Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao học hỏi Kinh Thánh?

Tại sao học hỏi Kinh Thánh?

Tại sao học hỏi Kinh Thánh?

BILL hãy còn trẻ, cường tráng, có học thức và tài chính ổn định. Nhưng anh không toại nguyện. Cuộc đời anh không định hướng, và điều đó khiến anh băn khoăn vô cùng. Cố tìm một mục đích trong đời sống, anh nghiên cứu nhiều tôn giáo, nhưng không tìm thấy điều mong muốn. Năm 1991 anh gặp một Nhân Chứng Giê-hô-va, anh này để lại cho anh một cuốn sách trình bày điều mà Kinh Thánh nói về ý nghĩa của đời sống. Một cuộc học hỏi Kinh Thánh được sắp xếp, như vậy Bill có thể được hiểu rõ về đề tài này cũng như nhiều đề tài khác.

Bill nhớ lại: “Chúng tôi học buổi đầu tiên, và vì thường tra Kinh Thánh, tôi hiểu đó là điều tôi tìm kiếm bấy lâu nay. Những lời giải đáp trong Kinh Thánh rất hay. Sau buổi học đó, tôi lái xe tải lên núi, ra khỏi xe, và hét to lên vì niềm vui tột đỉnh. Tôi thích thú vì cuối cùng đã tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc của mình”.

Dĩ nhiên, không phải ai tìm thấy lẽ thật Kinh Thánh đều hét to lên trong niềm vui thích. Song, hiểu biết lời giải đáp cho những thắc mắc quan trọng trong đời sống là một cảm nghiệm vui mừng đối với nhiều người. Họ cảm thấy giống như người đàn ông trong minh họa của Chúa Giê-su, tìm thấy kho báu giấu trong cánh đồng. Chúa Giê-su phán: “Vui-mừng mà trở về, bán hết gia-tài mình, mua đám ruộng đó”.—Ma-thi-ơ 13:44.

Bí quyết cho một đời sống có ý nghĩa

Bill đã suy ngẫm về một câu hỏi cơ bản: Mục đích đời sống là gì? Các triết gia, những nhà thần học và khoa học gia đã gắng sức tìm lời giải hàng nghìn năm qua. Vô số sách đã được viết ra nhằm cố giải đáp cho câu hỏi này. Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích, và nhiều người kết luận rằng câu hỏi này không thể giải đáp. Tuy nhiên, có một lời giải đáp. Dù thâm thúy, nhưng nó không phức tạp. Nó được giải thích trong Kinh Thánh. Bí quyết để có một đời sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa là: Chúng ta phải có mối liên hệ tốt với Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa và Cha trên trời của chúng ta. Làm thế nào chúng ta đạt được điều này?

Có hai khía cạnh dường như mâu thuẫn nhau về việc đến gần Đức Chúa Trời. Những ai muốn đến gần Đức Chúa Trời phải kính sợ lẫn yêu thương Ngài. Chúng ta hãy xem xét hai câu Kinh Thánh ủng hộ lời phát biểu đó. Trước đây rất lâu, Vua Sa-lô-môn khôn ngoan đã nghiên cứu kỹ về con người và ghi lại những phát hiện của ông trong sách Truyền-đạo. Tóm tắt những điều quan sát, ông viết: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài. Ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13, chúng tôi viết nghiêng). Nhiều thế kỷ sau, khi được hỏi điều răn nào lớn nhất trong Luật Pháp ban cho Môi-se, Chúa Giê-su đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa [Giê-hô-va], là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37, chúng tôi viết nghiêng). Đối với bạn, việc chúng ta nên kính sợ lẫn yêu thương Đức Chúa Trời nghe có lạ tai không? Chúng ta hãy xem xét tầm quan trọng của sự kính sợ và lòng yêu thương, và làm thế nào hai tình cảm này phối hợp nhau để giúp một người có mối quan hệ thỏa đáng với Đức Chúa Trời.

Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì

Lòng kính sợ là thiết yếu nếu chúng ta muốn thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà Ngài chấp nhận. Kinh Thánh nói: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan”. (Thi-thiên 111:10) Sứ đồ Phao-lô viết: “[“Chúng ta hãy tiếp tục”, NW] lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài”. (Hê-bơ-rơ 12:28) Tương tự thế, trong sự hiện thấy của sứ đồ Giăng, một thiên sứ bay giữa trời rao truyền tin mừng với những lời: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài”.—Khải-huyền 14:6, 7.

Lòng kính sợ Đức Chúa Trời, dù rất thiết yếu cho một đời sống có ý nghĩa, nhưng lại không phải là sự khiếp sợ kinh hồn. Chúng ta có thể cảm thấy khiếp sợ nếu bị một tên tội phạm độc ác và nguy hiểm đe dọa. Nhưng kính sợ Đức Chúa Trời là sự tôn kính sâu đậm dành cho Đấng Tạo Hóa. Nó cũng bao hàm sự sợ lành mạnh làm trái ý Đức Chúa Trời vì Ngài là Quan Xét Tối Cao và là Đấng Toàn Năng, Ngài có cả quyền lực lẫn thẩm quyền để trừng phạt những kẻ bất tuân.

Vừa kính sợ vừa yêu thương

Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không muốn được người ta phụng sự chỉ vì họ khiếp sợ Ngài. Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời yêu thương một cách siêu việt. Sứ đồ Giăng được cảm động viết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Giê-hô-va Đức Chúa Trời đối xử rất yêu thương đối với loài người, và Ngài muốn người ta đáp lại tình yêu thương của Ngài. Nhưng làm thế nào tình yêu thương đó lại hòa hợp với lòng kính sợ? Hai điều này thật ra liên hệ mật thiết với nhau. Người viết Thi-thiên viết: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài”.—Thi-thiên 25:14.

Hãy suy nghĩ về cảm xúc tôn kính và kính sợ mà một đứa trẻ dành cho người cha mạnh mẽ và khôn ngoan. Đồng thời, đứa trẻ ấy sẽ đáp lại tình yêu thương của người cha. Đứa trẻ tin cậy và tìm sự hướng dẫn nơi người cha, tin chắc rằng sự hướng dẫn đó mang lại nhiều lợi ích. Tương tự như thế, nếu chúng ta yêu và kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tuân theo sự hướng dẫn của Ngài, và điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta. Hãy chú ý đến những lời Đức Giê-hô-va phán về người Y-sơ-ra-ên: “Ôi! Chớ chi dân nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta như thế, để chúng nó và con-cháu chúng nó được phước đời đời!”—Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29.

Thật vậy, lòng kính sợ không dẫn đến tình trạng nô lệ nhưng là sự tự do, không phải sự buồn rầu nhưng là niềm vui. Ê-sai đã tiên tri về Chúa Giê-su: “Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui”. (Ê-sai 11:3) Và người viết Thi-thiên viết: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa-thích điều-răn Ngài!”—Thi-thiên 112:1.

Hiển nhiên, nếu chúng ta không biết Ngài thì không thể kính sợ và yêu thương Ngài được. Đó là lý do tại sao việc học Kinh Thánh quan trọng đến thế. Việc học hỏi như thế giúp chúng ta hiểu cá tính của Đức Chúa Trời và nhận thức rõ với lòng biết ơn sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài để làm theo. Khi đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta muốn làm theo ý Ngài và được thúc đẩy vâng giữ điều răn của Ngài vì biết rằng chúng ta sẽ nhờ đó mà nhận được lợi ích.—1 Giăng 5:3.

Thật là vui khi biết mình theo đường lối đúng trong cuộc đời. Điều này đúng trong trường hợp của Bill đã đề cập ở trên. Gần đây anh nói: “Chín năm đã qua kể từ buổi học Kinh Thánh đầu tiên, mối liên hệ giữa tôi và Đức Giê-hô-va tiếp tục phát triển. Niềm hân hoan tràn đầy mà tôi cảm nhận lúc ban đầu nẩy nở thành lối sống thật sự mang lại niềm vui. Tôi có quan điểm lạc quan kiên định về cuộc đời. Đời tôi tràn đầy hoạt động có ý nghĩa, chứ không tìm kiếm lạc thú thoáng qua. Đức Giê-hô-va trở nên một Đấng có thật đối với tôi, và tôi hiểu Ngài quan tâm đến lợi ích tốt nhất của tôi”.

Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét nhiều hơn làm thế nào sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va mang lại niềm vui và lợi ích cho những ai áp dụng điều đó trong đời sống.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Đến gần đức chúa trời có nghĩa là chúng ta yêu thương lẫn kính sợ ngài

[Hình nơi trang 6]

Chúa Giê-su vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va