Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thành đạt vào tuổi thanh xuân

Thành đạt vào tuổi thanh xuân

Thành đạt vào tuổi thanh xuân

NGƯỜI TA yêu cầu cư dân của một nước ở Âu Châu chọn lựa một trong ba điều sau đây: sắc đẹp, sự giàu có và tuổi trẻ. Đa số chọn tuổi trẻ trước nhất. Đúng vậy, những người thuộc mọi lứa tuổi xem tuổi thanh thiếu niên và tuổi thành niên là một thời kỳ đặc biệt trong đời. Mọi người đều muốn những người trẻ thành công trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi niên thiếu sang tuổi thành nhân. Nhưng làm thế nào?

Kinh Thánh có giúp ích được gì không? Câu trả lời nhất định là có. Chúng ta hãy xem xét hai lĩnh vực trong đó Lời Đức Chúa Trời có thể đặc biệt giúp ích cho giới trẻ, có lẽ giúp ích nhiều cho nhóm người trẻ hơn là cho bất cứ lứa tuổi nào khác.

Hòa hợp với người khác

Jugend 2000 là một bản phúc trình cuộc thăm dò rộng rãi về thái độ, tiêu chuẩn đạo đức và cách xử thế của hơn 5.000 người trẻ sống ở Đức. Cuộc thăm dò tiết lộ rằng khi giới trẻ giải trí vào những lúc rảnh rỗi—chẳng hạn nghe nhạc, chơi thể thao, hoặc tụ tập chơi—hầu như họ luôn luôn tiếp cận với người khác. Có lẽ hơn bất cứ lứa tuổi nào khác, người trẻ muốn được gần gũi với nhau. Chắc chắn điều này dẫn đến kết luận hợp lý: một trong những bí quyết để thành đạt trong tuổi thanh xuân là hòa hợp với người khác.

Nhưng hòa hợp với người khác không phải luôn luôn là chuyện dễ làm. Thật thế, các thanh niên, thiếu nữ thú thật rằng họ thường gặp khó khăn trong sự giao tiếp với người khác. Kinh Thánh có thể thật sự giúp ích trong lĩnh vực này. Lời Đức Chúa Trời chứa đựng sự hướng dẫn cơ bản giúp người trẻ xây đắp những mối quan hệ thăng bằng. Kinh Thánh nói gì?

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của sự giao tiếp giữa người với người là cái được gọi là Luật Vàng: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. Khi đối xử với người khác một cách tôn trọng, đúng đắn và tử tế, bạn khuyến khích họ đối xử lại với bạn y như vậy. Cách cư xử nhân từ có thể xua tan một bầu không khí xung đột và căng thẳng. Rất có thể bạn sẽ được người ta chú ý và chấp nhận mình nếu bạn có tiếng là người ân cần đối xử với người khác. Chẳng lẽ khi được người khác chấp nhận, bạn không cảm thấy khoan khoái hay sao?—Ma-thi-ơ 7:12.

Kinh Thánh khuyên bạn hãy “yêu kẻ lân-cận như mình”. Bạn cần phải yêu chính mình theo nghĩa bạn phải quan tâm đến bản thân và biết tự trọng có chừng mực, không quá nhiều cũng không quá ít. Tại sao điều này có ích? Nếu bạn không cảm thấy hài lòng về chính mình, bạn có thể đòi hỏi quá nhiều nơi người khác, điều đó gây trở ngại cho mối quan hệ tốt. Nhưng sự tự trọng thăng bằng là nền tảng để xây đắp tình bạn bền vững.—Ma-thi-ơ 22:39.

Một khi tình bạn nẩy nở, nó cần được hai bên cố gắng củng cố. Đầu tư thời gian vào tình bạn sẽ khiến bạn cảm thấy khoan khoái vì “ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh”. Một hình thức để ban cho là tha thứ, tức bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt và không trông đợi người khác phải hoàn toàn. Kinh Thánh nói: “Hãy cho mọi người đều biết tính phải lẽ của anh em”. Thật thế, “nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. Nói gì nếu một người bạn nêu ra một khuyết điểm của bạn? Bạn phản ứng ra sao? Hãy xem xét lời khuyên thực tế này của Kinh Thánh: “Chớ vội giận”, bởi vì “bạn-hữu làm cho thương-tích, ấy bởi lòng thành-tín”. Chẳng phải là bạn bè gây ảnh hưởng đến sự suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta hay sao? Bởi vậy, Kinh Thánh cảnh báo: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. Mặt khác, “ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”.—Công-vụ 20:35; Phi-líp 4:5, NW; Rô-ma 12:17, 18; Truyền-đạo 7:9; Châm-ngôn 13:20; 27:6; 1 Cô-rinh-tô 15:33.

Marco đại diện cho những thanh niên và thiếu nữ khác khi anh nói: “Các nguyên tắc Kinh Thánh giúp tôi rất nhiều trong việc hòa hợp với người khác. Tôi biết một số người chỉ sống cho riêng mình và làm sao đạt được tối đa những gì họ muốn trong đời sống. Kinh Thánh dạy chúng ta nghĩ đến người khác nhiều hơn chính mình. Theo tôi được biết, đó là phương pháp tốt nhất trong sự giao tiếp giữa người với người”.

Điều mà những người trẻ giống như Marco có thể học được qua Kinh Thánh không những giúp họ trong tuổi trẻ mà lại còn trong tương lai nữa. Nói về tương lai, chúng ta thấy Kinh Thánh có thể giúp ích một cách khác và đặc biệt cho thế hệ trẻ.

Lo lắng cho tương lai

Nhiều người trẻ có óc tìm tòi. Họ muốn biết chuyện gì xảy ra và lý do tại sao, có lẽ hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác. Và nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào khác, Kinh Thánh giải thích lý do tại sao tình trạng thế giới lại như hiện nay và những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là điều thế hệ trẻ muốn biết. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn như thế?

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng giới trẻ chỉ sống cho hiện tại, một số cuộc thăm dò tiết lộ một thực trạng hơi khác một chút, đó là những người trẻ thường cẩn thận để ý đến những gì xảy ra chung quanh họ và rồi đi đến kết luận riêng về viễn cảnh tương lai. Bằng chứng của điều này là ba phần tư thanh niên và thiếu nữ “thường” hoặc “rất thường” nghĩ về tương lai. Dù nói chung giới trẻ thường là lạc quan, nhưng phần đông trong số họ hơi lo khi nghĩ đến tương lai.

Tại sao lo lắng như thế? Nhiều người trong thế hệ người lớn tương lai đã gặp phải những vấn đề như tội ác, bạo động và lạm dụng ma túy. Giới trẻ lo lắng về vấn đề tìm kiếm việc làm ổn định trong một xã hội cạnh tranh gay gắt. Họ cảm thấy có áp lực phải được hạng cao ở trường học hoặc đạt năng suất cao ở sở làm. Một cô gái 17 tuổi than phiền: “Chúng ta sống trong một xã hội xâu xé lẫn nhau. Mỗi người tìm cách thăng tiến theo ý riêng mình. Bạn luôn luôn phải chứng tỏ bạn có khả năng làm gì, và điều đó khiến tôi chán ngán”. Một thanh niên 22 tuổi nói: “Những người thành đạt trong đời có thể sống thoải mái. Những người kém may mắn hơn, vì lý do này hay lý do khác không thể theo kịp đà thăng tiến, thì bị bỏ rơi”. Tại sao đời sống lại đầy cạnh tranh như thế? Đời sống sẽ mãi mãi như thế không?

Lời giải thích thực tế

Khi nhìn vào xã hội với vẻ bất an hoặc lo sợ, những người trẻ đồng ý với Kinh Thánh, dù vô tình hay cố ý. Lời Đức Chúa Trời cho thấy rằng “xã hội xâu xé lẫn nhau” ngày nay là một điềm của thời đại. Trong một lá thư gửi cho một thanh niên tên là Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô viết về thời kỳ của chúng ta: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn”. Tại sao lại khó khăn? Vì như Phao-lô viết tiếp, người ta “tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược... bội-bạc, không tin-kính... dữ-tợn”. Chẳng lẽ đây không phải là một lời miêu tả chân thật về cách nhiều người cư xử ngày nay hay sao?—2 Ti-mô-thê 3:1-3.

Kinh Thánh nói rằng những thời kỳ khó khăn này sẽ xảy ra trong “ngày sau-rốt”, trước khi toàn bộ xã hội loài người trải qua những thay đổi lớn. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến mọi người, già cũng như trẻ. Thay đổi như thế nào? Chẳng bao lâu nữa một chính phủ từ trên trời sẽ nắm quyền cai trị nhân loại, và công dân nước ấy sẽ vui hưởng “bình yên dư-dật” ở khắp mọi nơi. “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Thời ấy sẽ không còn ai lo lắng và bất an nữa.—Thi-thiên 37:11, 29.

Chỉ có Kinh Thánh mới cho chúng ta sự hiểu biết đáng tin cậy về tương lai. Khi một người trẻ biết trong vài năm nữa chuyện gì xảy ra, người đó có thể chuẩn bị để đối phó với tương lai, đồng thời cảm thấy an tâm và có nhiều khả năng hơn để kiểm soát đời sống mình. Cảm giác này sẽ làm giảm bớt sự căng thẳng và lo lắng. Bằng cách này Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu đặc biệt của thế hệ trẻ: hiểu biết xã hội và biết trước tương lai sẽ ra sao.

Sự thành đạt trong tuổi trẻ

Tiêu chuẩn để đánh giá sự thành đạt của giới trẻ là gì? Phải chăng đó là một nền học vấn cao, tài sản vật chất và đông bạn bè? Nhiều người có thể nghĩ vậy. Tuổi niên thiếu và tuổi thanh niên nên tạo cho một người nền tảng tốt cho mai sau. Nói cách khác, sự thành đạt trong tuổi trẻ có thể là dấu hiệu của những gì sẽ đến mai sau.

Như chúng ta thấy được, Kinh Thánh có thể giúp một người trẻ thành đạt trong tuổi thanh xuân. Nhiều người trẻ đã tự nghiệm thấy điều này đúng trong đời họ. Mỗi ngày họ đọc Lời Đức Chúa Trời và áp dụng những gì họ học. (Xem khung “Lời khuyên của một tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va” nơi trang 6). Thật thế, Kinh Thánh quả là một cuốn sách cho giới trẻ ngày nay vì sách này có thể giúp họ “được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Một trong những bí quyết để thành đạt vào tuổi thanh xuân là hòa hợp với người khác

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Có lẽ hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác, giới trẻ muốn biết chuyện gì xảy ra và lý do tại sao

[Khung nơi trang 6, 7]

Lời khuyên của một tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va

Alexander, 19 tuổi, lớn lên trong một gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh hiện vui thích và hết lòng theo tín ngưỡng của anh. Nhưng trước đây không phải luôn luôn được như thế. Alexander giải thích:

“Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng tôi kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn bảy năm với tư cách người công bố trẻ chưa báp têm. Trong thời gian ấy, tôi không nhiệt tình thờ phượng và chỉ làm chiếu lệ mà thôi. Tôi đoán là tôi không có can đảm để thành thật tự xét mình”.

Rồi Alexander thay đổi thái độ. Anh kể tiếp:

“Cha mẹ và bạn bè tôi trong hội thánh tiếp tục khuyến khích tôi đọc Kinh Thánh mỗi ngày, để biết Đức Giê-hô-va một cách thân thiết hơn. Cuối cùng, tôi quyết định làm thử. Bởi vậy tôi bớt xem truyền hình và tập thói quen đọc một phần Kinh Thánh vào mỗi buổi sáng. Cuối cùng, tôi bắt đầu hiểu Kinh Thánh nói gì. Tôi hiểu Kinh Thánh có thể giúp tôi như thế nào trên bình diện cá nhân. Điều quan trọng hơn hết là tôi hiểu rằng Đức Giê-hô-va muốn tôi biết đến Ngài. Một khi tôi khắc ghi điều này vào lòng, mối quan hệ cá nhân giữa tôi với Ngài bắt đầu thêm lên, và tình bạn với những người trong hội thánh cải thiện tốt hơn. Kinh Thánh đã thay đổi đời sống tôi nhiều biết bao! Tôi đề nghị mọi tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va nên đọc Kinh Thánh mỗi ngày”.

Trên khắp thế giới có hàng triệu người trẻ kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn có ở trong số đó không? Bạn có thích thu thập lợi ích qua việc thường xuyên đọc Kinh Thánh không? Sao lại không noi theo gương của Alexander? Hãy giảm bớt những hoạt động kém quan trọng hơn và tập thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Chắc chắn bạn sẽ hưởng được lợi ích.