Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiền bạc hay sự sống của bạn?

Tiền bạc hay sự sống của bạn?

Tiền bạc hay sự sống của bạn?

Có lẽ bạn từng nghe chuyện kẻ cướp chĩa súng vào nạn nhân đòi: “Đưa tiền ngay nếu không sẽ mất mạng!” Ngày nay, đòi hỏi quen thuộc này vang lên trong tình thế tiến thoái lưỡng nan mà tất cả chúng ta đều phải đương đầu—đặc biệt đối với những người sống trong những xứ phồn thịnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này không có kẻ cướp nào tung ra yêu sách đó cả. Thay vì vậy, chính xã hội coi trọng tiền bạc và những thành công về vật chất mới tạo ra yêu sách đó.

VIỆC nhấn mạnh ấy dấy lên một loạt vấn đề và những mối quan tâm mới. Theo đuổi tiền bạc và vật chất sẽ phải trả giá nào? Chúng ta có thể thỏa mãn nếu có ít của cải hơn không? Người ta có thật sự đang hy sinh “sự sống thật” để theo đuổi chủ nghĩa vật chất không? Tiền bạc có phải là phương tiện để có một đời sống hạnh phúc không?

Tật tham tiền

Trong số những thèm muốn và đam mê của loài người—dù chính đáng hay không—sự mê tham tiền bạc đứng hàng đầu. Khác với thèm muốn về tính dục hay thực phẩm, tật tham tiền có thể dai dẳng và vô tận. Tuổi già dường như không làm người ta bỏ tật này. Trong nhiều trường hợp, tuổi đời chồng chất thật ra lại khiến một người quan tâm hoặc lo lắng nhiều hơn đến tiền bạc và những gì tiền có thể mua được.

Sự tham lam dường như leo thang. Nhân vật chính trong một phim được nhiều người ưa thích nói: “Lòng tham mang lại sự thành công. Tham coi vậy mà tốt”. Dù nhiều người xem thập niên 1980 là Thời Đại Tham Lam, những điều xảy ra trước và sau thời kỳ ấy cho thấy phản ứng của loài người đối với tiền bạc không thay đổi nhiều theo năm tháng.

Điều hầu như mới là có quá nhiều người nhìn thấy những cơ hội để tiêu xài nhằm thỏa mãn tức thời lòng thèm muốn thêm của cải vật chất. Dường như cả thế giới dành phần lớn thì giờ, tốn nhiều năng lực để sản xuất và thu gom đồ dùng ngày càng nhiều hơn. Bạn có lẽ đồng ý rằng có nhiều của cải và tiêu pha tiền bạc đã trở thành một nỗ lực mãnh liệt—và thường là hư cấu nhất—trong cuộc sống hiện đại.

Nhưng kết quả là người ta có hạnh phúc hơn không? Để trả lời câu hỏi này, Vua Sa-lô-môn khôn ngoan và rất giàu đã viết trước đây 3.000 năm: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi. Điều đó cũng là sự hư-không”. (Truyền-đạo 5:10) Những cuộc nghiên cứu xã hội hiện đại cũng đi đến những kết luận thú vị tương tự.

Tiền bạc và hạnh phúc

Một trong những khám phá đáng ngạc nhiên nhất về cách cư xử của loài người là người ta không nhất thiết thỏa lòng và hạnh phúc hơn khi tích lũy tiền bạc và của cải vật chất. Nhiều nhà nghiên cứu đã thấy rõ là một khi người ta giàu đến mức nào đó, hạnh phúc mà người cảm thấy không lệ thuộc vào của cải vật chất.

Vì vậy, theo đuổi của cải vật chất và tiền bạc một cách buông thả khiến nhiều người tự hỏi: ‘Chúng ta hình như vui thích đối với mỗi đồ vật mới mua; nhưng, tại sao khi đúc kết mọi chuyện, niềm vui thích đó không làm tăng cảm giác thỏa lòng?’

Trong cuốn Happy People, tác giả Jonathan Freedman ghi: “Một khi đạt được mức lợi tức tối thiểu, số tiền bạn có không mang lại hạnh phúc là bao. Trên mức bần cùng, mối liên hệ giữa lợi tức và hạnh phúc rõ ràng là rất ít”. Nhiều người đã nhận thức rằng tầm quan trọng thật sự cho việc xây dựng hạnh phúc cá nhân là người đó có tài sản thiêng liêng, những sự theo đuổi đầy ý nghĩa trong đời sống, và những giá trị đạo đức. Những mối quan hệ tốt của con người và tránh được những xung đột hoặc những gò bó trong cuộc sống có thể ngăn trở chúng ta vui hưởng điều mình có cũng là điều quan trọng.

Nhiều người nhận thấy nguyên nhân cốt lõi của phần lớn tệ trạng xã hội hiện nay là khuynh hướng cố sử dụng sự phồn hoa vật chất để giải quyết những phiền muộn thật sự thuộc nội tâm. Nhiều nhà bình luận xã hội nói về tâm trạng bi quan và bất mãn chung. Họ cũng ghi nhận những người thuộc tầng lớp thượng lưu càng ngày càng có khuynh hướng tham khảo ý kiến các nhà trị liệu hoặc quay sang các thầy guru, các giáo phái cuồng tín và các nhóm trị bệnh bán chính thức để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự hài hòa nội tâm. Điều này chứng thật rằng của cải vật chất không thể làm tăng thêm ý nghĩa thật của đời sống.

Quyền lực và sự bất lực của đồng tiền

Đành rằng tiền bạc có rất nhiều tác dụng. Tiền có thể được dùng mua nhà đẹp, y phục thanh lịch, và những đồ trang trí sang trọng. Tiền còn có thể mua sự nịnh hót, sự khúm núm, sự tâng bốc, ngay cả tạo nên một vài bằng hữu nhất thời và niềm nở. Nhưng tiền bạc chỉ có quyền đến thế là cùng. Điều mà chúng ta cần nhất thì tiền lại không thể mua được—lòng yêu mến của một người bạn chân thật, sự bình an tâm trí, một chút an ủi chân thành trong giây phút lâm chung. Và đối với những người quý mến mối liên hệ giữa họ với Đấng Tạo Hóa, tiền bạc không thể mua được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời.

Vua Sa-lô-môn, người hưởng mọi lạc thú mà tiền bạc vào thời của ông có thể mua được đã ý thức rằng việc tin cậy nơi của cải vật chất không dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu. (Truyền-đạo 5:12-15) Tiền có thể mất khi nhà băng vỡ nợ hoặc tình trạng lạm phát. Bất động sản có thể bị hủy hoại bởi những cơn bão dữ dội. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có thể bồi thường đến mức độ nào đó về những thiệt hại vật chất nhưng không thể đền bù được những mất mát tình cảm. Cổ phần và công phiếu một sớm một chiều có thể trở thành vô giá trị khi nền kinh tế thình lình sụp đổ. Thậm chí một người có thể được trả lương hậu hôm nay và bị sa thải ngày mai.

Thế thì, làm sao chúng ta có quan điểm thăng bằng về tiền bạc? Tiền bạc hoặc của cải nên đóng vai trò nào trong đời sống chúng ta? Hãy xem xét vấn đề kỹ hơn để thấy làm thế nào bạn có thể sở hữu một điều thật sự đáng giá—“sự sống thật”.

[Các hình nơi trang 4]

Của cải vật chất không mang lại hạnh phúc vĩnh cửu