Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng nản chí làm điều thiện

Đừng nản chí làm điều thiện

Đừng nản chí làm điều thiện

“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng”.—GA-LA-TI 6:9, “TÒA TỔNG GIÁM MỤC”.

1, 2. (a) Tại sao phụng sự Đức Chúa Trời đòi hỏi sự nhịn nhục? (b) Áp-ra-ham đã nhịn nhục thế nào, và nhờ vào điều gì?

LÀ Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta vui thích làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng cảm thấy sảng khoái khi mang “ách” tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 11:29) Tuy nhiên, việc chúng ta cùng Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sứ đồ Phao-lô nêu rõ điều này khi khuyến giục anh em tín đồ Đấng Christ: “Anh em cần phải nhịn-nhục, hầu cho khi đã làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình”. (Hê-bơ-rơ 10:36) Cần phải nhịn nhục, vì phụng sự Đức Chúa Trời là cả một thử thách.

2 Cuộc đời của Áp-ra-ham là một minh chứng. Biết bao lần ông phải đối diện với những lựa chọn khó khăn và tình huống căng thẳng. Được lệnh phải từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở U-rơ chỉ mới là bước khởi đầu. Chẳng bao lâu sau, ông lại phải đương đầu với nạn đói, sự thù địch của những người láng giềng, suýt mất vợ, sự đố kỵ của một số bà con thân tộc và sự tàn khốc của chiến tranh. Ngoài ra, còn những thử thách lớn hơn nữa chưa xảy ra. Nhưng Áp-ra-ham không hề nản chí làm điều thiện. Điều này thật đáng cho chúng ta chú ý khi thấy rằng ông không có được đầy đủ Lời Đức Chúa Trời như chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, chắc chắn ông đã biết đến lời tiên tri đầu tiên, qua đó Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau”. (Sáng-thế Ký 3:15) Là tổ tiên của Dòng Dõi, hiển nhiên Áp-ra-ham trở thành kẻ thù lớn của Sa-tan. Áp-ra-ham đã có thể vui vẻ nhịn nhục trước mọi thử thách nhờ nhận thức rõ về điều này.

3. (a) Tại sao dân Đức Giê-hô-va ngày nay nên biết hoạn nạn cũng có thể xảy đến cho họ? (b) Ga-la-ti 6:9 cho chúng ta sự khích lệ nào?

3 Ngày nay, dân Đức Giê-hô-va nên biết hoạn nạn cũng có thể xảy đến cho họ. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Khải-huyền 12:17 cảnh báo rằng Sa-tan đang “tranh-chiến” với những người được xức dầu còn sót lại. Vì kết hợp chặt chẽ với lớp người được xức dầu, các “chiên khác” cũng phải hứng chịu cơn cuồng nộ của Sa-tan. (Giăng 10:16) Ngoài việc bị chống đối trong thánh chức rao giảng, họ còn gặp nhiều áp lực đầy thử thách trong đời sống riêng tư. Phao-lô khuyến giục chúng ta: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng”. (Ga-la-ti 6:9, TTGM) Thật vậy, mặc dù Sa-tan luôn tìm cách phá đổ đức tin chúng ta, nhưng chúng ta phải đứng vững trong đức tin mà chống cự hắn. (1 Phi-e-rơ 5:8, 9) Nếu trung thành, chúng ta sẽ đạt được kết quả gì? Gia-cơ 1:2, 3 giải thích: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục”.

Tấn công trực diện

4. Sa-tan đã dùng những cuộc tấn công trực diện nào hòng phá đổ lòng trung kiên của dân Đức Chúa Trời?

4 Cuộc đời của Áp-ra-ham hẳn là sự minh họa về những “thử-thách trăm bề” mà tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể gặp phải. Chẳng hạn, ông đã phải đối phó với cuộc tấn công của những kẻ xâm lược đến từ Si-nê-a. (Sáng-thế Ký 14:11-16) Không lạ gì khi Sa-tan tiếp tục dùng những cuộc tấn công trực diện để bắt bớ. Sau Thế Chiến II, nhiều chính phủ đã áp đặt lệnh cấm trên hoạt động giáo dục đạo Đấng Christ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Sách 2001 Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên giám 2001 của Nhân Chứng Giê-hô-va) thuật lại tín đồ Đấng Christ ở Angola đã phải chịu đựng sự hành hung của kẻ thù. Nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, anh em ở các xứ đó đã cương quyết không đầu hàng! Họ đã đối phó, không phải bằng bạo lực hay nổi loạn, mà bằng sự khéo léo và bền chí tiếp tục công việc rao giảng.—Ma-thi-ơ 24:14.

5. Ở trường học, các tín đồ trẻ của Đấng Christ có thể bị bắt bớ thế nào?

5 Tuy nhiên, sự bắt bớ không phải lúc nào cũng thể hiện bằng bạo lực. Sau này, Áp-ra-ham được ban phước có hai người con trai, là Ích-ma-ên và Y-sác. Sáng-thế Ký 21:8-12 kể lại vào một dịp nọ Ích-ma-ên đã “cười-cợt” Y-sác. Trong lá thư gửi tín hữu thành Ga-la-ti, Phao-lô cho thấy đó không phải là trò đùa ngây ngô của trẻ con, vì ông mô tả rằng Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác! (Ga-la-ti 4:29) Vì thế, sự chế giễu của bạn học và lời lẽ công kích của những người chống đối cũng có thể xem như một sự bắt bớ. Một tín đồ trẻ tên Ryan nhớ lại sự chọc phá của bạn cùng lớp mà em đã phải chịu: “Hai cuốc xe buýt đến trường và về nhà mỗi ngày chỉ mất 15 phút, nhưng tưởng như hàng giờ đối với tôi vì phải nghe những lời lăng nhục. Chúng còn dùng bật lửa hơ nóng đồ kẹp giấy để làm tôi bị phỏng”. Nguyên do của lối cư xử thô bạo này là gì? “Sự giáo dục trong tổ chức của Đức Chúa Trời khiến tôi khác với những đứa trẻ ở trường”. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Ryan đã trung thành nhịn nhục. Hỡi các bạn trẻ, sự chế giễu của bạn bè có làm bạn sờn lòng không? Đừng nản chí! Nếu trung thành nhịn nhục, bạn sẽ được thấy sự ứng nghiệm những lời sau đây của Chúa Giê-su: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước”.—Ma-thi-ơ 5:11.

Sự lo lắng hàng ngày

6. Những điều gì có thể khiến quan hệ giữa các anh em tín đồ Đấng Christ trở nên căng thẳng?

6 Ngày nay, phần lớn những thử thách chúng ta gặp phát xuất từ những lo lắng thường ngày. Áp-ra-ham cũng đã phải đối phó với tình hình căng thẳng giữa những người chăn gia súc của ông và của cháu ông là Lót. (Sáng-thế Ký 13:5-7) Tương tự như thế, ngày nay sự xung khắc tính cách và những ghen tị nhỏ nhen có thể khiến quan hệ giữa người này với người kia trở nên căng thẳng, thậm chí đe dọa hòa khí trong hội thánh. “Ở đâu có những điều ghen-tương tranh-cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn-lạo và đủ mọi thứ ác”. (Gia-cơ 3:16) Vì vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta đừng nản chí, nhưng phải đặt sự hòa thuận lên trên tự ái cá nhân như Áp-ra-ham đã làm, và tìm lợi cho người khác!—1 Cô-rinh-tô 13:5; Gia-cơ 3:17.

7. (a) Một người nên làm gì nếu bị anh em làm tổn thương? (b) Áp-ra-ham đã nêu gương mẫu nào trong việc giữ quan hệ tốt với người khác?

7 Cố giữ thái độ ôn hòa khi cảm thấy bị anh em đồng đức tin đối xử không đúng là cả một thách đố. Châm-ngôn 12:18 nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. Lời vô độ, dù không có ác ý, vẫn có thể gây tổn thương sâu sắc. Sự tổn thương càng nghiêm trọng hơn khi một người cảm thấy bị vu khống hoặc là nạn nhân của những tin đồn ác độc. (Thi-thiên 6:6, 7) Nhưng tín đồ Đấng Christ không nên để những tổn thương về tình cảm làm nản chí! Nếu rơi vào hoàn cảnh đó, hãy chủ động làm sáng tỏ sự việc bằng cách tử tế nói chuyện với người phạm lỗi. (Ma-thi-ơ 5:23, 24; Ê-phê-sô 4:26) Hãy sẵn lòng tha thứ. (Cô-lô-se 3:13) Bằng cách bỏ qua mọi việc, không chấp nhất, chúng ta vừa có thể thanh thản trong lòng, vừa hàn gắn được tình anh em. Áp-ra-ham đã không để bụng oán giận Lót. Ông đã hối hả đi cứu Lót và gia đình!—Sáng-thế Ký 14:12-16.

Thử thách do chính chúng ta gây ra

8. (a) Bằng cách nào tín đồ Đấng Christ có thể tự “chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”? (b) Vì sao Áp-ra-ham có được quan điểm thăng bằng về vật chất?

8 Thành thật mà nói, một số thử thách là do chính chúng ta gây ra. Chẳng hạn, Chúa Giê-su dạy các môn đồ: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. (Ma-thi-ơ 6:19) Tuy thế, một số anh em vẫn tự “chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” do đặt quyền lợi vật chất lên trên quyền lợi Nước Trời. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Áp-ra-ham đã sẵn sàng hy sinh những tiện nghi vật chất để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. “Bởi đức-tin, người kiều-ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại-quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế-tự một lời hứa với người. Vì người chờ-đợi một thành có nền vững-chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây-cất và sáng-lập”. (Hê-bơ-rơ 11:9, 10) Vì tin nơi “thành” tương lai, hay chính phủ của Đức Chúa Trời, nên Áp-ra-ham không nương cậy nơi sự giàu có. Chẳng phải chúng ta cũng nên khôn ngoan làm thế hay sao?

9, 10. (a) Khi khao khát được đề cao, một người có thể tự đặt mình vào thử thách như thế nào? (b) Làm thế nào một tín đồ ngày nay có thể xử sự như ‘kẻ hèn-mọn hơn hết’?

9 Hãy xem xét một khía cạnh khác. Kinh Thánh cho lời khuyên mạnh mẽ này: “Nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi, ấy là mình dối lấy mình”. (Ga-la-ti 6:3) Ngoài ra, chúng ta được khuyên giục “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường”. (Phi-líp 2:3) Một số người đã tự đặt mình vào thử thách vì không áp dụng lời khuyên này. Họ thích được đề cao hơn là mong muốn làm “một việc tốt-lành”. Vì vậy, khi không nhận được những đặc ân trong hội thánh, họ trở nên nản chí và bất bình.—1 Ti-mô-thê 3:1.

10 Áp-ra-ham đã nêu gương tốt trong việc ‘tránh có tư-tưởng cao quá lẽ’ về bản thân. (Rô-ma 12:3) Khi gặp Mên-chi-xê-đéc, ông không tỏ ra tự tôn vì được Đức Chúa Trời yêu mến. Trái lại, ông nhìn nhận địa vị cao trọng hơn của thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc qua việc đóng thuế một phần mười. (Hê-bơ-rơ 7:4-7) Tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng nên sẵn lòng xử sự như ‘kẻ hèn-mọn hơn hết’ và tránh muốn được người khác chú ý. (Lu-ca 9:48) Nếu những người dẫn đầu trong hội thánh dường như chưa muốn giao một đặc ân nào đó cho bạn, hãy thành thật tự kiểm điểm xem có những khía cạnh nào trong cá tính hay cách ứng xử cần phải trau dồi không. Thay vì hậm hực vì không nhận được những đặc ân nào đó, hãy tận dụng đặc ân mà bạn hiện —đặc ân giúp người khác được biết về Đức Giê-hô-va. Thật vậy, “hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên”.—1 Phi-e-rơ 5:6.

Đức tin nơi những điều chưa thấy

11, 12. (a) Có thể lý do nào đã khiến một số người trong hội thánh mất tinh thần khẩn trương? (b) Áp-ra-ham đã nêu gương mẫu nào trong việc tập trung đời sống vào lời hứa của Đức Chúa Trời?

11 Một thử thách khác là sự kết liễu hệ thống mọi sự gian ác này dường như chậm đến. Theo 2 Phi-e-rơ 3:12, tín đồ Đấng Christ phải ‘chờ-đợi trông-mong ngày Đức Chúa Trời’. Tuy nhiên, nhiều người đã chờ đợi “ngày” này nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Một số người do đó có thể trở nên nản chí và mất tinh thần khẩn trương.

12 Một lần nữa hãy xem gương mẫu của Áp-ra-ham. Ông đã tập trung đời sống vào lời hứa của Đức Chúa Trời dù không có cơ may được chứng kiến sự ứng nghiệm của mọi lời hứa đó. Quả là ông đã được sống đủ thọ để nhìn thấy con trai Y-sác lớn lên, nhưng phải nhiều thế kỷ sau dòng dõi ông mới có thể sánh với “sao trên trời” hay “cát bờ biển”. (Sáng-thế Ký 22:17) Dù vậy, Áp-ra-ham không hề cay đắng hay thoái chí. Vì thế, sứ đồ Phao-lô đã nói về Áp-ra-ham và các tộc trưởng khác như sau: “Tất cả những người ấy đã sống bởi đức tin cho đến ngày qua đời, dù chưa nhận được điều Chúa hứa. Nhưng họ đã thấy trước và chào đón những điều ấy từ xa, tự xưng là kiều dân và lữ khách trên mặt đất”.—Hê-bơ-rơ 11:13, BDÝ.

13. (a) Tín đồ Đấng Christ ngày nay giống “lữ khách” như thế nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va sẽ kết liễu hệ thống mọi sự này?

13 Nếu Áp-ra-ham có thể tập trung đời sống vào những lời hứa còn “xa” mới ứng nghiệm, ngày nay chúng ta càng phải làm nhiều hơn nữa vì sự ứng nghiệm những điều đó đã quá gần! Như Áp-ra-ham, chúng ta phải xem mình là “lữ khách” trong hệ thống của Sa-tan, cương quyết không rơi vào một lối sống buông thả. Đương nhiên chúng ta muốn “sự cuối-cùng của muôn vật” đến ngay, thay vì gần đến vì có thể chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc bị áp lực kinh tế đè nặng. (1 Phi-e-rơ 4:7) Tuy nhiên, cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va kết liễu hệ thống mọi sự này, không chỉ để giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ, mà còn để làm thánh danh Ngài. (Ê-xê-chi-ên 36:23; Ma-thi-ơ 6:9, 10) Sự cuối cùng sẽ đến, nhưng không nhất thiết vào lúc thuận lợi cho chúng ta, mà là vào lúc thích hợp nhất cho ý định của Đức Giê-hô-va.

14. Sự nhịn nhục của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích nào cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?

14 Cũng hãy nhớ rằng “[Đức Giê-hô-va] không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Hãy lưu ý là Đức Chúa Trời “lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em”, tức các thành viên của hội thánh Đấng Christ. Một số người trong chúng ta cần có thêm thời gian để sửa đổi và điều chỉnh, hầu cuối cùng ‘Chúa thấy chúng ta ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được’. (2 Phi-e-rơ 3:14) Chúng ta không biết ơn vì sự nhịn nhục đó của Ngài sao?

Vẫn vui mừng dù gặp trở ngại

15. Làm thế nào Chúa Giê-su giữ được niềm vui khi đương đầu với thử thách, và tín đồ Đấng Christ ngày nay được lợi ích gì khi noi theo gương mẫu của ngài?

15 Cuộc đời của Áp-ra-ham để lại cho tín đồ Đấng Christ ngày nay nhiều bài học. Ông không chỉ bày tỏ đức tin mà cả sự nhịn nhục, khôn ngoan, can đảm và tình yêu thương bất vị kỷ. Ông luôn đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. Tuy nhiên, cần nhớ rằng tấm gương xuất sắc nhất để chúng ta noi theo là gương của Chúa Giê-su Christ. Ngài cũng phải đương đầu với vô số thử thách, nhưng không hề mất đi niềm vui qua những thử thách đó. Tại sao? Vì ngài luôn tập trung vào hy vọng phía trước. (Hê-bơ-rơ 12:2, 3) Vì thế, Phao-lô cầu nguyện: “Xin Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Rô-ma 15:5) Với thái độ đúng, chúng ta sẽ tìm thấy vui mừng bất kể những trở ngại Sa-tan dựng lên trên đường đi của chúng ta.

16. Chúng ta có thể làm gì khi khó khăn dường như quá lớn?

16 Khi khó khăn dường như quá lớn, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va cũng yêu bạn như yêu Áp-ra-ham. Ngài muốn bạn thành công. (Phi-líp 1:6) Hãy hoàn toàn nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và tin rằng: “Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Hãy tập thói quen đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày. (Thi-thiên 1:2) Hãy bền lòng cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va giúp bạn nhịn nhục. (Phi-líp 4:6) Ngài sẽ ‘ban Thánh-Linh cho người xin Ngài!’ (Lu-ca 11:13) Hãy tận dụng những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va để nuôi dưỡng bạn về thiêng liêng, chẳng hạn như các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Cũng hãy nhờ anh em giúp đỡ. (1 Phi-e-rơ 2:17) Hãy đều đặn tham dự các buổi nhóm họp vì tại đó bạn sẽ nhận được sự khích lệ cần thiết để có thể nhịn nhục. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Và hãy vui mừng tin rằng sự nhịn nhục sẽ giúp bạn có vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận và sự trung thành của bạn làm vui lòng Ngài!—Châm-ngôn 27:11; Rô-ma 5:3-5, NW.

17. Tại sao tín đồ Đấng Christ không nên nản chí?

17 Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời yêu mến như một người “bạn”. (Gia-cơ 2:23) Dù vậy, cuộc đời ông vẫn đầy thử thách và hoạn nạn. Vì thế, tín đồ Đấng Christ không thể hy vọng có đời sống dễ dàng hơn trong những “ngày sau-rốt” đầy gian ác này. Thật thế, Kinh Thánh cảnh báo: “Những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 13) Thay vì nản chí, hãy ý thức rằng những áp lực chúng ta gặp phải là bằng chứng cho thấy sự kết liễu hệ thống gian ác của Sa-tan đã gần kề. Nhưng Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Vì thế, ‘đừng nản chí làm điều thiện’! Hãy noi gương Áp-ra-ham và cố gắng đứng trong hàng ngũ những người “bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”.—Hê-bơ-rơ 6:12.

Bạn có lưu ý không?

• Tại sao dân Đức Giê-hô-va ngày nay nên biết thử thách và hoạn nạn cũng có thể xảy đến cho họ?

• Sa-tan có thể dùng những cách tấn công trực diện nào?

• Làm thế nào giải quyết những xích mích cá nhân giữa các tín đồ Đấng Christ?

• Vì tự ái và thích được đề cao, một người có thể tự đặt mình vào thử thách như thế nào?

• Áp-ra-ham nêu gương mẫu nào trong việc chờ đợi sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Nhiều tín đồ trẻ của Đấng Christ bị bắt bớ bởi sự chế giễu của những người đồng lứa

[Hình nơi trang 29]

Vào thời Áp-ra-ham, những lời hứa của Đức Chúa Trời còn “xa” mới ứng nghiệm, nhưng ông vẫn tập trung đời sống vào những lời hứa đó