Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa trong cơn khốn khó

Chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa trong cơn khốn khó

Chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa trong cơn khốn khó

Thật dễ nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu tình thương. Nói về hạng người sống trong những “ngày sau-rốt”, sứ đồ Phao-lô viết: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ,... vô-tình”. (2 Ti-mô-thê 3:1-3) Những lời này thật đã được nghiệm đúng biết bao!

TÌNH TRẠNG luân lý thời nay là một trong những nguyên do khiến nhiều người trở nên thiếu lòng thương xót. Người ta ngày càng ít quan tâm đến hạnh phúc của người khác, dù đôi khi là của chính người thân mình.

Điều này đã gây thiệt thòi cho những người, vì nhiều nguyên do khác nhau, bị rơi vào cảnh thiếu thốn. Chiến tranh, thiên tai và các cuộc tị nạn khiến con số những người góa bụa và trẻ mồ côi gia tăng liên tục. (Truyền-đạo 3:19) Một báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc cho biết: “Hơn một triệu [trẻ em] đã trở thành mồ côi hoặc bị ly tán khỏi gia đình vì chiến tranh”. Ngoài ra, chắc hẳn bạn cũng biết rằng có biết bao bà mẹ đơn chiếc, bị bỏ rơi hoặc ly dị phải đảm đương trách nhiệm nặng nề tự kiếm sống nuôi con. Tại một số nước bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tình hình còn bi đát hơn vì đa số dân chúng phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực.

Những người đang gặp khốn khó có thể hy vọng gì trong tình hình này không? Làm thế nào xoa dịu nỗi đau khổ nơi người góa bụa và trẻ mồ côi? Tình trạng này có bao giờ chấm dứt không?

Sự chăm sóc đầy yêu thương trong thời Kinh Thánh

Chăm lo nhu cầu vật chất và thiêng liêng cho những trẻ mồ côi và người góa bụa luôn là phần thiết yếu trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi thu hoạch ngũ cốc hoặc trái cây, dân Y-sơ-ra-ên không được mót lại những gì còn sót ngoài đồng. Những gì còn sót lại được dành cho “khách lạ, kẻ mồ-côi, và người góa-bụa”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-21) Luật pháp Môi-se ghi rõ: “Các ngươi chớ ức-hiếp một người góa-bụa hay là một kẻ mồ-côi nào”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22, 23) Những trẻ mồ côi và người góa bụa được nói đến trong Kinh Thánh được liệt vào thành phần nghèo khó, vì sau khi chồng, cha, hoặc cả cha mẹ đều qua đời, những người còn lại trong gia đình có thể trở nên cô độc và túng thiếu. Tộc trưởng Gióp nói: “Tôi giải-cứu kẻ khốn-cùng kêu-cầu, và kẻ mồ-côi không ai giúp-đỡ”.—Gióp 29:12.

Một nét đặc trưng của sự thờ phượng thật trong hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu là chăm sóc người khốn cùng và thật sự túng thiếu vì mất chồng hoặc cha mẹ. Hết lòng quan tâm đến hạnh phúc của những người đó, môn đồ Gia-cơ viết: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng [“chăm sóc”, NW] kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”.—Gia-cơ 1:27.

Ngoài trẻ mồ côi và người góa bụa, Gia-cơ cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến những người nghèo khổ, túng ngặt. (Gia-cơ 2:5, 6, 15, 16) Sứ đồ Phao-lô cũng có cùng sự quan tâm này. Khi nhận nhiệm vụ rao giảng, ông và Ba-na-ba được dặn phải “nhớ đến kẻ nghèo-nàn”. Không hổ thẹn với lương tâm, Phao-lô đã có thể nói đó “là điều tôi cũng đã ân-cần làm lắm”. (Ga-la-ti 2:9, 10) Lời tường thuật về sinh hoạt của hội thánh tín đồ Đấng Christ khi mới thành lập có ghi: “Trong tín-đồ không ai thiếu-thốn cả,... tùy theo sự cần-dùng của mỗi người mà [các sứ-đồ] phát cho”. (Công-vụ 4:34, 35) Thật vậy, những sắp đặt để chăm sóc trẻ mồ côi, người góa bụa và những người túng ngặt vào thời Y-sơ-ra-ên xưa đã tiếp tục được áp dụng trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.

Dĩ nhiên, sự giúp đỡ cũng có hạn và tùy theo khả năng từng hội thánh. Không có sự phung phí tiền bạc, và những người được giúp đỡ là người thật túng thiếu. Không tín đồ Đấng Christ nào lợi dụng sự sắp đặt này, và hội thánh cũng không phải gánh những gánh nặng không cần thiết. Điều này được nêu rõ trong hướng dẫn của Phao-lô nơi 1 Ti-mô-thê 5:3-16 rằng bà con của người túng thiếu phải gánh trách nhiệm giúp đỡ, nếu có khả năng. Muốn được trợ giúp, những góa phụ túng thiếu phải hội đủ một số tiêu chuẩn nhất định. Tất cả những điều này phản ánh sự sắp đặt đầy khôn ngoan của Đức Giê-hô-va nhằm chăm sóc cho những người thiếu thốn. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy cần phải có sự thăng bằng để lòng tử tế của anh em không bị lợi dụng.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12.

Chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa ngày nay

Hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn áp dụng cùng những nguyên tắc như các tôi tớ Đức Chúa Trời thời xưa trong việc quan tâm giúp đỡ người gặp khốn khó. Tình yêu thương anh em là nét đặc trưng, đúng như Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Khi có người bị túng thiếu, gặp tai ương, hay trở thành nạn nhân của chiến tranh hoặc nội chiến, đoàn thể anh em quốc tế luôn sốt sắng tìm cách giúp đỡ cả về thiêng liêng lẫn vật chất. Về phương diện này, một số kinh nghiệm thời nay sẽ giúp chúng ta thấy rõ những điều đang được thực hiện.

Pedro không nhớ gì nhiều về mẹ vì bà chết khi em mới một tuổi rưỡi. Khi lên năm, cha em cũng qua đời, để lại mấy anh em côi cút một mình. Nhờ cha em trước đó đã tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va, nên Pedro cùng các anh đều bắt đầu học Kinh Thánh tại nhà.

Pedro kể: “Ngay tuần lễ sau, chúng tôi bắt đầu dự nhóm họp. Khi kết hợp với các anh em trong hội thánh, chúng tôi cảm nhận được tình thương họ dành cho chúng tôi. Hội thánh khác nào mái ấm của tôi vì các anh chị yêu thương và trìu mến tôi như con vậy”. Pedro cũng nhớ rằng một anh trưởng lão thường mời em đến nhà để trò chuyện và giải trí chung với gia đình. Pedro nói: “Đối với tôi, đó là những kỷ niệm rất thân thương”. Em bắt đầu rao giảng về niềm tin của mình lúc 11 tuổi và làm báp têm khi 15 tuổi. Được các anh chị trong hội thánh giúp đỡ, các anh của Pedro cũng tiến bộ nhiều về thiêng liêng.

Trường hợp của David cũng vậy. Em và đứa em gái sinh đôi bị bỏ rơi khi cha mẹ chia tay. Ông bà ngoại và dì đưa hai em về nuôi. “Khi lớn lên và bắt đầu ý thức được hoàn cảnh của mình, chúng tôi cảm thấy buồn bã, bất an, và cần nơi nương tựa. Nhờ dì trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, nên sau này chúng tôi được dạy dỗ theo lẽ thật Kinh Thánh. Các anh chị trong hội thánh cũng yêu thương và làm bạn với chúng tôi. Họ yêu mến và khuyến khích chúng tôi cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra, đồng thời tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi tôi khoảng mười tuổi, một anh tôi tớ thánh chức thường đến đưa tôi đi rao giảng. Một anh nữa lo chi phí cho tôi tham dự các kỳ đại hội. Một anh khác thậm chí còn giúp tôi đóng góp tại Phòng Nước Trời”.

David làm báp têm lúc 17 tuổi và sau đó bắt đầu phục vụ tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mexico. Đến nay anh vẫn công nhận: “Nhiều trưởng lão đã góp phần dạy dỗ và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Nhờ đó mà tôi vượt qua được cảm giác cô độc và bất an”.

Anh Abel, trưởng lão của một hội thánh có nhiều người góa bụa cần giúp đỡ ở Mexico, kể: “Tôi tin rằng các chị góa bụa cần được giúp đỡ nhiều nhất về phương diện tình cảm. Thỉnh thoảng họ lại buồn nản vì cảm thấy cô đơn. Vì thế, lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ là điều rất quan trọng. Chúng tôi [những trưởng lão trong hội thánh] thường xuyên viếng thăm họ. Điều quan trọng là nên dành thời gian lưu tâm đến những vấn đề của họ, giúp họ cảm thấy được an ủi về tinh thần”. Tuy nhiên, đôi khi sự giúp đỡ kinh tế cũng cần thiết. Trước đó ít lâu, anh Abel kể: “Chúng tôi hiện đang xây nhà cho một chị góa chồng. Chúng tôi dành một số buổi chiều và ngày Thứ Bảy để làm việc này”.

Một trưởng lão khác có kinh nghiệm giúp đỡ trẻ mồ côi và người góa bụa nói: “Tôi nghĩ các em mồ côi cần tình thương còn hơn cả người góa bụa. Tôi để ý thấy các em dễ có mặc cảm bị hất hủi hơn những em có cha mẹ, nên rất cần nhiều biểu hiện yêu thương. Sau các buổi họp, chúng ta nên tìm gặp và hỏi thăm các em. Trong hội thánh tôi, có một anh mồ côi từ nhỏ nay đã lập gia đình. Tôi luôn sốt sắng chào hỏi anh tại các buổi họp, còn anh thì ôm choàng lấy tôi mỗi khi gặp. Điều đó khiến tình huynh đệ chân chính ngày càng thắm thiết hơn”.

Đức Giê-hô-va “sẽ giải kẻ thiếu-thốn”

Nương cậy nơi Đức Giê-hô-va là điều cần yếu để đương đầu với cảnh góa bụa và côi cút. Kinh Thánh nói về Ngài: “Đức Giê-hô-va bảo-hộ khách lạ, nâng-đỡ kẻ mồ-côi và người góa-bụa”. (Thi-thiên 146:9) Vấn đề này chỉ được giải quyết triệt để trong Nước Đức Chúa Trời, dưới sự cai trị của Chúa Giê-su Christ. Người viết Thi-thiên tiên tri về sự cai trị của Đấng Mê-si như sau: “Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn”.—Thi-thiên 72:12, 13.

Vì sự cáo chung của hệ thống mọi sự này đang ngày một đến gần, nên chắc chắn những áp lực mà tín đồ Đấng Christ nói chung phải chịu sẽ gia tăng. (Ma-thi-ơ 24:9-13) Do đó mỗi ngày chúng ta cần phải quan tâm lẫn nhau nhiều hơn và “có lòng yêu-thương sốt-sắng”. (1 Phi-e-rơ 4:7-10) Các anh, đặc biệt là các trưởng lão, cần bày tỏ sự quan tâm và thương xót đối với những trẻ mồ côi. Các chị thành thục trong hội thánh có thể nâng đỡ và an ủi những người góa bụa. (Tít 2:3-5) Thật ra, mọi người đều có thể góp phần bằng cách tích cực biểu lộ lòng quan tâm đến những người đang gặp khốn khó.

Tín đồ thật của Đấng Christ không “chặt dạ” khi “thấy anh em mình đương cùng-túng”. Họ sốt sắng làm theo lời khuyên của sứ đồ Giăng: “Hỡi các con-cái bé-mọn, chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”. (1 Giăng 3:17, 18) Vậy, chúng ta hãy “thăm-viếng [“chăm sóc”, NW] kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ”.—Gia-cơ 1:27.

[Câu nổi bật nơi trang 11]

“Chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.​—⁠1 Giăng 3:18

[Các hình nơi trang 10]

Tín đồ thật của Đấng Christ chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa về vật chất, thiêng liêng, và tình cảm