi thiết lập hôn nhân, Đức Giê-hô-va muốn đó là một sợi dây gắn bó lâu dài. (Mác 10:6-12; 1 Cô-rinh-tô 7:10, 11) Đó là lý do tại sao Ngài “ghét người nào bỏ vợ” và chỉ cho phép ly dị khi có sự “ngoại-tình”. (Ma-la-chi 2:13-16; Ma-thi-ơ 19:9) Vì thế, lựa chọn người hôn phối là một trong những bước quan trọng nhất trong cuộc đời, không nên xem thường. Ít có quyết định nào có thể làm cho đời người được hạnh phúc hay bị đau khổ đến thế. Chọn đúng có thể làm cuộc sống thêm phong phú, mãn nguyện, nhưng trái lại, sự lựa chọn sai lầm có thể khiến một người phải đau khổ mãi mãi. (Châm-ngôn 21:19; 26:21) Để được hạnh phúc vững bền, điều tối quan trọng là phải lựa chọn khôn ngoan và sẵn sàng kết ước lâu dài, vì Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân như mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển dựa trên sự hòa hợp và hợp tác.—Ma-thi-ơ 19:6.

6. Tại sao những người trẻ cần đặc biệt cẩn thận khi lựa chọn người hôn phối, và làm sao họ có thể quyết định khôn ngoan nhất?

6 Những người trẻ cần đặc biệt cẩn thận không để vẻ bề ngoài lôi cuốn và những kích thích nhục dục mạnh mẽ bóp méo sự suy xét khi lựa chọn người hôn phối. Thật vậy, nếu một mối quan hệ chỉ thuần túy dựa trên những nhân tố đó, thì nó có thể nhanh chóng bị rạn nứt, khiến hai bên khinh miệt, thậm chí thù ghét nhau. (2 Sa-mu-ên 13:15) Trái lại, tình yêu bền vững được vun đắp thêm khi chúng ta dần dần hiểu về người hôn phối hơn cũng như về chính mình. Cũng cần biết rằng những gì lòng mình ao ước lúc đầu không hẳn là điều tốt nhất cho chúng ta. (Giê-rê-mi 17:9) Đó là lý do tại sao sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta biết cách quyết định khôn ngoan nhất trong cuộc sống. Qua người viết Thi-thiên, Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”. (Thi-thiên 32:8; Hê-bơ-rơ 4:12) Hôn nhân có thể thỏa mãn nhu cầu tự nhiên về tình yêu và tình bạn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự thành thục và khả năng suy xét.

7. Tại sao một số người không chấp nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh về việc chọn người hôn phối, nhưng thái độ đó có thể dẫn đến hậu quả nào?

7 Khôn ngoan là nên lắng nghe lời dạy của Đấng Sáng Lập hôn nhân về việc lựa chọn người hôn phối. Thế nhưng, có thể chúng ta không muốn nhận những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh của cha mẹ hoặc các trưởng lão. Có thể chúng ta cảm thấy họ không hoàn toàn hiểu chúng ta, hơn nữa những cảm xúc mạnh mẽ lại thôi thúc chúng ta làm theo lòng mình muốn. Nhưng khi đối mặt với thực tế, chúng ta có thể sẽ phải hối tiếc vì đã không nghe theo những lời khuyên hữu ích đó. (Châm-ngôn 23:19; 28:26) Sau này có thể phải rơi vào một hôn nhân không tình yêu, gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, và thậm chí có người hôn phối không tin đạo. Đáng buồn biết bao nếu một sắp đặt lẽ ra phải đem lại nhiều hạnh phúc cho chúng ta lại trở thành một nguồn đau khổ!

Sự tin kính—Một yếu tố then chốt

8. Sự tin kính giúp hôn nhân hạnh phúc lâu bền như thế nào?

8 Đồng ý là sự hấp dẫn lẫn nhau giúp hôn nhân thêm vững chắc, nhưng có cùng thước đo giá trị vẫn quan trọng hơn để đời sống hôn nhân được lâu bền và hạnh phúc. Không có yếu tố nào củng cố sự hợp nhất và bền chặt của hôn nhân cho bằng việc cả hai cùng hết lòng phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 4:12) Khi một cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống, họ được hợp nhất về thiêng liêng, tinh thần và đạo đức. Họ cùng nhau học Lời Đức Chúa Trời, cùng nhau cầu nguyện, và điều đó giúp cả hai đồng lòng. Họ cùng đi nhóm họp và cùng làm thánh chức. Tất cả điều này tạo sợi dây gắn bó về thiêng liêng, giúp họ gần gũi nhau hơn. Và quan trọng hơn nữa là điều đó đem lại sự ban phước của Đức Giê-hô-va.

9. Áp-ra-ham đã làm gì để tìm vợ cho Y-sác, và kết quả ra sao?

9 Tộc trưởng trung thành Áp-ra-ham là người tin kính nên đã tìm cách làm hài lòng Đức Chúa Trời khi chọn vợ cho con trai là Y-sác. Ông nói với người đầy tớ tin cẩn của mình: “Ta sẽ biểu ngươi chỉ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của trời và đất, mà thề rằng: ngươi không cưới một cô nào trong bọn con gái của dân Ca-na-an, tức giữa dân ấy ta trú-ngụ, làm vợ cho con trai ta. Nhưng hãy đi về quê-hương ta, trong vòng bà-con ta, cưới một người vợ cho Y-sác, con trai ta... Chánh [Đức Giê-hô-va] sẽ sai thiên-sứ đi trước ngươi, và nơi đó ngươi hãy cưới một vợ cho con trai ta”. Rê-bê-ca đã chứng tỏ là một người vợ xuất sắc mà Y-sác vô cùng yêu quý.—Sáng-thế Ký 24:3, 4, 7, 14-21, 67.

10. Vợ chồng có những bổn phận nào theo Kinh Thánh?

10 Nếu là tín đồ Đấng Christ chưa kết hôn, sự tin kính sẽ giúp chúng ta vun trồng những đức tính cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của hôn nhân theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Bổn phận của vợ chồng bao gồm những điều được sứ đồ Phao-lô nêu ra nơi đây: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa... Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh... Chồng phải yêu vợ như chính thân mình... Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”. (Ê-phê-sô 5:22-33) Rõ ràng là những lời được soi dẫn của Phao-lô nhấn mạnh sự cần thiết của tình yêu thương và sự kính trọng. Muốn làm theo lời khuyên này cần phải có sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Ngoài ra còn phải sống tận tụy với lời kết ước trong cả lúc vui lẫn lúc buồn. Những tín đồ Đấng Christ đang nghĩ đến việc kết hôn phải đảm đương được trách nhiệm này.

Khi nào nên kết hôn

11. (a) Theo Kinh Thánh, khi nào nên kết hôn? (b) Kinh nghiệm nào cho thấy làm theo lời khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô 7:36 (NW) là khôn ngoan?

11 Biết khi nào mình sẵn sàng để bước vào hôn nhân cũng là điều rất quan trọng. Kinh Thánh tuy không ấn định độ tuổi vì mỗi người một khác, nhưng cũng cho thấy tốt hơn là nên đợi đến “quá thời kỳ bồng bột”, khi những kích thích nhục dục mạnh mẽ có thể bóp méo sự suy xét của chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 7:36, NW) Michelle nói: “Khi thấy bạn bè hẹn hò và lập gia đình, nhiều khi ở độ tuổi mới lớn, đôi khi tôi thấy khó áp dụng lời khuyên này. Nhưng rồi tôi ý thức rằng đây là lời khuyên của Đức Giê-hô-va, và Ngài chỉ dạy chúng ta những gì có ích. Nhờ biết chờ đợi, tôi đã có thời gian vun đắp mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và thu thập thêm những kinh nghiệm sống không thể có được ở tuổi vị thành niên. Vài năm sau, tôi được chuẩn bị tốt hơn để gánh vác những trách nhiệm cũng như đối phó với những vấn đề rắc rối trong cuộc sống hôn nhân”.

12. Tại sao nên tránh vội vã kết hôn khi còn trẻ?

12 Những người vội vã kết hôn khi còn quá trẻ thường thấy nhu cầu và ước muốn của mình thay đổi khi trưởng thành. Khi đó, họ nhận thấy những gì mình rất ưa chuộng trước đây, nay không còn quan trọng nữa. Một tín đồ Đấng Christ quyết định lập gia đình lúc 16 tuổi. Bà ngoại và mẹ chị đều kết hôn ở tuổi đó. Khi người yêu từ chối kết hôn với chị vào lúc đó, chị chọn một người khác. Về sau, chị vô cùng ân hận về quyết định vội vã của mình.

13. Những người kết hôn quá sớm thường thiếu điều gì?

13 Khi nghĩ đến việc kết hôn, điều quan trọng là phải hiểu đúng và đầy đủ những gì bao hàm trong hôn nhân. Kết hôn quá sớm thường đưa đến nhiều vấn đề mà một cặp vợ chồng còn non trẻ chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối phó. Họ thiếu thành thục và kinh nghiệm cần thiết để đương đầu với những căng thẳng trong hôn nhân và việc nuôi dạy con cái. Chỉ nên kết hôn khi đã sẵn sàng về thể chất, tinh thần và thiêng liêng để bước vào một quan hệ hợp tác lâu dài.

14. Cần có gì để giải quyết những tình huống căng thẳng trong đời sống hôn nhân?

14 Phao-lô nói những người lập gia đình “sẽ có sự khó-khăn về xác-thịt”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Nhiều vấn đề nẩy sinh vì hai người là hai nhân cách khác nhau và sẽ có quan điểm bất đồng. Do bất toàn chúng ta cũng khó chu toàn vai trò làm vợ làm chồng như Kinh Thánh dạy. (1 Cô-rinh-tô 11:3; Cô-lô-se 3:18, 19; Tít 2:4, 5; 1 Phi-e-rơ 3:1, 2, 7) Phải có sự thành thục và vững vàng về thiêng liêng để tìm kiếm và áp dụng sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời hầu giải quyết những tình huống căng thẳng một cách yêu thương.

15. Cha mẹ có thể đóng vai trò nào trong việc chuẩn bị cho con cái bước vào hôn nhân? Hãy minh họa.

15 Cha mẹ có thể chuẩn bị cho con cái bước vào hôn nhân bằng cách giúp chúng hiểu tầm quan trọng của việc vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Cha mẹ có thể khéo sử dụng Kinh Thánh và các ấn phẩm của đạo Đấng Christ để giúp con cái hay người hôn phối tương lai của con hiểu chúng đã sẵn sàng kết hôn hay chưa. * Blossom, 18 tuổi, nghĩ mình đã yêu một anh trẻ trong hội thánh. Anh ta là một người truyền giáo trọn thời gian và họ muốn kết hôn. Nhưng cha mẹ chị bảo nên chờ thêm một năm nữa vì nghĩ chị còn quá trẻ. Sau này, Blossom viết: “Tôi rất mừng là mình đã nghe theo lời khuyên khôn ngoan đó. Qua năm sau, tôi đã trưởng thành hơn nên bắt đầu nhận thấy rằng anh ta không đủ tư cách làm người chồng tốt. Cuối cùng, anh ta bỏ đạo; tôi tránh được một thảm họa cho đời mình. Có cha mẹ khôn ngoan với khả năng suy xét đáng tin cậy thật tuyệt vời biết bao!”

Kết hôn “theo ý Chúa”

16. (a) Các tín đồ Đấng Christ có thể bị thử thách nào khi muốn kết hôn “theo ý Chúa”? (b) Khi yếu lòng muốn kết hôn với người không tin đạo, người tín đồ Đấng Christ nên suy ngẫm về điều gì?

16 Đức Giê-hô-va cho tín đồ Đấng Christ sự hướng dẫn rất rõ ràng: Kết hôn “theo ý Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39) Đây có thể là một thử thách đối với các gia đình tín đồ Đấng Christ. Vì sao? Có khi các người trẻ mong muốn lập gia đình nhưng trong hội thánh lại thiếu “đối tượng”, hay có vẻ như thế. Có thể là vì ở nơi nào đó, các anh độc thân ít hơn các chị, hoặc vì không tìm được người thích hợp. Có thể một anh trẻ không phải là thành viên đã báp têm của hội thánh tỏ ra chú ý đến một chị tín đồ (hoặc ngược lại). Vì áp lực, cha mẹ và chị đó có thể xem nhẹ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Trong hoàn cảnh đó, tốt hơn nên suy ngẫm về gương mẫu của Áp-ra-ham. Ông gìn giữ mối liên lạc tốt với Đức Chúa Trời bằng cách chu đáo lo cho con trai kết hôn với người thật sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Y-sác cũng làm như vậy với con là Gia-cốp. Tất nhiên những người trong cuộc đều cần nỗ lực, nhưng điều đó làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước.—Sáng-thế Ký 28:1-4.

17. Tại sao kết hôn với một người chưa tin đạo rất có thể dẫn đến hậu quả tai hại, và lý do quan trọng nhất để kết hôn “theo ý Chúa” là gì?

17 Trong vài trường hợp người chưa tin đạo cuối cùng đã trở thành tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, kết hôn với người chưa tin thường dẫn đến hậu quả tai hại. Những người mang ách không cân xứng như thế khó chia sẻ niềm tin, tiêu chuẩn đạo đức và mục tiêu. (2 Cô-rinh-tô 6:14) Điều đó có thể tác hại đến mối liên lạc và hạnh phúc lứa đôi. Chẳng hạn, một chị tín đồ Đấng Christ rất buồn vì không thể chia sẻ những điều thiêng liêng với người hôn phối chưa tin sau buổi nhóm họp đầy xây dựng. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa việc kết hôn “theo ý Chúa” còn là vấn đề trung thành với Đức Giê-hô-va. “Lòng mình không cáo-trách” khi chúng ta theo Lời Đức Chúa Trời mà làm những điều “đẹp ý Ngài”.—1 Giăng 3:21, 22.

18. Khi nghĩ đến hôn nhân, một người nên chú ý đến những vấn đề quan trọng nào, và tại sao?

18 Khi nghĩ đến hôn nhân, trước hết nên xem xét đức độ và thiêng liêng tính của người hôn phối tương lai. Nhân cách tín đồ Đấng Christ, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và sự tin kính hết lòng có giá trị hơn hẳn vẻ đẹp bề ngoài. Những ai xem trọng và chu toàn bổn phận để trở thành người hôn phối mạnh mẽ về thiêng liêng sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Một cặp vợ chồng được vững bền nhất khi cả hai cùng hết lòng phụng sự Đấng Tạo Hóa và hoàn toàn chấp nhận sự hướng dẫn của Ngài. Như thế, Đức Giê-hô-va được tôn vinh, hôn nhân được đặt trên nền tảng vững chắc về thiêng liêng càng thêm bền chặt.

[Chú thích]

^ đ. 15 Xem Tháp Canh ngày 15-2-1999, trang 4-8.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao cần có sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời khi lựa chọn người hôn phối?

• Sự tin kính giúp củng cố sợi dây hôn nhân như thế nào?

• Làm thế nào cha mẹ có thể chuẩn bị cho con cái bước vào hôn nhân?

• Tại sao kết hôn “theo ý Chúa” là quan trọng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 17]

Áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời trong việc chọn người hôn phối có thể đem lại nhiều hạnh phúc

[Các hình nơi trang 18]

Kết hôn “theo ý Chúa” đem lại nhiều ân phước dồi dào