Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bền đỗ trong công việc mùa gặt!

Bền đỗ trong công việc mùa gặt!

Bền đỗ trong công việc mùa gặt!

“Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt-hái cách vui-mừng”.—THI-THIÊN 126:5.

1. Tại sao ngày nay cần “cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến”?

SAU chuyến rao giảng thứ ba trong vùng Ga-li-lê, Chúa Giê-su Christ nói cùng môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít”. (Ma-thi-ơ 9:37) Tình trạng ở Giu-đê cũng vậy. (Lu-ca 10:2) Đó là điều đã xảy ra gần 2.000 năm trước đây, còn ngày nay thì sao? Trong năm công tác vừa qua, hơn 6.000.000 Nhân Chứng Giê-hô-va đã bền đỗ thực hiện mùa gặt theo nghĩa bóng trên cánh đồng thế giới tới 6.000.000.000 dân, nhiều người trong số đó “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. Do đó, lời khuyến giục của Chúa Giê-su “hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”, vẫn thích hợp như trước đây nhiều thế kỷ.—Ma-thi-ơ 9:36, 38.

2. Điều gì khiến chúng ta được chú ý đến?

2 Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chủ mùa gặt, đã đáp lại lời cầu xin thêm thợ gặt. Thật vui mừng biết bao khi được tham gia công việc mùa gặt do chính Ngài điều khiển! Mặc dù so với các nước chúng ta chỉ là thiểu số, nhưng lòng sốt sắng rao báo Nước Trời và đào tạo môn đồ của chúng ta đã khiến thế giới phải chú ý đến. Tại nhiều nước, chúng ta thường được báo chí nhắc tới. Đôi khi trong các vở kịch truyền hình, khi nghe tiếng chuông cửa, diễn viên liền nói đó là Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật vậy, hoạt động của tín đồ Đấng Christ chúng ta trong mùa gặt, theo nghĩa bóng, trong thế kỷ 21 được nhiều người biết đến.

3. (a) Làm sao chúng ta biết hoạt động rao báo Nước Trời vào thế kỷ thứ nhất đã được lưu ý đến? (b) Vì sao có thể nói các thiên sứ hỗ trợ chúng ta trong thánh chức?

3 Vào thế kỷ thứ nhất, thế gian cũng lưu ý đến hoạt động rao báo Nước Trời và ngược đãi những người công bố tin mừng. Vì thế, sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời dường đã phơi chúng tôi là các sứ-đồ ra, giống như kẻ sau-rốt mọi người, giống như tù phải tội chết, làm trò cho thế-gian, thiên-sứ, loài người cùng xem vậy”. (1 Cô-rinh-tô 4:9) Tương tự như thế, việc chúng ta bền đỗ công bố Nước Trời dù bị ngược đãi đã khiến thế gian phải chú ý. Các thiên sứ cũng xem trọng sự bền đỗ này vì Khải-huyền 14:6 nói: “Tôi [sứ đồ Giăng] thấy một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. Thật vậy, chúng ta có sự hỗ trợ của các thiên sứ khi thực hiện thánh chức, tức công việc mùa gặt!—Hê-bơ-rơ 1:13, 14.

‘Bị ghen-ghét’

4, 5. (a) Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ về điều gì? (b) Tại sao các tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay ‘bị ghen-ghét’?

4 Khi các sứ đồ của Chúa Giê-su được sai đi làm thợ gặt, họ nghe theo sự hướng dẫn này của ngài: “Hãy khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bồ-câu”. Chúa Giê-su nói thêm: “Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa-án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại... Các ngươi lại sẽ bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối-cùng, thì sẽ được rỗi”.—Ma-thi-ơ 10:16-22.

5 Ngày nay, chúng ta ‘bị ghen-ghét’ vì “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, tức Sa-tan, kẻ thù chính của Đức Chúa Trời và dân Ngài. (1 Giăng 5:19) Các kẻ thù phủ nhận sự thịnh vượng hiển nhiên về thiêng liêng của chúng ta là đến bởi Đức Giê-hô-va. Những kẻ chống đối thấy chúng ta hớn hở tươi cười cùng nhau tham gia công việc mùa gặt. Họ ngạc nhiên trước sự hợp nhất của chúng ta! Thật ra, có lẽ họ đã buộc lòng phải thừa nhận điều đó khi đi đến xứ khác và thấy Nhân Chứng Giê-hô-va ở đó cũng làm công việc y như các Nhân Chứng ở nước họ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng đến kỳ định, ngay cả các kẻ thù cũng sẽ phải nhận biết Đức Giê-hô-va, Đấng hỗ trợ và là nguồn hợp nhất của chúng ta.—Ê-xê-chi-ên 38:10-12, 23.

6. Chúng ta được bảo đảm điều gì khi tham gia thực hiện mùa gặt, nhưng câu hỏi nào được đặt ra?

6 Chủ mùa gặt đã giao cho Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, “hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất”. (Ma-thi-ơ 28:18) Như vậy, Đức Giê-hô-va để Chúa Giê-su điều khiển công việc mùa gặt qua các thiên sứ trên trời và lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được xức dầu dưới đất. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Khải-huyền 14:6, 7) Nhưng làm thế nào có thể đương đầu với sự chống đối của kẻ thù mà vẫn giữ được niềm vui trong khi tiếp tục bền đỗ trong công việc mùa gặt?

7. Khi bị chống đối hoặc bắt bớ, chúng ta nên cố gắng duy trì tinh thần nào?

7 Khi bị chống đối hoặc bắt bớ không nương tay, hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp duy trì tinh thần như của sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Khi bị rủa-sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt-bớ, chúng tôi nhịn-nhục; khi bị vu-oan, chúng tôi khuyên-dỗ”. (1 Cô-rinh-tô 4:12, 13) Tinh thần này cùng với sự tế nhị trong thánh chức đôi khi có thể làm những người chống đối thay đổi thái độ.

8. Những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 10:28 bảo đảm với chúng ta điều gì?

8 Ngay cả hiểm họa sự chết cũng không thể dập tắt lòng sốt sắng của thợ gặt. Chúng ta mạnh dạn công bố thông điệp Nước Trời cho khắp dân chúng. Những lời sau của Chúa Giê-su cho chúng ta một sự bảo đảm đầy khích lệ: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW]”. (Ma-thi-ơ 10:28) Chúng ta biết Cha trên trời là Đấng ban sự sống, và Ngài sẽ ban thưởng cho những ai giữ lòng trung thành và bền đỗ trong công việc mùa gặt.

Thông điệp cứu mạng

9. Một số người đã phản ứng thế nào khi nghe những điều Ê-xê-chi-ên nói, và điều gì tương tự đang xảy ra ngày nay?

9 Khi nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên dạn dĩ công bố thông điệp của Đức Giê-hô-va cho “các dân bạn-nghịch”, tức vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, một số người đã vui thích lắng nghe. (Ê-xê-chi-ên 2:3) Đức Giê-hô-va nói: “Nầy, chúng nó coi ngươi như là kẻ hát hay có tiếng vui và kẻ đàn giỏi”. (Ê-xê-chi-ên 33:32) Tuy thích nghe những điều Ê-xê-chi-ên nói, nhưng họ không làm theo. Còn ngày nay thì sao? Khi những người xức dầu còn sót lại và các bạn đồng hành của họ can đảm công bố thông điệp của Đức Giê-hô-va, một số người thích được nghe nói về những ân phước Nước Trời. Tuy nhiên, họ không hưởng ứng với lòng biết ơn, không trở thành môn đồ và cũng chẳng tham gia công việc mùa gặt.

10, 11. Trong nửa đầu thế kỷ 20, điều gì được thực hiện để loan báo thông điệp cứu mạng, và kết quả là gì?

10 Trái lại, nhiều người đã hưởng ứng công việc mùa gặt và góp phần công bố thông điệp của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, trong suốt các kỳ đại hội từ năm 1922 đến 1928, thông điệp phán xét trên hệ thống gian ác của Sa-tan đã vang lên rõ ràng. Những lời cáo giác được trình bày tại các hội nghị trên được các đài phát thanh truyền đi. Hàng triệu ấn phẩm về những thông điệp này đã được dân Đức Chúa Trời phân phát sau đó.

11 Vào cuối thập niên 1930, các cuộc diễu hành thông tin, một hình thức làm chứng khác, đã được đưa vào sử dụng. Lúc đầu, dân Đức Giê-hô-va đeo các bảng chữ thông báo về các buổi diễn văn công cộng. Sau đó, bảng chữ của họ mang những khẩu hiệu như “Tôn giáo là cạm bẫy và thủ đoạn lừa gạt” và “Hãy phụng sự Đức Chúa Trời và Vị Vua là Đấng Christ”. Trên các đường phố, họ đã thu hút sự chú ý của người qua lại. Một anh từng đều đặn tham gia công việc này trên các đường phố náo nhiệt ở Luân Đôn, Anh Quốc, nhận xét: ‘Công việc này khiến Nhân Chứng Giê-hô-va ngày càng được chú ý và càng thêm dạn dĩ’.

12. Ngoài thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời, chúng ta còn nêu bật điều gì khi làm thánh chức, và hiện nay những ai đang cùng nhau kết hợp để rao truyền tin mừng?

12 Khi loan báo thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng nêu bật những khía cạnh tích cực trong thông điệp Nước Trời. Việc làm chứng dạn dĩ của chúng ta trên diễn đàn thế giới giúp tìm được những người xứng đáng. (Ma-thi-ơ 10:11) Hầu hết các thành viên cuối cùng của lớp người được xức dầu đều hưởng ứng lời kêu gọi vang dậy của mùa gặt trong các thập niên 1920 và 1930. Sau đó, đại hội năm 1935 công bố tin tuyệt vời về một đám đông “vô-số người” thuộc lớp “chiên khác” sẽ được hưởng tương lai đầy ân phước trong địa đàng. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Đám đông này đã lắng nghe thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời và kết hợp với những người được xức dầu để rao truyền tin mừng cứu rỗi.

13, 14. (a) Thi-thiên 126:5, 6 đem lại niềm an ủi nào? (b) Nếu chúng ta tiếp tục gieo và tưới, điều gì sẽ xảy ra?

13 Những thợ gặt của Đức Chúa Trời, đặc biệt là những người đang bị ngược đãi bắt bớ, tìm được niềm an ủi lớn lao nơi Thi-thiên 126:5, 6: “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt-hái cách vui-mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui-mừng, mang bó lúa mình”. Nhận xét của người viết Thi-thiên về việc gieo gặt minh họa sự chăm sóc và ban phước của Đức Giê-hô-va cho những người Do Thái còn sót lại được giải thoát khỏi vòng phu tù ở Ba-by-lôn xưa. Mặc dù rất sung sướng khi được trả tự do, nhưng họ có lẽ đã phải khóc khi gieo giống lại trên mảnh đất đã bị bỏ hoang trong suốt 70 năm lưu đày. Tuy nhiên, những người vẫn tiếp tục gieo giống và xây cất đã mãn nguyện hưởng thành quả công lao mình.

14 Đôi khi chúng ta cũng khóc vì bị bắt bớ, hoặc chính mình hay anh em cùng đạo phải chịu khổ vì sự công bình. (1 Phi-e-rơ 3:14) Hay trong công việc mùa gặt, thoạt đầu chúng ta có thể cảm thấy rất khó khăn vì dường như những nỗ lực của mình trong thánh chức thật hoài công. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục gieo và tưới, Đức Chúa Trời sẽ làm hạt giống lớn lên, nhiều khi vượt xa sự trông đợi của chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 3:6) Điều này thể hiện rõ qua kết quả của việc phân phát Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh.

15. Hãy nêu một thí dụ cho thấy sự hữu ích của các ấn phẩm đạo Đấng Christ trong công việc mùa gặt.

15 Hãy xem trường hợp của anh Jim. Khi mẹ qua đời, anh tìm được trong số gia sản của bà cuốn Sự sống đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo?  * (Anh ngữ) Anh chăm chú đọc cuốn sách. Sau đó, khi một Nhân Chứng nói chuyện với anh ngoài đường phố, Jim đã đồng ý hẹn gặp lại, và thế là một cuộc học hỏi Kinh Thánh bắt đầu. Jim tiến bộ nhanh chóng về thiêng liêng, dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Sau đó anh nói cho những người khác trong gia đình biết về những điều mình đã học. Kết quả là anh và chị của Jim cũng đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, còn anh sau đó có đặc ân được phụng sự với tư cách người tình nguyện làm việc trọn thời gian tại nhà Bê-tên ở Luân Đôn.

Vẫn vui mừng dù bị bắt bớ

16. (a) Tại sao công việc mùa gặt đạt được nhiều thành quả? (b) Chúa Giê-su đã cảnh báo thế nào về hệ quả của tin mừng, tuy nhiên chúng ta nên có thái độ nào khi tiếp xúc với người ta?

16 Vì sao có được sự thành công như thế trong công việc mùa gặt? Đó là vì những tín đồ được xức dầu và các bạn đồng hành của họ đã nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Giê-su: “Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối-tăm, hãy nói ra nơi sáng-láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà”. (Ma-thi-ơ 10:27) Tuy nhiên, sẽ có khó khăn vì Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi”. Ngài còn nói thêm: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình-an cho thế-gian; ta đến, không phải đem sự bình-an, mà là đem gươm giáo”. (Ma-thi-ơ 10:21, 34) Chúa Giê-su không có ý chia rẽ các gia đình, nhưng tin mừng đôi khi dẫn đến hệ quả đó. Điều đó cũng xảy ra với các tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay. Khi đến viếng thăm các gia đình, chúng ta không có ý gây chia rẽ nhưng mong muốn mọi người đều tiếp nhận tin mừng. Vì thế, chúng ta cố gắng tiếp xúc với mọi thành viên trong gia đình một cách tử tế và thông cảm để thông điệp của mình có sức thu hút đối với “những người có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời”.—Công-vụ 13:48, NW.

17. Những người ủng hộ quyền thống trị của Đức Chúa Trời được tách biệt thế nào, và một thí dụ điển hình của điều này là gì?

17 Chính thông điệp Nước Trời đã tách biệt những người ủng hộ quyền thống trị của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem anh em đồng đức tin của chúng ta đã có lập trường khác biệt thế nào vào thời Chủ Nghĩa Quốc Xã ở Đức vì ‘trả của Sê-sa cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Trời’. (Lu-ca 20:25) Trái với các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ của các đạo tự xưng theo Đấng Christ, tôi tớ Đức Giê-hô-va giữ vững lập trường, từ chối vi phạm các nguyên tắc Kinh Thánh. (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 4:10; Giăng 17:16) Giáo sư Christine King, tác giả của cuốn The Nazi State and the New Religions (Chính quyền Quốc Xã và các tôn giáo mới), nhận xét: “Chính quyền [Quốc Xã] chỉ thất bại đối với các Nhân Chứng, vì dù hàng ngàn người đã bị giết, công việc của họ vẫn tiếp tục và đến tháng 5-1945, trong khi Chủ Nghĩa Quốc Xã bị diệt vong, phong trào Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn tiếp diễn”.

18. Dân Đức Giê-hô-va biểu lộ thái độ nào dù bị bắt bớ?

18 Thái độ của dân Đức Chúa Trời khi đương đầu với sự bắt bớ thật đáng chú ý. Đức tin của chúng ta có thể gây ấn tượng nơi các nhà cầm quyền thế gian, nhưng điều khiến họ thán phục đó là chúng ta không hề tỏ thái độ cay đắng hay thù hằn. Chẳng hạn, những Nhân Chứng sống sót qua cuộc tàn sát của Quốc Xã thường tỏ ra vui mừng và hài lòng khi nhìn lại kinh nghiệm đó. Họ biết Đức Giê-hô-va đã ban cho họ “sức lực vượt quá mức bình thường”. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Những người được xức dầu được bảo đảm rằng “tên [của họ] đã ghi trên thiên-đàng”. (Lu-ca 10:20) Sự nhịn nhục của họ mang lại một hy vọng mà chắc chắn sẽ không khiến họ thất vọng, và những thợ gặt trung thành có triển vọng được hưởng đất cũng tin chắc như vậy.—Rô-ma 5:4, 5, NW.

Bền đỗ trong công việc mùa gặt

19. Những phương pháp hữu hiệu nào được sử dụng trong thánh chức của tín đồ Đấng Christ?

19 Không biết Đức Giê-hô-va còn cho phép chúng ta tham gia vào công việc mùa gặt theo nghĩa bóng bao lâu nữa, nhưng khi còn được phép, chúng ta nên luôn nhớ rằng thợ gặt có những phương pháp làm việc nhất định. Cũng thế, chúng ta có thể tin chắc là sẽ gặt kết quả nếu tận dụng những phương pháp rao giảng đã được thử nghiệm. Phao-lô nói với anh em tín đồ Đấng Christ: “Tôi lấy điều đó khuyên anh em: Hãy bắt-chước tôi”. (1 Cô-rinh-tô 4:16) Khi gặp các trưởng lão hội thánh Ê-phê-sô ở Mi-lê, Phao-lô nhắc họ nhớ ông đã không trễ nãi dạy dỗ họ “hoặc giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia”. (Công-vụ 20:20, 21) Ti-mô-thê, bạn đồng hành của Phao-lô, đã học được đường lối hay phương pháp dạy dỗ của ông, và nhờ đó có thể giúp anh em ở Cô-rinh-tô làm quen với những phương pháp đó. (1 Cô-rinh-tô 4:17) Đức Chúa Trời đã ban phước cho những phương pháp dạy dỗ của Phao-lô, và Ngài cũng sẽ ban phước cho sự bền đỗ của chúng ta trong việc công khai rao truyền tin mừng từ nhà này sang nhà kia, viếng thăm lại, điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà, và ở bất cứ nơi nào có người.—Công-vụ 17:17.

20. Chúa Giê-su nói gì cho thấy một mùa gặt lớn về thiêng liêng đã sẵn sàng, và điều này được nghiệm đúng ra sao trong những năm gần đây?

20 Sau khi làm chứng cho một người đàn bà Sa-ma-ri gần thành Si-kha vào năm 30 CN, Chúa Giê-su nói về mùa gặt thiêng liêng với môn đồ: “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng-ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu-chứa hoa-lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui-vẻ”. (Giăng 4:34-36) Có lẽ Chúa Giê-su đã thấy trước kết quả của cuộc gặp gỡ với người đàn bà Sa-ma-ri, vì sau đó qua lời chứng của bà nhiều người đã đặt đức tin nơi ngài. (Giăng 4:39) Trong những năm gần đây, nhiều nước đã bỏ lệnh cấm Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc chính thức công nhận họ, vì thế mở ra những cánh đồng mới cho mùa gặt. Kết quả là một mùa gặt lớn về thiêng liêng đang được thực hiện. Thật vậy, chúng ta đang được hưởng ân phước dồi dào khắp nơi trên thế giới khi vui mừng tiếp tục tham gia mùa gặt thiêng liêng.

21. Tại sao chúng ta có lý do để bền đỗ làm những thợ gặt vui mừng?

21 Khi cánh đồng đã chín vàng sẵn sàng cho mùa gặt, thợ gặt phải hành động khẩn trương, bắt tay ngay vào việc. Ngày nay, chúng ta cần làm việc chăm chỉ, với tinh thần khẩn trương vì đây là “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) Quả là chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là mùa “gặt” được nhiều người thờ phượng Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Vì thế, đây là ngày vui mừng. (Ê-sai 9:2) Là những thợ gặt vui mừng, chúng ta hãy bền đỗ trong công việc mùa gặt!

[Chú thích]

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và phát hành.

Bạn trả lời thế nào?

Chủ mùa gặt đã đáp lại lời cầu xin thêm thợ gặt thế nào?

Dù ‘bị ghen-ghét’, chúng ta vẫn giữ thái độ nào?

Dù bị bắt bớ, tại sao chúng ta vẫn vui mừng?

Tại sao chúng ta cần bền đỗ thực hiện mùa gặt với tinh thần khẩn trương?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 16, 17]

Những người tham gia vào mùa gặt thiêng liêng được thiên sứ hỗ trợ

[Hình nơi trang 18]

Các cuộc diễu hành thông tin khiến nhiều người biết đến thông điệp Nước Trời

[Hình nơi trang 18]

Chúng ta trồng và tưới, nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên