Hãy để hành động theo thói quen đem lại lợi ích cho bạn
Hãy để hành động theo thói quen đem lại lợi ích cho bạn
NGƯỜI đàn ông đã sống ở ngoại ô thành Athens trong 12 năm. Ngày nào ông cũng đi làm về theo cùng một lộ trình. Sau đó ông chuyển tới một vùng ngoại ô khác ở bên kia thành phố. Một ngày kia sau khi làm việc xong, ông bắt đầu về nhà. Chỉ khi tự nhận ra ông đang ở giữa bà con hàng xóm xưa, thì mới biết là ông đã đi lạc hướng. Bởi thói quen, ông về ngôi nhà trước đó ông đã ở!
Không có gì đáng ngạc nhiên khi thói quen đôi khi được gọi là bản năng thứ hai, một ảnh hưởng tác động trên đời sống chúng ta theo những cách mạnh mẽ. Theo nghĩa này, các thói quen có thể được ví như ngọn lửa. Một ngọn lửa có thể là ánh sáng được hoan nghênh trong bóng tối, sưởi ấm thân thể và hâm nóng thức ăn cho chúng ta. Tuy nhiên, ngọn lửa cũng có thể là một kẻ thù dữ tợn tiêu diệt mạng sống và của cải. Các thói quen cũng giống như vậy. Được vun trồng đúng, thói quen đem lại nhiều lợi ích. Nhưng chúng cũng có thể tàn phá.
Trong trường hợp người đàn ông được đề cập ở đầu bài, thói quen chỉ khiến ông bị kẹt xe trong thành phố. Khi liên quan tới những điều quan trọng hơn, những thói quen có thể giúp chúng ta thành công hoặc dẫn chúng ta đến tai họa. Hãy xem xét một vài gương có thật trong Kinh Thánh cho thấy rằng các thói quen có thể giúp đỡ hoặc cản trở việc phụng sự Đức Chúa Trời và mối liên lạc của chúng ta với Ngài như thế nào.
Những gương trong Kinh Thánh về thói quen tốt và xấu
Cả ba người Nô-ê, Gióp và Đa-ni-ên đều được phước có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tán dương họ ‘bởi sự công-bình của họ’. (Ê-xê-chi-ên 14:14) Điều đáng chú ý là lối sống của cả ba người đều tỏ rõ họ đã vun trồng thói quen tốt.
Nô-ê được lệnh đóng một chiếc tàu, dài hơn một sân đá bóng và cao hơn một tòa nhà năm tầng. Một công trình vĩ đại như thế hẳn phải làm kinh ngạc bất cứ thợ đóng tàu nào thời xưa. Nô-ê và bảy người trong gia đình ông đã đóng chiếc tàu không phải bằng những thiết bị hiện đại. Ngoài ra, Nô-ê còn liên tục rao giảng cho những người đương thời với ông. Chúng ta có thể chắc chắn rằng lúc đó ông cũng cung cấp cho gia đình các nhu cầu thiêng liêng và vật chất. (2 Phi-e-rơ 2:5) Để hoàn thành tất cả những điều này, Nô-ê hẳn đã phải có những thói quen làm việc tốt. Hơn nữa, Nô-ê được lịch sử Kinh Thánh ghi lại là người “đồng đi cùng Đức Chúa Trời thật... Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. (Sáng-thế Ký 6:9, 22; 7:5) Vì ông được xưng là “trọn-vẹn” trong Kinh Thánh, chắc hẳn là ông đã tiếp tục đồng đi cùng Đức Chúa Trời sau trận Nước Lụt và thậm chí sau cả sự phản loạn chống lại Đức Giê-hô-va xảy ra tại tháp Ba-bên. Thật vậy, Nô-ê tiếp tục đi cùng Đức Chúa Trời cho tới khi ông chết lúc được 950 tuổi.—Sáng-thế Ký 9:29.
Những thói quen tốt của Gióp đã giúp ông trở thành một người “trọn-vẹn và ngay-thẳng”. (Gióp 1:1, 8; 2:3) Theo thói quen, ông đóng vai thầy tế lễ cho gia đình bằng cách thường xuyên hoặc theo thói quen dâng của-lễ thay cho các con cái của ông sau mỗi lần họ đãi tiệc, phòng khi họ sơ ý “phạm tội và trong lòng [đã] từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy”. (Gióp 1:5, chúng tôi viết nghiêng). Trong gia đình của Gióp, những thói quen nổi bật chắc chắn là xoay quanh việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.
Đa-ni-ên đã “hằng” hầu việc Đức Giê-hô-va suốt đời ông. (Đa-ni-ên 6:16, 20) Đa-ni-ên đã tập những thói quen tốt nào về thiêng liêng? Một điều là ông thường xuyên cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Bất kể chiếu chỉ của vua cấm thực hành này, “một ngày ba lần, [Đa-ni-ên] quì gối xuống, cầu-nguyện, xưng-tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm”. (Đa-ni-ên 6:10, chúng tôi viết nghiêng). Ông không thể bỏ thói quen cầu nguyện Đức Chúa Trời, ngay cả khi thấy rõ là mạng sống bị đe dọa. Chắc chắn thói quen này củng cố Đa-ni-ên trong đời sống trung kiên tuyệt hảo đối với Đức Chúa Trời. Hiển nhiên, Đa-ni-ên cũng đã có thói quen tốt là học hỏi và suy ngẫm sâu sắc những lời hứa hào hứng của Đức Chúa Trời. (Giê-rê-mi 25:11, 12; Đa-ni-ên 9:2) Chắc chắn những thói quen tốt này đã giúp ông bền đỗ cho đến cùng, trung thành dự cuộc chạy đua giành sự sống cho tới đích.
Trái lại, đời sống Đi-na không được suôn sẻ vì một thói quen xấu. Cô hay “đi ra thăm bọn con gái của xứ đó” tức là những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 34:1) Thói quen có vẻ vô hại này dẫn đến thảm họa. Trước tiên, cô bị Si-chem, một chàng trẻ tuổi được xem là “quí-trọng hơn mọi người trong nhà cha mình”, cưỡng hiếp. Sau đó, vì muốn báo thù, hai người anh trai của cô giết tất cả những người nam trong thành. Một hậu quả thật khủng khiếp!—Sáng-thế Ký 34:19, 25-29.
Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những thói quen của mình sẽ đem lại lợi ích và không làm hại chúng ta?
Để cho thói quen hướng dẫn
Một triết gia viết: “Thói quen là số mệnh”. Nhưng thói quen không hẳn phải là số mệnh. Kinh Thánh cho thấy rất rõ rằng chúng ta có thể chọn đổi thói quen xấu của chúng ta và vun trồng thói quen tốt.
Với những thói quen tốt, lối sống của tín đồ Đấng Christ trở nên hiệu quả hơn và dễ duy trì hơn. Alex, một tín đồ Đấng Christ ở Hy Lạp, nói: “Thói quen theo sát thời khóa biểu để hoàn tất nhiều phận sự giúp tôi tiết kiệm thì giờ quý giá”. Theophilus, một trưởng lão tín đồ Đấng Christ, nhấn mạnh rằng việc lập kế hoạch là một thói quen giúp anh hữu hiệu. Anh nói: “Tôi hoàn toàn tin rằng tôi không thể chu toàn những bổn phận tín đồ Đấng Christ nếu không có thói quen lập kế hoạch tốt”.
Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được thúc giục “hãy bước đi đều đặn trong cùng lề lối đó”. (Phi-líp 3:16, NW) Lề lối bao hàm “quen... thi hành một thủ tục đã định sẵn”. Những thói quen tốt như thế đem lại lợi ích cho chúng ta vì chúng ta không phải mất thời gian suy nghĩ cân nhắc cho mỗi giai đoạn—chúng ta đã thiết lập được một khuôn mẫu tốt để làm theo thói quen. Những thói quen mạnh hầu như trở thành tự động. Cũng như những thói quen lái xe an toàn có thể hướng dẫn người lái xe có những quyết định cứu mạng tức thì khi phải đương đầu với những nguy hiểm trên đường, những thói quen tốt có thể giúp chúng ta nhanh chóng đi đến những quyết định đúng khi chúng ta đi trong con đường tín đồ Đấng Christ.
Như Jeremy Taylor, một nhà văn người Anh, viết: “Thói quen là sản phẩm của hành động”. Nếu có thói quen tốt, chúng ta có thể thực hiện những điều tốt cách dễ dàng. Chẳng hạn, với tư cách người truyền giáo tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thói quen thường xuyên tham gia công việc rao giảng, chúng ta thấy đi rao giảng dễ dàng hơn và thích thú hơn. Chúng ta đọc về các sứ đồ: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. (Công-vụ 5:42; 17:2) Mặt khác, nếu chỉ thỉnh thoảng mới đi rao giảng, chúng ta có thể cảm thấy bồn chồn, cần nhiều thời gian hơn trong thánh chức trước khi thấy tự tin trong hoạt động trọng yếu này của tín đồ Đấng Christ.
Các phương diện khác trong lề lối tín đồ Đấng Christ của chúng ta cũng tương tự như vậy. Thói quen tốt có thể giúp chúng ta thường xuyên ‘đọc Lời Đức Chúa Trời ngày và đêm’. (Giô-suê 1:8; Thi-thiên 1:2) Một tín đồ Đấng Christ có thói quen đọc Kinh Thánh trong 20 tới 30 phút trước khi đi ngủ. Ngay cả khi anh rất mệt, cũng nhận thấy rằng nếu đi ngủ mà không đọc Kinh Thánh, anh không thể ngủ ngon được. Anh phải thức dậy để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng đó. Thói quen tốt này cũng đã giúp anh đọc hết cuốn Kinh Thánh mỗi năm một lần trong nhiều năm.
Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê-su Christ, đã có thói quen tham gia các buổi họp ở những nơi có thảo luận Kinh Thánh. “Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc”. (Lu-ca 4:16) Đối với Joe, một trưởng lão có gia đình đông con và làm việc quần quật suốt ngày, thói quen đã giúp anh có nhu cầu và ước muốn đều đặn dự các buổi họp. Anh nói: “Thói quen này giúp tôi tiếp tục đi tới, cung cấp sức mạnh thiêng liêng rất cần thiết để tôi có thể thành công đương đầu với những thách đố và khó khăn.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
Những thói quen như thế không thể thiếu trong cuộc đua giành sự sống của tín đồ Đấng Christ. Báo cáo từ một nước, nơi dân sự Đức Giê-hô-va bị bắt bớ, cho biết: “Những ai có thói quen thiêng liêng tốt và lòng cảm thấy quý trọng lẽ thật cách sâu xa thì dễ dàng đứng vững trước những thử thách xảy đến, còn những ai trong lúc thuận tiện lại bỏ nhóm họp, không rao giảng thường xuyên và nhượng bộ trước những vấn đề nhỏ thường thất bại khi gặp thử thách dữ dội”.—2 Ti-mô-thê 4:2.
Tránh thói quen xấu, sử dụng thói quen tốt
Người ta nói rằng ‘một người chỉ nên vun trồng những thói quen mà người ấy sẵn sàng tuân theo’. Những thói quen xấu quả thật là một ông chủ khắc nghiệt. Tuy nhiên, người ta có thể bỏ được những thói quen này.
Stella từng có lúc là người mê ti-vi. Chị thừa nhận: “Mỗi thói quen xấu mà tôi mắc phải, thì thường đều có một lý do ‘vô hại’ ”. Đây là trường hợp với thói quen xem ti-vi quá độ của chị. Chị tự nhủ mình là chị sẽ chỉ xem để “thư giãn một chút” hoặc là “thay đổi nhịp độ”. Nhưng thói quen của chị đã vượt ngoài vòng kiểm soát, dán chặt chị hàng giờ trước ti-vi. Chị nói: “Ít nhất, thói quen xấu này đã trì hoãn sự tiến bộ thiêng liêng của tôi”. Với nỗ lực quyết tâm, cuối cùng chị đã giảm được thời gian xem ti-vi và trở nên kén chọn hơn trong việc xem chương trình ti-vi. Stella nói: “Tôi luôn luôn cố gắng nhớ tại sao tôi muốn bỏ thói quen này, và tôi tin cậy Đức Giê-hô-va giúp tôi giữ vững quyết định của tôi”.
Một tín đồ Đấng Christ tên Charalambos nêu ra một thói quen xấu cản trở anh tiến bộ về thiêng liêng—sự trì hoãn. “Khi tôi nhận ra rằng thói quen trì hoãn là có hại, tôi bắt đầu cố gắng để thay đổi lối sống. Khi đặt những mục tiêu, tôi lập kế hoạch rõ rệt để thực hiện những mục tiêu đó khi nào và như thế nào. Việc tôi thường xuyên thực hiện những quyết định và những kế hoạch là giải pháp tốt, nó duy trì cho tôi một thói quen tốt cho tới nay”. Thật vậy, thay thế những thói quen xấu bằng những thói quen tốt là cách tốt nhất.
Bạn bè cũng có thể khiến chúng ta vun trồng thói quen, tốt hoặc xấu. Thói quen tốt gây ảnh hưởng tốt, cũng như thói quen xấu gây ảnh hưởng xấu. Cũng như “bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”, bạn bè tốt có thể nêu gương tốt cho chúng ta dưới hình thức thói quen có ích để noi theo. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Quan trọng nhất, những thói quen có thể củng cố hay làm suy yếu mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Stella nói: “Nếu thói quen chúng ta tốt, chúng khiến chúng ta dễ dàng phấn đấu hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu có hại, chúng cản trở những nỗ lực của chúng ta”.
Hãy tập thói quen tốt, và để chúng hướng dẫn bạn. Những thói quen này sẽ là một lực mạnh mẽ, lợi ích trong đời sống của bạn.
[Hình nơi trang 19]
Giống như lửa, những thói quen có thể đem lại lợi ích hoặc tàn phá
[Hình nơi trang 21]
Thói quen của Chúa Giê-su trong nhà hội vào ngày Sa-bát là đọc Lời Đức Chúa Trời
[Các hình nơi trang 22]
Những thói quen tốt về thiêng liêng củng cố mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời