Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có Ma-quỉ không?

Có Ma-quỉ không?

Có Ma-quỉ không?

“Có một thời trong lịch sử đạo Gia-tô, người ta tin rằng ma-quỉ, Bêelzêbul hoặc Sa-tan, vua các quỉ, là một nhân vật có thật và mạnh mẽ, cũng như hiện nay ‘Thiên Chúa’ vẫn có thật và mạnh mẽ đối với số người cứ giảm dần; còn ma-quỉ được mô tả nửa người nửa thú, là do người Do Thái và tín đồ Ki-tô thời ban đầu bịa ra để tượng trưng cho cái ác xảy ra xung quanh họ. Sau này, các tín đồ Ki-tô nhìn nhận rằng Ma-quỉ là một nhân vật tưởng tượng, không có cơ sở trong thực tại và họ âm thầm loại bỏ hắn”.—“All in the Mind—A Farewell to God”, do Ludovic Kennedy viết.

NHƯ nhà văn kiêm phát ngôn viên Ludovic Kennedy nói, trải hàng bao thế kỷ không có ai trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ nghi ngờ về sự hiện thực của Ma-quỉ. Thay vì thế, như Giáo Sư Norman Cohn ghi, tín đồ Đấng Christ đôi khi “bị ám ảnh bởi quyền lực của Sa-tan và các quỉ sứ của hắn”. (Europe’s Inner Demons) Sự ám ảnh này không chỉ phổ biến trong giới nông dân mộc mạc, ít học. Theo Giáo Sư Cohn, niềm tin Ma-quỉ mặc lấy hình dạng thú vật để điều khiển các nghi lễ dâm ô và xấu ác chẳng hạn “không thuộc về truyền thuyết dân gian của đa số người thất học, nhưng ngược lại, là do quan điểm phổ thông của nhóm trí thức ưu tú”. Chính “nhóm trí thức ưu tú” này—gồm cả hàng giáo phẩm uyên bác—chịu trách nhiệm về các cuộc săn lùng phù thủy diễn ra ở khắp Âu Châu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, khi mà người ta cho là các giới thẩm quyền tôn giáo và chính trị đã tra tấn và giết khoảng 50.000 người bị tình nghi là phù thủy.

Chẳng lạ gì khi nhiều người đã phủ nhận điều mà họ gọi là những khái niệm ngông cuồng, dị đoan về Ma-quỉ. Ngay từ năm 1726, Daniel Defoe chế giễu niềm tin của người ta là Ma-quỉ là con quái vật kinh dị “có cánh dơi, có sừng, móng chẻ, đuôi dài, lưỡi rắn, và những chi tiết tương tự”. Ông bảo rằng những ý tưởng như thế là “vô lý, vặt vãnh, huyễn hoặc” do “những kẻ bịa ra và phác họa ma-quỉ” để “lừa bịp thế giới dốt nát bằng hình ảnh một ma-quỉ nhân tạo”.

Bạn có nhìn sự việc như thế không? Bạn có nghĩ rằng “ma-quỉ thật ra là do con người bịa ra để bào chữa cho tội lỗi của chính mình” không? Ý tưởng này được trích ra từ cuốn The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible, và nhiều người tự nhận là tín đồ Đấng Christ cũng nghĩ như thế. Jeffrey Burton Russell nói rằng các nhà thần học của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ nói chung đã “bác bỏ Ma-quỉ và các quỉ sứ và xem đó như là sự mê tín dị đoan”.

Thế nhưng, một số người vẫn còn tin Ma-quỉ có thật. Họ lý luận rằng phải có một lực siêu nhiên độc ác nào đó nấp sau những sự gian ác lan tràn và tái diễn trong lịch sử nhân loại. Ông Russell nói rằng “những sự khủng khiếp của thế kỷ 20” cung cấp lý do tại sao “niềm tin có Ma-quỉ đang nhanh chóng thịnh hành trở lại sau một thời gian dài bị quên lãng”. Theo tác giả Don Lewis, một số người có học thời nay đã từng “mỉm cười kẻ cả” về những niềm tin dị đoan và sự sợ của “tổ tiên thật thà và chất phác của họ” nay lại “bị nguyên tố ác của lĩnh vực siêu nhiên thu hút”.—Religious Superstition Through the Ages.

Vậy sự thật về vấn đề này là gì? Phải chăng Ma-quỉ chỉ đơn thuần là điều dị đoan phi lý? Hay chúng ta nên xem Ma-quỉ có thật ngay cả ở thế kỷ 21?

[Hình nơi trang 4]

Như hình chạm trổ này của Gustave Doré cho thấy, những sự dị đoan xưa mô tả Ma-quỉ nửa người nửa thú

[Nguồn tư liệu]

The Judecca—Lucifer/The Doré Illustrations For Dante’s Divine Comedy/Dover Publications Inc.