Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vui mừng và đầy biết ơn bất kể sự mất mát đau lòng

Vui mừng và đầy biết ơn bất kể sự mất mát đau lòng

Tự Truyện

Vui mừng và đầy biết ơn bất kể sự mất mát đau lòng

DO NANCY E. PORTER KỂ LẠI

Hôm đó là ngày 5-6-1947, một buổi tối ấm áp trên đảo Bahamas, cách xa bờ biển đông nam Hoa Kỳ. Tôi và anh George, chồng tôi, được một viên chức sở di trú đến thăm đột xuất. Ông ấy trao cho chúng tôi một lá thư nói rằng chúng tôi không còn được phép ở lại trên đảo nữa và phải “rời thuộc địa ngay lập tức!”

TÔI và anh George là hai giáo sĩ đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va đặt chân đến Nassau, thành phố lớn nhất của đảo Bahamas. Vừa tốt nghiệp khóa thứ tám của Trường Ga-la-át, một trường giáo sĩ ở phía bắc tiểu bang New York, chúng tôi được phái đi Bahamas. Chúng tôi đã làm gì gây nên phản ứng mạnh mẽ dường ấy chỉ sau ba tháng ở đó? Và làm sao mà tôi vẫn còn ở đây mãi cho đến 50 năm sau?

Huấn luyện cho thánh chức

Cha tôi, Harry Kilner, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời tôi. Cha đã nêu gương mẫu xuất sắc và hy sinh nhiều để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù không được khỏe cho lắm, cha vẫn đi rao giảng gần như mỗi cuối tuần, sốt sắng đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. (Mat 6:33) Chúng tôi rất eo hẹp về tài chính, nhưng tiệm giày của cha là trung tâm hoạt động tôn giáo tại Lethbridge, tỉnh bang Alberta, Canada, vào thập kỷ 1930. Những ký ức xưa nhất của tôi đầy hình ảnh những người phụng sự trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, còn được gọi là người tiên phong, đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm.

Vào năm 1943, tôi bắt đầu công việc tiên phong gần Fort Macleod và Claresholm, tỉnh bang Alberta. Dạo ấy công việc rao giảng của chúng tôi bị cấm đoán ở Canada do sự tuyên truyền lệch lạc của mấy kẻ chống đối trong Thế Chiến II. Khu vực rao giảng của chúng tôi trải dài khoảng 100 kilômét từ đầu này đến đầu kia, nhưng vì còn trẻ và năng nổ, chúng tôi không quản công khó đạp xe đạp hoặc đi bộ để đến những cộng đồng nhỏ và nông trại trong vùng. Trong thời gian đó, tôi có cơ hội trò chuyện với một số anh chị đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át, và kinh nghiệm của họ khơi dậy trong lòng tôi ước muốn trở thành giáo sĩ.

Vào năm 1945, tôi kết hôn với anh George Porter, quê ở tỉnh bang Saskatchewan, Canada. Cha mẹ anh là Nhân Chứng sốt sắng từ năm 1916, và chính anh cũng chọn sự nghiệp làm thánh chức trọn thời gian. Nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi là thị trấn mỹ miều Lynn Valley ở ngoại ô phía bắc thành phố Vancouver, Canada. Ít lâu sau đó, chúng tôi được mời tham dự Trường Ga-la-át.

Qua nhiều năm, tôi có dịp nói chuyện với một số người đã từng tốt nghiệp nhiều trường thần học khác nhau và thấy việc họ theo học thần học khiến đức tin của họ về Đức Chúa Trời và Kinh Thánh yếu đi. Ngược lại, những gì chúng tôi học ở Ga-la-át giúp chúng tôi trau dồi khả năng suy nghĩ và nhất là đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Lời Ngài được củng cố thêm. Những người cùng lớp với chúng tôi được phái đi Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, các nước ở Phi Châu, Nam Mỹ và nơi khác. Tôi vẫn còn nhớ niềm phấn khởi khi biết chúng tôi được phái đi đến các hải đảo nhiệt đới Bahamas.

Làm sao chúng tôi ở lại được

So với cuộc hành trình của các bạn cùng khóa, cuộc hành trình của chúng tôi đến quần đảo Bahamas thì ngắn. Chẳng bao lâu chúng tôi đã hưởng khí hậu ấm áp, bầu trời trong xanh, nước xanh biếc, các tòa nhà sơn phết nhàn nhạt và vô số xe đạp. Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm nhất của tôi là nhóm nhỏ chỉ vỏn vẹn năm Nhân Chứng ra đón chúng tôi khi tàu cập bến. Chúng tôi sớm biết rằng văn hóa của dân địa phương khác xa với nền văn hóa của quê hương chúng tôi. Chẳng hạn, người ta căn dặn chồng tôi chớ gọi tôi là “cưng” giữa nơi công cộng vì thường thường cách xưng hô như thế dành riêng cho mối tình vụng trộm.

Ít lâu sau, hàng giáo phẩm, dường như cảm thấy bị đe dọa bởi việc chúng tôi tự do đi lại giữa dân chúng, nên vu cáo chúng tôi là Cộng Sản. Hậu quả là chúng tôi nhận lệnh phải rời khỏi nước. Nhưng các Nhân Chứng—chưa tới 20 người trên các đảo thời ấy—lập tức xin được hàng ngàn chữ ký thỉnh cầu cho chúng tôi được phép ở lại. Bởi vậy, lệnh trục xuất được hủy bỏ.

Đi đến khu vực mới

Lẽ thật Kinh Thánh nhanh chóng nẩy mầm trong lòng những người yêu mến Đức Chúa Trời, cho nên nhiều giáo sĩ Ga-la-át khác được phái đến Bahamas. Vào năm 1950, một trụ sở chi nhánh được thiết lập. Mười năm sau, anh Milton Henschel, một thành viên của trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York, viếng thăm Bahamas và anh hỏi ý kiến các giáo sĩ xem có ai tình nguyện mở đầu công việc rao giảng trên một đảo khác của quần đảo Bahamas hay không. Tôi và George tình nguyện đi và cuối cùng chúng tôi ở Long Island 11 năm.

Đảo này, một trong nhiều đảo hợp thành quần đảo Bahamas, dài 140 kilômét, rộng 6 kilômét, và vào thời đó, chưa có thành thị gì cả. Thủ phủ Clarence Town chỉ có 50 gia đình. Điều kiện sống khá đơn sơ—không có điện, nước máy, bếp trong nhà hay đường ống. Như vậy chúng tôi đã phải thích nghi với đời sống hoang đảo. Ở đây người ta hay nói về sức khỏe. Chúng tôi đã tập không chào người ta bằng cách hỏi: “Hôm nay ông /bà có khỏe không?” vì người ta sẽ trả lời tràng giang đại hải, nhắc đến toàn bộ hồ sơ bệnh lý của họ.

Hầu như chúng tôi làm chứng từ bếp này sang bếp kia, vì người ta thường nấu nướng ở ngoài trời dưới những chòi lợp lá và bếp chụm bằng củi. Cộng đồng chủ yếu gồm những nông dân hoặc ngư dân nghèo nhưng rất tử tế. Phần đông không những sùng đạo mà lại còn rất mê tín dị đoan. Những chuyện khác thường hay bị người ta xem là điềm.

Các giáo phẩm ngang nhiên xông vào nhà người ta để xé bỏ những ấn phẩm mà chúng tôi đã phát. Họ làm người dân nhút nhát hoảng sợ, nhưng không phải ai ai cũng ngán họ. Chẳng hạn, một bà cụ gan dạ 70 tuổi không chịu để họ bắt nạt. Bà muốn hiểu Kinh Thánh, và cuối cùng đã trở thành Nhân Chứng cùng với nhiều người khác nữa. Khi chúng tôi gặp nhiều người chú ý đến lẽ thật, thì anh George phải lái xe 300 kilômét vào một số ngày Chủ Nhật để giúp những người chú ý đến họp với chúng tôi.

Trong những tháng đầu khi chưa có Nhân Chứng nào khác ngoài chúng tôi, tôi và anh George giữ gìn tình trạng về thiêng liêng bằng cách tổ chức tất cả các buổi họp đều đặn cho riêng chúng tôi. Ngoài ra, mỗi tối Thứ Hai chúng tôi theo sát một chương trình học Tháp Canh và đọc Kinh Thánh. Chúng tôi cũng đọc tất cả các số Tháp Canh Tỉnh Thức! vừa nhận được.

Cha tôi qua đời khi chúng tôi ở Long Island. Mùa hè năm sau, năm 1963, chúng tôi thu xếp để mẹ đến sống gần chúng tôi. Dù lớn tuổi, mẹ vẫn thích nghi khá tốt và sống ở Long Island cho đến khi qua đời vào năm 1971. Ngày nay tại Long Island có một hội thánh với một Phòng Nước Trời mới toanh.

Một thử thách đau lòng

Vào năm 1980, anh George nhận ra rằng sức khỏe của anh bắt đầu yếu đi. Đây là một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất của đời tôi—chứng kiến cảnh chồng tôi, bạn đồng sự và đồng hành khuất phục trước cơn bệnh đãng trí Alzheimer. Anh đổi tính hoàn toàn. Giai đoạn cuối, tàn khốc nhất kéo dài khoảng bốn năm trước khi anh chết vào năm 1987. Hễ có đủ sức là anh cùng đi rao giảng và nhóm họp với tôi, dù có nhiều lần tôi bật khóc vì nỗ lực của anh. Tình yêu thương tràn đầy của anh em tín đồ Đấng Christ thật là một nguồn an ủi, nhưng tôi vẫn còn nhớ anh nhiều lắm.

Một trong những khía cạnh quý báu nhất trong đời sống hôn nhân của chúng tôi là việc hai người thường xuyên trò chuyện vui vẻ với nhau. Nay thì anh đã ra đi, tôi càng biết ơn Đức Giê-hô-va nhiều hơn vì Ngài mời chúng ta “cầu-nguyện không thôi”, “bền lòng mà cầu-nguyện” và làm “đủ mọi thứ cầu-nguyện”. (1 Tê 5:17; Rô 12:12; Ê-phê 6:18) Thật là an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta. Tôi thật cảm thấy giống như người viết Thi-thiên khi ông hát: “Đáng ngợi-khen Chúa thay, là Đấng hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng tôi”. (Thi 68:19) Sống ngày qua ngày, chấp nhận những giới hạn của mình và biết ơn về những ân phước của ngày đó, y như Chúa Giê-su khuyên, quả thật là lối sống tốt nhất.—Mat 6:34.

Những phần thưởng vui của thánh chức

Việc bận rộn trong thánh chức tín đồ Đấng Christ đã giúp tôi không nuối tiếc dĩ vãng một cách thái quá. Nhờ vậy tôi đủ sức vượt qua loại cảm xúc có thể dẫn đến trầm cảm. Dạy người khác về lẽ thật Kinh Thánh luôn là một nguồn vui mừng đặc biệt. Điều này tạo một lề thói về thiêng liêng khiến cho đời tôi có nề nếp và ổn định.—Phi-líp 3:16.

Có một lần, tôi nhận được một cú điện thoại từ một bà đã nghe tôi rao giảng thông điệp Nước Trời cách đây 47 năm. Bà này là con gái của một trong những người đầu tiên học hỏi Kinh Thánh với chúng tôi khi chúng tôi mới đặt chân xuống Bahamas vào năm 1947. Cha mẹ bà, tất cả các em trai và em gái cùng với người chị đều đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như hầu hết con cái và cháu nội, cháu ngoại của họ. Thật thế, có tới hơn 60 thành viên trong gia đình phụ nữ này là Nhân Chứng. Nhưng chính bà thì chưa bao giờ chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng bây giờ thì cuối cùng bà đã sẵn sàng trở thành tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thật là một niềm vui khi chứng kiến nhóm nhỏ Nhân Chứng ở Bahamas khi tôi và anh George đến đây nay tăng lên đến trên 1.400 người!

Đôi khi người ta hỏi tôi có nuối tiếc vì không có con cái ruột thịt hay không. Dĩ nhiên, có con có thể là một ân phước. Thế nhưng, tôi thường xuyên nhận được tình yêu thương của con cái và cháu chắt thiêng liêng là một điều mà có lẽ không phải tất cả những người cha mẹ ruột thịt có được. Quả thật, những người “làm điều lành” và “nhiều việc phước-đức” là những người hạnh phúc nhất. (1 Ti 6:18) Đó là lý do tại sao tôi tiếp tục bận rộn trong thánh chức ở mức sức khỏe cho phép.

Một hôm nọ, ở phòng nha sĩ, một phụ nữ trẻ lại gần tôi và nói: “Bà không biết cháu là ai đâu, nhưng cháu thì biết bà, và cháu muốn nói cho bà biết cháu thương bà”. Rồi cô ấy kể tiếp cho tôi nghe làm sao cô đã học biết lẽ thật Kinh Thánh và cô biết ơn các giáo sĩ biết bao đã đến Bahamas.

Vào một dịp khác khi đi nghỉ hè về, tôi thấy có một đóa hoa hồng cắm lên cửa phòng tôi tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nassau, nơi ở hiện tại của tôi. Có một miếng giấy kèm theo, nói: “Mừng chị về nhà”. Lòng tôi tràn trề sự biết ơn, và tôi càng yêu mến Đức Giê-hô-va nhiều hơn mỗi khi nhìn thấy loại người mà Lời Ngài, tổ chức của Ngài và thánh linh của Ngài đã đào tạo! Quả thật, Đức Giê-hô-va thường dùng những người chung quanh chúng ta để nâng đỡ chúng ta.

Tràn ngập lòng biết ơn

Đời sống của tôi đã không luôn luôn dễ dàng, ngay đến bây giờ cũng thế. Nhưng tôi có quá nhiều điều để biết ơn—niềm vui trong thánh chức, tình yêu thương và sự trìu mến của rất nhiều anh chị em tín đồ Đấng Christ, sự quan tâm đầy yêu thương của tổ chức Đức Giê-hô-va, những lẽ thật đẹp đẽ trong Kinh Thánh, hy vọng đoàn tụ với người thân nhờ sự sống lại, và ký ức 42 năm hôn nhân với một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Trước khi chúng tôi kết hôn, tôi đã từng cầu nguyện sao cho tôi luôn luôn có thể hữu ích cho chồng tôi để anh ấy tiếp tục thánh chức trọn thời gian, điều mà anh rất yêu chuộng. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện của tôi một cách rộng lượng. Bởi vậy tôi muốn biểu lộ lòng biết ơn của tôi với Đức Giê-hô-va bằng cách luôn luôn trung thành với Ngài.

Quần đảo Bahamas là một nơi nghỉ mát mà nhiều du khách thích đến. Họ chi tiêu hàng ngàn Mỹ kim để thưởng thức những lạc thú của miền nhiệt đới. Vì tình nguyện phụng sự Đức Giê-hô-va ở bất cứ nơi nào tổ chức của Ngài phái đi, nên tôi đã có kinh nghiệm vui mừng là được đi từ đầu này sang đầu kia của những hải đảo này, rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa, tôi được biết và quý chuộng tình yêu mến của những người tốt nhất trong dân Bahamas thân thiện.

Tôi rất biết ơn đối với những người đã mang lẽ thật đến cho cha mẹ tôi, để rồi cha mẹ tôi gieo vào lòng và trí trẻ trung của tôi ước nguyện chân thành tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết. Cũng thế, các tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng có thể nhận lãnh nhiều ân phước nếu bước qua “cái cửa lớn” dẫn đến những cơ hội cao quý để nới rộng thánh chức. (1 Cô 16:9) Bạn cũng sẽ tràn ngập niềm biết ơn nếu dùng đời sống bạn để tôn vinh Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của các thần”.—Phục 10:17; Đa 2:47.

[Hình nơi trang 24]

Rao giảng ngoài đường phố ở Victoria, tỉnh bang B.C., năm 1944

[Hình nơi trang 24]

Tôi và anh George dự Trường Ga-la-át năm 1946

[Hình nơi trang 25]

Tôi với anh George trước nhà giáo sĩ ở Nassau, Bahamas, năm 1955

[Hình nơi trang 26]

Nhà giáo sĩ ở Deadman’s Cay, nơi chúng tôi phụng sự từ năm 1961 đến 1972