Vụ thắng kiện ở Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang
Vụ thắng kiện ở Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang
NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA đã thắng kiện ở Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang tại Karlsruhe, nước Đức. Vì vậy họ đã tiến sang một bước quan trọng liên quan đến việc được chính thức công nhận.
Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức hoạt động trên 100 năm nay. Họ vẫn tồn tại dù bị bắt bớ qua hai chế độ độc tài của thế kỷ 20—chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Vô Thần. Từ năm 1990, các Nhân Chứng cố gắng xin được chính thức công nhận là hội đoàn công pháp. Sau hai phán quyết thuận và một phán quyết chống của tòa án, các Nhân Chứng đã kháng án lên Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang và tòa án này đã đưa ra phán quyết của họ vào ngày 19-12-2000.
Quyết định nhất trí cho Nhân Chứng Giê-hô-va
Tất cả bảy thẩm phán của tòa án đều quyết định cho Nhân Chứng Giê-hô-va được thắng kiện. Họ hủy bỏ phán quyết của Tòa Án Hành Chính Liên Bang đưa ra vào năm 1997, và chỉ thị cho tòa án đó xem xét lại đơn xin của các Nhân Chứng.
Nhân dịp này Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang bình luận về mối quan hệ cơ bản giữa Nhà Nước và các nhóm tôn giáo. Trên căn bản, qui chế của một tôn giáo “được quyết định không phải do những tín điều nhưng bởi tư cách đạo đức của tôn giáo đó”.
Tòa án cũng nhận định khi Nhân Chứng thực hành “thái độ trung lập của tín đồ Đấng Christ”, họ “không công kích nguyên tắc của nền dân chủ” và “không muốn thay thế nền dân chủ bằng một chính thể khác”. Bởi vậy, việc các Nhân Chứng không tham gia các cuộc bầu cử chính trị không phải là cớ để bác việc họ xin được chính thức công nhận.—Giăng 18:36; Rô-ma 13:1.
Hơn nữa tòa án lưu ý rằng một tín đồ—dù là một Nhân Chứng hay một người có đức tin khác—đôi khi rơi vào tình huống cảm thấy những yêu sách của Nhà Nước mâu thuẫn với những đòi hỏi của đức tin họ. Nếu cá nhân người đó noi theo tiếng gọi của lương tâm bằng cách “vâng lời những nguyên tắc tôn giáo hơn là tuân thủ luật pháp”, Nhà Nước có thể xem lý do này là chính đáng và nằm trong phạm vi tự do tín ngưỡng.—Công vụ 5:29.
Quyết định của tòa án được đưa lên trang nhất của các nhật báo. Hầu như không một tờ báo nào ở Đức lại không tường thuật về vụ kiện trên. Tất cả các kênh truyền hình và đài phát thanh chính đều phát sóng các bản tường trình hoặc phỏng vấn. Trước đó, danh Đức Giê-hô-va chưa bao giờ được quần chúng biết đến một cách rộng rãi như thế ở Đức.
[Nguồn tư liệu nơi trang 8]
AP Photo/Daniel Maurer