Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những cây đứng vững với thử thách qua thời gian

Những cây đứng vững với thử thách qua thời gian

Những cây đứng vững với thử thách qua thời gian

Một vách đá hình như không là một nơi lý tưởng để bạn cất nhà, đặc biệt nơi đó lại ở cao tận trên núi. Tuy nhiên, bất kể những bất lợi hiển nhiên đó, một số cây thông vẫn kiên trì bám chặt những vách đá như thế, đương đầu với tiết lạnh của mùa đông như giá băng và những cơn hạn hán của mùa hạ.

THƯỜNG THƯỜNG, những cây dày dạn này không hùng vĩ bằng những cây cùng loại với chúng ở vùng đất thấp. Thân của chúng có thể sần sùi vì có mấu, bị xoắn và sự tăng trưởng của chúng bị còi cọc rất nhiều. Thậm chí một số cây trông giống như cây bonsai thiên nhiên—hình dạng của chúng được uốn nắn và xén tỉa bởi khí hậu khắc nghiệt và đất chật hẹp nơi chúng mọc lên.

Vì chúng chịu đựng một trong những môi trường cằn cỗi nhất trên đất, nên bạn có thể cho rằng những cây như thế hẳn chỉ có thể sống thời gian rất ngắn. Nhưng ngược lại thì đúng hơn. Một số người cho là cây thông Mê-tu-sê-la hình nón, mọc ở độ cao 3.000 mét trong rặng Núi Trắng thuộc bang California, hiện nay được 4.700 tuổi. Cuốn Guinness Book of Records 1997 viện dẫn mẫu vật này như là cây sống lâu nhất trên hành tinh. Edmund Schulman, đã nghiên cứu những cây cổ xưa này, giải thích: “Cây thông hình nón... hình như sống sót được vì những điều kiện khó khăn. Tất cả những cây [thông] già hơn ở trong rặng Núi Trắng được tìm thấy gần 3.000 mét trong một vùng hoang dã khô hạn, có nhiều đá”. Ông Schulman cũng khám phá rằng những cây thông già nhất khác cũng đã lớn lên trong những điều kiện khắc nghiệt.

Mặc dù phải vượt qua những điều kiện khó khăn, những gương chịu đựng này tận dụng hai lợi điểm mà chúng có. Vị trí đơn độc của chúng, nơi đó cây cỏ mọc thưa thớt, che chở chúng tránh khỏi những vụ cháy rừng, một trong những đe dọa lớn nhất đối với những cây già. Và rễ của chúng bám chắc vào vách đá đến nỗi chỉ có động đất mới dời chúng đi được.

Trong Kinh Thánh, những đầy tớ trung thành của Đức Chúa Trời được ví như cây. (Thi-thiên 1:1-3; Giê-rê-mi 17:7, 8) Họ cũng có thể đương đầu với những nghịch cảnh nhờ những cảnh ngộ họ phải chịu đựng. Sự bắt bớ, sức khỏe kém, cảnh nghèo cùng cực gây ra đau khổ có thể là thử thách nghiêm trọng đối với đức tin của họ, đặc biệt khi những thử thách cứ kéo dài năm này qua năm khác. Tuy nhiên, Đấng Tạo Hóa của họ, Đấng thiết kế những cây chống trả rất tốt với những điều kiện khó khăn, cam đoan với những người thờ phượng Ngài rằng Ngài sẽ nâng đỡ họ. Kinh Thánh hứa với những ai giữ vững lập trường: “Ngài sẽ làm cho anh em trọn-vẹn, vững-vàng, và thêm sức cho”.1 Phi-e-rơ 5:9, 10.

‘Giữ vững lập trường, kiên định, hoặc bền chí’ là ý tưởng nằm sau động từ tiếng Hy Lạp thường được dịch là “chịu đựng” trong Kinh Thánh. Như với những cây thông, hệ thống rễ tốt là yếu tố then chốt để chịu đựng. Trong trường hợp các tín đồ Đấng Christ, họ cần đâm rễ vững chắc trong Chúa Giê-su Christ để đứng vững. Phao-lô viết: “Vì anh em đã nhận Giê-su Christ là Chúa, thì hãy tiếp tục bước đi trong sự hợp nhất với ngài, hãy đâm rễ và xây dựng trong ngài và được vững vàng trong đức tin, như anh em đã được dạy, tràn đầy đức tin trong sự cảm tạ”.—Cô-lô-se 2:6, 7NW.

Phao-lô ý thức rằng cần có rễ thiêng liêng mạnh. Chính ông phải chiến đấu với “một cái giằm xóc vào thịt”, và trong suốt thời gian làm thánh chức ông phải chịu sự bắt bớ dữ dội. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27; 12:7) Nhưng ông khám phá rằng với sức mạnh của Đức Chúa Trời ông có thể tiếp tục tiến bước. Ông tuyên bố: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

Như gương của Phao-lô cho thấy, sự chịu đựng thành công của tín đồ Đấng Christ không tùy thuộc hoàn cảnh thuận lợi. Giống như những cây thông đã thành công chịu đựng thời tiết khắc nghiệt qua nhiều thế kỷ, chúng ta có thể đứng vững nếu đâm rễ trong Đấng Christ và nhờ vào sức mạnh Đức Chúa Trời ban cho. Hơn nữa, nếu chịu đựng cho đến cuối cùng, chúng ta có triển vọng cảm nghiệm được sự thành tựu một lời hứa khác của Đức Chúa Trời: “Tuổi dân ta sẽ như tuổi cây”.—Ê-sai 65:22; Ma-thi-ơ 24:13.