Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Origen—Những sự giảng dạy của ông đã ảnh hưởng thế nào đến Giáo Hội?

Origen—Những sự giảng dạy của ông đã ảnh hưởng thế nào đến Giáo Hội?

Origen​—⁠Những sự giảng dạy của ông đã ảnh hưởng thế nào đến Giáo Hội?

“Bậc thầy vĩ đại nhất của Giáo Hội sau các Sứ Đồ”. Jerome, dịch giả bản Kinh Thánh Vulgate tiếng La-tinh, đã ca ngợi nhà thần học Origen thuộc thế kỷ thứ ba như thế. Nhưng không phải ai ai cũng trọng vọng Origen thể ấy. Một số người xem ông ta là nguồn gốc xấu xa phát sinh ra dị giáo. Qua lời của một nhà văn thuộc thế kỷ 17, những nhà phê bình Origen cho rằng: “Nói chung, ông ta đã gieo rắc khắp thế gian những giáo lý độc hại và vô lý, là nọc độc làm chết người”. Thật thế, khoảng ba thế kỷ sau khi chết, ông ta bị lên án là một kẻ dị giáo.

TẠI SAO Origen vừa khiến người ta khâm phục vừa bị oán trách như thế? Ông đã gây ảnh hưởng nào đến sự phát triển giáo lý của giáo hội?

Sốt sắng với Giáo Hội

Origen sinh vào khoảng năm 185 CN tại thành phố Alexandria ở Ai Cập. Ông có kiến thức uyên thâm về văn chương Hy Lạp, nhưng cha ông là Leonides buộc ông phải bỏ ra cùng công sức để nghiên cứu Kinh Thánh. Khi Origen lên 17, hoàng đế La Mã ra chiếu chỉ công bố ai đổi đạo là phạm tội. Cha của Origen bị tống giam vì đã trở thành tín đồ Đấng Christ. Với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, Origen kiên quyết cùng chịu ngồi tù với cha và tử vì đạo. Thấy vậy, mẹ Origen mới giấu quần áo hầu ngăn ông ra khỏi nhà. Origen viết thư van xin cha: “Xin cha hãy cẩn thận chớ đổi ý vì lo cho mẹ và chúng con”. Leonides giữ vững lập trường và đã bị hành hình, để lại vợ góa con côi trong cảnh cùng cực. Nhưng Origen đã học lên cao đủ để nuôi mẹ và sáu em trai nhờ dạy môn văn chương Hy Lạp.

Ý định hoàng đế là ngăn chặn đạo Đấng Christ lan truyền. Vì chiếu chỉ không chỉ nhắm vào những người học đạo mà còn nhắm vào những người dạy đạo, cho nên tất cả các thầy dạy đạo Đấng Christ đã trốn khỏi Alexandria. Khi người ngoại đạo tìm kiếm sự dạy dỗ Kinh Thánh van xin chàng trai trẻ Origen giúp đỡ, ông sẵn lòng chấp nhận xem việc này như là một sứ mệnh do Đức Chúa Trời giao phó. Nhiều người trong số học viên của ông bị tử vì đạo, một số thậm chí chết trước khi hoàn tất việc học. Không màng đến sự an toàn cá nhân, Origen công khai động viên những người học với ông, dù họ đứng trước quan tòa, ở trong tù hoặc sắp bị hành hình. Sử gia Eusebius thuộc thế kỷ thứ tư tường thuật rằng khi họ bị dẫn đi hành hình, Origen “quả cảm hôn từ biệt họ”.

Nhiều người không phải là tín đồ Đấng Christ nổi giận cùng Origen, cho là ông phải chịu trách nhiệm về sự cải đạo và cái chết của các bạn họ. Ông thường suýt bị đoàn dân đông hung hăng tra tay vào muốn giết chết ông. Dù phải lánh mặt những kẻ lùng bắt ông bằng cách dời chỗ ở hết nơi này đến nơi khác, Origen không ngớt giảng dạy. Sự can đảm và tận tụy như thế đã gây ấn tượng đối với Demetrius, giám mục giáo phận Alexandria. Bởi vậy, khi chỉ mới 18 tuổi Origen đã được Demetrius bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường dạy đạo ở Alexandria.

Sau đó, Origen đã trở thành một học giả và một nhà văn nổi tiếng viết nhiều sách. Dù rất có thể người ta nói ngoa, một số người bảo ông viết đến 6.000 cuốn sách. Ông nổi tiếng nhiều nhất là nhờ cuốn Hexapla, một ấn bản Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đồ sộ gồm 50 tập. Origen sắp xếp cuốn Hexapla thành sáu cột song song, gồm: (1) văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và A-ram, (2) phần chuyển ngữ sang tiếng Hy Lạp của văn bản đó, (3) bản dịch Hy Lạp của Aquila, (4) bản dịch Hy Lạp của Symmachus, (5) bản dịch Hy Lạp Septuagint, mà Origen đã sửa lại cho tương đương một cách chính xác hơn với văn bản Hê-bơ-rơ, và (6) bản dịch Hy Lạp của Theodotion. Học giả Kinh Thánh John Hort viết: “Bằng cách đối chiếu song song các văn bản này, Origen hy vọng làm sáng tỏ ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh Thánh khiến độc giả Hy Lạp hoang mang hay bị đánh lừa nếu chỉ có trong tay bản Septuagint”.

“Vượt qua lời đã chép”

Tuy nhiên, bầu không khí tôn giáo hỗn độn trong thế kỷ thứ ba đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến phương pháp giảng dạy Kinh Thánh của Origen. Dù giáo hội tự xưng theo Đấng Christ vẫn còn ấu trĩ, nhưng đã tiêm nhiễm những tín điều phản Kinh Thánh rồi, và các nhà thờ ở rải rác dạy nhiều giáo lý khác nhau.

Origen chấp nhận một số giáo lý phản Kinh Thánh này, được ông gọi là giáo điều của các sứ đồ. Nhưng ông lại tùy tiện suy đoán những vấn đề khác. Dạo ấy nhiều học trò của ông đang vật lộn với các vấn đề triết lý đương đại. Trong nỗ lực giúp họ, Origen nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều trường phái triết học đang uốn nắn tâm trí các học trò trẻ của ông. Ông khởi công cung cấp cho học trò của mình những câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi triết lý của họ.

Nhằm điều hòa Kinh Thánh và triết học, Origen đã phải dựa vào phương pháp biện giải Kinh Thánh theo nghĩa bóng. Ông nghĩ rằng Kinh Thánh luôn luôn có nghĩa thiêng liêng mà không nhất thiết có nghĩa đen. Theo nhận định của một học giả, điều này khiến Origen “tự tiện suy đoán những điều trong Kinh Thánh với bất cứ ý tưởng nào ngoại lai miễn là tương hợp với hệ thống thần học của riêng mình, song vẫn tự cho (và chắc hẳn thành thật nghĩ) mình là một người nhiệt tình và trung thực biện giải ý tưởng của Kinh Thánh”.

Một lá thư mà Origen viết cho một học trò giúp thấu triệt tư tưởng của ông. Origen nêu việc dân Y-sơ-ra-ên lấy vàng của Ai Cập để làm các khí dụng trong đền thờ Đức Giê-hô-va. Ông viện dẫn điều này làm minh họa để bào chữa cho việc dùng triết lý Hy Lạp để dạy đạo Đấng Christ. Ông viết: “Những vật mà con cái Y-sơ-ra-ên đã mang theo từ Ai Cập thật hữu dụng biết bao, vì nhờ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hướng dẫn mà người Hê-bơ-rơ dùng nó để hầu việc Đức Chúa Trời, còn người Ai Cập trước đó không dùng nó đúng chỗ”. Vậy Origen khuyến khích học trò của ông “lấy tư tưởng từ triết lý Hy Lạp để làm đối tượng nghiên cứu hoặc làm bước đầu tìm hiểu đạo Đấng Christ”.

Phương pháp tự do biện giải Kinh Thánh này khiến cho người ta khó phân biệt được biên giới giữa giáo lý đạo Đấng Christ và triết lý Hy Lạp. Chẳng hạn, trong cuốn sách nhan đề On First Principles, Origen miêu tả Chúa Giê-su là ‘Con độc sinh, chào đời nhưng lại không có sự bắt đầu’. Rồi ông viết thêm: ‘Sự sinh ra của ngài có tính chất bất tận và vĩnh cửu. Ngài được làm Con, không phải nhờ nhận lấy sinh khí, do một hành động từ bên ngoài, nhưng vì cùng bản chất với Đức Chúa Trời’.

Origen đã không tìm thấy ý tưởng này trong Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy rằng Con độc sinh của Đức Giê-hô-va là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” và “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời”. (Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14) Theo sử gia tôn giáo Augustus Neander, Origen đã đi đến khái niệm “sự sinh sản vĩnh cửu” qua việc “được giáo dục theo trường phái triết học Plato”. Bởi vậy, Origen đã vi phạm nguyên tắc căn bản này của Kinh Thánh: “Chớ vượt qua lời đã chép”.—1 Cô-rinh-tô 4:6.

Bị kết tội dị giáo

Không lâu sau khi khởi sự dạy đạo, Origen bị Hội Đồng Tôn Giáo Alexandria tước bỏ chức linh mục. Có lẽ điều này xảy ra vì Giám Mục Demetrius ghen tị tiếng tăm lừng lẫy càng lúc càng gia tăng của Origen. Origen chuyển đến Palestine. Ở đó người ta vẫn còn vô cùng hâm mộ ông như người nổi tiếng bênh vực giáo lý đạo Đấng Christ, và ông tiếp tục giữ chức linh mục. Thật thế, khi nạn “dị giáo” bùng nổ ở phía Đông, người ta còn cậy vào ông để thuyết phục các giám mục lầm lạc quay về đạo chính thống. Sau khi Origen chết vào năm 254 CN, tên tuổi của ông đặc biệt mang nhiều tiếng xấu. Tại sao?

Sau khi đạo Đấng Christ trên danh nghĩa đã chiếm vị thế, người ta định nghĩa một cách gắt gao hơn giáo điều chính thống của giáo hội. Bởi vậy, các nhà thần học thuộc thế hệ sau không chấp nhận nhiều quan điểm có tính cách suy đoán của Origen và đôi khi dựa theo triết học mơ hồ. Do đó, sự dạy dỗ của ông gây những cuộc tranh luận gay gắt trong giáo hội. Trong nỗ lực nhằm giảng hòa và duy trì sự hợp nhất, giáo hội chính thức khép Origen vào tội dị giáo.

Origen không phải là kẻ duy nhất lầm lạc. Thật ra, Kinh Thánh đã báo trước cảnh bội đạo rộng lớn xa lìa những sự dạy dỗ thanh sạch của Đấng Christ. Việc bội đạo này bắt đầu nẩy mầm vào cuối thế kỷ thứ nhất, sau khi các sứ đồ của Chúa Giê-su qua đời. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:6, 7) Cuối cùng, một số kẻ tự xưng là tín đồ Đấng Christ đã tự cho mình là “chính thống”, còn những người khác là “dị giáo”. Nhưng trên thực tế, giáo hội tự xưng theo Đấng Christ đã trôi giạt khỏi đạo thật Đấng Christ rất xa.

“Tri-thức ngụy xưng là tri-thức”

Bất kể nhiều điều suy đoán của Origen, các tác phẩm của ông chứa đựng một số yếu tố hữu ích. Chẳng hạn, cuốn Hexapla của ông có ghi danh Đức Chúa Trời viết bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ nguyên thủy. Điều này cung cấp bằng chứng quan trọng là tín đồ Đấng Christ thời ban đầu biết đến và sử dụng danh riêng của Đức Chúa Trời—Giê-hô-va. Thế nhưng, một giáo trưởng của giáo hội thuộc thế kỷ thứ năm tên là Theophilus có lần cảnh giác đề phòng: “Các tác phẩm của Origen cũng giống như cánh đồng với đủ loại hoa. Nếu gặp hoa đẹp, tôi hái; nhưng nếu gặp phải bất cứ cái gì tựa như gai góc đối với tôi ắt tôi tránh xa như gai độc”.

Bằng cách pha trộn Kinh Thánh với triết lý Hy Lạp, thần học của Origen đã tiêm nhiễm sai lầm, và hậu quả thật tai hại cho giáo hội tự xưng theo Đấng Christ. Chẳng hạn, dù người ta đã bác bỏ hầu hết những sự suy đoán vô căn cứ của Origen, quan điểm của ông về “sự sinh sản vĩnh cửu” của Đấng Christ đã đặt nền móng cho giáo lý Chúa Ba Ngôi phản Kinh Thánh. Cuốn The Church of the First Three Centuries nhận xét: “Xu hướng thiên về triết học [do Origen du nhập] vẫn còn dai dẳng”. Hậu quả là gì? “Tính giản dị của đạo thật Đấng Christ đã bị hủy hoại, và vô số lỗi lầm đã tràn ngập Giáo Hội”.

Lẽ ra, Origen đã có thể nghe theo lời khuyến cáo của Phao-lô và tránh đưa đường dẫn lối cho sự bội đạo bằng cách “tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức”. Thay vì thế, Origen đã “bội đạo” bằng cách dạy dỗ nhiều điều dựa trên “tri-thức” ấy.—1 Ti-mô-thê 6:20, 21; Cô-lô-se 2:8.

[Hình nơi trang 31]

Cuốn “Hexapla” của Origen cho thấy danh Đức Chúa Trời đã được dùng trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp

[Nguồn tư liệu]

Published by permission of the Syndics of Cambridge University Library, T-S 12.182

[Nguồn hình ảnh nơi trang 29]

Culver Pictures