Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đứng vững như thấy Đấng không thấy được!

Hãy đứng vững như thấy Đấng không thấy được!

Hãy đứng vững như thấy Đấng không thấy được!

“[Môi-se] đứng vững như thấy Đấng không thấy được”.—HÊ-BƠ-RƠ 11:27.

1. Chúa Giê-su nói câu đáng lưu ý nào về Đức Chúa Trời trong Bài Giảng trên Núi?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời vô hình. Khi Môi-se xin nhìn thấy sự vinh hiển của Ngài, Đức Giê-hô-va đáp: “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Sứ đồ Giăng cũng viết: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:18) Khi Chúa Giê-su Christ làm người trên đất, chính ngài còn không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ có lòng trong-sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:8) Chúa Giê-su muốn nói gì?

2. Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời theo nghĩa đen?

2 Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va là Thần linh vô hình. (Giăng 4:24; Cô-lô-se 1:15; 1 Ti-mô-thê 1:17) Do đó, Chúa Giê-su không nói loài người chúng ta có thể thật sự nhìn thấy Đức Giê-hô-va theo nghĩa đen. Các tín đồ được xức dầu của Đấng Christ sẽ nhìn thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời sau khi được sống lại làm tạo vật thần linh ở trên trời. Nhưng những người “có lòng trong-sạch” và hy vọng sống đời đời trên đất cũng có thể “thấy” Đức Chúa Trời. Làm sao điều này có thể được?

3. Con người có thể nhận thức một số đức tính của Đức Chúa Trời như thế nào?

3 Chúng ta học biết về Đức Giê-hô-va bằng cách quan sát kỹ lưỡng những vật thọ tạo. Qua đó chúng ta cảm kích trước quyền năng Ngài và được thúc đẩy thừa nhận Ngài là Đức Chúa Trời của sự sáng tạo. (Hê-bơ-rơ 11:3; Khải-huyền 4:11) Sứ đồ Phao-lô viết về điều này: “Những sự trọn lành của [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”. (Rô-ma 1:20) Vậy những lời của Chúa Giê-su về việc nhìn thấy Đức Chúa Trời bao gồm khả năng nhận thức một số đức tính của Đức Giê-hô-va. Cái nhìn ấy dựa trên sự hiểu biết chính xác và qua nhận thức thiêng liêng với “con mắt của lòng”. (Ê-phê-sô 1:18) Ngoài ra, lời nói và hành động của Chúa Giê-su cũng tiết lộ nhiều điều về Đức Chúa Trời. Bởi vậy, Chúa Giê-su nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. (Giăng 14:9) Chúa Giê-su phản ánh cá tính của Đức Giê-hô-va một cách hoàn toàn. Như vậy, hiểu biết về đời sống và những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta thấy hoặc nhận thức được một số đức tính của Đức Chúa Trời.

Thiêng liêng tính là cần yếu

4. Nhiều người ngày nay thể hiện việc thiếu thiêng liêng tính như thế nào?

4 Ngày nay, quả là hiếm thấy người có đức tin và thiêng liêng tính chân chính. Phao-lô nói: “Chẳng phải hết thảy đều có đức-tin”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2) Nhiều người bị cuốn hút vào những sự theo đuổi ích kỷ và không tin nơi Đức Chúa Trời. Hành vi tội lỗi và thiếu thiêng liêng tính của họ ngăn cản họ thấy Ngài qua cặp mắt của sự thông hiểu, vì sứ đồ Giăng viết: “Kẻ làm điều dữ, chẳng hề thấy Đức Chúa Trời”. (3 Giăng 11) Vì những kẻ ấy không nhìn thấy Đức Chúa Trời nên họ hành động như thể Ngài không thấy những gì họ làm. (Ê-xê-chi-ên 9:9) Họ khinh thường những điều thiêng liêng, bởi vậy họ không thể thu thập “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 2:5) Phao-lô viết về họ một cách thích hợp: “Người có tánh xác-thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh-Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ-dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem-xét cách thiêng-liêng”.—1 Cô-rinh-tô 2:14.

5. Những người thiên về điều thiêng liêng ý thức được sự kiện nào?

5 Trái lại, nếu thiên về điều thiêng liêng, chúng ta sẽ luôn luôn ý thức rằng dù Đức Giê-hô-va không phải là một Đấng cố chấp, nhưng Ngài cũng biết khi chúng ta hành động theo ý tưởng và ham muốn xấu. Thật thế, “mắt [Đức Giê-hô-va] dò xét đường đi của con người và trông chừng mọi nẻo nó đi”. (Châm-ngôn 5:21, Nguyễn Thế Thuấn) Nếu lỡ sa vào tội lỗi, việc chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và không muốn làm Ngài đau lòng sẽ thúc đẩy chúng ta ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài.—Thi-thiên 78:41; 130:3.

Đứng vững nhờ điều gì?

6. Đứng vững có nghĩa gì?

6 Dù mắt chúng ta không thể thấy Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng Ngài thấy chúng ta. Việc ý thức rằng Ngài hiện hữu và tin chắc rằng Ngài gần gũi tất cả những ai kêu cầu Ngài sẽ giúp chúng ta đứng vững—kiên quyết và không nao núng trung thành với Ngài. (Thi-thiên 145:18) Chúng ta có thể giống như Môi-se. Phao-lô viết về ông: “Bởi đức-tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được”.—Hê-bơ-rơ 11:27.

7, 8. Môi-se tìm đâu ra lòng can đảm trước mặt Pha-ra-ôn?

7 Trong khi thi hành nhiệm vụ do Đức Chúa Trời giao phó là dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Môi-se thường xuất hiện trước bạo chúa Pha-ra-ôn trong hoàng cung lúc nào cũng có những quan chức tôn giáo và quân sự. Rất có thể dọc theo các bức tường có đầy dẫy hình tượng. Nhưng, dù vô hình, Đức Giê-hô-va vẫn có thật đối với Môi-se, khác với tất cả hình tượng của các thần vô tri vô giác của Ai Cập. Không lạ gì khi Môi-se không sợ Pha-ra-ôn chút nào!

8 Điều gì khiến Môi-se can đảm xuất hiện nhiều lần trước mặt Pha-ra-ôn? Kinh Thánh cho biết “Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”. (Dân-số Ký 12:3) Rõ ràng, thiêng liêng tính mạnh mẽ của ông và niềm tin chắc rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông đã cho Môi-se nghị lực cần thiết để đại diện cho “Đấng không thấy được” trước mặt vua Ai Cập tàn bạo. Những người “thấy” được Đức Chúa Trời vô hình ngày nay thể hiện đức tin nơi Ngài qua một số cách nào?

9. Chúng ta có thể tiếp tục đứng vững bằng cách nào?

9 Một cách để thể hiện đức tin và tiếp tục đứng vững như thấy Đấng không thấy được là can đảm rao giảng dù bị ngược đãi. Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen-ghét”. (Lu-ca 21:17) Ngài còn nói: “Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi”. (Giăng 15:20) Thật như lời Chúa Giê-su nói, ít lâu sau khi ngài chết, các môn đồ ngài bị đe dọa, bắt giam và đánh đập. (Công-vụ 4:1-3, 18-21; 5:17, 18, 40) Tuy nhiên, bất kể làn sóng ngược đãi, các sứ đồ và các môn đồ khác của Chúa Giê-su đều tiếp tục rao giảng tin mừng với lòng dạn dĩ.—Công-vụ 4:29-31.

10. Lòng tin cậy nơi sự che chở của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta trong thánh chức như thế nào?

10 Giống như Môi-se, các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu không sợ kẻ thù hữu hình dù rất đông. Họ có đức tin nơi Đức Chúa Trời và kết quả là họ kiên trì chịu đựng được sự ngược đãi gay gắt. Đúng vậy, họ đứng vững như thể thấy Đấng không thấy được. Ngày nay, chúng ta cũng dạn dĩ và can đảm rao giảng về Nước Trời vì luôn ý thức mình được Đức Giê-hô-va che chở. Lời Đức Chúa Trời nói rằng “sự sợ loài người gài bẫy; nhưng ai nhờ-cậy Đức Giê-hô-va được yên-ổn vô-sự”. (Châm-ngôn 29:25) Bởi vậy, chúng ta không thối lui vì sợ bị ngược đãi, và cũng không hổ thẹn làm thánh chức. Đức tin thúc đẩy chúng ta làm chứng can đảm cho người láng giềng, bạn đồng nghiệp, bạn học và những người khác.—Rô-ma 1:14-16.

Đấng vô hình hướng dẫn dân Ngài

11. Theo Phi-e-rơ và Giu-đe, một số người kết hợp với hội thánh Đấng Christ thể hiện việc thiếu thiêng liêng tính như thế nào?

11 Đức tin giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va hướng dẫn tổ chức trên đất của Ngài. Chúng ta tránh thái độ chỉ trích những người gánh vác trách nhiệm trong hội thánh. Cả sứ đồ Phi-e-rơ và em khác cha của Chúa Giê-su là Giu-đe báo trước rằng một số người thiếu thiêng liêng tính sẽ nói hỗn đến những người dẫn dắt tín đồ Đấng Christ. (2 Phi-e-rơ 2:9-12; Giu-đe 8) Liệu những kẻ vạch lá tìm sâu đó có dám nói hành người khác trước mặt Đức Giê-hô-va nếu họ thấy được Ngài không? Không đâu! Nhưng bởi vì Đức Chúa Trời vô hình nên những người có tính xác thịt quên việc họ phải thưa trình với Ngài.

12. Chúng ta nên có thái độ nào đối với những người dẫn dắt hội thánh?

12 Hội thánh tín đồ Đấng Christ gồm những người bất toàn. Vì thế những người phụng sự trên cương vị trưởng lão cũng phạm những sai lầm đôi khi ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va vẫn sử dụng họ để làm người chăn bầy chiên Ngài. (1 Phi-e-rơ 5:1, 2) Những người nam và nữ thiên về thiêng liêng nhìn nhận đây là một cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân sự của Ngài. Do đó, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải tránh tinh thần chỉ trích, than phiền mà nên kính trọng sự sắp đặt thần quyền của Đức Chúa Trời. Bằng cách vâng phục những người dẫn dắt, chúng ta chứng tỏ mình nhìn thấy Đấng không thấy được.—Hê-bơ-rơ 13:17.

Nhận thấy Đức Chúa Trời là Đấng Dạy Dỗ Vĩ đại

13, 14. Việc nhận thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại có nghĩa gì đối với bạn?

13 Có một lĩnh vực khác đòi hỏi phải có nhận thức thiêng liêng. Ê-sai tiên tri: “Mắt ngươi sẽ được thấy Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của ngươi.” (Ê-sai 30:20, NW) Cần phải có đức tin mới nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va là Đấng dạy dỗ chúng ta qua tổ chức trên đất của Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Nhận thấy Đức Chúa Trời là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại bao hàm nhiều hơn là chỉ duy trì thói quen tốt trong việc học hỏi Kinh Thánh và đều đặn đi nhóm họp. Điều này có nghĩa là phải tận dụng các sắp đặt thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn mức bình thường đến sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua trung gian Chúa Giê-su hầu không bị trôi dạt về thiêng liêng.—Hê-bơ-rơ 2:1NW.

14 Đôi khi cần phải đặc biệt cố gắng mới tận hưởng lợi ích từ thức ăn thiêng liêng. Thí dụ, chúng ta có thể có khuynh hướng đọc lướt lời tường thuật của Kinh Thánh mà chúng ta thấy khó hiểu. Khi đọc các tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!, có lẽ chúng ta còn bỏ qua một số bài vì đề tài không đặc biệt thu hút chúng ta. Hoặc khi đang nhóm họp thì tâm trí chúng ta lơ đãng, nghĩ về những việc nào khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể ý thức nếu suy nghĩ cẩn thận về những điểm đang được xem xét. Lòng biết ơn sâu đậm đối với sự dạy dỗ thiêng liêng mà chúng ta nhận được cho thấy chúng ta nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại.

Chúng ta phải thưa trình với Đức Chúa Trời

15. Một số người hành động thế nào như thể Đức Giê-hô-va không nhìn thấy họ?

15 Đức tin nơi Đấng không thấy được là thiết yếu đặc biệt bởi vì sự gian ác lan tràn quá đỗi trong “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) Sự bất lương và vô luân rất phổ biến. Dĩ nhiên, nên khôn ngoan ý thức rằng Đức Giê-hô-va quan sát những hành động của chúng ta trong khi người khác không nhìn thấy được. Vậy mà một số người đã quên hẳn điều này. Khi người khác không nhìn thấy họ, họ hành động trái với Kinh Thánh. Chẳng hạn, họ không cưỡng lại cám dỗ xem những trò giải trí độc hại và khiêu dâm trên mạng Internet, truyền hình và những phương tiện hiện đại khác. Vì điều ấy diễn ra trong nơi kín, một số người hành động như thể Đức Giê-hô-va không nhìn thấy họ.

16. Điều gì sẽ giúp chúng ta sống phù hợp với các tiêu chuẩn cao quý của Đức Giê-hô-va?

16 Ta nên ghi nhớ lời sứ đồ Phao-lô viết: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:12) Chúng ta cần ý thức rằng mỗi lần mình phạm tội, ấy là phạm tội nghịch lại Đức Giê-hô-va. Biết được điều này sẽ giúp chúng ta sống phù hợp với các tiêu chuẩn cao quý của Ngài và tránh hành vi ô uế. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”. (Hê-bơ-rơ 4:13) Đành rằng chúng ta phải thưa trình với Đức Chúa Trời, nhưng chắc chắn chính lòng yêu thương sâu đậm của chúng ta đối với Ngài mới là lý do chính yếu thúc đẩy chúng ta làm theo ý muốn của Ngài và tuân thủ các tiêu chuẩn công bình của Ngài. Do đó, chúng ta hãy thận trọng lựa chọn trong việc giải trí và hạnh kiểm đối với người khác phái.

17. Đức Giê-hô-va quan sát chúng ta với sự quan tâm nào?

17 Đức Giê-hô-va hết sức chú ý đến chúng ta, nhưng không có nghĩa là Ngài đợi chúng ta phạm lỗi để trừng phạt. Đúng hơn, Ngài quan sát chúng ta với sự quan tâm đầy yêu thương, giống như một người cha muốn thưởng cho đứa con ngoan. Thật là an ủi xiết bao khi biết rằng Cha trên trời hài lòng về đức tin của chúng ta và Ngài là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”! (Hê-bơ-rơ 11:6) Mong sao chúng ta tin tưởng tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va và “hết lòng... phục-sự Ngài”.—1 Sử-ký 28:9.

18. Vì Đức Giê-hô-va quan sát và lưu tâm đến sự trung thành của chúng ta, Kinh Thánh cam kết điều gì?

18 Châm-ngôn 15:3 nói: “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem-xét kẻ gian-ác và người lương-thiện”. Thật thế, Đức Chúa Trời quan sát những người gian ác và đối xử tùy theo hành vi của họ. Tuy nhiên, nếu là “người lương-thiện”, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va lưu tâm đến những hành động trung thành của chúng ta. Đức tin của chúng ta được củng cố xiết bao khi biết rằng ‘công-khó của chúng ta trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu’ và Đấng vô hình sẽ không ‘bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương mà chúng ta đã tỏ ra vì danh Ngài’!—1 Cô-rinh-tô 15:58; Hê-bơ-rơ 6:10.

Xin được Đức Giê-hô-va xem xét

19. Có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va đem lại một số lợi ích nào?

19 Là các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, chúng ta quý báu trước mắt Ngài. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Dù vô hình, Ngài vẫn là thật đối với chúng ta, và chúng ta có thể yêu chuộng mối liên lạc quý báu với Ngài. Có thái độ đó đối với Cha trên trời đem lại nhiều lợi ích. Đức tin mạnh mẽ giúp chúng ta có một tấm lòng tinh sạch và lương tâm tốt trước mắt Đức Giê-hô-va. Đức tin thật cũng sẽ ngăn ngừa chúng ta có nếp sống hai mặt. (1 Ti-mô-thê 1:5, 18, 19) Đức tin không gì lay chuyển nơi Đức Chúa Trời nêu gương tốt và ảnh hưởng tích cực đối với những người chung quanh. (1 Ti-mô-thê 4:12) Hơn nữa, đức tin như thế thúc đẩy chúng ta có hạnh kiểm tin kính, làm vui lòng Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 27:11.

20, 21. (a) Tại sao được Đức Giê-hô-va để mắt quan sát chúng ta là điều đáng ước ao? (b) Chúng ta có thể áp dụng Thi-thiên 139:23, 24 cho chính mình như thế nào?

20 Nếu thật sự khôn ngoan, chúng ta sẽ sung sướng khi được Đức Giê-hô-va quan sát. Không những chúng ta mong được Ngài nhìn thấy mà còn ước ao Ngài xem xét kỹ lưỡng những ý tưởng và hành động của chúng ta. Chúng ta nên cầu nguyện xin Ngài tra xét chúng ta kỹ càng và xem chúng ta có khuynh hướng xấu nào chăng. Chắc chắn Ngài có thể giúp chúng ta đối phó với các vấn đề và sửa chữa sai sót nếu cần. Người viết Thi-thiên Đa-vít hát một cách thích hợp thay: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời”.—Thi-thiên 139:23, 24.

21 Đa-vít nài xin Đức Giê-hô-va tra xét ông kỹ càng và xem trong ông có “lối ác” nào chăng. Giống như người viết Thi-thiên, chẳng phải chúng ta cũng ao ước Đức Chúa Trời tra xét lòng chúng ta và xem có động lực nào xấu hay sao? Vậy chúng ta hãy lấy đức tin mà xin Đức Giê-hô-va xem xét chúng ta. Nhưng nói gì nếu chúng ta băn khoăn vì một số lỗi lầm hoặc một khuynh hướng xấu trong chúng ta? Hãy tiếp tục cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy yêu thương, khiêm nhường phục tùng những sự chỉ dẫn của thánh linh và lời khuyên trong Lời Ngài. Chúng ta có thể tin cậy rằng Ngài sẽ giúp chúng ta theo đuổi đường lối dẫn đến sự sống đời đời.—Thi-thiên 40:11-13.

22. Chúng ta nên kiên quyết làm gì đối với Đấng không thấy được?

22 Hẳn là Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chúng ta với sự sống đời đời nếu chúng ta hội đủ những điều kiện của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận uy quyền và thẩm quyền của Ngài, như sứ đồ Phao-lô đã làm khi ông viết: “Nguyền xin sự tôn-quí vinh-hiển đời đời vô-cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư-nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men”. (1 Ti-mô-thê 1:17) Mong sao chúng ta luôn luôn hết lòng kính sợ Đức Giê-hô-va như thế. Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta chớ bao giờ nao núng trong niềm kiên quyết đứng vững như thấy Đấng không thấy được.

Bạn sẽ trả lời ra sao?

• Con người có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời theo nghĩa nào?

• Nếu Đức Giê-hô-va có thật đối với chúng ta, chúng ta sẽ hành động thế nào khi bị ngược đãi?

• Nhận thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của chúng ta có nghĩa gì?

• Tại sao chúng ta nên ước ao được Đức Giê-hô-va xem xét?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Không sợ Pha-ra-ôn, Môi-se hành động như thể thấy Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thấy được

[Hình nơi trang 21]

Chúng ta chớ bao giờ hành động như thể Đức Giê-hô-va không nhìn thấy chúng ta

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta tha thiết tìm kiếm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời vì nhận thấy Ngài là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại