Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vui mừng trong sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va

Vui mừng trong sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va

Vui mừng trong sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va

“Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!”—LU-CA 11:28.

1. Đức Giê-hô-va bắt đầu liên lạc với nhân loại khi nào?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vô cùng yêu thương và quan tâm đến hạnh phúc của nhân loại. Vì thế, việc Ngài liên lạc với họ không có gì phải ngạc nhiên. Sự liên lạc đó bắt đầu trong vườn Ê-đen. Sáng-thế Ký 3:8 ghi lại một dịp nọ vào “lối chiều”, A-đam và Ê-va “nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Một số người cho rằng có lẽ mỗi ngày vào giờ đó Đức Giê-hô-va thường nói chuyện với A-đam. Dù sao chăng nữa, rõ ràng Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời không chỉ ban chỉ thị cho người đàn ông đầu tiên mà còn dành thời gian dạy ông cách chu toàn trách nhiệm.—Sáng-thế Ký 1:28-30.

2. Cặp vợ chồng đầu tiên đã khước từ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va như thế nào, và hậu quả là gì?

2 Đức Giê-hô-va ban cho A-đam và Ê-va sự sống và quyền quản trị các loài thú cùng toàn thể trái đất. Họ chỉ bị cấm một điều, đó là không được ăn trái cây biết điều thiện và điều ác. Tuy nhiên, vì bị Sa-tan xui giục, A-đam và Ê-va đã bất vâng phục mạng lệnh Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:1-6) Họ chọn sống độc lập và tự quyết định lấy điều phải điều trái. Khi làm thế, họ đã dại dột khước từ sự hướng dẫn của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Hậu quả thật thảm khốc cho họ và con cháu họ sanh ra sau đó: A-đam và Ê-va từ từ trở nên già yếu và cuối cùng chết đi mà không có hy vọng được sống lại; con cháu họ thì bị di truyền tội lỗi với hệ quả là sự chết.—Rô-ma 5:12.

3. Tại sao Đức Giê-hô-va liên lạc với Ca-in, và Ca-in đã đáp lại thế nào?

3 Dù có cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục liên lạc với loài người. Khi Ca-in, con đầu lòng của A-đam và Ê-va, có nguy cơ sa vào tội lỗi, Đức Giê-hô-va cảnh cáo hắn về tai họa sắp tới và khuyên hắn nên “làm lành”. Nhưng Ca-in bỏ qua lời khuyên yêu thương đó và cuối cùng giết em mình. (Sáng-thế Ký 4:3-8) Như vậy, cả ba người đầu tiên trên đất đều khước từ sự hướng dẫn rõ ràng của Đấng đã ban sự sống cho họ, Đấng dẫn dắt dân Ngài để họ được ích. (Ê-sai 48:17) Đức Giê-hô-va hẳn phải thất vọng vô cùng!

Đức Giê-hô-va tiết lộ về Ngài cho các tộc trưởng thời xưa

4. Đức Giê-hô-va có niềm tin tưởng nào đối với con cháu của A-đam, và vì thế Ngài đã tuyên bố thông điệp đầy hy vọng nào?

4 Đức Giê-hô-va có mọi lý do để cắt đứt liên lạc với loài người, nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài tin chắc một số con cháu của A-đam sẽ khôn ngoan vâng theo sự dẫn dắt của Ngài. Vì thế, khi tuyên án A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va báo trước sẽ có một “dòng-dõi” đối nghịch với Con Rắn, tức Sa-tan Ma-quỉ. Cuối cùng Sa-tan sẽ bị đạp đầu chết. (Sáng-thế Ký 3:15) Lời tiên tri này là một thông điệp đầy vui mừng mang lại hy vọng cho “những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 11:28.

5, 6. Trước thế kỷ thứ nhất CN, Đức Giê-hô-va liên lạc với dân Ngài bằng cách nào, và điều đó đã đem lại lợi ích gì cho họ?

5 Đức Giê-hô-va thông báo ý muốn của Ngài cho những tộc trưởng trung thành thời xưa như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Gióp. (Sáng-thế Ký 6:13; Xuất Ê-díp-tô Ký 33:1; Gióp 38:1-3) Sau đó, Ngài ban trọn bộ luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Luật pháp Môi-se đem lại rất nhiều lợi ích cho họ. Nhờ vâng giữ luật pháp đó, dân Y-sơ-ra-ên được biệt riêng khỏi các dân tộc khác, làm dân được tuyển chọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bảo đảm rằng nếu họ vâng giữ Luật pháp, Ngài sẽ ban phước cho họ cả về vật chất lẫn thiêng liêng, biến họ thành một nước thầy tế lễ và dân thánh. Luật pháp cũng qui định cách ăn uống và giữ vệ sinh để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va cũng báo trước những hậu quả thảm khốc của việc bất tuân.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1-68.

6 Từ từ những sách khác, cũng được thánh linh soi dẫn, được thêm vào quy điển Kinh Thánh. Những sách lịch sử cho biết Đức Giê-hô-va đối xử với các dân các nước như thế nào. Các sách thơ ca mô tả cách bóng bẩy những đức tính của Ngài, còn các sách tiên tri báo trước cách Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý muốn Ngài. Những người trung thành thời xưa đã cẩn thận xem xét và áp dụng những tài liệu được soi dẫn này. Có người từng viết: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. (Thi-thiên 119:105) Những ai sẵn lòng lắng nghe được Đức Giê-hô-va dạy dỗ và khai sáng.

Ánh sáng càng rực rỡ hơn

7. Dù cũng thực hiện phép lạ, nhưng Chúa Giê-su chủ yếu được biết đến với tư cách nào, và tại sao?

7 Đến thế kỷ thứ nhất, các giáo phái khác nhau của Do Thái Giáo đã thêm truyền thống loài người vào Luật pháp. Luật pháp không còn được áp dụng một cách đúng đắn, và thay vì là nguồn khai sáng, truyền thống đã biến nó thành gánh nặng. (Ma-thi-ơ 23:2-4) Tuy nhiên, vào năm 29 CN Chúa Giê-su xuất hiện với tư cách Đấng Mê-si. Sứ mạng của ngài không chỉ là hy sinh mạng sống vì nhân loại mà còn để “làm chứng cho lẽ thật”. Dù cũng thực hiện phép lạ, nhưng ngài chủ yếu được biết đến với tư cách là “Thầy”. Sự dạy dỗ của ngài như tia sáng chiếu xuyên qua sự tối tăm về thiêng liêng đang bao trùm tâm trí người ta. Chúa Giê-su quả rất xác đáng khi nói: “Ta là sự sáng của thế-gian”.—Giăng 8:12; 11:28; 18:37.

8. Những sách nào được soi dẫn viết ra vào thế kỷ thứ nhất CN, và chúng đã đem lại lợi ích nào cho tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

8 Sau đó có thêm bốn sách Phúc Âm tường thuật về cuộc đời Chúa Giê-su và sách Công-vụ, ghi lại lịch sử phát triển của đạo Đấng Christ sau khi ngài chết. Cũng có những lá thư mà các môn đồ Chúa Giê-su được soi dẫn viết ra và sách tiên tri Khải-huyền. Những sách này cùng với phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hợp thành quy điển Kinh Thánh. Nhờ bộ sưu tập được soi dẫn này, tín đồ Đấng Christ “được hiệp cùng các thánh-đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật. (Ê-phê-sô 3:14-18) Họ tìm được “ý của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 2:16) Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã không hiểu hết được mọi khía cạnh trong ý định của Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô đã viết cho anh em đồng đức tin: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương [“bằng kim loại”, NW], cách mập-mờ”. (1 Cô-rinh-tô 13:12) Loại gương như thế chỉ phản chiếu hình dáng, chứ không phản chiếu được mọi chi tiết. Sự hiểu biết đầy đủ hơn về Lời Đức Chúa Trời còn phải được ban cho sau này.

9. Trong “ngày sau-rốt” đã có sự khai sáng nào?

9 Ngày nay, chúng ta sống trong thời kỳ được gọi là “ngày sau-rốt”, được đánh dấu bởi sự “khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Nhà tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước chính trong thời kỳ này “sự học-thức sẽ được thêm lên”. (Đa-ni-ên 12:4) Vì thế, Đức Giê-hô-va, Đấng Liên Lạc Vĩ Đại, đã giúp những người có lòng thành thật hiểu được ý nghĩa của Lời Ngài. Ngày nay, vô số người đã hiểu Chúa Giê-su Christ được lên ngôi trên trời vào năm 1914, và không bao lâu nữa ngài sẽ chấm dứt mọi sự gian ác và biến trái đất này thành địa đàng. Phần quan trọng này của tin mừng Nước Trời đang được rao truyền ra khắp đất.—Ma-thi-ơ 24:14.

10. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã đáp lại lời khuyên của Đức Giê-hô-va như thế nào?

10 Thật vậy, trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va cho loài người trên đất biết về ý muốn và ý định của Ngài. Kinh Thánh cho thấy nhiều người đã được ban phước nhờ lắng nghe và áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nhưng cũng có những người bác bỏ lời khuyên đầy yêu thương của Ngài, đi theo đường lối hư mất của A-đam và Ê-va. Chúa Giê-su đã minh họa tình trạng đó khi nói về hai con đường theo nghĩa bóng. Một đường dẫn đến sự hư mất. Đó là con đường mà đa số những người bác bỏ Lời Đức Chúa Trời đã chọn vì nó rộng và khoảng khoát. Đường kia dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Tuy chật hẹp, nhưng là con đường của số ít những người chấp nhận Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và sống hòa hợp với Lời đó.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.

Biết ơn về những gì chúng ta có

11. Sự hiểu biết và niềm tin của chúng ta nơi Kinh Thánh là bằng chứng cho thấy điều gì?

11 Bạn có nằm trong số những người đã chọn con đường sự sống không? Nếu có, chắc hẳn bạn muốn tiếp tục đi trên con đường đó. Làm thế nào thực hiện được điều đó? Hãy thường xuyên suy ngẫm với lòng biết ơn về những ân phước mà bạn có được nhờ biết lẽ thật Kinh Thánh. Việc bạn hưởng ứng tin mừng cũng đã là bằng chứng cho thấy bạn được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước. Chúa Giê-su nói lên điều đó qua những lời cầu nguyện này với Cha Ngài: “Hỡi Cha! Là Chúa của trời đất, tôi khen-ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay”. (Ma-thi-ơ 11:25) Trong khi những người đánh cá và thâu thuế có thể hiểu được ý nghĩa của sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo trí thức lại không tài nào hiểu nổi. Chúa Giê-su nói thêm: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Việc bạn được biết, tin và làm theo những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh chứng tỏ bạn đã được Đức Giê-hô-va kéo đến. Quả là lý do để vui mừng.

12. Kinh Thánh khai sáng chúng ta về những phương diện nào?

12 Lời Đức Chúa Trời chứa đựng lẽ thật giải thoát và khai sáng chúng ta. Những người sống theo sự hiểu biết Kinh Thánh được giải thoát khỏi mê tín dị đoan, những dạy dỗ sai lầm, và sự thiếu hiểu biết đang chế ngự đời sống của hàng triệu người. Chẳng hạn, khi hiểu rõ sự thật về linh hồn, chúng ta không còn sợ bị người chết hại, hay sợ những người thân yêu quá cố bị hành hạ. (Ê-xê-chi-ên 18:4) Khi hiểu sự thật về các thiên sứ ác, chúng ta tránh được cạm bẫy của ma thuật. Những người bị mất người thân tìm được nguồn an ủi qua giáo lý sự sống lại. (Giăng 11:25) Những lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp nhận biết thời điểm chúng ta hiện đang sống, đồng thời củng cố niềm tin của chúng ta nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai và niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu.

13. Vâng theo Lời Đức Chúa Trời đem lại những lợi ích nào về thể chất?

13 Những nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh dạy chúng ta sống lành mạnh. Chẳng hạn, chúng ta học tránh những tật xấu có hại cho sức khỏe như dùng thuốc lá và các loại ma túy, hoặc lạm dụng rượu. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Vâng theo những nguyên tắc đạo đức của Đức Chúa Trời cũng giúp tránh các bệnh lây qua đường sinh dục. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Nhờ nghe theo lời khuyên về việc tránh ham tiền bạc, chúng ta không bị mất bình an như nhiều người theo đuổi sự giàu có. (1 Ti-mô-thê 6:10) Bản thân bạn đã hưởng được những lợi ích nào về thể chất nhờ áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong cuộc sống?

14. Thánh linh ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào?

14 Khi sống theo Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được thánh linh Ngài. Chúng ta vun trồng được nhân cách như Đấng Christ, với những đức tính đáng chuộng như thương xót. (Ê-phê-sô 4:24, 32) Thánh linh Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta phát triển những bông trái như yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ. (Ga-la-ti 5:22, 23) Những đức tính này giúp chúng ta vun trồng mối quan hệ tốt và đầy ý nghĩa với người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Chúng ta có thêm nghị lực để can đảm đối phó với khó khăn. Bạn có nhận thấy ảnh hưởng tốt của thánh linh trên đời sống bạn không?

15. Khi sống phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta được lợi ích thế nào?

15 Khi sống phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời, mối quan hệ của chúng ta với Ngài cũng được củng cố. Chúng ta càng tin tưởng rằng Ngài hiểu và yêu mến chúng ta. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết Ngài luôn trợ giúp trong những lúc khó khăn và thật sự lắng nghe lời kêu cầu. (Thi-thiên 18:18; 65:2) Chúng ta tập nương cậy nơi sự dẫn dắt của Ngài, tin tưởng rằng điều này sẽ đem lại lợi ích. Ngoài ra, chúng ta còn có niềm hy vọng tuyệt diệu là đến kỳ Đức Chúa Trời sẽ giúp những người trung thành trở nên hoàn toàn và cho họ được sống đời đời. (Rô-ma 6:23) Môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Bạn có nhận thấy mối quan hệ với Đức Giê-hô-va được củng cố khi bạn đến gần Ngài không?

Một kho tàng không gì sánh được

16. Một số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã thay đổi ra sao?

16 Phao-lô nhắc nhở tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất rằng trước đây một số người trong họ đã từng là kẻ tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, tham lam, say sưa, chửi rủa và tống tiền. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11, NW) Nhưng lẽ thật Kinh Thánh đã khiến họ có sự thay đổi sâu sắc; họ được “rửa sạch”. Hãy thử nghĩ cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu không được học lẽ thật giải thoát của Kinh Thánh. Chắc chắn lẽ thật là kho tàng không gì sánh được. Chúng ta thật hạnh phúc biết bao khi có được sự liên lạc với Đức Giê-hô-va!

17. Nhân Chứng Giê-hô-va đã được nuôi dưỡng thế nào về thiêng liêng qua các buổi họp hàng tuần?

17 Ngoài ra, cũng hãy nghĩ đến ân phước được thuộc về một đoàn thể anh em đa sắc tộc! Lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ, bao gồm Kinh Thánh, tạp chí và những ấn phẩm khác trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Qua các buổi họp hội thánh trong suốt năm 2000, Nhân Chứng Giê-hô-va tại nhiều xứ đã ôn lại những điểm nổi bật của tám sách lớn trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Họ đã suy ngẫm những lời khuyên được bình luận trong Tháp Canh và sách Làm sao trau dồi khả năng ăn nói và dạy dỗ của bạn. Họ cũng đã xem xét một phần tư sách Người vĩ đại nhất đã từng sống và phần lớn sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! Có 36 bài phụ và 52 bài học chính trong Tháp Canh được xem xét. Hơn nữa, dân sự Đức Giê-hô-va còn được nuôi dưỡng với 12 số Thánh chức Nước Trời và bài giảng công cộng hàng tuần dựa trên nhiều chủ đề đa dạng trong Kinh Thánh. Quả là một sự cung cấp dồi dào về sự hiểu biết thiêng liêng!

18. Trong hội thánh, chúng ta được giúp đỡ qua những cách nào?

18 Hơn 91.000 hội thánh trên khắp thế giới đã hỗ trợ và là nguồn khuyến khích qua các buổi họp và tình anh em. Chúng ta cũng vui sướng có được sự nâng đỡ về thiêng liêng của các tín đồ Đấng Christ thành thục luôn sẵn lòng trợ giúp. (Ê-phê-sô 4:11-13) Thật vậy, sự hiểu biết lẽ thật đem lại vô số lợi ích. Quả là niềm vui khi được biết và phụng sự Đức Giê-hô-va. Những lời của người viết Thi-thiên thật đúng biết bao: “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!”—Thi-thiên 144:15.

Bạn có nhớ không?

• Đức Giê-hô-va đã liên lạc với những ai trước thời Đấng Christ?

• Ánh sáng thiêng liêng đã trở nên rực rỡ hơn thế nào vào thế kỷ thứ nhất? vào thời chúng ta?

• Sống phù hợp với sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va đem lại những ân phước nào?

• Tại sao chúng ta vui mừng trong sự hiểu biết của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 8, 9]

Đức Giê-hô-va thông báo ý muốn của Ngài cho Môi-se, Nô-ê và Áp-ra-ham

[Hình nơi trang 9]

Vào thời chúng ta, Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ Lời Ngài

[Các hình nơi trang 10]

Hãy nghĩ đến những ân phước chúng ta đang được hưởng trong đoàn thể anh em đa sắc tộc!