Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao bạn tin như vậy?

Tại sao bạn tin như vậy?

Tại sao bạn tin như vậy?

Tin được định nghĩa là “cho một điều gì là đúng, là có thật”. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc bảo đảm “quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo” của mọi người. Quyền này bao gồm quyền tự do “thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin”, nếu một người muốn.

NHƯNG tại sao một người lại muốn thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin của mình? Quan điểm thông thường là: “Tôi có tín ngưỡng riêng và tôi giữ nó”. Nhiều người nghĩ rằng dù có tin sai cũng không gây thiệt hại gì cho ai. Chẳng hạn, nếu ai đó tin rằng trái đất dẹt rất có thể không gây thiệt hại cho bản thân và cho bất cứ ai. Một số người nói: “Chúng ta chỉ nên chấp nhận mình bất đồng ý kiến với nhau và không tranh cãi nữa”. Điều đó có luôn luôn khôn ngoan không? Phải chăng một bác sĩ nên đơn thuần nghĩ rằng một đồng sự có quyền suy nghĩ khác mình nếu người đó cứ tin là có thể đi thẳng từ nhà xác đến khu chuẩn bệnh sau khi đã khám nghiệm tử thi?

Đối với tôn giáo, những niềm tin sai lầm đã gây thiệt hại to lớn trong lịch sử. Hãy nghĩ đến những sự khủng khiếp đã xảy ra khi những nhà lãnh đạo tôn giáo “đã kích động những kẻ cuồng tín thuộc Ki-tô Giáo gây ra bạo lực tàn nhẫn” trong cái gọi là Thánh Chiến Chữ Thập của thời Trung Cổ. Hoặc hãy nghĩ đến những người thuộc “Ki-tô Giáo” có võ trang thời nay trong một cuộc nội chiến gần đây, “dán hình Mẹ Đồng Trinh lên báng súng, giống như các chiến binh thời Trung Cổ khắc tên các thánh lên cán gươm của họ”. Tất cả những người cuồng tín này đều nghĩ họ có lý. Nhưng rõ ràng là trong các cuộc chiến này và những cuộc xung đột và đấu tranh tôn giáo khác, có điều sai lầm khủng khiếp.

Tại sao có quá nhiều sự hỗn độn và xung đột? Kinh Thánh giải đáp rằng Sa-tan Ma-quỉ đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9; 2 Cô-rinh-tô 4:4; 11:3) Sứ đồ Phao-lô báo trước rằng đáng buồn thay, nhiều người có đạo “sắp bị diệt vong” do việc bị Sa-tan lừa dối “bằng đủ thứ phép lạ, dấu lạ và việc lạ”. Phao-lô nói rằng những kẻ như thế “không chịu tiếp nhận và yêu chuộng chân lý để được cứu rỗi” và vì thế “bị lừa gạt, tin theo những lời giả dối”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-12, Bản Diễn Ý) Làm sao bạn có thể làm giảm đến mức tối thiểu nguy cơ tin vào một điều giả dối? Tại sao bạn có niềm tin như hiện thời?

Tin theo gia đình chăng?

Có lẽ bạn được dạy dỗ theo đạo của gia đình. Đó có thể là điều tốt. Đức Chúa Trời muốn cha mẹ dạy dỗ con cái. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9; 11:18-21) Chẳng hạn, người trẻ Ti-mô-thê nhận lãnh lợi ích lớn nhờ nghe theo mẹ và bà ngoại. (2 Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15) Kinh Thánh khuyến khích con cái tôn trọng niềm tin của cha mẹ. (Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:1) Nhưng Đấng Tạo Hóa của bạn có muốn bạn tin vào một điều gì chỉ vì cha mẹ bạn tin vào điều đó hay không? Thật ra, tin một cách máy móc vào những gì các thế hệ đi trước đã tin và làm có thể là điều nguy hiểm.—Thi-thiên 78:8; A-mốt 2:4.

Người đàn bà Sa-ma-ri đã gặp Chúa Giê-su Christ là người đã lớn lên trong tôn giáo người Sa-ma-ri. (Giăng 4:20) Chúa Giê-su tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của bà, nhưng ngài cũng nói rõ với bà: “Các ngươi thờ-lạy sự các ngươi không biết”. Thật thế, bà theo nhiều tín điều sai lầm và ngài nói bà cần phải thay đổi tín ngưỡng nếu muốn thờ lạy Đức Chúa Trời một cách được chấp nhận—bằng “tâm-thần và lẽ thật”. Với thời gian, thay vì khư khư bám chặt vào những tín ngưỡng chắc hẳn được ưa chuộng, bà và những người như bà cần phải “vâng-theo đạo” được tiết lộ qua Chúa Giê-su Christ.—Giăng 4:21-24, 39-41; Công-vụ 6:7.

Do được giáo dục để tin chăng?

Nhiều bậc thầy và các chuyên gia đáng được kính trọng rất nhiều. Nhưng lịch sử kể lại đầy những trường hợp những bậc thầy nổi tiếng hoàn toàn sai lầm. Chẳng hạn, về hai cuốn sách bàn những vấn đề khoa học do triết gia Hy Lạp Aristotle viết, sử gia Bertrand Russell nói rằng “chiếu theo khoa học hiện đại, khó có thể chấp nhận câu nào ghi trong đó”. Ngay cả những chuyên gia thời nay cũng thường phạm sai lầm nghiêm trọng. Nhà khoa học người Anh là Lord Kelvin quả quyết vào năm 1895: “Không thể nào chế được máy nào nặng hơn không khí mà lại bay lên được”. Do đó, một người khôn ngoan sẽ không tin một cách mù quáng vào một điều gì chỉ giản dị bởi vì một bậc thầy có thẩm quyền nói ra điều đó.—Thi-thiên 146:3.

Khi nói đến sự dạy dỗ về tôn giáo thì cũng cần phải thận trọng như vậy. Sứ đồ Phao-lô đã từng được đào tạo bởi các bậc thầy trong tôn giáo của ông và ông “sốt-sắng quá đỗi về cựu-truyền của tổ-phụ” ông. Tuy nhiên, trên thực tế, lòng sốt sắng của ông đối với các tín ngưỡng truyền thống của tổ phụ đã gây khó khăn cho ông, dẫn ông đến chỗ “bắt-bớ và phá-tán Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 1:13, 14; Giăng 16:2, 3) Tệ hơn nữa, trong một thời gian dài, Phao-lô tiếp tục “đá đến ghim nhọn”, cưỡng lại ảnh hưởng đáng lẽ đã dẫn ông đến việc tin Chúa Giê-su Christ. Bởi vậy cho nên chính Chúa Giê-su phải can thiệp một cách quyết liệt để giúp Phao-lô sửa đổi tín ngưỡng của ông.—Công-vụ 9:1-6; 26:14.

Chịu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng chăng?

Có lẽ các phương tiện truyền thông đại chúng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với niềm tin của bạn. Đa số người ta mừng là có tự do ngôn luận trong giới truyền thông đại chúng, nhờ đó họ có thể có được những thông tin hữu ích. Tuy nhiên, có những quyền lực có thể và thường giật dây các phương tiện truyền thông đại chúng. Người ta thường trình bày những thông tin lệch lạc có thể gây ảnh hưởng ngấm ngầm đến lối suy nghĩ của bạn.

Ngoài ra, để thu hút hoặc lôi cuốn nhiều người hơn, các phương tiện truyền thông đại chúng có khuynh hướng quảng bá những điều giật gân và khác thường. Những gì cách đây ít năm người ta không dám nói hoặc in ra cho công chúng, nay đã trở nên phổ thông. Tuy chậm nhưng chắc chắn, những phép xử thế lâu đời nay bị công kích và loại bỏ dần. Lối suy nghĩ của người ta dần dần trở thành lệch lạc. Họ bắt đầu tin rằng “dữ là lành,... lành là dữ”.—Ê-sai 5:20; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.

Tìm cơ sở vững chắc cho niềm tin

Dựa vào ý tưởng và triết lý của con người giống như xây nhà trên cát. (Ma-thi-ơ 7:26; 1 Cô-rinh-tô 1:19, 20) Vậy, bạn có thể vững tâm đặt niềm tin của bạn dựa trên điều gì? Vì Đức Chúa Trời đã cho bạn trí khôn để quan sát thế giới chung quanh và nêu những câu hỏi về các vấn đề thiêng liêng, chẳng lẽ không phải là điều hợp lý khi Ngài cũng cung cấp phương tiện để tìm ra những câu trả lời chính xác cho những câu hỏi của bạn hay sao? (1 Giăng 5:20) Dĩ nhiên, là Ngài làm thế! Nhưng làm sao bạn có thể xác định điều gì đúng hoặc có thật trong các vấn đề thờ phượng? Chúng tôi không ngần ngại nói rằng Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, cung cấp cơ sở duy nhất để làm điều này.—Giăng 17:17; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Một số người sẽ nói: “Khoan đã, chẳng phải chính những người có cuốn Kinh Thánh là những người đã gây ra xung đột và hỗn độn nhiều nhất trên thế giới hay sao?” Phải công nhận là những người lãnh đạo tôn giáo tự cho là theo Kinh Thánh đã gây ra nhiều ý tưởng mâu thuẫn và gây bối rối. Đó là vì họ không thật sự đặt niềm tin của họ trên Kinh Thánh. Sứ đồ Phi-e-rơ miêu tả họ là “tiên-tri giả” và “giáo-sư giả”, gây ra “đạo dối làm hại”. Theo Phi-e-rơ nói thì hậu quả là “đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm-pha”. (2 Phi-e-rơ 2:1, 2) Thế nhưng, Phi-e-rơ viết: “Chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó, như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm”.—2 Phi-e-rơ 1:19; Thi-thiên 119:105.

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta kiểm tra niềm tin của chúng ta dưới ánh sáng của những gì Kinh Thánh dạy dỗ. (1 Giăng 4:1) Hàng triệu độc giả của tạp chí này có thể chứng thực rằng khi làm như thế đời sống họ có thêm ý nghĩa và vững vàng hơn. Vậy hãy làm giống như những người ở thành Bê-rê có thái độ cởi mở. Hãy ‘nghiên cứu Thánh kinh hàng ngày’ trước khi bạn quyết định nên tin điều gì. (Công-vụ 17:11, BDÝ) Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp bạn làm điều này. Dĩ nhiên, chính bạn phải quyết định những gì bạn muốn tin. Tuy nhiên, điều khôn ngoan là bạn nên xem xét để chắc chắn niềm tin của bạn được uốn nắn bởi lẽ thật được tiết lộ trong Lời Đức Chúa Trời, chứ không bởi sự khôn ngoan và dục vọng của loài người.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; 5:21.

[Các hình nơi trang 6]

Bạn có thể vững tâm đặt niềm tin của bạn dựa trên Kinh Thánh