Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có lòng khoan dung thật sự không?

Bạn có lòng khoan dung thật sự không?

Bạn có lòng khoan dung thật sự không?

BẠN có bao giờ cảm thấy bực bội vì hành vi sai quấy của người nào không? Bạn có phản ứng kịp thời khi nhận thấy ảnh hưởng đồi bại trong vòng thân hữu mình không?

Đôi khi cần phải cứng rắn và hành động ngay để ngăn ngừa trọng tội lan rộng. Chẳng hạn, khi việc làm sai trái có nguy cơ đe dọa làm ô uế dân Y-sơ-ra-ên trong thế kỷ 15 TCN, Phi-nê-a, cháu nội của A-rôn, hành động quyết liệt để dẹp tan sự ác. Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận điều ông làm. Ngài phán: “Phi-nê-a... đã xây dân Y-sơ-ra-ên khỏi cơn giận ta, vì lòng kỵ-tà ta thúc-giục lòng người”.—Dân-số Ký 25:1-11.

Phi-nê-a đã hành động thích đáng nhằm chặn đứng sự ô uế. Nhưng không kiềm chế sự phẫn nộ trước những yếu kém của người khác thì sao? Nếu hành động hấp tấp hay không có lý do chính đáng, chúng ta sẽ không phải là người bảo vệ sự công bình, mà lại là kẻ cố chấp—tức một người không khoan dung sự bất toàn của người khác. Điều gì có thể giúp chúng ta tránh khỏi cạm bẫy này?

‘Đức Giê-hô-va tha thứ tất cả lỗi lầm của bạn’

Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hay ghen (sốt sắng); một Đức Chúa Trời không dung túng sự kình địch”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5, cước chú NW) Là Đấng Tạo Hóa, Ngài có quyền đòi hỏi chúng ta sự thờ phượng chuyên độc. (Khải-huyền 4:11) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khoan dung đối với những sự yếu đuối của con người. Do đó, người viết Thi-thiên Đa-vít đã hát về Ngài: “Đức Giê-hô-va có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhân-từ. Ngài không bắt tội luôn luôn... Ngài không đãi chúng tôi theo tội-lỗi chúng tôi, cũng không báo-trả chúng tôi tùy sự gian-ác của chúng tôi”. Đúng vậy, nếu chúng ta ăn năn, Đức Chúa Trời ‘tha-thứ mọi tội-ác của chúng ta’.—Thi-thiên 103:3, 8-10.

Bởi vì Ngài hiểu con người vốn có bản chất tội lỗi, Đức Giê-hô-va không “bắt tội” kẻ có tội biết ăn năn. (Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12) Thực thế, ý định Ngài là xóa bỏ tội lỗi và sự bất toàn. Cho tới khi điều đó được hoàn toàn thực hiện, thay vì ‘báo-trả chúng ta tùy tội-lỗi của chúng ta’, Đức Chúa Trời nhân hậu tha thứ chúng ta dựa trên căn bản sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ. Nếu Đức Giê-hô-va không tỏ lòng thương xót thích đáng, không ai trong chúng ta được xem là đáng sống. (Thi-thiên 130:3) Chúng ta thật biết ơn vô cùng là Cha chúng ta trên trời, Đấng có thẩm quyền đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc, cũng là Đức Chúa Trời nhân từ!

Cần thăng bằng

Vì Chúa Tối Thượng của vũ trụ còn tỏ ra độ lượng đối với loài người bất toàn, chẳng lẽ chúng ta lại không noi theo gương mẫu Ngài sao? Có thể định nghĩa lòng khoan dung là khuynh hướng kiên nhẫn đối với ý kiến hay thực hành của người khác. Bản thân chúng ta có được khuynh hướng như thế không—một khuynh hướng biểu lộ tính kiên nhẫn và tính chịu đựng khi người khác nói hay làm những điều dù không tội lỗi, nhưng có lẽ lời nói hay hành động không thích hợp?

Dĩ nhiên, chúng ta cần tránh tỏ ra khoan dung quá mức. Chẳng hạn, sự việc gây ra thiệt hại khủng khiếp khi các nhà lãnh đạo tôn giáo khoan dung đối với những linh mục liên tục lạm dụng sách nhiễu bé trai và bé gái. Một ký giả tại Ireland bình luận: “Xem việc sách nhiễu trẻ em chỉ là việc tình cờ phạm tội, những người có thẩm quyền trong giáo hội chỉ thuyên chuyển những linh mục có tội [đi nơi khác]”.

Phải chăng việc thuyên chuyển này đủ để nêu gương mẫu về lòng khoan dung? Hoàn toàn không! Giả sử một bác sĩ vô trách nhiệm, mặc dù đã gây tử vong hoặc thương tật cho nhiều người, lại vẫn được hội đồng y khoa cho phép tiếp tục giải phẫu và chỉ bị thuyên chuyển công tác từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Một ý thức sai lầm về lòng trung thành với đồng nghiệp có thể tạo ra sự “khoan dung” như thế. Thế còn những nạn nhân bị thiệt mạng hoặc bị tổn thương vì hành vi cẩu thả hoặc thậm chí tội ác thì sao?

Thiếu lòng khoan dung cũng gây ra nguy hiểm. Khi Chúa Giê-su còn trên đất, một số người Do Thái gọi là phái Cuồng Tín, đã cố dùng gương của Phi-nê-a, hòng biện hộ cho những hoạt động riêng của họ. Một hành động quá khích của một số người thuộc phái Cuồng Tín là “trà trộn vào đám đông ở Giê-ru-sa-lem trong các lễ hội và các dịp tương tự và bất thần rút dao đâm kẻ thù”.

Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không bao giờ làm như người Cuồng Tín hành hung những người làm phật lòng chúng ta. Nhưng một mức độ cố chấp nào đó có khiến chúng ta công kích qua những cách khác những người chúng ta không thích—có lẽ bằng cách nói xấu về họ không? Nếu thật sự khoan dung, chúng ta sẽ không gây tổn thương bằng những lời nói như thế.

Những người Pha-ri-si trong thế kỷ thứ nhất là một nhóm không khoan dung khác. Họ thường xuyên lên án những người khác và không tha thứ sự bất toàn của con người. Người Pha-ri-si kiêu ngạo khinh thường người dân thường, phỉ báng họ như những “người đáng bị rủa”. (Giăng 7:49) Chúa Giê-su có lý do tốt để lên án những kẻ tự cho là công bình như thế, ngài nói: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc-hà, hồi-hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia”.—Ma-thi-ơ 23:23.

Khi kết án họ, Chúa Giê-su không làm giảm tầm quan trọng của việc giữ Luật Pháp Môi-se. Ngài chỉ đơn giản tỏ cho thấy các khía cạnh “hệ-trọng hơn” của Luật Pháp đòi hỏi phải áp dụng vừa phải và với lòng thương xót. Thái độ của Chúa Giê-su và các môn đồ đã tương phản rõ rệt với người Pha-ri-si và phái Cuồng Tín cố chấp!

Cả Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ đều không dung túng việc làm ác. Không lâu nữa, ‘sự báo-thù sẽ giáng trên những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và những kẻ không vâng-phục Tin-lành’. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10) Tuy nhiên, khi biểu lộ lòng sốt sắng vì sự công bình, Chúa Giê-su lúc nào cũng phản ánh sự quan tâm kiên nhẫn, đầy thương xót và yêu thương của Cha ngài ở trên trời đối với tất cả những ai muốn làm điều đúng. (Ê-sai 42:1-3; Ma-thi-ơ 11:28-30; 12:18-21) Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một gương tốt thay!

Kiên nhẫn nhường nhịn nhau

Mặc dù chúng ta có thể rất sốt sắng với điều công bình, nhưng chúng ta hãy áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”. (Cô-lô-se 3:13; Ma-thi-ơ 6:14, 15) Lòng khoan dung đòi hỏi phải chịu đựng những khuyết điểm và lỗi lầm của nhau trong thế gian bất toàn này. Chúng ta cần có tính phải lẽ về những gì chúng ta trông mong ở người khác.—Phi-líp 4:5.

Có tính khoan dung hoàn toàn không có nghĩa là tán thành việc làm sai trái hoặc làm ngơ trước những lỗi lầm. Một khía cạnh nào đó trong lối suy nghĩ và hạnh kiểm của một anh em đồng đức tin có thể có chút nào đó không phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Mặc dù sự đi lệch này có thể chưa đến nỗi quá nghiêm trọng để bị Đức Chúa Trời từ bỏ, đó cũng là dấu hiệu báo động, cho thấy rằng cần phải có sự điều chỉnh nào đó. (Sáng-thế Ký 4:6, 7) Thật yêu thương biết bao khi những người có khả năng thiêng liêng cố gắng sửa sai người có lỗi trong tinh thần dịu dàng! (Ga-la-ti 6:1) Mặc dù vậy, để thành công trong nỗ lực này, điều cần thiết là hành động vì sự quan tâm, thay vì với tinh thần chỉ trích.

“Phải hiền-hòa và kính-sợ”

Còn việc bày tỏ tính kiên nhẫn đối với những người có quan điểm tôn giáo khác với chúng ta thì sao? Một “Bài học đại cương” được yết thị trong tất cả các trường công ở Ireland vào năm 1831 nói: “Chúa Giê-su Christ không có ý dùng bạo lực để ép buộc người ta phải theo tôn giáo của ngài... Tranh cãi với người láng giềng và hiếp đáp họ không phải là cách thuyết phục họ rằng chúng ta đúng còn họ thì sai. Trái lại, làm thế rất dễ khiến họ tin rằng chúng ta không có tinh thần của đạo Đấng Christ”.

Cách Chúa Giê-su dạy dỗ và hành động thu hút người ta đến với Lời Đức Chúa Trời, và chúng ta cũng nên làm như vậy. (Mác 6:34; Lu-ca 4:22, 32; 1 Phi-e-rơ 2:21) Với tư cách là người hoàn toàn được Đức Chúa Trời ban cho sự thông hiểu đặc biệt, ngài có thể biết được lòng người. Do đó, khi cần thiết, Chúa Giê-su có thể lên án gắt gao những kẻ thù của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 23:13-33) Hành động này không có nghĩa là ngài cố chấp.

Khác với Chúa Giê-su, chúng ta không có khả năng biết được lòng người. Do đó, chúng ta nên theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ”. (1 Phi-e-rơ 3:15) Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên bênh vực đức tin mình vì được căn cứ vững chắc trên Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng cách chúng ta làm phải thể hiện sự tôn trọng người khác cũng như niềm tin chân thành của họ. Phao-lô viết: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—Cô-lô-se 4:6.

Trong Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài, Chúa Giê-su nói: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Vậy thì, chúng ta hãy kiên nhẫn nhường nhịn nhau và tôn trọng những người chúng ta rao giảng tin mừng. Chúng ta sẽ làm hài lòng Đức Giê-hô-va và thật sự khoan dung khi có sự thăng bằng giữa lòng sốt sắng đối với sự công bình và lòng khoan dung dựa trên Kinh Thánh.

[Hình nơi trang 23]

Hãy tránh thái độ cố chấp của người Pha-ri-si

[Hình nơi trang 23]

Chúa Giê-su phản ánh tinh thần khoan dung của Cha ngài. Còn bạn thì sao?