Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng để sự nghi ngờ phá hủy đức tin của bạn

Đừng để sự nghi ngờ phá hủy đức tin của bạn

Đừng để sự nghi ngờ phá hủy đức tin của bạn

Một ngày kia bạn cho rằng mình có sức khỏe tốt. Hôm sau bạn ốm. Thình lình, bạn không có sức khỏe hay sức sống. Bạn nhức đầu và đau nhói cả người. Chuyện gì đã xảy ra? Các mầm bệnh nguy hiểm đang xâm nhập, làm suy yếu hệ thống đề kháng của cơ thể và tấn công những cơ quan trọng yếu. Không chữa trị, những vật thể xa lạ này có thể phá hủy vĩnh viễn sức khỏe của bạn—ngay cả giết bạn.

DĨ NHIÊN, nếu không có sức khỏe tốt khi bị nhiễm trùng, bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn. Chẳng hạn, nếu cơ thể bạn yếu đi do suy dinh dưỡng, sức đề kháng của cơ thể bạn “trở nên yếu đến nỗi một sự nhiễm trùng nhẹ vẫn có thể gây tử vong”, theo lời của Peter Wingate, một người chuyên viết các đề tài về y khoa.

Vì thế, ai sẽ chọn sống trong điều kiện đói kém? Rất có thể, bạn làm bất cứ điều gì theo khả năng để ăn ngon và được khỏe mạnh. Có lẽ bạn cũng làm tất cả mọi thứ có thể làm được để tránh cho mình khỏi nhiễm vi-rút hoặc vi trùng. Tuy nhiên, bạn có thận trọng như thế khi phải duy trì “có đức-tin... vẹn-lành” không? (Tít 2:2) Chẳng hạn, bạn có cảnh giác đối với sự nguy hiểm do những mối nghi ngờ độc hại gây ra không? Những điều này có thể rất dễ dàng xâm chiếm lòng và trí, làm hại đức tin và mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va. Một số người hình như không nhận thức được mối nguy hiểm này. Nhịn đói về thiêng liêng, họ dễ bị sự nghi ngờ đầu độc. Phải chăng đó là trường hợp của bạn?

Nghi ngờ—Có phải luôn luôn là xấu không?

Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi nghi ngờ đều xấu. Đôi khi, bạn không vội phải chấp nhận một điều gì đó cho đến khi bạn chắc chắn biết rõ hết các sự kiện. Tôn giáo nào khuyên bạn chỉ việc nhắm mắt mà tin, không nên nghi ngờ gì cả đều là nguy hiểm và lừa dối. Công nhận là Kinh Thánh nói rằng tình yêu thương “tin mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Một tín đồ Đấng Christ chắc chắn sẵn sàng tin những ai trong quá khứ đã tỏ ra đáng tin. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cũng cảnh giác về việc “tin hết mọi lời”. (Châm-ngôn 14:15) Đôi khi quá khứ của một người cũng gây ra sự nghi ngờ chính đáng. Kinh Thánh cảnh giác: “[Dù kẻ phỉnh gạt] nói ngọt-nhạt, thì chớ tin”.—Châm-ngôn 26:24, 25.

Sứ đồ Giăng cũng cảnh báo tín đồ Đấng Christ chống lại đức tin mù quáng. Ông viết: “Chớ tin-cậy mọi thần”. Trái lại, “hãy thử các lời nói soi dẫn để xem có quả thật đến từ Đức Chúa Trời không”. (1 Giăng 4:1, NW) Một “lời nói soi dẫn”, một sự dạy dỗ hoặc ý kiến, có thể hình như bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Nhưng lời đó có thực sự đến từ Ngài không? Việc nghi ngờ điều gì, hoặc tạm không tin, có thể là sự che chở thật sự bởi vì, như sứ đồ Giăng nói, “trong thế-gian đã rải nhiều kẻ dỗ-dành”.—2 Giăng 7.

Những nghi ngờ vô căn cứ

Đúng vậy, để chứng minh sự thật thường thường cần xem xét các sự việc một cách thành thật, khiêm nhường. Tuy nhiên, điều này không giống với việc để cho những nghi ngờ tai hại, vô căn cứ phát triển trong lòng và trí chúng ta—những nghi ngờ có thể làm chìm đắm đức tin và mối quan hệ vững chắc sẵn có của chúng ta. Sự nghi ngờ này được định nghĩa là “một sự không tin chắc hoặc một ý kiến chi phối quyết định”. Bạn có nhớ Sa-tan đã đầu độc tâm trí bà Ê-va với sự nghi ngờ về Đức Giê-hô-va như thế nào không? Hắn hỏi bà: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng-thế Ký 3:1) Sự hoang mang do câu hỏi nghe có vẻ ngây ngô đó chi phối bà quyết định. Đó là phương cách hành động điển hình của Sa-tan. Giống như kẻ chuyên viết thư xuyên tạc, hắn tinh ranh trong việc dùng lời nói bóng gió, bán tín bán nghi, và lời dối trá. Sa-tan đã phá hủy vô số mối quan hệ tin cậy và lành mạnh qua những nghi ngờ ngấm ngầm được gieo rắc theo cách đó.—Ga-la-ti 5:7-9.

Môn đồ Gia-cơ hiểu rõ ràng hậu quả tai hại của loại nghi ngờ này. Ông viết về ân phước tuyệt vời mà chúng ta có qua việc tự do đến gần Đức Chúa Trời để xin Ngài giúp đỡ trong kỳ thử thách. Nhưng Gia-cơ cảnh giác, khi bạn cầu nguyện “phải lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ”. Những nghi ngờ trong quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời “giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó”. Chúng ta trở nên giống như “một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định”. (Gia-cơ 1:6, 8) Khi niềm tin hoang mang, chúng ta trở nên phân vân, cũng là lúc chúng ta dễ bị đủ loại dạy dỗ và triết lý của ma quỉ đầu độc như đã xảy ra cho Ê-va vậy.

Duy trì sức khỏe thiêng liêng tốt

Vậy thì, làm sao chúng ta có thể tự vệ, tránh khỏi những nghi ngờ tai hại? Câu trả lời thật đơn giản: bằng cách cương quyết không nghe lời tuyên truyền của Sa-tan và tận dụng tất cả những sự cung cấp của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta “đứng vững trong đức-tin”.—1 Phi-e-rơ 5:8-10.

Điều tuyệt đối quan trọng là sự dinh dưỡng thiêng liêng tốt về mặt cá nhân. Tác giả Wingate, được nói đến ở trên, giải thích: “Ngay cả khi thân thể nghỉ ngơi, nó cũng cần được liên tục cung cấp năng lượng để thực hiện các tiến trình hóa học, các công việc của các cơ quan trọng yếu; và vật liệu của nhiều mô tế bào cần thay thế thường xuyên”. Sức khỏe thiêng liêng của chúng ta cũng giống như vậy. Không được thường xuyên cung cấp thức ăn thiêng liêng, đức tin chúng ta, giống như một cơ thể thiếu thức ăn, sẽ dần dần suy nhược và cuối cùng bị chết. Chúa Giê-su Christ nhấn mạnh điều này khi phán: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 4:4.

Hãy nghĩ về điều đó. Lúc đầu chúng ta xây dựng đức tin vững mạnh như thế nào? Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức-tin đến bởi sự người ta nghe”. (Rô-ma 10:17) Ông muốn nói rằng lúc đầu chúng ta đã xây dựng đức tin và tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, nơi lời hứa và tổ chức của Ngài qua sự dinh dưỡng dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ mù quáng tin vào mọi điều chúng ta nghe. Chúng ta làm những điều mà dân thành Bê-rê đã làm. Chúng ta cẩn thận “ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”. (Công-vụ 17:11) Chúng ta đã “thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” và chắc chắn rằng những điều mình nghe là thật. (Rô-ma 12:2; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Từ đó, chắc chắn đức tin chúng ta được củng cố thêm khi thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng Lời Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài chẳng bao giờ sai.—Giô-suê 23:14; Ê-sai 55:10, 11.

Tránh nhịn đói về thiêng liêng

Hiện nay việc duy trì đức tin và tránh hoang mang về những điều mà có thể khiến niềm tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài lung lay là cả một thách thức. Để đạt điều này chúng ta phải tiếp tục tra xem Kinh Thánh hàng ngày. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng “trong đời sau-rốt, có mấy kẻ [lúc đầu dường như có đức tin mạnh mẽ] sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ”. (1 Ti-mô-thê 4:1) Những lời lừa dối và những đạo lý này tạo nên sự nghi ngờ trong tâm trí của một số người, khiến họ lìa xa Đức Chúa Trời. Điều gì che chở chúng ta? Đó là tiếp tục được “nuôi bởi các lời của đức-tin và đạo-lý lành mà [chúng ta] đã theo”.—1 Ti-mô-thê 4:6.

Dầu vậy, buồn thay, ngày nay một số người cố tình không muốn được “nuôi bởi các lời của đức-tin”—thậm chí ngay cả khi sự dinh dưỡng ấy dư dật. Như một trong những người viết sách Châm-ngôn cho thấy, thức ăn thiêng liêng tốt có thể được dọn sẵn xung quanh, một bữa tiệc thiêng liêng thịnh soạn có sẵn, nhưng dù vậy một người vẫn không chịu ăn.—Châm-ngôn 19:24; 26:15.

Điều này nguy hiểm. Tác giả Wingate nói: “Ngay khi cơ thể tiêu thụ chất protein của chính mình, sức khỏe bắt đầu lâm nguy”. Khi bạn thiếu thức ăn, cơ thể bắt đầu dùng tới phần nhiên liệu dự trữ khắp cơ thể. Khi dùng hết các nguồn này, cơ thể bắt đầu tiêu thụ chất protein thiết yếu cho sự tăng trưởng liên tục và sửa chữa các mô tế bào. Các cơ quan trọng yếu bắt đầu suy nhược. Sức khỏe của bạn nhanh chóng suy sụp.

Đó là điều đã xảy ra theo nghĩa thiêng liêng đối với một số người ở hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Họ cố sống bằng thức ăn thiêng liêng dự trữ. Rất có thể, họ bỏ bê việc học hỏi cá nhân, và trở nên yếu về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 5:12) Sứ đồ Phao-lô giải thích sự nguy hiểm trong việc này khi ông viết cho tín đồ gốc Hê-bơ-rơ: “Chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng”. Ông biết thật dễ dàng bị trôi lạc theo thói quen xấu biết bao nếu chúng ta “trễ-nải sự cứu-rỗi lớn dường ấy”.—Hê-bơ-rơ 2:1, 3.

Điều đáng chú ý là một người bị suy dinh dưỡng không nhất thiết trông có vẻ đau ốm hay gầy gò. Tương tự như thế, không thể biết rõ ngay được rằng người nào đó đang bị suy dinh dưỡng về thiêng liêng. Ngay cả khi không ăn đầy đủ, bạn vẫn có thể trông khỏe mạnh về thiêng liêng—nhưng chỉ trong thời gian ngắn mà thôi! Bạn sẽ không tránh khỏi yếu đi về thiêng liêng, dễ sinh nghi ngờ vô căn cứ, và không đủ khả năng “vì đạo mà tranh-chiến”. (Giu-đe 3) Bạn biết rõ—dù là không ai khác biết—độ dinh dưỡng thiêng liêng của riêng bạn.

Do đó, hãy tiếp tục học hỏi cá nhân. Hãy kịch liệt phấn đấu chống lại sự nghi ngờ. Lờ đi điều gì dường như là một sự nhiễm độc sơ sài, không làm gì để xua tan sự nghi ngờ dai dẳng, có thể mang lại những kết quả tàn khốc. (2 Cô-rinh-tô 11:3) ‘Chúng ta có thật sự đang sống trong những ngày sau rốt không? Mình có thể tin mọi điều Kinh Thánh nói không? Đây có thật là tổ chức của Ngài không?’ Sa-tan rất muốn gieo những nghi ngờ như thế trong tâm trí bạn. Chớ để thái độ lơ đễnh đối với sự dinh dưỡng thiêng liêng để cho bạn dễ làm mồi cho những dạy dỗ lừa dối của hắn. (Cô-lô-se 2:4-7) Hãy theo lời khuyên dành cho Ti-mô-thê. Hãy là một học viên Kinh Thánh tốt để bạn có thể ‘đứng vững trong những sự bạn đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy’.—2 Ti-mô-thê 3:13-15.

Bạn có thể cần sự giúp đỡ để làm điều này. Tác giả được đề cập khi nãy nói tiếp: “Sự suy dinh dưỡng nghiêm trọng phá hoại bộ tiêu hóa vì thiếu vi-ta-min và những chất cần thiết khác đến nỗi chúng không còn tiếp nhận thức ăn bình thường được nữa nếu chúng được cung cấp. Người ta ở tình trạng này có thể cần thức ăn dễ tiêu hóa trong một thời gian nào đó”. Cần có sự chăm sóc đặc biệt để chữa trị những hậu quả do sự suy dinh dưỡng gây ra. Tương tự như thế, người nào đã quá bỏ bê học hỏi Kinh Thánh cá nhân có thể cần giúp đỡ và khuyến khích nhiều để có lại sự ham thích về thiêng liêng. Nếu đó là tình trạng của bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ và vui mừng tiếp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào được cung cấp để xây dựng lại sức khỏe, sức mạnh thiêng liêng của bạn.—Gia-cơ 5:14, 15.

Chớ “lưỡng-lự hoặc hồ-nghi”

Khi xem xét những trường hợp của tộc tưởng Áp-ra-ham, một số người có thể nghĩ rằng ông đã có những cơ sở nghi ngờ hợp lý. Có thể rất hợp lý để kết luận rằng dù được Đức Chúa Trời hứa, Áp-ra-ham ‘chẳng còn lẽ cậy-trông để trở nên cha của nhiều dân-tộc’. Tại sao? Vì nếu theo quan điểm con người, thì điều ấy dường như khó xảy ra. Lời ghi chép trong Kinh Thánh nói: ‘Ông thấy chính thân thể mình, bây giờ đã hao mòn, và Sa-ra cũng không thể sinh đẻ được nữa’. Tuy nhiên, ông kiên quyết không để sự nghi ngờ về Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài bén rễ trong trí và lòng ông. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức-tin [người] chẳng kém” hoặc “chẳng có lưỡng-lự hoặc hồ-nghi”. Áp-ra-ham vẫn “tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được”. (Rô-ma 4:18-21) Ông đã xây dựng mối quan hệ tin cậy vững mạnh với Đức Giê-hô-va qua nhiều năm. Ông đã loại bỏ bất cứ sự nghi ngờ nào có thể làm yếu đi mối quan hệ đó.

Bạn có thể làm như vậy nếu như bạn “giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”—nếu bạn ăn uống đầy đủ về thiêng liêng. (2 Ti-mô-thê 1:13) Hãy đề phòng một cách nghiêm túc mối nguy hiểm của sự nghi ngờ. Sa-tan đang sử dụng cái có thể được gọi là chiến tranh vi trùng về thiêng liêng. Nếu bạn bỏ bê sự dinh dưỡng thiêng liêng tốt qua học hỏi Kinh Thánh cá nhân và tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, bạn tự phơi mình trước những cuộc tấn công đó. Hãy tận dụng sự cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Tiếp tục “theo lời có ích” và duy trì “đức-tin vẹn-lành”. (1 Ti-mô-thê 6:3; Tít 2:2) Đừng để sự nghi ngờ phá hủy đức tin của bạn.

[Các hình nơi trang 21]

Sự dinh dưỡng thiêng liêng của bạn tốt đến mức nào?