Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Nếu Đức Chúa Trời ở với chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?’

‘Nếu Đức Chúa Trời ở với chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?’

‘Nếu Đức Chúa Trời ở với chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?’

“Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp [“ở với”, “Trịnh Văn Căn”] chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?”—RÔ-MA 8:31.

1. Những ai đã ra khỏi Ai Cập cùng với dân Y-sơ-ra-ên, và điều gì thúc đẩy họ làm thế?

KHI dân Y-sơ-ra-ên được trả tự do sau 215 năm làm nô lệ ở Ai Cập, “có vô-số người ngoại-bang đi lên chung” với họ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38) Những người ngoại này đã chứng kiến mười tai vạ kinh khiếp tàn phá Ai Cập, cùng hạ nhục những thần giả của xứ. Đặc biệt từ tai họa thứ tư trở đi, họ còn được chứng kiến khả năng bảo vệ dân sự của Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 8:23, 24) Dù không thấu hiểu ý định của Đức Giê-hô-va, song họ biết chắc một điều: Dân Ai Cập không được các thần họ bảo vệ, trong khi Đức Giê-hô-va luôn mạnh mẽ bênh vực dân Y-sơ-ra-ên.

2. Tại sao Ra-háp giúp những người do thám Y-sơ-ra-ên, và tại sao bà đã không lầm khi đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời của họ?

2 Bốn mươi năm sau, trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa, người kế nhiệm Môi-se là Giô-suê sai hai người đi do thám xứ. Những người này đã gặp Ra-háp, một cư dân thành Giê-ri-cô. Nghe kể về những việc quyền năng Đức Giê-hô-va đã làm để bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm, từ khi họ rời khỏi Ai Cập, Ra-háp hiểu rằng nếu muốn được ơn Đức Chúa Trời, bà phải giúp dân Ngài. Nhờ quyết định khôn ngoan, cả gia đình bà đã thoát chết khi dân Y-sơ-ra-ên đánh chiếm thành. Chỉ riêng phép lạ cứu sống họ đã là bằng chứng hiển nhiên cho thấy Đức Chúa Trời ở cùng dân này. Vậy thì Ra-háp đã không lầm khi đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên.—Giô-suê 2:1, 9-13; 6:15-17, 25.

3. (a) Chúa Giê-su thực hiện phép lạ nào tại gần thành Giê-ri-cô được xây lại, và giới lãnh đạo Do Thái đã phản ứng thế nào trước việc đó? (b) Một số người Do Thái, và sau đó là nhiều người ngoại, đã nhận ra điều gì?

3 Mười lăm thế kỷ sau, Chúa Giê-su Christ chữa lành cho một người ăn mày mù gần thành Giê-ri-cô được xây lại. (Mác 10:46-53; Lu-ca 18:35-43) Khi nài xin sự thương xót của Chúa Giê-su, người đàn ông này cho thấy ông biết ngài được Đức Chúa Trời ủng hộ. Trái lại, các nhà lãnh đạo Do Thái và những người theo họ nói chung đều phủ nhận các phép lạ của Chúa Giê-su như bằng chứng cho thấy ngài đang làm công việc của Đức Chúa Trời. Họ chỉ tìm cách bắt lỗi ngài. (Mác 2:15, 16; 3:1-6; Lu-ca 7:31-35) Ngay cả khi phải đối diện với sự thật là Chúa Giê-su đã sống lại sau khi bị họ giết, những người này vẫn không muốn thừa nhận chính Đức Chúa Trời đã thực hiện điều đó. Thay vì thế, họ sách động việc bắt bớ các môn đồ Chúa Giê-su, hòng ngăn trở họ “truyền Tin-lành của Đức Chúa Jêsus”. Nhưng một số người Do Thái, và sau đó là nhiều người ngoại, đã chú ý và đánh giá đúng những sự kiện này. Họ thấy rõ các nhà lãnh đạo Do Thái tự xưng công bình đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ và Ngài ủng hộ những môn đồ khiêm nhường của Chúa Giê-su Christ.—Công-vụ 11:19-21.

Ngày nay ai được Đức Chúa Trời ủng hộ?

4, 5. (a) Một số người chọn tôn giáo như thế nào? (b) Vấn đề then chốt trong việc xác định tôn giáo thật là gì?

4 Về vấn đề tôn giáo thật, trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên truyền hình, một nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói như sau: “Tôi khẳng định tôn giáo thật là tôn giáo giúp người ta trở nên tốt hơn khi sống theo những sự dạy dỗ của nó”. Đúng là tôn giáo thật giúp người ta trở nên tốt hơn, nhưng phải chăng riêng điều đó đã đủ để chứng minh một tôn giáo được Đức Chúa Trời ủng hộ? Đó có phải là tiêu chuẩn duy nhất để xác định tôn giáo thật không?

5 Mọi người đều quý trọng quyền tự do lựa chọn, trong đó có quyền lựa chọn tôn giáo. Nhưng việc có quyền tự do lựa chọn không bảo đảm một người sẽ lựa chọn đúng. Chẳng hạn, một số người chọn tôn giáo trên căn bản số lượng tín đồ, sự giàu có, những nghi lễ trọng thể, hoặc theo truyền thống gia đình. Đó không phải là những tiêu chuẩn xác định tôn giáo thật. Vấn đề then chốt ở đây là: Tôn giáo nào khuyến khích tín đồ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và có thể đưa ra bằng chứng vững chắc cho thấy họ được Đức Chúa Trời ủng hộ, để những người theo đạo có thể khẳng định rằng ‘Đức Chúa Trời ở với chúng ta’?

6. Những lời nào của Chúa Giê-su giúp làm sáng tỏ vấn đề tôn giáo thật và giả?

6 Chúa Giê-su đưa ra cách phân biệt sự thờ phượng thật và giả khi ngài nói: “Hãy coi chừng tiên-tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông-sói hay cắn-xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”. (Ma-thi-ơ 7:15, 16, chúng tôi viết nghiêng; Ma-la-chi 3:18). Chúng ta hãy xem lại một số “trái”, hoặc đặc điểm nhận diện tôn giáo thật, hầu thẳng thắn xác định ngày nay ai được Đức Chúa Trời ủng hộ.

Đặc điểm nhận diện những người được Đức Chúa Trời ủng hộ

7. Chỉ dạy những điều dựa trên Kinh Thánh có nghĩa là gì?

7 Những sự dạy dỗ của họ căn cứ vào Kinh Thánh. Chúa Giê-su nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến. Nếu ai khứng làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo-lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta”. Ngài cũng nói: “Ai ra bởi Đức Chúa Trời, thì nghe lời Đức Chúa Trời”. (Giăng 7:16, 17; 8:47) Vậy điều hợp lý là nếu muốn được Đức Chúa Trời ủng hộ, chúng ta phải dạy chỉ những điều được tiết lộ qua Lời Ngài và không chấp nhận những sự dạy dỗ dựa trên sự khôn ngoan hay truyền thống của loài người.—Ê-sai 29:13; Ma-thi-ơ 15:3-9; Cô-lô-se 2:8.

8. Tại sao dùng danh Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng là quan trọng?

8 Họ dùng và rao truyền danh Đức Chúa Trời, là Giê-hô-va. Ê-sai báo trước: “Trong ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài; hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân-tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn-trọng! Hãy ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công-việc rực-rỡ: nên phô cho thế-gian đều biết!” (Ê-sai 12:4, 5) Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Vì thế, dù là người Do Thái hay người ngoại, tất cả tín đồ Đấng Christ đều là “dân để dâng cho danh [Đức Chúa Trời]”. (Công-vụ 15:14) Đức Chúa Trời hẳn nhiên vui lòng ủng hộ những người tự hào làm “dân để dâng cho danh Ngài”.

9. (a) Tại sao sự vui mừng là đặc tính của những người theo tôn giáo thật? (b) Ê-sai cho thấy sự tương phản giữa tôn giáo thật và giả như thế nào?

9 Họ phản ánh sự vui mừng của Đức Chúa Trời. Là tác giả của “tin-lành”, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Vì thế, những người thờ phượng Ngài không thể buồn rầu hay cứ mãi bi quan. Mặc dù thế giới có nhiều rối loạn và bản thân họ cũng gặp những khó khăn riêng, nhưng tín đồ thật của Đấng Christ luôn giữ được tinh thần vui mừng vì thường xuyên nhận được thức ăn thiêng liêng dồi dào. Ê-sai cho thấy sự tương phản giữa họ và những người thờ phượng giả: “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, các tôi-tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi-tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi-tớ ta sẽ được vui-vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc-nhơ; nầy, tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ, còn các ngươi thì khóc-lóc vì lòng buồn-bực, kêu-than vì tâm thần phiền-não”.—Ê-sai 65:13, 14.

10. Vì sao những người theo tôn giáo thật tránh được những kinh nghiệm đau thương?

10 Lối sống và mọi quyết định của họ đều dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Người viết Châm-ngôn khuyên: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Đức Chúa Trời ủng hộ những ai tìm kiếm sự dẫn dắt của Ngài, thay vì nương cậy nơi các triết thuyết đầy mâu thuẫn của những kẻ thờ ơ với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Một người càng sẵn lòng sống theo Lời Đức Chúa Trời bao nhiêu, càng tránh được những kinh nghiệm đau thương bấy nhiêu.—Thi-thiên 119:33; 1 Cô-rinh-tô 1:19-21.

11. (a) Tại sao không nên phân chia những thành viên của tôn giáo thật thành hàng giáo phẩm và giáo dân? (b) Những người dẫn đầu trong dân sự Đức Chúa Trời nên nêu gương nào cho bầy?

11 Họ được tổ chức theo cách của hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Chúa Giê-su đề ra nguyên tắc: “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi”. (Ma-thi-ơ 23:8-11) Đã là đoàn thể anh em thì không thể có chỗ cho một hàng giáo phẩm ngạo mạn, tự tôn với những tước vị thật kêu, và xem mình cao hơn giáo dân. (Gióp 32:21, 22, NW) Những người chăn dắt bầy chiên Đức Chúa Trời được dặn dò phải làm việc đó “chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy”. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Những người chăn chân chính tránh cai trị trên đức tin người khác. Là những anh em cùng phụng sự Đức Chúa Trời, họ chỉ cố gắng nêu gương tốt.—2 Cô-rinh-tô 1:24.

12. Đối với các chính phủ loài người, Đức Chúa Trời đòi hỏi những người muốn được Ngài ủng hộ phải có quan điểm thăng bằng nào?

12 Họ vâng phục các chính phủ loài người nhưng giữ trung lập. Những người không “vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình” đừng trông đợi sự ủng hộ của Đức Chúa Trời. Tại sao? Bởi vì “các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định. Cho nên ai chống-cự quyền-phép, tức là đối-địch với mạng-lịnh Đức Chúa Trời đã lập”. (Rô-ma 13:1, 2) Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng thừa nhận đôi khi có sự mâu thuẫn giữa luật pháp Đức Chúa Trời và chính phủ loài người khi ngài nói: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”. (Mác 12:17) Những ai muốn được Đức Chúa Trời ủng hộ phải “trước hết,... tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”, đồng thời tuân thủ những luật pháp nhà nước không đi ngược lại với trách nhiệm cao trọng của họ đối với Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 6:33; Công-vụ 5:29) Chúa Giê-su nhấn mạnh tính trung lập khi nói về các môn đồ ngài: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. Sau đó, ngài thêm: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”.—Giăng 17:16; 18:36.

13. Tình yêu thương đóng vai trò nào trong việc giúp nhận diện dân Đức Chúa Trời?

13 Họ không thiên vị khi “làm điều thiện cho mọi người”. (Ga-la-ti 6:10) Tình yêu thương đạo Đấng Christ không thiên vị, và chấp nhận tất cả mọi người bất kể màu da, giàu nghèo, trình độ học vấn, quốc tịch, hay ngôn ngữ. Việc làm điều thiện cho mọi người, đặc biệt là cho anh em đồng đức tin, là đặc điểm giúp nhận diện những người được Đức Chúa Trời ủng hộ. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—Giăng 13:35; Công-vụ 10:34, 35.

14. Những người được Đức Chúa Trời ủng hộ có nhất thiết phải được đa số chấp nhận không? Hãy giải thích.

14 Họ sẵn lòng chịu ngược đãi để thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su báo trước cho các môn đồ ngài: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi”. (Giăng 15:20; Ma-thi-ơ 5:11, 12; 2 Ti-mô-thê 3:12) Những người được Đức Chúa Trời ủng hộ thường không được người ta ưa chuộng, như trong trường hợp Nô-ê, người đã định tội thế gian bởi đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:7) Ngày nay, những người muốn được Đức Chúa Trời ủng hộ không dám pha loãng lời Đấng Tạo Hóa hoặc thỏa hiệp các nguyên tắc của Ngài chỉ để tránh sự ngược đãi. Họ biết rằng ngày nào còn trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, họ còn bị người ta “lấy làm lạ và gièm-chê”.—1 Phi-e-rơ 2:12; 3:16; 4:4.

Đã đến lúc phải cân nhắc

15, 16. (a) Những câu hỏi nào giúp nhận diện tôn giáo được Đức Chúa Trời ủng hộ? (b) Hàng triệu người đã đi đến kết luận nào, và tại sao?

15 Hãy tự hỏi: ‘Tôn giáo nào nổi tiếng theo sát Lời Đức Chúa Trời, ngay dù những sự dạy dỗ của Kinh Thánh khác biệt với niềm tin của nhiều người? Ai đề cao tầm quan trọng của danh riêng Đức Chúa Trời, thậm chí còn sử dụng trong danh hiệu của mình? Ai đang lạc quan công bố Nước Đức Chúa Trời như giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của nhân loại? Ai vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh, dù có thể bị xem là lạc hậu? Tôn giáo nào nổi tiếng vì không có hàng giáo phẩm được trả lương, và tất cả các thành viên đều tham gia rao giảng? Ai được khen ngợi là những công dân chấp hành luật pháp, tuy không dự phần vào chính trị? Ai đang yêu thương dành thời gian và tài vật giúp người khác học biết về Đức Chúa Trời và ý định Ngài? Và ai, dù đã làm tất cả những việc đáng khen này, vẫn bị xem thường, chế giễu và ngược đãi?

16 Hàng triệu người trên thế giới đã cân nhắc các sự kiện và tin rằng chỉ duy nhất các Nhân Chứng Giê-hô-va là thực hành tôn giáo thật. Họ đi đến kết luận đó sau khi xem xét những sự dạy dỗ và lối sống của Nhân Chứng Giê-hô-va, cùng những lợi ích mà tôn giáo này mang lại. (Ê-sai 48:17) Như được báo trước nơi Xa-cha-ri 8:23, hàng triệu người đang nói: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.

17. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tự phụ khi cho rằng họ là tôn giáo thật?

17 Nhân Chứng Giê-hô-va có tự phụ không khi cho rằng chỉ một mình họ được Đức Chúa Trời ủng hộ? Thật ra, họ không tự phụ gì hơn những người Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập cho rằng mình được Đức Chúa Trời ủng hộ, dù người Ai Cập không tin điều ấy, hay những tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất cho mình có được sự ủng hộ của Đức Chúa Trời, chứ không phải những người theo đạo Do Thái. Thực tế chứng minh điều đó. Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện trong 235 xứ công việc mà Chúa Giê-su đã báo trước các môn đồ thật của ngài sẽ làm trong kỳ cuối cùng: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”.—Ma-thi-ơ 24:14.

18, 19. (a) Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không có lý do gì để ngưng rao giảng, ngay dù bị chống đối? (b) Thi-thiên 41:11 cho thấy các Nhân Chứng được Đức Chúa Trời ủng hộ như thế nào?

18 Dù bị ngược đãi hoặc chống đối, Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ tiếp tục thực hiện sứ mạng này. Công việc của Đức Giê-hô-va phải và sẽ được hoàn tất. Trong suốt thế kỷ qua, mọi nỗ lực nhằm cản trở Nhân Chứng hoàn thành công việc Đức Chúa Trời cuối cùng đều đã thất bại, vì Đức Giê-hô-va hứa: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi... Ấy là phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va, và sự công-bình bởi ta ban cho họ”.—Ê-sai 54:17.

19 Việc Nhân Chứng Giê-hô-va mạnh hơn và tích cực hơn bao giờ hết, dù gặp nhiều sự chống đối trên khắp thế giới, là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va hài lòng về những việc họ đang làm. Vua Đa-vít nói: “Nếu kẻ thù-nghịch không thắng hơn tôi, nhờ đó tôi sẽ nhìn-biết Chúa đẹp lòng tôi”. (Thi-thiên 41:11; 56:9, 11) Kẻ thù Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ có thể thắng hơn dân sự Ngài, vì Đấng Lãnh Đạo họ, Chúa Giê-su Christ, đang tiến lên giành chiến thắng chung cuộc!

Bạn có thể trả lời không?

• Một số gương mẫu nào thời xưa đã được Đức Chúa Trời ủng hộ?

• Một số đặc điểm nhận diện tôn giáo thật là gì?

• Tại sao cá nhân bạn tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va được Đức Chúa Trời ủng hộ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Những người muốn được Đức Chúa Trời ủng hộ phải dạy dỗ dựa trên căn bản Lời Ngài mà thôi

[Hình nơi trang 15]

Trưởng lão làm gương mẫu cho bầy