Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi đã thử Đức Giê-hô-va

Chúng tôi đã thử Đức Giê-hô-va

Tự truyện

Chúng tôi đã thử Đức Giê-hô-va

DO PAUL SCRIBNER KỂ LẠI

“Chào bà Stackhouse. Sáng nay tôi nhận đặt làm bánh Phục Sinh, và tôi chắc là bà cũng muốn có một cái bánh để chung vui với gia đình”. Đầu xuân năm 1938 ấy, trên đường đi bán hàng cho Công Ty General Baking tại Atco, bang New Jersey, Hoa Kỳ, tôi có dịp nói chuyện với một trong những khách hàng thân thiết nhất của Công Ty. Nào ngờ bà Stackhouse lại từ chối đặt hàng.

BÀ NÓI: “Tôi không nghĩ sẽ cần bánh. Chúng tôi không ăn mừng Lễ Phục Sinh”.

Giờ thì tôi không biết phải nghĩ gì. Không ăn mừng Lễ Phục Sinh ư? Dĩ nhiên, quy luật đầu tiên cho người bán hàng là khách hàng luôn luôn có lý. Nói sao nhỉ? Tôi đánh bạo hỏi: “Bà biết không, bánh ngon tuyệt, vả lại, tôi biết bà thích sản phẩm của chúng tôi mà. Chẳng lẽ bà không nghĩ là gia đình bà sẽ rất thích ăn bánh, dù nhà bà không, à, ăn mừng Lễ Phục Sinh?”

Bà lặp lại: “Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi định nói với ông một điều, ông Scribner ạ, và có lẽ đã đến lúc”. Cuộc nói chuyện ấy đã thay đổi hẳn đời sống tôi! Bà Stackhouse, một thành viên thuộc hội thánh Berlin của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New Jersey, giải thích nguồn gốc Lễ Phục Sinh và trao cho tôi ba cuốn sách nhỏ, tựa đề là Safety, Uncovered Protection. Tôi đem ba sách nhỏ ấy về nhà, vừa tò mò vừa sợ. Những gì bà Stackhouse nói nghe quen quen vì hồi còn thơ ấu tôi đã từng nghe qua rồi.

Những cuộc gặp gỡ đầu tiên với các Học Viên Kinh Thánh

Tôi sinh ngày 31-1-1907, và vào năm 1915, cha tôi mất vì bệnh ung thư khi tôi lên tám. Bởi vậy, mẹ và tôi dọn về bên ngoại trong một căn nhà rộng lớn ở Malden, bang Massachusetts. Cậu mợ Benjamin Ransom cũng ở chung nhà với chúng tôi, trên lầu ba. Cậu Ben kết hợp với các Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, từ trước thế kỷ 20. Tôi rất thích cậu Ben, nhưng những người bà con khác bên ngoại theo Giám Lý Hội đều nghĩ cậu là người kỳ quặc. Nhiều năm sau, trước khi mợ tôi ly dị, mợ cho cậu một phen nằm bệnh viện tâm thần một thời gian ngắn, vì tín ngưỡng của cậu! Nhưng các bác sĩ sớm khám phá ra cậu không có bệnh gì cả nên cho cậu xuất viện với lời xin lỗi.

Cậu Ben dẫn tôi đi họp với các Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế ở Boston, nhất là khi có các diễn giả khách hoặc những dịp đặc biệt. Có lần, diễn giả khách đến không ai khác hơn là Charles Taze Russell, người dẫn đầu công việc rao giảng thời bấy giờ. Một dịp khác là khi trình chiếu “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”. Dù năm 1915 đã qua lâu rồi, nhưng cho đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh Áp-ra-ham dẫn con mình là Y-sác lên núi toan dâng làm của-lễ hy sinh. (Sáng-thế Ký, chương 22) Tôi vẫn còn có thể nhìn thấy hai cha con Áp-ra-ham và Y-sác hì hục leo đồi với bó củi, trong khi Áp-ra-ham tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va. Vì mồ côi cha nên tôi rất cảm kích cảnh ấy.

Rồi cậu mợ Ben dọn nhà đi tiểu bang Maine, còn mẹ thì tái giá và chúng tôi về ở tiểu bang New Jersey. Thế là bẵng đi một thời gian dài tôi không gặp cậu Ben. Thuở thiếu thời ở New Jersey, tôi gặp Marion Neff, một trong tám người con của một gia đình theo Giáo Hội Trưởng Lão mà tôi rất thích lui tới. Nhiều buổi tối Chủ Nhật tôi rất thường lại nhà họ chơi và kết hợp với nhóm thiếu niên của đạo đó đến độ cuối cùng tôi cũng vào đạo của họ. Thế nhưng, tôi vẫn còn nhớ mãi một số điều học được ở các buổi họp của Học Viên Kinh Thánh. Tôi cưới Marion năm 1928 và hai con gái của chúng tôi, Doris và Louise, ra đời năm 1935 và 1938. Vì có con nhỏ và con mới sinh nên chúng tôi cảm thấy cần phải có sự hướng dẫn tôn giáo để nuôi dạy con.

Tìm được lẽ thật trong các sách nhỏ ấy

Tôi và Marion tìm một giáo hội để theo và vạch ra một kế hoạch. Mỗi Chủ Nhật chúng tôi thay phiên nhau, người thì ở nhà trông con trong khi người kia đi viếng thử một nhà thờ. Một hôm nọ, đến phiên Marion ở nhà nhưng tôi lại tình nguyện giữ con hộ để có thể đọc sách Safety, cuốn sách nhỏ đầu tiên mà bà Stackhouse cho tôi. Một khi đã bắt đầu đọc, tôi không thể bỏ xuống được! Càng đọc tôi càng tin chắc đã tìm ra một điều gì mà không một giáo hội nào dạy. Tuần sau cũng vậy, tôi tình nguyện ở nhà vừa trông con vừa đọc sách nhỏ thứ hai, Uncovered. Những gì tôi đọc có vẻ quen thuộc. Có phải cậu Ben tin như vậy không? Trước đây gia đình chúng tôi cho rằng tôn giáo của cậu Ben là điên khùng. Marion sẽ nghĩ sao đây? Hóa ra không có gì phải lo âu. Ít ngày sau khi đọc sách nhỏ Uncovered, tôi đi làm về được Marion dành cho một sự ngạc nhiên khi nói với tôi: “Em mới đọc mấy cuốn sách nhỏ anh đem về. Hay thật”. Thật là nhẹ nhõm!

Trang cuối của các sách nhỏ có thông tin về sách Enemies mới ra mắt, lên án kịch liệt tôn giáo giả. Chúng tôi định đặt sách đó. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi gửi phiếu qua bưu điện xin sách đó, một Nhân Chứng đến gõ cửa và mời chúng tôi nhận chính cuốn sách ấy. Thật đúng lúc! Chúng tôi ngưng đi lòng vòng các nhà thờ và bắt đầu đi họp với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Camden, New Jersey. Chỉ ít tháng sau, vào ngày Chủ Nhật, 31-7-1938, khoảng chừng 50 người trong chúng tôi họp trên sân cỏ nhà chị Stackhouse—mà tôi đã từng mời mua bánh cho Lễ Phục Sinh—để nghe bài diễn văn ghi vào đĩa của Thẩm Phán Rutherford về đề tài báp têm. Sau đó, chúng tôi, tất cả là 19 người, vô nhà thay quần áo và làm báp têm trong một dòng suối gần đó.

Nhất quyết làm tiên phong

Ít lâu sau khi làm báp têm, một chị trong hội thánh nói với tôi về những người gọi là người tiên phong chọn thánh chức rao giảng làm hoạt động chính. Lập tức tôi tò mò và chẳng bao lâu tôi làm quen với cả một gia đình làm tiên phong. Anh Konig, một anh lớn tuổi, cùng với vợ và cô con gái đã lớn của họ đều làm tiên phong trong hội thánh kế cận. Là gia trưởng một gia đình trẻ, tôi lấy làm cảm kích về niềm vui sâu đậm mà gia đình Konig tìm thấy trong thánh chức. Tôi thường dừng xe tải bán bánh ngọt của tôi lại bên đường, cùng họ rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Chẳng bao lâu chính tôi lại muốn làm tiên phong. Nhưng làm sao đây? Tôi và Marion có hai con nhỏ và công việc làm ăn của tôi vất vả lắm. Thật vậy, Thế Chiến II đã bắt đầu bên Âu Châu và ngày càng có nhiều thanh niên nhập ngũ ở Hoa Kỳ, để lại cho thường dân chúng tôi nhiều việc làm. Tôi được khuyên nên nhận thêm lộ trình bán bánh, và tôi biết không bao giờ có thể làm tiên phong với thời gian biểu ấy được.

Khi nói chuyện với anh Konig về nguyện vọng làm tiên phong của tôi, anh ấy nói: “Cứ tiếp tục chăm chỉ trong công việc của Đức Giê-hô-va, và cầu nguyện luôn về mục tiêu của anh, rồi Ngài sẽ giúp anh mãn nguyện”. Tôi tiếp tục cầu nguyện trong hơn một năm liền, thường suy ngẫm về những câu Kinh Thánh như Ma-thi-ơ 6:8, cam kết rằng Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi cầu xin Ngài. Tôi tiếp tục cố gắng làm theo lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 6:33, tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài trước hết. Tôi cũng được anh giám thị vòng quanh Melvin Winchester khuyến khích.

Tôi nói chuyện với Marion về mục tiêu của tôi. Chúng tôi bàn về những lời ghi nơi Ma-la-chi 3:10, khuyến khích chúng ta thử Đức Giê-hô-va để xem Ngài có đổ ân phước xuống cho chúng ta không. Vợ tôi trả lời đầy khích lệ: “Nếu anh muốn làm tiên phong, đừng ngần ngại vì em. Em có thể trông nom hai đứa nhỏ trong khi anh làm tiên phong. Dù sao thì chúng ta cũng không cần nhiều của cải vật chất đâu anh”. Sau khi chung sống với nhau 12 năm tôi dư biết rằng Marion là một người nội trợ biết cách tiết kiệm và chu đáo. Năm tháng trôi qua đã chứng tỏ nàng là bạn tiên phong tuyệt vời, và một trong những bí quyết giúp chúng tôi thành công trong gần 60 năm thánh chức trọn thời gian là khả năng của nàng biết hài lòng với ít của cải và làm như có nhiều lắm.

Vào mùa hè năm 1941, sau nhiều tháng cầu nguyện và thu xếp, hai vợ chồng chúng tôi dành dụm được một ít tiền nên mua được một xe moóc dài 5 mét rưỡi đủ để cả nhà sống trong đó. Tôi xin thôi việc và trở thành người tiên phong đều đều vào tháng 7 năm 1941. Tôi làm thánh chức trọn thời gian kể từ dạo đó. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là mười trạm xe trên Quốc Lộ 50 giữa New Jersey và St. Louis, bang Missouri, địa điểm đại hội của chúng tôi vào đầu tháng 8. Tôi nhận được tên và địa chỉ của anh em ở dọc đường nên tôi viết thư báo trước cho họ khi nào tôi đến. Khi đến địa điểm đại hội, tôi đi tìm ban phụ trách về người tiên phong để xin nhiệm sở khác.

“Tôi sẽ thử Đức Giê-hô-va”

Chúng tôi chất ấn phẩm đầy chiếc xe moóc và đi họp lần cuối với anh em ở Camden để chào tạm biệt. Vì chúng tôi có hai con nhỏ phải chăm sóc và không biết mình sẽ đi đâu sau đại hội, cho nên kế hoạch của chúng tôi có vẻ thiếu thực tế đối với một số anh em, và vài người nói: “Anh chị sẽ sớm quay lại đây thôi”. Tôi còn nhớ câu trả lời: “Được rồi, tôi không nói là sẽ không trở lại. Nhưng Đức Giê-hô-va nói Ngài sẽ chăm sóc cho tôi thì tôi sẽ thử Ngài”.

Sau sáu thập niên làm tiên phong ở 20 thị trấn từ Massachusetts đến Mississippi, chúng tôi có thể khẳng định rằng Đức Giê-hô-va quả đã giữ lời hứa của Ngài và còn hơn thế nữa. Những ân phước mà Ngài đổ xuống trên vợ chồng và hai con gái chúng tôi nhiều hơn bất cứ những gì chúng tôi hy vọng vào năm 1941 xa xưa. Những ân phước này gồm việc các con gái chúng tôi làm tiên phong trong các hội thánh phụ cận và có được khoảng một trăm người con thiêng liêng rải rác khắp bờ biển phía đông Hoa Kỳ (tính đến gần đây nhất). Tôi đã từng học hỏi với 52 người và Marion với 48 người đều đã đi đến sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Vào tháng 8 năm 1941 khi đến St. Louis, chúng tôi gặp anh T. J. Sullivan ở Bê-tên đến. Tôi rất cần lá thư mà anh cầm theo, bổ nhiệm tôi làm tiên phong vì chiến tranh gần kề và phát sinh vấn đề nhập ngũ. Tôi nói với anh Sullivan rằng vợ tôi cũng rao giảng bấy nhiêu giờ giống như tôi và cũng muốn làm tiên phong. Dù ban phụ trách về người tiên phong chưa được sắp đặt tại đại hội, anh Sullivan lập tức ghi tên cho Marion làm người tiên phong và hỏi chúng tôi: “Anh chị định làm tiên phong ở đâu sau đại hội?” Chúng tôi không biết. Anh nói: “Đừng lo. Thế nào anh chị cũng gặp ai đó tại đại hội này đến từ vùng có nhu cầu tiên phong và mọi sự sẽ đâu vào đó. Có điều là hãy viết thư cho chúng tôi biết anh chị ở đâu và chúng tôi sẽ bổ nhiệm anh chị tại đó”. Sự việc đã diễn ra như vậy. Rốt cuộc, anh Jack DeWitt, cựu giám thị vòng quanh, biết có người ở New Market, bang Virginia, có sẵn nhà dành cho người tiên phong và cần thêm vài người tiên phong ở. Vậy sau đại hội, chúng tôi dọn đến New Market.

Ở New Market, chúng tôi được một niềm vui thật bất ngờ. Ai đã từ Philadelphia xuống cùng làm tiên phong với chúng tôi? Không ai khác ngoài Benjamin Ransom! Đúng rồi, cậu Ben đấy! Thật là vui được rao giảng chung với cậu trong thánh chức từ nhà này sang nhà kia hơn 25 năm sau khi cậu đã gieo hạt giống lẽ thật ấy vào lòng tôi hồi còn ở Boston! Qua năm tháng, dù gặp phải sự lãnh đạm, chế giễu và thậm chí sự bắt bớ của gia đình, cậu Ben đã không bao giờ mất đi lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và thánh chức.

Chúng tôi lưu lại trong nhà tiên phong ở New Market được tám tháng êm đềm. Trong thời gian đó, ngoài những chuyện khác, chúng tôi còn học được cách trao đổi ấn phẩm lấy gà và trứng. Sau đó, cậu Ben, tôi và Marion cùng với ba người khác được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Hanover, bang Pennsylvania—nhiệm sở đầu tiên trong tất cả sáu nhiệm sở chúng tôi nhận được ở Pennsylvania từ năm 1942 đến năm 1945.

Làm tiên phong đặc biệt trong Thế Chiến II

Có những lúc trong Thế Chiến II chúng tôi đã phải đối đầu với sự chống đối vì lập trường trung lập, nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Có lần ở Provincetown, Massachusets, chiếc xe Buick cũ kỹ của chúng tôi bị chết máy và tôi phải đi bộ vài cây số xuyên qua một khu Công Giáo quá khích để làm một cuộc viếng thăm lại. Tôi đi ngang qua một nhóm du đãng trẻ con. Chúng nhận ra tôi và bắt đầu la lối om sòm. Tôi hối hả bước đi giữa những tiếng đá sỏi rít vèo vèo bên tai, hy vọng rằng bọn chúng không đuổi theo tôi. Rốt cuộc tôi cũng vào được nhà người chú ý mà không bị sây sát chút nào. Nhưng chủ nhà, một thành viên có uy tín của Lữ Đoàn Mỹ (American Legion), xin lỗi và nói: “Tôi không thể tiếp ông tối nay vì tôi sực nhớ là chúng tôi xuống phố xem chiếu phim”. Tôi bủn rủn tay chân nghĩ đến cảnh bọn trẻ ném đá ở góc đường chờ tôi quay lại. Tuy nhiên, tôi nhẹ nhõm khi nghe ông nói thêm: “Sao không đi với chúng tôi? Mình vừa đi vừa nói chuyện nhé”. Thế là tôi có dịp rao giảng cho ông ấy và cũng thoát khỏi rắc rối.

Giữ thăng bằng giữa trách nhiệm gia đình và thánh chức

Vào thời hậu chiến, chúng tôi nhận được vài nhiệm sở ở Virginia, kể cả tám năm làm tiên phong đều đều và đặc biệt ở Charlottesville. Đến năm 1956 thì hai cô con gái đã khôn lớn và lập gia đình, còn tôi và Marion lại khăn gói lên đường lần nữa, lần này làm tiên phong ở Harrisonburg, bang Virginia, và tiên phong đặc biệt ở Lincolnton, bang North Carolina.

Năm 1966, tôi được chỉ định làm giám thị vòng quanh, đi từ hội thánh này sang hội thánh khác, khuyến khích anh em, như anh Winchester đã khuyến khích tôi khi còn ở New Jersey vào thập niên 1930 vậy. Tôi phục vụ hai năm trong một vòng quanh gồm các hội thánh ở bang Tennessee. Sau đó chúng tôi được mời làm tiên phong đặc biệt, công việc mà chúng tôi ưa thích nhất. Từ năm 1968 đến năm 1977, chúng tôi làm tiên phong đặc biệt ở Nam Hoa Kỳ, xuyên suốt bang Georgia và bang Mississippi.

Ở Eastman, Georgia, tôi được bổ nhiệm làm giám thị hội thánh (nay là giám thị chủ tọa) thay anh Powell Kirkland, một anh lớn tuổi yêu dấu, một thời là giám thị vòng quanh, nay gặp sức khỏe kém. Anh ấy biết ơn và ủng hộ một cách tuyệt vời. Sự ủng hộ của anh rất cần thiết vì trong hội thánh có sự chia rẽ liên quan đến một số anh em được bổ nhiệm. Vấn đề trở nên căng thẳng và tôi đã cầu nguyện Đức Giê-hô-va rất nhiều. Tôi nhớ lại những câu Kinh Thánh như Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Nhờ cố gắng trao đổi cởi mở mà chúng tôi giúp hội thánh được hợp nhất trở lại khiến mọi người đều vui vẻ.

Năm 1977, chúng tôi bắt đầu già yếu, nên được bổ nhiệm trở lại vùng phụ cận Charlottesville, nơi các con gái chúng tôi sinh sống với chồng con. Chúng tôi vui sướng rao giảng trong vùng này suốt 23 năm qua, giúp thành lập hội thánh Ruckersville, Virginia, và nhìn thấy con cháu của những người đầu tiên học hỏi Kinh Thánh với chúng tôi lớn lên trở thành trưởng lão, tiên phong và thành viên gia đình Bê-tên. Tôi và Marion vẫn còn duy trì một thời gian biểu tốt cho việc rao giảng, tôi được đặc ân làm trưởng lão trong hội thánh Charlottesville East, Virginia, điều khiển một nhóm học sách và nói diễn văn công cộng.

Qua nhiều năm tháng, giống như những người khác, chúng tôi cũng gặp phải vấn đề. Chẳng hạn, Doris đã một thời yếu đi về thiêng liêng trong lứa tuổi cập kê và lấy một người chồng không tin đạo. Nhưng cháu đã không bao giờ mất hẳn lòng yêu mến Đức Giê-hô-va, và cháu ngoại Bill của tôi phụng sự tại nhà Bê-tên ở Wallkill, bang New York, được 15 năm rồi. Nay thì cả Doris và Louise đều là góa phụ, nhưng hai cháu phụng sự trung thành gần chỗ chúng tôi với tư cách người tiên phong đều đều.

Những bài học trải qua năm tháng

Tôi đã tập áp dụng một số nguyên tắc giản dị để thành công trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va: Sống giản đơn. Làm gương trong mọi mặt, kể cả trong đời tư. Làm theo sự hướng dẫn của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” trong mọi sự.—Ma-thi-ơ 24:45.

Marion đã nghĩ ra một danh sách đề nghị tuy ngắn gọn nhưng hữu hiệu để vừa làm tiên phong vừa nuôi nấng con cái: Hãy có một thời gian biểu thực tế và theo sát nó. Xem thánh chức tiên phong là sự nghiệp. Ăn uống bổ dưỡng. Nghỉ ngơi đầy đủ. Chớ giải trí quá độ. Làm cho con cái ham thích lẽ thật cũng như mọi khía cạnh của thánh chức. Giúp chúng luôn luôn thích thú rao giảng.

Giờ đây chúng tôi đã ngoài 90 tuổi. Đã sáu mươi hai năm trôi qua kể từ khi chúng tôi nghe bài diễn văn báp têm trên sân cỏ trong biệt thự của gia đình Stackhouse, và chúng tôi đã dành 60 năm cho công việc phụng sự trọn thời gian. Thành thật mà nói, tôi và Marion cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện về quãng đời đã qua của mình. Tôi biết ơn sâu đậm về lời khích lệ đã nhận khi còn là một người cha trẻ tuổi, thúc đẩy tôi đặt mục tiêu thiêng liêng lên hàng đầu và nỗ lực đạt tới đích. Tôi cũng biết ơn về vợ yêu dấu Marion và hai con gái đã ủng hộ tôi qua năm tháng. Dù không có nhiều của cải vật chất, tôi vẫn thường áp dụng Truyền-đạo 2:25 cho chính mình: “Ai là người được ăn và hưởng sự vui-sướng hơn ta?”

Quả thật, trong trường hợp của chúng tôi Đức Giê-hô-va đã giữ tròn lời hứa của Ngài ghi nơi Ma-la-chi 3:10 một cách dư dật. Quả vậy, Ngài đã ‘đổ phước xuống cho chúng tôi đến nỗi không còn chỗ chứa’.

[Khung/​Hình nơi trang 29]

KÝ ỨC THỜI CHIẾN

Gần 60 năm sau khi chiến tranh kết thúc, cả gia đình vẫn còn nhớ rất rõ những ngày xa xưa ấy.

Doris nhớ lại: “Ở trên Pennsylvania lạnh thật. Một đêm nọ, nhiệt độ tụt xuống tới 35 độ âm”. Louise nói thêm: “Hai chị em chúng tôi thường ngồi lên chân của nhau trên yên sau của chiếc xe Buick cũ kỹ để bàn chân khỏi lạnh”.

Doris nói: “Nhưng chúng tôi không bao giờ cảm thấy nghèo hoặc thiếu thốn. Chúng tôi biết mình di chuyển nhiều hơn phần đông người khác, nhưng chúng tôi luôn luôn ăn ngon, mặc sướng nhờ có một số bạn bè ở Ohio, có các cô con gái chỉ lớn tuổi hơn chúng tôi một chút và họ thường cho chúng tôi quần áo gần như mới”.

Louise nêu bật: “Cha mẹ luôn tạo cho chúng tôi cảm giác được yêu thương và quý mến. Chúng tôi dành nhiều thời gian để đi rao giảng chung, khiến chúng tôi cảm thấy mình đặc biệt và gần gũi với cha mẹ”.

Paul hồi tưởng: “Tôi có chiếc xe Buick Special đời 1936, và loại xe đó nổi tiếng hay gãy trục bánh xe. Tôi nghĩ máy xe quá mạnh nên những bộ phận khác của xe không chịu nổi chấn động. Dường như xe thường gãy trục vào đúng đêm trời lạnh nhất trong tháng, và sau đó tôi lại phải đi đến nghĩa địa xe phế thải để kiếm một cái trục khác. Tôi trở thành tay thay trục bánh xe chuyên nghiệp”.

Marion nói thêm: “Chớ quên thẻ mua hàng đấy nhé. Mọi thứ đều bán ra theo khẩu phần—nào là thịt, xăng, bánh xe hơi, đủ hết. Mỗi lần đến nhận nhiệm sở mới, chúng tôi phải đi gặp chính quyền địa phương để nộp đơn xin thẻ mua hàng. Thường phải mất hàng tháng mới xin được thẻ, vậy mà hầu như mỗi khi vừa được thẻ, chúng tôi lại được chuyển đi chỗ khác và lại phải làm lại từ đầu. Nhưng Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc cho chúng tôi”.

[Hình]

Ảnh chụp chung với Marion và Doris (bên trái) cùng với Louise, vào năm 2000

[Hình nơi trang 25]

Với mẹ vào năm 1918, khi tôi lên 11

[Hình nơi trang 26]

Với Louise, Marion và Doris vào năm 1948 khi các con làm báp têm

[Hình nơi trang 26]

Ảnh cưới của chúng tôi chụp vào tháng 10 năm 1928

[Hình nơi trang 26]

Các con gái tôi (ở rìa phải và rìa trái) và tôi ở Yankee Stadium vào năm 1955