Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có quyền tin hay không tin

Bạn có quyền tin hay không tin

Bạn có quyền tin hay không tin

Chắc hẳn bạn rất yêu chuộng quyền tự do muốn tin gì thì tin, cũng như hầu hết mọi người. Qua việc hành sử quyền này mà sáu tỉ cư dân của trái đất có rất nhiều niềm tin khác biệt nhau. Giống như trong sự sáng tạo có nhiều màu sắc, hình dạng, cấu trúc, mùi vị và âm thanh khác nhau, những niềm tin khác nhau thường gây thêm phần hào hứng và vui thích cho đời sống. Thật thế, những sự khác biệt như thế có thể góp phần làm cho đời sống càng thêm thú vị.—Thi-thiên 104:24.

NHƯNG cần phải cẩn trọng. Một số niềm tin không chỉ khác biệt mà lại còn nguy hiểm nữa. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ 20, một số người tin rằng người Do Thái và Hội Tam Điểm âm mưu “phá hoại nền văn minh tín đồ Đấng Christ và dựng nên một quốc gia bao trùm cả thế giới nằm dưới sự cai trị liên hiệp của họ”. Niềm tin ấy phát sinh từ nhiều nguồn trong đó có tờ truyền đơn chống Do Thái mang tựa đề Protocols of the Learned Elders of Zion (Nghị định thư của các trưởng lão uyên bác của Si-ôn). Tờ truyền đơn đó tố rằng âm mưu đó gồm việc cổ động chế độ thuế khóa nặng nề, phát huy sản xuất vũ khí, khuyến khích những tập đoàn độc quyền khổng lồ để cho ‘tài sản của Dân Ngoại có thể bị tiêu tán trong nháy mắt’. Tờ đó cũng tố là âm mưu bao gồm việc chi phối hệ thống giáo dục nhằm ‘biến Dân Ngoại thành kẻ man rợ vô tri’, và thậm chí xây dựng những đường sắt ngầm dưới đất nối liền các thủ đô trên thế giới lại với nhau hầu các trưởng lão Do Thái có thể ‘áp đảo bất cứ đối thủ nào bằng cách tiêu diệt họ’.

Dĩ nhiên, đây là những lời xuyên tạc được tung ra nhằm khích động quần chúng bài Do Thái. Mark Jones thuộc Bảo Tàng Viện Anh Quốc nói: ‘Điều bịa đặt phi lý này tràn lan ra khỏi xứ Nga’, nơi tin này được đăng lần đầu tiên trên một nhật báo vào năm 1903. Tờ The Times ở Luân Đôn đăng nguồn tin này vào ngày 8-5-1920. Hơn một năm sau, tờ The Times vạch trần tài liệu này là giả mạo. Trong khi đó, nó đã có tác hại rồi. Jones nói: ‘Thật khó mà ngăn chặn những lời xuyên tạc như thế’. Một khi được chấp nhận, chúng tạo ra một số niềm tin đầy ghen tức, độc hại và nguy hiểm—thường dẫn đến hậu quả tàn khốc, như lịch sử thế kỷ 20 chứng tỏ.—Châm-ngôn 6:16-19.

Niềm tin so với lẽ thật

Dĩ nhiên, những niềm tin sai lầm không nhất thiết xuất phát từ những sự nói dối có chủ tâm. Đôi khi, chúng ta hiểu sai sự kiện. Biết bao người chết sớm chỉ vì làm điều mà họ tưởng là đúng? Ngoài ra, chúng ta thường tin vào một điều gì chỉ bởi chúng ta muốn tin mà thôi. Một giáo sư nói rằng ngay cả những nhà khoa học “thường say mê những lý thuyết, lập luận của chính họ”. Niềm tin của họ lấn át sự phán đoán đúng đắn. Và do vậy họ có lẽ dành ra cả đời để hoài công cố chứng thực những niềm tin sai lầm.—Giê-rê-mi 17:9.

Đối với những niềm tin tôn giáo cũng thế. Có những mâu thuẫn lớn trong lĩnh vực này. (1 Ti-mô-thê 4:1; 2 Ti-mô-thê 4:3, 4) Một người có đức tin mạnh nơi Đức Chúa Trời. Người khác thì nói người đó chỉ “đặt niềm tin nơi chuyện hão huyền”. Người này thì quả quyết là con người có một linh hồn bất tử tiếp tục sống sau khi chết. Người khác lại tin rằng khi một người chết, người đó hoàn toàn không còn hiện hữu. Hiển nhiên, những niềm tin mâu thuẫn với nhau như thế không thể đều đúng cả. Vậy chẳng phải việc kiểm chứng để biết chắc điều bạn tin là có thật chứ không chỉ là điều bạn muốn tin, là hành động khôn ngoan hay sao? (Châm-ngôn 1:5) Làm sao bạn có thể làm điều đó? Bài sau đây sẽ xem xét đề tài này.

[Hình nơi trang 3]

Bài báo năm 1921 đưa ra ánh sáng tờ truyền đơn “Protocols of the Learned Elders of Zion”