Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết ơn về những kỷ niệm quý báu!

Biết ơn về những kỷ niệm quý báu!

Tự Truyện

Biết ơn về những kỷ niệm quý báu!

DO DRUSILLA CAINE KỂ LẠI

Đó là năm 1933, khi tôi vừa kết hôn với anh Zanoah Caine, cũng là một người truyền giáo trọn thời gian như tôi, hồi đó gọi là người phân phát sách đạo. Tôi vui mừng khôn xiết nên dự định cùng đi đến nhiệm sở của chồng tôi, nhưng để làm thế, tôi cần một chiếc xe đạp—một thứ xa xí mà tôi không bao giờ mua được vì tình hình kinh tế rất khó khăn vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tôi đã làm thế nào để đi được?

NGHE nói tôi gặp khó khăn, ba người em chồng tôi moi tìm trong các đống rác ở địa phương những bộ phận cũ để ráp thành một chiếc xe đạp cho tôi. Họ quả đã làm được, và chiếc xe chạy được nữa chứ! Ngay khi biết chạy xe rồi, tôi và anh Zanoah lên đường đi khắp hạt Worcester và Hereford ở Anh, làm chứng cho tất cả những người chúng tôi gặp.

Thời ấy tôi đâu ngờ rằng hành động đơn giản để biểu lộ đức tin đó lại có thể dẫn đến một cuộc sống đầy kỷ niệm quý báu. Tuy nhiên, chính cha mẹ yêu dấu của tôi đã đặt nền tảng thiêng liêng cho đời tôi.

Những năm Đại Chiến gian truân

Tôi sinh vào tháng 12 năm 1909. Ít lâu sau đó, mẹ tôi nhận được cuốn The Divine Plan of the Ages, và vào năm 1914 cha mẹ dẫn tôi đi xem “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” ở Oldham, Lancashire. (Cả cuốn sách lẫn kịch ảnh đều do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất). Dù còn nhỏ, tôi vẫn nhớ rõ ràng là những gì đã được xem đã khiến tôi vui mừng nhảy tung tăng trên đường về nhà! Lúc đó Frank Heeley bắt đầu một nhóm học hỏi Kinh Thánh ở Rochdale là nơi chúng tôi sống. Buổi họp này đã giúp gia đình chúng tôi thâu thập sự hiểu biết về Kinh Thánh.

Cùng năm ấy, Đại Chiến—sau này được gọi là Thế Chiến I—đã bùng nổ, khiến đời sống chúng tôi bị đảo lộn. Cha tôi dù có lệnh nhập ngũ vẫn giữ lập trường trung lập. Trong phiên tòa, cha được miêu tả là “một người rất đàng hoàng”, và tờ nhật báo địa phương cho biết đã nhận được một số thư nói rằng “họ tin là ông ấy quả thật không muốn cầm súng”.

Tuy nhiên, thay vì được hoàn toàn miễn quân dịch, cha tôi chỉ được kể trong số những người được miễn “chiến đấu mà thôi”. Cả cha mẹ và tôi đều bị đưa ra làm trò cười. Cuối cùng, cha được phân loại lại và được giao cho công việc đồng áng, nhưng một số nông dân lợi dụng tình thế để trả lương rất thấp cho cha hoặc không trả luôn. Dù lương rất thấp, mẹ vẫn phải làm việc cực nhọc cho một tiệm giặt ủi tư nhân để nuôi gia đình. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng việc đối phó với những tình huống khó khăn ấy ngay từ thuở nhỏ đã giúp tôi gia tăng lòng quý trọng đối với những điều thiêng liêng.

Khởi đầu khiêm tốn

Chẳng bao lâu sau, anh Daniel Hughes, một học viên Kinh Thánh sốt sắng, đã trở nên thân thiết với gia đình chúng tôi. Anh là thợ mỏ than đá ở Ruabon, một làng cách Oswestry, nơi chúng tôi dọn đến để sống, chừng 20 kilômét. Chú Dan—tôi gọi anh như thế—giữ liên lạc với gia đình chúng tôi, và mỗi khi đến thăm, anh thường bàn về những vấn đề thiêng liêng. Anh không bao giờ nói chuyện phiếm cả. Vào năm 1920 một lớp học Kinh Thánh khởi sự ở Oswestry, và vào năm 1921 tôi được chú Dan tặng cuốn The Harp of God. Tôi quý trọng sách ấy vì nó giúp tôi dễ dàng lĩnh hội những sự dạy dỗ Kinh Thánh hơn.

Sau đó có thêm anh Pryce Hughes, * người mà sau này trở thành tôi tớ chủ tọa trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Luân Đôn. Anh sống với gia đình ở gần Bronygarth, giáp ranh với Wales, và chị Cissie của anh đã trở thành một trong những bạn thân của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ niềm vui mừng vào năm 1922 khi có lời kêu gọi ‘hãy loan báo về Vua và Nước Trời’. Trong những năm kế tiếp, dù vẫn còn đi học, tôi đã sốt sắng tham gia vào việc phân phát các giấy nhỏ đặc biệt, nhất là tờ Ecclesiastics Indicted vào năm 1924. Hồi tưởng lại thập kỷ ấy, thật là một đặc ân được kết hợp với rất nhiều anh chị trung thành như thế—trong số đó có Maud Clark * và bạn đồng hành Mary Grant,# Edgar Clay,# Robert Hadington, Katy Robert, Edwin Skinner,# cùng với Percy Chapman và Jack Nathan,# cả hai anh cuối cùng đều đi Canada để phụ giúp công việc ở đó.

Bài diễn văn dựa trên Kinh Thánh “Hàng triệu người đang sống sẽ không bao giờ chết” đã giúp làm chứng hợp thời trong khu vực rao giảng mênh mông của chúng tôi. Vào ngày 14-5-1922, Stanley Rogers, người bà con của anh Pryce Hughes, từ Liverpool đến nói bài giảng này ở Chirk, một ngôi làng nằm ngay phía bắc làng chúng tôi, và tối hôm đó tại The Picture Playhouse ở Oswestry. Tôi vẫn còn giữ một trong những tờ giấy mời được in đặc biệt cho dịp ấy. Trong suốt thời gian đó, các cuộc viếng thăm của ba giám thị lưu động, Herbert Senior, Albert Lloyd và John Blaney đã củng cố nhóm nhỏ của chúng tôi.

Một thời kỳ quyết định

Vào năm 1929, tôi quyết định làm báp têm. Lúc ấy tôi được 19 tuổi và cũng là lần đầu tiên tôi thật sự gặp thử thách. Tôi gặp một thanh niên là con trai của một chính khách. Chúng tôi cảm mến nhau, và anh ấy xin cưới tôi. Trước đó một năm sách Government đã được ra mắt, nên tôi đã tặng anh một cuốn. Nhưng chẳng bao lâu sau tôi thấy rõ ràng là anh ấy không quan tâm gì đến chính phủ trên trời, là đề tài của sách. Qua các cuộc học hỏi, tôi hiểu dân Y-sơ-ra-ên xưa được dạy không được kết hôn với người không cùng đạo và nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho tín đồ Đấng Christ. Bởi vậy, dù cảm thấy khó xử, tôi vẫn khước từ lời đề nghị kết hôn của anh.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:23; 2 Cô-rinh-tô 6:14.

Tôi được thêm sức nhờ những lời của sứ đồ Phao-lô: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”. (Ga-la-ti 6:9) Chú Dan yêu quý cũng giúp đỡ khi viết: “Trong những thử thách nhỏ cũng như lớn, cháu hãy đọc Rô-ma 8, câu 28”, câu ấy nói: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý-muốn Ngài đã định”. Không phải dễ, nhưng tôi biết là đã quyết định đúng. Năm ấy tôi đăng ký làm người phân phát sách đạo.

Vượt qua sự thách đố

Vào năm 1931 chúng tôi nhận được danh xưng mới là Nhân Chứng Giê-hô-va, và năm ấy chúng tôi mở một chiến dịch rao giảng dùng sách nhỏ The Kingdom, the Hope of the World. Mỗi chính khách, tu sĩ và doanh nhân đều được biếu một cuốn. Khu vực rao giảng của tôi trải dài từ Oswestry đến Wrexham, khoảng 25 kilômét về phía bắc. Rao giảng hết khu vực đó là cả một thách đố.

Ở một đại hội tại Birmingham vào năm sau, có lời kêu gọi 24 người tình nguyện. Hai mươi bốn người chúng tôi sốt sắng ghi danh mà không biết sẽ phải làm gì. Hãy thử tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi được phân hai người một, vừa mời nhận sách nhỏ The Kingdom, the Hope of the World, vừa loan báo về Nước Trời bằng cách mỗi người mang hai tấm biển nặng kẹp đằng trước và đằng sau trông giống như bánh mì kẹp thịt.

Tôi cảm thấy rất lúng túng khi rao giảng trong khuôn viên nhà thờ, nhưng lại tự an ủi là chẳng ai trong thành phố này biết mình. Thế nhưng, người đầu tiên tiếp cận tôi lại là một bạn học cũ, chỉ đứng nhìn tôi chằm chằm và nói: “Làm gì mà ăn mặc kỳ cục vậy?” Kinh nghiệm đó giúp tôi vượt qua mọi nỗi sợ hãi loài người!

Tiến tới trong công việc rao giảng

Vào năm 1933, tôi kết hôn với anh Zanoah, lớn hơn tôi đến 25 tuổi và góa vợ. Vợ trước của anh là một Học Viên Kinh Thánh sốt sắng, và anh Zanoah đã trung thành làm nhiệm vụ sau khi vợ mất. Chẳng bao lâu sau chúng tôi từ Anh Quốc dọn đi khu vực mới ở North Wales, cách đó khoảng 150 kilômét. Chúng tôi treo toàn bộ hành lý, nào là thùng giấy, va li và đồ quý giá khác trên tay lái, chất trên thanh ngang, và nhét vào giỏ xe đạp, nhưng chúng tôi đi đến nơi an toàn! Để làm nhiệm vụ ấy, chúng tôi cần có xe đạp để đi khắp nơi, ngay cả lên đến gần đỉnh núi Cader Idris cao ngót khoảng 900 mét ở xứ Wales. Gặp gỡ những người khao khát nghe “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” thật đáng công.—Ma-thi-ơ 24:14.

Ít lâu sau người ta bảo với chúng tôi rằng có một anh Tom Pryce nào đó đã rao giảng cho họ, giống như chúng tôi vậy. Cuối cùng chúng tôi tìm ra Tom sống ở Long Mountain, gần Welshpool—và thật ngạc nhiên biết bao! Khi mới bắt đầu rao giảng, tôi đã tặng sách Reconciliation giúp anh học Kinh Thánh. Anh tự học, viết thư về trụ sở ở Luân Đôn để xin thêm tài liệu, và từ dạo đó sốt sắng chia sẻ đức tin mới với người khác. Cả ba chúng tôi thường học hỏi chung nhiều giờ để khuyến khích lẫn nhau.

Một tai họa dẫn đến ân phước

Vào năm 1934 tất cả những người phân phát sách đạo ở gần North Wales đều được mời đến thị trấn Wrexham để giúp phát sách nhỏ Righteous Ruler. Trước khi chiến dịch rao giảng đặc biệt này được bắt đầu, một tai họa đã làm cả nước bàng hoàng. Một vụ nổ đã xảy ra ở mỏ than đá Gresford, cách Wrexham khoảng ba kilômét về hướng bắc, giết hại 266 thợ mỏ. Trên 200 trẻ con mất cha và 160 phụ nữ mất chồng.

Chúng tôi phải lập danh sách những người gặp cảnh tang tóc, đến thăm từng người và để lại một sách nhỏ cho họ. Tôi được giao trách nhiệm đến thăm bà Chadwick, là người có con trai 19 tuổi vừa mất. Khi đến thăm, tôi gặp người con trai lớn tên là Jack đang an ủi bà. Anh đã nhận ra tôi nhưng không nói. Sau đó, cậu ấy đọc sách nhỏ mới đưa, rồi đi tìm sách The Final War, mà tôi đã tặng cậu ấy ít năm trước.

Jack và vợ cậu ấy tên là May biết được chỗ tôi ở nên đến gặp để xin thêm ấn phẩm. Vào năm 1936 họ đồng ý cho chúng tôi tổ chức các buổi họp tại nhà họ ở Wrexham. Sáu tháng sau, khi anh Albert Lloyd đến thăm, một hội thánh đã được thành lập, với giám thị chủ tọa là anh Jack Chadwick. Nay có đến ba hội thánh ở Wrexham.

Đời sống trong xe moóc nhà lưu động

Cho đến lúc đó, chúng tôi ở bất cứ nơi nào thuận tiện khi đi từ nơi này đến nơi khác, nhưng anh Zanoah quyết định là đã đến lúc chúng tôi phải có nhà riêng có thể di chuyển theo. Là một thợ mộc khéo tay gốc du mục, chồng tôi đã đóng một chiếc xe moóc nhà lưu động kiểu du mục. Chúng tôi đặt tên xe là Elizabeth, lấy từ Kinh Thánh, có nghĩa là “Đức Chúa Trời của sự dư dật”.

Tôi đặc biệt nhớ vườn cây ăn quả gần dòng suối, một nơi chúng tôi đã tạm trú. Với tôi, nơi đấy chẳng khác gì Địa Đàng! Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi sống trong nhà lưu động, dù thiếu tiện nghi. Khi thời tiết lạnh lẽo, các tấm trải giường thường dính chặt vào thành xe, và luôn có vấn đề hơi nước đông đặc. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải chở nước từ xa về nhà, nhưng những trở ngại này rồi cũng vượt qua.

Một mùa đông nọ tôi ngã bệnh, lương thực và tiền cũng vừa cạn. Anh Zanoah ngồi trên giường, cầm tay tôi, và đọc Thi-thiên 37:25 cho tôi nghe: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”. Anh nhìn chằm chằm vào tôi và nói: “Nếu tình thế không sớm thay đổi, hẳn chúng ta phải đi ăn xin thôi, và theo anh hiểu, Đức Chúa Trời sẽ không để điều đó xảy ra!” Rồi anh ra ngoài rao giảng cho những người hàng xóm.

Khi anh về nhà giữa trưa để sửa soạn thức uống cho tôi, anh thấy một phong bì, trong đó có 50 bảng Anh do cha chồng tôi gửi đến. Vài năm trước đó, anh Zanoah đã bị buộc oan tội biển thủ, nhưng nay người ta mới biết anh vô tội. Tiền biếu đó để chuộc lại sự nhầm lẫn. Thật đúng lúc!

Một bài học hữu ích

Đôi khi sau nhiều năm trôi qua, chúng ta mới rút được kinh nghiệm. Thí dụ: Trước khi nghỉ học, tôi đã làm chứng cho tất cả bạn học và thầy cô, trừ cô giáo Lavinia Fairclough. Vì không ai buồn quan tâm đến những dự tính tương lai của tôi, và vì không hợp với cô Fairclough, nên tôi quyết định không rao giảng cho cô. Hãy thử tưởng tượng sự ngạc nhiên và thích thú khi mẹ tôi cho biết khoảng 20 năm sau cô giáo này trở lại thăm tất cả những người bạn và học trò cũ của cô để cho biết cô hiện đã là Nhân Chứng Giê-hô-va!

Khi gặp lại cô, tôi giải thích vì sao tôi đã không nói cho cô biết sớm hơn về đức tin và nghề nghiệp mà tôi định theo đuổi. Cô im lặng lắng nghe và sau đó nói: “Cô đã luôn tìm kiếm lẽ thật”. Kinh nghiệm trên là một bài học hữu ích cho tôi: chớ bao giờ ngần ngại làm chứng cho tất cả những ai đã gặp và tránh có định kiến về bất cứ ai.

Một cuộc chiến khác—và thời hậu chiến

Chiến tranh đe dọa bùng nổ lần nữa khi thập kỷ 1930 sắp kết thúc. Em trai Dennis nhỏ hơn tôi 10 tuổi được miễn quân dịch với điều kiện tiếp tục làm công việc ngoài đời. Trước đó cậu ấy ít chú ý đến lẽ thật. Bởi vậy vợ chồng tôi nhờ những người tiên phong địa phương là Rupert Bradbury và em anh ấy là David đến thăm em trai tôi. Họ nhận lời và học hỏi Kinh Thánh với cậu ấy. Dennis làm báp têm vào năm 1942 và sau đó làm tiên phong, rồi cuối cùng được bổ nhiệm làm giám thị lưu động vào năm 1957.

Con gái Elizabeth của chúng tôi ra đời vào năm 1938, và anh Zanoah nới rộng nhà lưu động để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Năm 1942, khi sinh cháu gái thứ hai là Eunice, chúng tôi nghĩ tốt hơn nên tìm một căn nhà cố định. Vì thế, anh Zanoah quyết định ngưng làm tiên phong ít năm, và chúng tôi dời về một ngôi nhà nhỏ gần Wrexham. Tiếp đó, chúng tôi định cư ở Middlewich thuộc hạt kế cận Cheshire. Chồng tôi mất ở đó vào năm 1956.

Hai con gái của chúng tôi đã trở thành những người truyền giáo trọn thời gian và cả hai đều hạnh phúc khi lập gia đình. Eunice và chồng cháu, một trưởng lão, hiện vẫn còn làm tiên phong đặc biệt ở Luân Đôn. Chồng của Elizabeth cũng là một trưởng lão, và thật là một niềm vui đối với tôi khi họ, con cái và cháu của họ tức bốn người chắt chít của tôi sống gần tôi ở Preston, Lancashire.

Tôi cảm tạ vì chỉ băng qua đường ở trước nhà tôi là có thể đến được Phòng Nước Trời. Trong những năm gần đây, tôi kết hợp với nhóm nói tiếng Gujarati cũng nhóm trong cùng Phòng Nước Trời. Đối với tôi, học một ngôn ngữ mới không phải là dễ vì bây giờ tôi hơi nặng tai. Đôi khi tôi thấy khó phân biệt những âm ngữ như những người trẻ. Nhưng sự khó khăn là một thách thức thú vị.

Nay tôi vẫn còn có thể rao giảng từ nhà này sang nhà kia và hướng dẫn các học hỏi Kinh Thánh tại nhà. Thật vui biết mấy khi kể lại những kinh nghiệm thuở trước với bạn bè đến thăm. Tôi rất biết ơn về những ân phước đã nhận được trong gần 90 năm kết hợp với dân sự Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 13 Tự truyện của Pryce Hughes, đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-4-1963, nhan đề “Theo gót tổ chức trung thành”.

^ đ. 14 Tự truyện của các tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va đã được đăng trong các số trước đây của Tháp Canh.

[Hình nơi trang 25]

Tờ giấy mời giới thiệu bài diễn văn dựa trên Kinh Thánh “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết” mà tôi được nghe vào ngày 14-5-1922

[Hình nơi trang 26]

Ảnh chụp với anh Zanoah vào năm 1933, ít lâu sau đám cưới

[Hình nơi trang 26]

Ảnh chụp đứng cạnh nhà lưu động “Elizabeth” của chúng tôi do chồng tôi tự đóng lấy