Ánh sáng thiêng liêng chiếu rạng ở Trung Đông
Tự Truyện
Ánh sáng thiêng liêng chiếu rạng ở Trung Đông
DO NAJIB SALEM KỂ LẠI
Trong thế kỷ thứ nhất CN, ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời đã chiếu rạng từ Trung Đông tới nơi xa xôi trên trái đất. Trong thế kỷ 20, ánh sáng đó trở lại chiếu rực nơi đó một lần nữa. Để tôi kể cho bạn biết điều đó đã xảy ra như thế nào.
TÔI sinh năm 1913 tại thị trấn Amioun ở phía bắc Lebanon. Đó là năm cuối cùng có tình trạng tương đối ổn định và yên tĩnh trên thế giới, vì Thế Chiến I bùng nổ năm sau đó. Khi chiến tranh chấm dứt năm 1918, Lebanon, lúc đó được biết đến như là hòn ngọc của Trung Đông, đã rất kiệt quệ cả về kinh tế lẫn chính trị.
Vào năm 1920, khi bưu điện bắt đầu hoạt động trở lại ở Lebanon, người ta đã nhận được thư từ của những người Lebanon sống ở nước ngoài. Trong số những người này có các cậu của tôi là Abdullah và George Ghantous. Họ viết cho cha của họ, Habib Ghantous, tức ông ngoại tôi, về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Chỉ mỗi việc ông ngoại kể lại cho những người cùng thị trấn nghe nội dung các thư của hai con trai cũng đủ làm cho họ chế giễu ông. Những người dân thị trấn loan tin đồn rằng các con ông Habib khuyến khích cha họ bán đất, mua lừa và đi giảng đạo.
Ánh sáng bắt đầu chiếu
Năm sau đó, 1921, Michel Aboud, từ trước tới giờ sống ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, trở về Tripoli, Lebanon. Anh đã trở thành một Học Viên Kinh Thánh, tên gọi lúc bấy giờ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mặc dù đa số bạn bè và họ hàng của anh Aboud không hưởng ứng
thông điệp của Kinh Thánh, có hai người nổi tiếng đã hưởng ứng là Ibrahim Atiyeh, một giáo sư, và Hanna Shammas, một nha sĩ. Thật thế, bác sĩ Shammas đã dùng nhà và bệnh viện tư của ông cho các buổi họp đạo Đấng Christ.Tôi hãy còn là thiếu niên khi anh Aboud và anh Shammas đến thăm Amioun, nơi tôi sống lúc đó. Cuộc viếng thăm của các anh đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, và tôi bắt đầu theo anh Aboud đi rao giảng. Trong 40 năm hai chúng tôi là bạn đồng hành thường xuyên trong thánh chức, cho tới khi anh Aboud chết vào năm 1963.
Từ năm 1922 đến 1925, ánh sáng của lẽ thật Kinh Thánh tỏa ra ở nhiều làng phía bắc Lebanon. Khoảng 20 đến 30 người họp nhau lại để thảo luận Kinh Thánh tại nhà riêng, chẳng hạn nhà chúng tôi ở Amioun. Hàng giáo phẩm sai trẻ con đập lên các thùng thiếc và la hét ầm ĩ nhằm phá hoại những buổi họp của chúng tôi, do đó đôi khi chúng tôi phải họp trong rừng thông.
Khi còn nhỏ, lòng sốt sắng của tôi dành cho thánh chức—và cho việc dự mỗi buổi họp đạo Đấng Christ—đã khiến tôi nhận được biệt danh “Ti-mô-thê”. Vị hiệu trưởng ra lệnh cho tôi ngưng tham dự các buổi họp đó. Khi tôi từ chối, ông đuổi tôi khỏi trường.
Làm chứng ở những địa danh Kinh Thánh
Không lâu sau khi tôi làm báp têm năm 1933, tôi bắt đầu làm tiên phong, tên gọi những người rao giảng trọn thời gian trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va. Hồi đó, mặc dù chỉ có ít người chúng tôi làm công việc này, chúng tôi không những rao giảng tại hầu hết những làng ở miền bắc Lebanon mà còn rao giảng ở Beirut, ngoại thành và cho đến tận miền nam Lebanon. Trong những năm đầu ấy, chúng tôi thường đi bộ hay cưỡi lừa giống như Chúa Giê-su Christ và các môn đồ ngài trong thế kỷ thứ nhất.
Vào năm 1936, Yousef Rahhal, một Nhân Chứng người Lebanon sống nhiều năm ở Hoa Kỳ, về thăm Lebanon. Anh đem theo thiết bị âm thanh và hai máy hát đĩa. Chúng tôi gắn thiết bị âm thanh trên chiếc ôtô Ford đời 1931, chạy khắp Lebanon và Syria, đem thông điệp Nước Trời tới những khu vực hẻo lánh. Bộ khuếch đại âm thanh giúp người ta ở cách xa hơn 10 kilômét vẫn có thể nghe được. Họ lên mái nhà để nghe những điều mà họ cho là những tiếng nói từ trời đến. Những người làm việc ngoài đồng cũng bỏ dở công việc và đến gần hơn để nghe.
Một trong những chuyến đi cuối cùng của tôi với anh Yousef Rahhal là tới Aleppo, Syria, vào mùa đông năm 1937. Trước khi anh trở lại Hoa Kỳ, chúng tôi cũng tới Palestine. Ở đó chúng tôi đã thăm các thành phố Haifa và Jerusalem, cũng như những làng trong nước này. Một trong những cuộc tiếp xúc của chúng tôi là với Ibrahim Shehadi, mà tôi đã làm quen trước đây qua thư từ. Ibrahim tiến bộ trong sự hiểu biết Kinh Thánh tới độ khi chúng tôi viếng thăm, anh đã cùng chúng tôi bắt đầu rao giảng từ nhà này sang nhà kia.—Công-vụ 20:20.
Tôi cũng nóng lòng muốn gặp giáo sư Khalil Kobrossi, một người Công Giáo kiên định từ trước tới nay vẫn thường xuyên học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va qua thư tín. Làm sao ông có được địa chỉ của Nhân Chứng tại Lebanon? Tại một cửa hàng ở Haifa, chủ tiệm đã gói hàng cho Khalil bằng giấy xé ra từ một ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tờ giấy đó có ghi địa chỉ của Hội.
Chúng tôi có cuộc gặp gỡ thân mật, và sau đó, vào năm 1939, anh ấy đã đến Tripoli để làm báp têm.Năm 1937, Petros Lagakos và vợ anh đến Tripoli. Trong vài năm sau đó, ba người chúng tôi rao giảng hầu khắp cả Lebanon và Syria, đến thăm người ta tại nhà với thông điệp Nước Trời. Lúc anh Lagakos mất năm 1943, các Nhân Chứng đã đem ánh sáng thiêng liêng đến hầu hết những thành phố và làng mạc ở Lebanon, Syria và Palestine. Thỉnh thoảng, khoảng 30 anh em chúng tôi khởi hành sớm lúc 3 giờ sáng để đến những khu vực hẻo lánh bằng xe hơi hoặc xe buýt.
Trong thập niên 1940, Ibrahim Atiyeh đã dịch Tháp Canh sang tiếng Ả-rạp. Sau đó tôi chép lại bốn bản và gửi cho các Nhân Chứng ở Palestine, Syria và Ai Cập. Trong những ngày suốt Thế Chiến II đó, công việc rao giảng bị chống đối dữ dội, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc với tất cả những người yêu lẽ thật của Kinh Thánh tại Trung Đông. Tôi đích thân vẽ bản đồ thành phố và làng mạc, rồi chúng tôi lo liệu đi đến rao giảng tin mừng ở mọi nơi đó.
Năm 1944, khi Thế Chiến II vẫn còn dữ dội, tôi cưới Evelyn, con gái của Michel Aboud, bạn đồng tiên phong của tôi. Cuối cùng chúng tôi có ba con, một gái và hai trai.
Làm việc với giáo sĩ
Không lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, những giáo sĩ đầu tiên tốt nghiệp Trường Ga-la-át đến Lebanon. Kết quả là hội thánh đầu tiên ở Lebanon được thành lập, và tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội đoàn (hội thánh). Sau đó, vào năm 1947, Nathan H. Knorr và thư ký của anh, Milton G. Henschel, đến viếng thăm Lebanon và khuyến khích anh em rất nhiều. Không lâu có thêm nhiều giáo sĩ đến, và họ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc tổ chức rao giảng cũng như điều khiển các buổi họp hội thánh.
Trong chuyến đi đến một khu vực hẻo lánh ở Syria, chúng tôi gặp sự chống đối của giám mục địa phương. Ông tố cáo chúng tôi phân phát những ấn phẩm mà ông cho là của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Thật mỉa mai, trước năm 1948 hàng giáo phẩm thường gán cho
chúng tôi nhãn hiệu là “Cộng Sản”. Do vậy mà chúng tôi bị bắt và bị chất vấn trong hai giờ. Trong suốt thời gian này, chúng tôi đã có cơ hội làm chứng rất tốt.Sau cùng, vị thẩm phán tuyên bố: “Mặc dù tôi nguyền rủa bộ râu [ám chỉ ông giám mục] đã tố cáo các ông, tôi phải cám ơn ông ấy đã cho tôi cơ hội này để gặp các ông và biết qua những dạy dỗ của các ông”. Sau đó vị thẩm phán xin lỗi vì gây phiền hà cho chúng tôi.
Mười năm sau, trên một tuyến xe buýt đi Beirut, tôi bắt chuyện với một người đàn ông ngồi kế bên, một kỹ sư canh nông. Sau vài phút lắng nghe niềm tin của chúng tôi, ông nói đã nghe một người bạn ở Syria giải thích tương tự như vậy. Người bạn đó là ai? Chính là vị thẩm phán đã xử án chúng tôi mười năm về trước!
Trong thập niên 1950, tôi viếng thăm các Nhân Chứng ở I-rắc và rao giảng từ nhà này sang nhà kia với họ. Tôi cũng thực hiện nhiều cuộc hành trình tới Jordan và Bờ Tây. Vào năm 1951, tôi là một trong nhóm bốn Nhân Chứng tới Bethlehem. Chúng tôi cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa ở đó. Ngay từ sớm ngày hôm đó tất cả những người có mặt trong dịp này đều đã đi xe buýt tới Sông Jordan, nơi 22 người làm báp têm để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Bất cứ khi nào chúng tôi gặp sự chống đối trong khu vực đó, chúng tôi thường nói: “Chúng tôi đến để nói cho các bạn biết rằng một trong những người con trai của quê hương các bạn sẽ trở nên Vua của cả trái đất! Tại sao các bạn nổi giận? Các bạn nên vui mừng lên chứ!”
Rao giảng giữa những khó khăn
Người Trung Đông nói chung có lòng tốt, khiêm nhường và hiếu khách. Nhiều người chú ý lắng nghe thông điệp Nước Đức Chúa Trời. Thật vậy, không gì có thể thích thú hơn là biết được lời hứa này trong Kinh Thánh sớm được ứng nghiệm: “Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với [dân Ngài]. Ngài sẽ lau ráo hết Khải-huyền 21:3, 4.
nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”.—Tôi thấy phần đông những người chống đối hoạt động của chúng tôi thực sự không hiểu công việc và thông điệp chúng tôi mang đến. Các tu sĩ của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã xuyên tạc về chúng tôi quá nhiều! Do đó, trong cuộc nội chiến ở Lebanon năm 1975, kéo dài hơn 15 năm, các Nhân Chứng đã đương đầu với nhiều khó khăn.
Có lần, tôi đang điều khiển một học hỏi Kinh Thánh với một gia đình ngoan đạo. Việc những người này tiến bộ trong việc học lẽ thật Kinh Thánh khiến các tu sĩ tức giận. Do đó, một đêm nọ một nhóm thuộc tôn giáo địa phương đã xúi giục giáo dân tấn công cửa hàng của gia đình, đốt cháy hàng hóa trị giá 10.000 Mỹ kim. Cùng đêm đó họ đến và bắt cóc tôi. Tuy nhiên, tôi có thể lý luận với người lãnh đạo của họ, giải thích rằng nếu thật sự là tín đồ Đấng Christ họ sẽ không cư xử theo cách man rợ. Nghe nói thế, ông ta ra lệnh dừng xe lại và cho tôi xuống.
Vào một dịp khác, tôi bị bốn đội viên dân quân bắt cóc. Sau nhiều lần hăm dọa, người lãnh đạo của họ, đã từng nói rằng ông ta sẽ bắn tôi, chợt đổi ý và thả tôi. Hai trong số những người này hiện ở tù vì tội giết người, cướp của, còn hai người kia đã bị xử tử.
Những cơ hội khác để làm chứng
Tôi thường có dịp đáp máy bay từ nước nọ sang nước kia. Một lần kia trong chuyến bay từ Beirut tới Hoa Kỳ, tôi ngồi cạnh Charles Malek, một cựu bộ trưởng ngoại giao Lebanon. Ông cẩn thận lắng nghe và cảm ơn về mỗi câu Kinh Thánh tôi đọc cho ông. Cuối cùng, ông ta nói rằng trước đó ông đã học ở một trường tại Tripoli, nơi thầy của ông tên là Ibrahim Atiyeh, người mà cha vợ tôi đã giúp nhận biết lẽ thật Kinh Thánh! Ông Malek nói rằng Ibrahim đã dạy ông kính trọng Kinh Thánh.
Trong một chuyến bay khác, tôi ngồi cạnh một người đại diện của Palestine tại Liên Hiệp Quốc. Tôi có dịp nói với ông về tin mừng của Nước Đức Chúa Trời. Cuối cùng ông đã giới thiệu tôi với gia đình một người em trai ở New York, và tôi đã tới đó thăm họ. Tôi cũng có một người bà con làm việc tại tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở New York. Một hôm tôi đến văn phòng của anh, và trong ba giờ thăm viếng đó, tôi đã có thể làm chứng cho anh về Nước Đức Chúa Trời.
Giờ đây 88 tuổi, tôi vẫn còn đủ sức tích cực tham gia vào việc chăm sóc các trách nhiệm hội thánh. Vợ tôi, Evelyn, vẫn còn phụng sự Đức Giê-hô-va bên cạnh tôi. Con gái tôi lập gia đình với một giám thị lưu động Nhân Chứng Giê-hô-va, nay là trưởng lão trong một hội thánh ở Beirut. Cháu ngoại gái tôi cũng là Nhân Chứng. Con trai út và vợ đều là Nhân Chứng, và cháu nội gái của tôi cũng ở trong lẽ thật. Về phần con trai cả của chúng tôi, đức tin đạo Đấng Christ đã được ghi tạc trong lòng, và tôi hy vọng rằng theo thời gian, cháu sẽ theo.
Vào năm 1933, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong—một tiên phong đầu tiên ở Trung Đông. Tôi nhận thấy rằng không có lối sống nào tốt hơn là phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là người tiên phong trong suốt 68 năm vừa qua. Và tôi quyết tâm tiếp tục đi trong ánh sáng thiêng liêng Ngài đã ban.
[Hình nơi trang 23]
Najib năm 1935
[Hình nơi trang 24]
Với chiếc xe phát thanh trong miền núi Lebanon, năm 1940
[Các hình nơi trang 25]
Bên trên từ trái theo chiều kim đồng hồ: Najib, Evelyn, con gái của anh chị, anh Aboud và con trai cả của Najib, năm 1952
Bên dưới (hàng đầu): các anh Shammas, Knorr, Aboud và Henschel tại nhà của Najib, ở Tripoli, năm 1952
[Hình nơi trang 26]
Najib và vợ anh, Evelyn