Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng

Xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng

Xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng

“Hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”.​—Ê-PHÊ-SÔ 6:4.

1. Đức Chúa Trời có ý định gì đối với gia đình, nhưng ngược lại, điều gì đã xảy ra?

“HÃY sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Qua những lời trên nói với A-đam và Ê-va, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sáng lập gia đình. (Ê-phê-sô 3:14, 15) Hướng về tương lai, cặp vợ chồng đầu tiên hẳn có thể hình dung trước cảnh tượng khắp trái đất đầy dẫy con cháu họ—một đại gia đình gồm những người hoàn toàn vui sống trong địa đàng và hợp nhất thờ phượng Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Nhưng A-đam và Ê-va sa vào tội lỗi, và trái đất không đầy dẫy những người công bình, kính sợ Đức Chúa Trời. (Rô-ma 5:12) Thay vì thế, đời sống gia đình nhanh chóng suy đồi, sự ghen ghét, bạo lực và “vô-tình” trở thành phổ biến, đặc biệt trong những “ngày sau-rốt” này.—2 Ti-mô-thê 3:1-5; Sáng-thế Ký 4:8, 23; 6:5, 11, 12.

2. Con cháu của A-đam có những khả năng nào, nhưng muốn xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng thì cần có gì?

2 A-đam và Ê-va được tạo ra như hình Đức Chúa Trời. Dù phạm tội, A-đam vẫn được Đức Giê-hô-va cho phép sinh con. (Sáng-thế Ký 1:27; 5:1-4) Giống như tổ tiên, con cháu của A-đam có ý thức về đạo đức và có thể học cách phân biệt điều gì đúng, điều gì sai. Họ có thể học cách thờ phượng Đấng Tạo Hóa cũng như tầm quan trọng của việc hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức yêu mến Ngài. (Mác 12:30; Giăng 4:24; Gia-cơ 1:27) Hơn nữa, họ có thể được dạy “làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”. (Mi-chê 6:8) Tuy nhiên, là người bất toàn, họ cần có sự quan tâm cao độ mới có thể xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng.

Lợi dụng thì giờ

3. Cha mẹ có thể “lợi-dụng thì-giờ” như thế nào để nuôi dạy con cái theo đạo Đấng Christ?

3 Trong thời kỳ phức tạp, khó khăn này, cha mẹ cần phải dốc sức cố gắng nhiều mới giúp con cái trở thành “những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va” và thật lòng “ghét sự ác”. (Thi-thiên 97:10) Cha mẹ khôn ngoan sẽ “lợi-dụng thì-giờ” để đương đầu với thách thức này. (Ê-phê-sô 5:15-17) Nếu là cha mẹ, bạn có thể làm điều này như thế nào? Trước hết, hãy sắp đặt thứ tự ưu tiên, lưu tâm đến những “điều quan trọng hơn”, kể cả giáo dục và huấn luyện con cái. (Phi-líp 1:10, 11, NW) Kế đến, hãy giản dị hóa đời sống. Có lẽ bạn sẽ phải gạt qua một bên một số hoạt động không thật sự cần thiết. Hoặc có lẽ bạn cần phải loại bỏ một số của cải vừa không cần thiết vừa mất thì giờ bảo quản. Là cha mẹ theo đạo Đấng Christ, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã dốc mọi nỗ lực nuôi dạy con cái biết kính sợ Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 29:15, 17.

4. Làm sao có thể giữ cho một gia đình được hợp nhất?

4 Dành thì giờ cho con cái, đặc biệt cho việc thiêng liêng, thật đáng công sức và là một trong những cách tốt nhất giúp gia đình được hợp nhất. Nhưng chớ phó mặc cho sự ngẫu nhiên. Hãy sắp xếp trước thì giờ sinh hoạt chung. Điều này không có nghĩa là chỉ sống chung nhà mà mạnh ai nấy sống. Trẻ con phát triển tốt nhất nếu hàng ngày được lưu tâm đến. Cần biểu lộ lòng yêu thương và quan tâm thật nhiều đến nhau. Ngay cả trước khi quyết định sinh con, các cặp vợ chồng phải xem xét một cách nghiêm túc trọng trách này. (Lu-ca 14:28) Như vậy, thay vì xem việc nuôi con là một gánh nặng, thì họ sẽ xem đó là một ân phước và đặc ân.—Sáng-thế Ký 33:5; Thi-thiên 127:3.

Dạy dỗ qua lời nói và gương mẫu

5. (a) Việc dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va bắt đầu với điều gì? (b) Cha mẹ nhận được lời khuyên nào nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7?

5 Bạn dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va trước hết bằng cách chính bạn yêu mến Ngài. Lòng yêu thương mạnh mẽ đối với Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy bạn trung thành theo sát mọi sự chỉ dẫn của Ngài. Điều này bao gồm việc “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” để nuôi dạy con cái. (Ê-phê-sô 6:4) Đức Chúa Trời khuyên cha mẹ nêu gương cho con cái, nói chuyện với chúng và dạy dỗ chúng. Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7 nói: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. Nhờ thường xuyên khuyên bảo và nhắc nhở, bạn có thể khắc ghi những điều răn của Đức Chúa Trời vào lòng con cái. Nhờ vậy, con cái của bạn cảm nhận rằng bạn yêu thương Đức Giê-hô-va, và điều này sẽ thúc đẩy chúng cũng vun trồng sự mật thiết với Ngài nữa.—Châm-ngôn 20:7.

6. Cha mẹ có thể tận dụng việc trẻ con học hỏi qua gương mẫu như thế nào?

6 Trẻ con nôn nóng học hỏi. Chúng thường thính tai, tinh mắt và nhanh chóng bắt chước. Khi thấy bạn không chạy theo vật chất, điều này giúp chúng tập làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su. Bạn dạy chúng không lo lắng về vật chất nhưng “trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 6:25-33) Khi trò chuyện với con một cách lành mạnh và xây dựng về lẽ thật Kinh Thánh, về hội thánh Đức Chúa Trời và các trưởng lão được bổ nhiệm là bạn đang dạy chúng kính trọng Đức Giê-hô-va và quý trọng những sự cung cấp thiêng liêng của Ngài. Vì trẻ con mau mắn nhận ra những sự mâu thuẫn, nên lời nói của bạn phải đi đôi với việc làm, tức hạnh kiểm và thái độ quý trọng sâu xa đối với những điều thiêng liêng. Thật là một ân phước khi cha mẹ nhìn thấy gương mẫu tốt của họ đã giúp con cái hết lòng yêu thương Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 23:24, 25.

7, 8. Thí dụ nào cho thấy giá trị của việc dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu, và nhờ ai mới được thành công?

7 Giá trị của việc dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu có thể thấy được qua một thí dụ ở Venezuela. (2 Ti-mô-thê 3:15) Câu chuyện liên quan đến cặp vợ chồng trẻ là Félix và Mayerlín, hai người tiên phong. Khi bé trai Felito ra đời, họ sốt sắng gắng hết sức nuôi con trở thành một người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va. Chị Mayerlín bắt đầu đọc lớn tiếng Sách kể chuyện Kinh-thánh, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, cho bé Felito nghe. Khi còn thơ ấu, dường như bé Felito đã có thể nhận ra ai là Môi-se và những người khác được vẽ trong sách này.

8 Khi hãy còn rất nhỏ, Felito bắt đầu rao giảng một mình. Em đã thực hiện được ước muốn làm người công bố Nước Trời và sau đó làm báp têm. Cuối cùng em trở thành người tiên phong đều đều. Cha mẹ em nói: “Khi nhìn con chúng tôi tiến bộ, chúng tôi hiểu ra rằng nhờ Đức Giê-hô-va và sự dạy dỗ của Ngài mới có ngày hôm nay”.

Giúp đỡ con cái lớn lên về thiêng liêng

9. Tại sao chúng ta nên biết ơn về sự dạy dỗ thiêng liêng nhận được qua lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan?

9 Có nhiều tạp chí, hàng trăm cuốn sách, và hàng ngàn trang Web cho lời khuyên về cách nuôi dạy con. Tạp chí Newsweek ra một số đặc biệt nói về trẻ con, nói rằng rất thường xảy ra chuyện “thông tin mâu thuẫn với nhau... Điều còn đáng sửng sốt hơn nhiều là thông tin mà bạn xem là đáng tin cậy hóa ra lại hoàn toàn sai lầm”. Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì Ngài đã cung cấp nhiều cách hướng dẫn các gia đình và giúp họ phát triển về mặt thiêng liêng! Bạn có tận dụng tất cả những sự cung cấp qua lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan không?—Ma-thi-ơ 24:45-47.

10. Một buổi học gia đình hữu hiệu có ích gì cho cả cha mẹ lẫn con cái?

10 Một nhu cầu rất trọng yếu là một học hỏi Kinh Thánh gia đình đều đặn, nhất định, diễn ra trong bầu không khí thoải mái. Cần phải sửa soạn trước một cách kỹ lưỡng để làm cho buổi học gia đình bổ ích, thú vị và đầy khích lệ. Cha mẹ có thể biết lòng và trí con cái bằng cách thăm dò cảm nghĩ của chúng. Một cách để gia đình nhận định xem buổi học chung của họ có hữu hiệu hay không là dò xét xem mọi người trong gia đình có mong chờ giờ học hay không.

11. (a) Cha mẹ có thể giúp con cái đặt mục tiêu nào? (b) Một em gái người Nhật đã theo đuổi mục tiêu của em với kết quả nào?

11 Các mục tiêu dựa trên Kinh Thánh cũng góp phần xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng. Cha mẹ nên giúp con cái đặt mục tiêu thích hợp, chẳng hạn như: đọc Kinh Thánh mỗi ngày, trở thành người công bố tin mừng đều đặn, tiến tới sự dâng mình và báp têm. Những mục tiêu khác có thể là: phụng sự trọn thời gian với tư cách một người tiên phong, một thành viên nhà Bê-tên, hoặc một giáo sĩ. Hồi còn học cấp một (tiểu học), một em gái người Nhật tên là Ayumi đặt mục tiêu làm chứng cho tất cả bạn học cùng lớp. Để gây sự chú ý của cô giáo và bạn học, em được phép trưng bày vài ấn phẩm giải thích Kinh Thánh trong thư viện của trường. Kết quả là em sắp xếp được 13 học hỏi Kinh Thánh trong sáu năm ở cấp một. Một trong các học viên Kinh Thánh đó và những người khác trong gia đình người đó đã làm báp têm trở thành tín đồ Đấng Christ.

12. Trẻ con có thể nhận được lợi ích nhiều nhất qua các buổi họp như thế nào?

12 Đều đặn dự các buổi họp cũng cần thiết để có sức khỏe thiêng liêng dồi dào. Sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ “chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm”. Chúng ta chớ tập thói quen ấy, vì việc đều đặn có mặt tại các buổi họp đạo Đấng Christ rất hữu ích cho người trẻ cũng như già. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25; Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12) Nên dạy trẻ con chăm chú lắng nghe. Cũng cần sửa soạn cho các buổi họp nữa, vì khi bình luận ta góp phần tích cực và nhận được lợi ích nhiều nhất. Dù một em nhỏ mới đầu chỉ nói được hai ba chữ hoặc đọc nguyên văn một phần của một đoạn, sẽ có nhiều lợi ích nếu trẻ em được huấn luyện tìm kiếm câu trả lời và phát biểu bằng lời lẽ riêng. Là cha mẹ, bạn có nêu gương bằng cách chính mình đều đặn bình luận một cách sâu sắc không? Ngoài ra, mỗi người trong gia đình nên có riêng một cuốn Kinh Thánh, sách hát và một bản của ấn phẩm đang được sử dụng để thảo luận về Kinh Thánh.

13, 14. (a) Tại sao cha mẹ nên rao giảng chung với con cái? (b) Điều gì sẽ khiến cho công việc rao giảng hữu ích và vui vẻ đối với con cái?

13 Cha mẹ nào khôn ngoan sẽ hướng năng lực thanh xuân của con cái vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va, giúp chúng xem công việc rao giảng là phần quan trọng trong đời sống. (Hê-bơ-rơ 13:15) Chỉ khi nào rao giảng chung với con cái, cha mẹ mới có thể chắc chắn rằng chúng nhận được sự huấn luyện cần thiết để làm những người truyền giáo “không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Vậy còn bạn thì sao? Nếu là cha mẹ, bạn có giúp con cái chuẩn bị trước cho công việc rao giảng không? Làm thế sẽ khiến cho chúng thấy thánh chức là điều vui vẻ, đầy ý nghĩa và sinh bông trái.

14 Tại sao việc cha mẹ và con cái rao giảng chung là hữu ích? Nhờ vậy, con cái có thể nhận ra và noi theo gương tốt của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ có thể quan sát thái độ, cách cư xử và khả năng của con cái. Hãy nhớ dẫn chúng theo khi tham gia nhiều khía cạnh khác nhau của thánh chức. Nếu có thể được, hãy cho mỗi con một cặp rao giảng riêng, dạy chúng giữ cặp ngăn nắp và gọn gàng. Nhờ huấn luyện và khuyến khích con cái một cách nhất quán, cha mẹ có thể xây đắp nơi chúng lòng quý trọng thánh chức, và chúng sẽ xem công việc rao giảng là một cách để tỏ lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận.—Ma-thi-ơ 22:37-39; 28:19, 20.

Gìn giữ sức khỏe thiêng liêng

15. Vì việc gìn giữ sức khỏe thiêng liêng của gia đình rất quan trọng, đâu là một số cách để làm điều này?

15 Gìn giữ sức khỏe thiêng liêng của gia đình là thiết yếu. (Thi-thiên 119:93) Một cách để làm điều này là thảo luận những vấn đề thiêng liêng mỗi khi có cơ hội. Bạn có thảo luận đoạn Kinh Thánh mỗi ngày với gia đình không? Bạn có thói quen kể lại những kinh nghiệm rao giảng hoặc những điểm đọc được trong các số tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! mới nhất “khi đi ngoài đường” không? Bạn có nhớ cám ơn Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện về sự sống nhận được mỗi ngày và về những sự sắp đặt dồi dào của Ngài “lúc [bạn] nằm, hay là khi chỗi dậy” không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9) Khi con cái nhìn thấy bạn phản ánh lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời qua mọi sự bạn làm, điều này sẽ giúp chúng tự ý chọn theo lẽ thật.

16. Có lợi ích gì khi khuyến khích con cái tự tra cứu tài liệu?

16 Đôi khi con cái cần sự hướng dẫn để đối phó thành công với một số vấn đề. Thay vì luôn luôn bảo chúng phải làm gì, tại sao lại không chỉ cho chúng biết tìm kiếm quan điểm của Đức Chúa Trời về sự việc bằng cách khuyến khích chúng tự tra cứu lấy? Dạy con cái tận dụng tất cả các công cụ và ấn phẩm do lớp người “đầy-tớ trung-tín” cung cấp sẽ giúp chúng vun trồng một mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va. (1 Sa-mu-ên 2:21b) Và khi chúng chia sẻ kết quả của cuộc tra cứu với những người khác trong gia đình, tính thiêng liêng của cả gia đình được tăng cường.

Tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va

17. Tại sao cha mẹ đơn chiếc không nên tuyệt vọng khi phải nuôi dạy con cái theo đạo Đấng Christ?

17 Còn các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thì sao? Họ lại có thêm những thách thức khác khi nuôi dạy con cái. Nhưng hỡi các cha mẹ đơn chiếc, chớ ngã lòng! Các bạn có thể thành công, như trường hợp của nhiều cha mẹ đơn chiếc tin cậy nơi Đức Chúa Trời, vâng theo những lời khuyên của Ngài, và đã nuôi dạy con cái lớn lên thành người tốt, mạnh mẽ về thiêng liêng. (Châm-ngôn 22:6) Dĩ nhiên, tín đồ Đấng Christ là cha mẹ đơn chiếc cần nương tựa hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Họ phải tin chắc rằng Ngài sẽ giúp đỡ.—Thi-thiên 121:1-3.

18. Cha mẹ nên chú ý đến nhu cầu thể chất và trí tuệ nào của con trẻ, nhưng nên đặc biệt nhấn mạnh điều gì?

18 Cha mẹ nào khôn ngoan hiểu rằng ‘có kỳ cười và có kỳ nhảy-múa’. (Truyền-đạo 3:1, 4) Thì giờ nhàn rỗi và giải trí thăng bằng, lành mạnh là cần yếu để làm nảy nở trí tuệ và thân thể một đứa trẻ. Âm nhạc mang tính xây dựng và đặc biệt hát những bài hát ca ngợi Đức Chúa Trời sẽ giúp phát triển một thái độ lành mạnh, là điều đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố mối liên lạc với Đức Giê-hô-va. (Cô-lô-se 3:16) Nhưng tuổi trẻ cũng là thời gian chuẩn bị làm người lớn kính sợ Đức Chúa Trời để có thể tiếp tục vui hưởng đời sống mãi mãi trong một địa đàng trên đất.—Ga-la-ti 6:8.

19. Tại sao cha mẹ có thể tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực nuôi dạy con cái?

19 Đức Giê-hô-va muốn tất cả các gia đình đều là những đơn vị mạnh mẽ về thiêng liêng. Nếu chúng ta thật sự yêu mến Đức Chúa Trời và cố hết sức vâng theo Lời Ngài, Ngài sẽ ban phước cho những nỗ lực đó và cho chúng ta nghị lực cần thiết để noi theo sự chỉ bảo được Ngài soi dẫn. (Ê-sai 48:17; Phi-líp 4:13) Hãy nhớ rằng cơ hội mà bạn có hiện nay để dạy dỗ và huấn luyện con cái có giới hạn, và sẽ không lặp lại nữa. Hãy cố hết sức áp dụng lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời, và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho các nỗ lực của bạn nhằm xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng.

Chúng ta đã học được gì?

• Tại sao việc lợi dụng thì giờ khi dạy dỗ con cái là điều rất quan trọng?

• Tại sao cha mẹ cần phải làm gương tốt?

• Đâu là một số phương cách quan trọng để giúp con cái lớn lên về thiêng liêng?

• Sức khỏe thiêng liêng của một gia đình có thể được gìn giữ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 24, 25]

Gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng thường xuyên cùng nhau học hỏi Lời Đức Chúa Trời, đi dự các buổi họp và tham gia rao giảng