Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy có đức tin như Áp-ra-ham!

Hãy có đức tin như Áp-ra-ham!

Hãy có đức tin như Áp-ra-ham!

“Những kẻ có đức-tin là con cháu thật của Áp-ra-ham”.—GA-LA-TI 3:7.

1. Áp-ram đối phó thế nào với thử thách mới ở Ca-na-an?

VÂNG theo lệnh Đức Giê-hô-va, Áp-ram đã từ bỏ đời sống tiện nghi ở U-rơ. Những khó khăn mà ông trải qua trong những năm sau đó chỉ là bước chuẩn bị để đương đầu với thử thách đức tin ở Ai Cập. Kinh Thánh tường thuật: “Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói-kém”. Hoàn cảnh đó thật dễ khiến Áp-ram trở nên cay đắng! Nhưng thay vì thế, ông đã có những hành động thiết thực để chăm lo cho gia đình mình. “Sự đói-kém ấy lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều-ngụ”. Gia đình đông đúc của Áp-ram chắc chắn khó tránh khỏi sự chú ý của dân Ai Cập. Liệu Đức Giê-hô-va có thành tín giữ lời hứa và bảo vệ Áp-ram khỏi nguy hiểm không?—Sáng-thế Ký 12:10; Xuất Ê-díp-tô Ký 16:2, 3.

2, 3. (a) Tại sao Áp-ram phải giấu danh phận của vợ mình? (b) Để đối phó với tình thế, Áp-ram cư xử với vợ ra sao?

2 Sáng-thế Ký 12:11-13 tường thuật lại: “Khi hầu vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn-bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng-đãi và giữ toàn mạng ta”. Dù đã hơn 65 tuổi, Sa-rai lúc đó vẫn đẹp lạ lùng. Nhan sắc của bà khiến mạng sống của Áp-ram bị đe dọa. * (Sáng-thế Ký 12:4, 5; 17:17) Nghiêm trọng hơn, ý định của Đức Giê-hô-va có thể bị ảnh hưởng vì Ngài đã nói các dân trên đất sẽ nhờ dòng dõi Áp-ram mà được phước. (Sáng-thế Ký 12:2, 3, 7) Đến lúc đó Áp-ram vẫn chưa có con, nên sự sống còn của ông là điều tối quan trọng.

3 Áp-ram bàn với vợ dùng một kế họ đã thỏa thuận trước, đó là bà phải xưng mình là em gái ông. Hãy lưu ý rằng mặc dù có quyền tộc trưởng, Áp-ram đã không lạm dụng địa vị của mình, nhưng kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của Sa-rai. (Sáng-thế Ký 12:11-13; 20:13) Qua việc này, Áp-ram đã nêu gương cho những người chồng phải thực thi quyền làm đầu một cách yêu thương; còn Sa-rai là gương mẫu về sự vâng phục cho các người vợ ngày nay.—Ê-phê-sô 5:23-28; Cô-lô-se 4:6.

4. Các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời ngày nay nên cư xử thế nào khi đời sống của anh em bị đe dọa?

4 Sa-rai có thể nói bà là em gái Áp-ram vì bà thật là em cùng cha khác mẹ với ông. (Sáng-thế Ký 20:12) Hơn nữa, ông không buộc phải tiết lộ mọi thông tin cho những người không cần phải biết. (Ma-thi-ơ 7:6) Tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay cũng vâng theo mạng lệnh Kinh Thánh giữ trung thực. (Hê-bơ-rơ 13:18) Thí dụ, họ không bao giờ nói dối khi đã tuyên thệ trước tòa. Tuy nhiên, khi đời sống thể chất hay thiêng liêng của anh em bị đe dọa do sự bắt bớ hoặc nội chiến chẳng hạn, họ vâng theo lời khuyên của Chúa Giê-su, “khôn-khéo như rắn, đơn-sơ [“hiền lành”, BDÝ] như chim bồ-câu”.—Ma-thi-ơ 10:16; xem Tháp Canh ngày 1-11-96, trang 18, đoạn 19.

5. Tại sao Sa-rai sẵn lòng vâng theo yêu cầu của Áp-ram?

5 Sa-rai đáp lại thế nào trước yêu cầu của Áp-ram? Những phụ nữ như bà được sứ đồ Phi-e-rơ mô tả là “trông-cậy Đức Chúa Trời”. Như vậy, Sa-rai hẳn nhiên hiểu được sự việc có liên quan tới những vấn đề thiêng liêng. Ngoài ra, bà cũng yêu và kính trọng chồng mình. Vì thế, bà chọn “vâng-phục chồng” và giấu việc hôn nhân của mình. (1 Phi-e-rơ 3:5) Dĩ nhiên, điều đó đặt bà trong tình trạng nguy hiểm. “Áp-ram vừa đến xứ Ê-díp-tô, dân Ê-díp-tô nhìn thấy người đàn-bà đó đẹp lắm. Các triều-thần của Pha-ra-ôn cũng thấy người và trầm-trồ trước mặt vua; đoạn người đàn-bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn”.—Sáng-thế Ký 12:14, 15.

Sự giải cứu của Đức Giê-hô-va

6, 7. Áp-ram và Sa-rai rơi vào hoàn cảnh đau khổ nào, và Đức Giê-hô-va đã giải thoát Sa-rai bằng cách nào?

6 Áp-ram và Sa-rai hẳn phải đau khổ biết bao về điều này! Dường như Sa-rai sẽ bị làm nhục. Hơn nữa, vì không biết về tình trạng hôn nhân của Sa-rai, Pha-ra-ôn còn phóng tay tặng Áp-ram “nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc-đà, tôi trai và tớ gái”. * (Sáng-thế Ký 12:16) Áp-ram hẳn đã coi rẻ những tặng vật này biết bao! Mặc dù tình hình xem chừng khó cứu vãn, nhưng Đức Giê-hô-va không hề từ bỏ Áp-ram.

7 “Song vì Sa-rai, vợ Áp-ram, nên Đức Giê-hô-va hành-phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai-họa lớn”. (Sáng-thế Ký 12:17) Qua cách nào đó không được nói đến, Pha-ra-ôn được cho biết nguyên do của những “tai-họa” đó. Ông lập tức phản ứng: “Pha-ra-ôn bèn đòi Áp-ram hỏi rằng: Ngươi đã làm chi cho ta vậy? Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi? Sao đã nói rằng: người đó là em gái tôi? nên nỗi ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây; hãy nhận lấy và đi đi. Đoạn, Pha-ra-ôn hạ lịnh cho quan quân đưa vợ chồng Áp-ram cùng hết thảy tài-vật của người đi”.—Sáng-thế Ký 12:18-20; Thi-thiên 105:14, 15.

8. Đức Giê-hô-va hứa bảo vệ tín đồ Đấng Christ ngày nay về phương diện nào?

8 Ngày nay, Đức Giê-hô-va không bảo đảm sẽ che chở chúng ta khỏi sự chết, tội ác, nạn đói hay thiên tai. Nhưng Ngài hứa sẽ luôn bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy về thiêng liêng. (Thi-thiên 91:1-4) Ngài làm thế chủ yếu bằng cách ban cho những lời cảnh báo đúng lúc qua Lời Ngài và lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Nếu mạng sống chúng ta bị đe dọa vì sự bắt bớ thì sao? Mặc dù một số người có thể mất mạng, nhưng trên bình diện tập thể, Đức Chúa Trời không bao giờ để dân Ngài diệt vong. (Thi-thiên 116:15) Và nếu một số người trung thành phải chết, chúng ta có thể tin chắc rằng họ sẽ được sống lại.—Giăng 5:28, 29.

Hy sinh để giữ hòa khí

9. Điều gì cho thấy Áp-ram không hề định cư một chỗ ở Ca-na-an?

9 Sau khi nạn đói ở Ca-na-an đã qua, “Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài-vật mình và Lót, đồng trở lên Nam-phương [vùng đất nửa khô cằn nằm ở phía nam miền cao nguyên Giu-đa]. Vả, Áp-ram rất giàu-có súc-vật, vàng và bạc”. (Sáng-thế Ký 13:1, 2) Vì thế, ông được dân địa phương xem là người có nhiều quyền thế, một thủ lĩnh lớn. (Sáng-thế Ký 23:6) Tuy nhiên, Áp-ram không hề muốn định cư một chỗ và tham gia vào việc chính trị của dân Ca-na-an. Thay vì thế, “người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam-phương trở về Bê-tên, đến nơi người đã đóng trại ban đầu hết, ở về giữa khoảng Bê-tên và A-hi”. Như mọi khi, đến đâu Áp-ram cũng đặt việc thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu.—Sáng-thế Ký 13:3, 4.

10. Vấn đề nào đã nảy sinh giữa những người chăn gia súc của Áp-ram và của Lót, và tại sao vấn đề cần được giải quyết nhanh chóng?

10 “Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài-vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh-giành của bọn chăn-chiên Áp-ram cùng bọn chăn-chiên Lót”. (Sáng-thế Ký 13:5-7) Vùng đất đó không có đủ nước và đồng cỏ cho cả bầy gia súc của Áp-ram và của Lót, vì thế căng thẳng và tranh chấp đã xảy ra giữa những người chăn. Việc cãi vả đó không phù hợp với tư cách của người thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Nếu cứ tiếp tục như thế, tình cảm đôi bên sẽ bị rạn nứt đến mức khó hàn gắn lại. Áp-ram xử trí thế nào trước tình hình đó? Ông đã nhận nuôi Lót từ khi cha của Lót qua đời và có lẽ đã xem Lót như con ruột mình. Là người lớn hơn, chẳng phải Áp-ram có quyền chọn phần tốt nhất cho mình sao?

11, 12. Áp-ram đã rộng lượng đề nghị với Lót điều gì, và tại sao sự lựa chọn của Lót là thiếu khôn ngoan?

11 Thế nhưng “Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt-nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi-lẫy nhau và bọn chăn-chiên ta cùng bọn chăn-chiên ngươi cũng đừng tranh-giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả”. Gần Bê-tên có một chỗ từng được gọi là “một trong những điểm ngắm cảnh lý tưởng của xứ Pha-lê-tin”. Có lẽ từ đó “Lót... ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng-bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá-hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy”.—Sáng-thế Ký 13:8-10.

12 Mặc dù Kinh Thánh mô tả Lót là người “công-bình”, nhưng trong vấn đề này, vì lý do nào đó ông đã không nhường và dường như cũng không hỏi ý của Áp-ram, là người cao tuổi hơn. (2 Phi-e-rơ 2:7) “Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng-bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia-rẽ nhau. Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng-bằng và dời trại mình đến Sô-đôm”. (Sáng-thế Ký 13:11, 12) Thành Sô-đôm rất phồn thịnh và có nhiều thuận lợi về vật chất. (Ê-xê-chi-ên 16:49, 50) Sự lựa chọn của Lót có vẻ khôn ngoan về phương diện vật chất, nhưng lại không tốt về mặt thiêng liêng. Tại sao? Vì Sáng-thế Ký 13:13 nói: “Dân Sô-đôm là độc-ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va”. Quyết định dọn đến sống ở đó của Lót cuối cùng đã khiến gia đình ông gặp nhiều đau khổ.

13. Gương mẫu của Áp-ram giúp ích thế nào cho những tín đồ Đấng Christ có tranh chấp về tài chánh?

13 Còn Áp-ram đã bày tỏ đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va rằng cuối cùng dòng dõi ông sẽ được làm chủ toàn xứ, nên ông không đôi co vì một phần đất nhỏ. Ông đã cư xử rộng lượng phù hợp với nguyên tắc sau này được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 10:24: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. Đây là một sự nhắc nhở cho những ai có tranh chấp về tài chánh với anh em đồng đức tin. Thay vì làm theo lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 18:15-17, một số người đã kiện anh em mình ra tòa. (1 Cô-rinh-tô 6:1, 7) Gương mẫu của Áp-ram cho thấy thà chịu mất mát về tài chánh còn hơn làm ô danh Đức Giê-hô-va và gây mất hòa khí trong hội thánh Đấng Christ.—Gia-cơ 3:18.

14. Nhờ lòng rộng lượng, Áp-ram sẽ được ban thưởng ra sao?

14 Áp-ram sẽ được ban thưởng vì lòng rộng lượng của ông. Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta sẽ làm cho dòng-dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất, thì cũng sẽ đếm đặng dòng-dõi ngươi vậy”. Đối với một người chưa có con như Áp-ram, sự tiết lộ này thật vô cùng khích lệ! Sau đó, Đức Chúa Trời bảo ông: “Hãy đứng dậy đi khắp trong xứ, bề dài và bề ngang; vì ta sẽ ban cho ngươi xứ nầy”. (Sáng-thế Ký 13:16, 17) Không, Áp-ram không được phép sống cố định ở một thành với đầy đủ tiện nghi. Ông phải tiếp tục tách biệt khỏi dân Ca-na-an. Cũng vậy, ngày nay tín đồ Đấng Christ phải luôn giữ mình tách khỏi thế gian. Họ không tự xem mình cao hơn người khác, nhưng tránh kết thân với bất cứ ai có thể lôi cuốn họ vào những hoạt động trái với Kinh Thánh.—1 Phi-e-rơ 4:3, 4.

15. (a) Việc di chuyển của Áp-ram có thể mang ý nghĩa gì? (b) Áp-ram nêu gương mẫu nào cho các gia đình tín đồ Đấng Christ ngày nay?

15 Vào thời Kinh Thánh được viết ra, trước khi sở hữu một vùng đất người ta được phép kiểm định trước. Vì thế, việc di chuyển khắp xứ có lẽ là một sự nhắc nhở không ngừng đối với Áp-ram rằng một ngày kia xứ này sẽ thuộc về dòng dõi ông. Vâng lời, “[“Áp-ram tiếp tục sống trong lều”, NW]. Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ-bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va”. (Sáng-thế Ký 13:18) Một lần nữa, Áp-ram cho thấy ông đặt sự thờ phượng lên hàng đầu. Việc học Kinh Thánh và cầu nguyện chung với gia đình, và dự nhóm họp có được đặt vào hàng ưu tiên trong gia đình bạn không?

Kẻ thù tấn công

16. (a) Tại sao những từ mở đầu của Sáng-thế Ký 14:1 có ngữ khí báo điềm xấu? (b) Tại sao bốn vua phương đông mở cuộc xâm lăng?

16 “Trong đời Am-ra-phên, vua Si-nê-a; A-ri-óc, vua Ê-la-sa; Kết-rô-Lao-me, vua Ê-lam *, và Ti-đanh, vua Gô-im, bốn vua hiệp lại tranh-chiến”. Trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy, những từ mở đầu của đoạn này (“Trong đời...”) có ngữ khí báo điềm xấu, cho biết trước “một giai đoạn đầy thử thách nhưng kết thúc trong ân phước”. (Sáng-thế Ký 14:1, 2, cước chú NW) Thử thách bắt đầu khi bốn vua phương đông này đem quân xâm chiếm Ca-na-an. Với mục đích gì? Nhằm đè bẹp cuộc nổi loạn của năm thành Sô-đôm, Gô-mô-rơ, Át-ma, Xê-bô-im và Bê-la. Để quét sạch mọi kháng cự, họ “hiệp lại tại trũng Si-điêm, bây giờ là biển muối”. Lót cùng gia đình sống gần đó.—Sáng-thế Ký 14:3-7.

17. Tại sao việc Lót bị bắt là một thử thách đức tin đối với Áp-ram?

17 Các vua Ca-na-an kịch liệt chống trả quân xâm lăng nhưng bị thảm bại. “Bên thắng-trận bèn cướp lấy hết của-cải và lương-thực của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, rồi đi. Giặc cũng bắt Lót, là cháu của Áp-ram, ở tại Sô-đôm, và hết thảy gia-tài người, rồi đem đi”. Tin về những biến cố thảm khốc này đến tai Áp-ram: “Có một người thoát được chạy đến báo điều đó cùng Áp-ram, là người Hê-bơ-rơ. Áp-ram ở tại lùm cây dẻ-bộp của Mam-rê, là người A-mô-rít, anh của Ếch-côn và A-ne; ba người nầy đã có kết-ước cùng Áp-ram... Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt”. (Sáng-thế Ký 14:8-14) Quả là một thử thách đức tin! Liệu Áp-ram có nuôi lòng thù ghét cháu mình vì đã giành lấy vùng đất tốt nhất không? Cũng hãy nhớ rằng những kẻ xâm lăng này đến từ quê hương ông, xứ Si-nê-a. Chống lại họ đồng nghĩa với việc cắt đứt đường trở về quê hương. Ngoài ra, làm sao Áp-ram có thể chống chọi với một đạo quân mà ngay cả lực lượng liên minh của Ca-na-an cũng không thể đánh bại?

18, 19. (a) Làm thế nào Áp-ram giải cứu được Lót? (b) Ai đáng được tôn vinh vì chiến thắng đó?

18 Một lần nữa, Áp-ram hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Ông “chiêu-tập ba trăm mười tám gia-nhân đã tập-luyện, sanh-đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó đến đất Đan. Đoạn Áp-ram chia bọn đầy-tớ mình ra, thừa ban đêm xông hãm quân nghịch, đánh đuổi theo đến đất Hô-ba ở về phía tả Đa-mách. Người thâu về đủ hết các tài-vật mà quân giặc đã cướp lấy; lại cũng dẫn cháu mình, là Lót cùng gia-tài người, đàn-bà và dân-chúng trở về”. (Sáng-thế Ký 14:14-16) Với đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va, Áp-ram đã đưa đội quân ít ỏi của mình đến chiến thắng, giải cứu Lót và gia đình ông. Bấy giờ, Áp-ram gặp Mên-chi-xê-đéc, vua và thầy tế lễ của Sa-lem. “Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời Chí-Cao, chúc phước cho Áp-ram và nói rằng: Nguyện Đức Chúa Trời Chí-Cao, là Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram! Đáng ngợi-khen thay Đức Chúa Trời Chí-Cao đã phó kẻ thù-nghịch vào tay ngươi! Đoạn, Áp-ram lấy một phần mười về cả của giặc mà dâng cho vua đó”.—Sáng-thế Ký 14:18-20.

19 Thật vậy, chiến thắng đó thuộc về Đức Giê-hô-va. Nhờ có đức tin, một lần nữa Áp-ram đã nghiệm được sự giải cứu của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, tuy không tham gia vào các cuộc chiến tranh theo nghĩa đen, nhưng dân Đức Chúa Trời phải đương đầu với rất nhiều thử thách. Bài kế tiếp sẽ cho thấy gương mẫu của Áp-ram có thể giúp chúng ta như thế nào để thành công vượt qua thử thách.

[Chú thích]

^ đ. 2 Theo sách Insight on the Scriptures (do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản), “một cuộn sách cổ bằng giấy cói có ghi lại chuyện một Pha-ra-ôn đã ra lệnh cho quân lính bắt giữ một phụ nữ đẹp và giết chồng bà đi”. Thế nên, nỗi lo sợ của Áp-ram không phải là thái quá.

^ đ. 6 A-ga, người vợ lẽ của Áp-ram sau này, có lẽ là một trong những người hầu mà ông được tặng lúc đó.—Sáng-thế Ký 16:1.

^ đ. 16 Các nhà phê bình từng cho rằng Ê-lam chưa bao giờ có ảnh hưởng đến thế tại Si-nê-a, và câu chuyện về cuộc tấn công của Kết-rô-Lao-me là bịa đặt. Để biết những bằng chứng khảo cổ ủng hộ lời tường thuật của Kinh Thánh, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-7-89, trang 4-7.

Bạn có lưu ý không?

• Vì sao nạn đói ở Ca-na-an là một thử thách đức tin đối với Áp-ram?

• Áp-ram và Sa-rai nêu gương mẫu nào cho những người chồng và người vợ ngày nay?

• Chúng ta rút được bài học nào qua cách Áp-ram giải quyết cuộc tranh chấp giữa các tôi tớ của ông và của Lót?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

Áp-ram không khăng khăng giành quyền lợi cho mình mà đặt quyền lợi của Lót lên trên

[Hình nơi trang 24]

Áp-ram bày tỏ sự nương cậy nơi Đức Giê-hô-va khi giải cứu cháu ông là Lót