Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng chúng ta?

Làm thế nào sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng chúng ta?

Làm thế nào sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng chúng ta?

“Nguyền xin sự bình-an của Đấng Christ cai-trị trong lòng anh em, là bình-an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể”.—CÔ-LÔ-SE 3:15.

1, 2. “Sự bình-an của Đấng Christ” cai trị trong lòng tín đồ Đấng Christ theo nghĩa nào?

CAI TRỊ là một từ đáng ghét đối với nhiều người, vì nó khiến người ta liên tưởng đến sự áp bức và thủ đoạn. Vì thế, một số người cảm thấy khó chấp nhận lời khuyến giục của Phao-lô cho tín hữu thành Cô-lô-se: “Nguyền xin sự bình-an của Đấng Christ cai-trị trong lòng anh em”. (Cô-lô-se 3:15) Chẳng phải chúng ta được tự do ý chí sao? Sao lại phải để cái gì đó, hoặc ai đó cai trị trong lòng chúng ta?

2 Phao-lô không có ý nói anh em Cô-lô-se hãy từ bỏ quyền tự do ý chí. Từ Hy Lạp được dịch ra là “cai trị” nơi Cô-lô-se 3:15 có liên hệ với từ trọng tài, người trao giải thưởng trong các cuộc thi đấu thể thao thời bấy giờ. Các vận động viên được tự do trong khuôn khổ luật chơi, nhưng cuối cùng trọng tài là người quyết định ai đã tuân thủ đúng luật và nhờ đó thắng cuộc. Tương tự như thế, chúng ta được tự do quyết định nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng trong những quyết định đó, phải luôn luôn để sự bình an của Đấng Christ làm “trọng tài”—hay “sức mạnh dẫn dắt” lòng chúng ta, như cách dịch của dịch giả Edgar J. Goodspeed.

3. “Sự bình-an của Đấng Christ” là gì?

3 “Sự bình-an của Đấng Christ” là gì? Đó là sự yên ổn, bình an nội tâm mà chúng ta cảm nhận khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su và biết rằng mình được Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng Con Ngài yêu mến và chấp nhận. Khi sắp lìa khỏi các môn đồ, Chúa Giê-su nói với họ: “Ta ban sự bình-an ta cho các ngươi... Lòng các ngươi chớ bối-rối và đừng sợ-hãi”. (Giăng 14:27) Gần 2.000 năm qua, các thành viên xức dầu trung thành hợp thành thân thể của Đấng Christ đã vui hưởng sự bình an đó và ngày nay các bạn đồng hành của họ, lớp “chiên khác”, cũng vậy. (Giăng 10:16) Sự bình an đó nên là sức mạnh dẫn dắt lòng chúng ta để khi gặp thử thách cam go, tinh thần chúng ta không bị tê liệt bởi sự sợ hãi hoặc bối rối thái quá. Hãy xem điều này được nghiệm đúng thế nào khi phải đối diện với sự bất công, khi lòng nặng trĩu lo âu, hay khi tự cảm thấy mình không xứng đáng.

Khi đối diện với sự bất công

4. (a) Làm thế nào Chúa Giê-su trở nên quen thuộc với sự bất công? (b) Tín đồ Đấng Christ phản ứng ra sao khi là nạn nhân của sự bất công?

4 Vua Sa-lô-môn nhận xét: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 8:9) Chúa Giê-su rất hiểu ý nghĩa của những lời này. Khi còn ở trên trời, ngài đã chứng kiến những điều vô cùng bất công trong vòng nhân loại. Khi xuống đất, chính ngài phải chịu nỗi bất công to lớn nhất—bị hành hình vì bị gán cho tội phạm thượng dù hoàn toàn vô tội. (Ma-thi-ơ 26:63-66; Mác 15:27) Ngày nay, sự bất công vẫn lan tràn, và tín đồ thật của Đấng Christ phải chịu đựng nhiều hơn ai hết vì “bị mọi dân ghen-ghét”. (Ma-thi-ơ 24:9) Nhưng dù phải nếm trải bao điều khủng khiếp trong các trại tử hình của Quốc Xã và trại lao động khổ sai của Liên Xô cũ, dù là nạn nhân của những hành vi bạo lực tập thể, những lời vu khống và đả kích dối trá, sự bình an của Đấng Christ đã giúp họ giữ vững tinh thần. Họ noi theo gương Chúa Giê-su, là Đấng mà Kinh Thánh miêu tả: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”.—1 Phi-e-rơ 2:23.

5. Khi nghe một chuyện có vẻ bất công trong hội thánh, trước hết chúng ta nên xem xét điều gì?

5 Ở mức độ ít nghiêm trọng hơn, chúng ta có thể tin rằng có người đã bị đối xử không đúng trong hội thánh. Khi điều đó xảy ra, có lẽ chúng ta có cùng cảm nghĩ như Phao-lô: “Nào có ai vấp-ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” (2 Cô-rinh-tô 11:29) Chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên tự hỏi: ‘Đó có đúng là bất công không?’ Nhiều khi chúng ta chưa nắm hết mọi dữ kiện và nóng nảy khi chỉ mới nghe một người nào đó, cho là biết chuyện. Kinh Thánh có lý khi nói: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời”. (Châm-ngôn 14:15) Vì thế, cần thận trọng.

6. Chúng ta nên làm gì khi cảm thấy bị đối xử bất công trong hội thánh?

6 Giả sử bản thân chúng ta cảm thấy đã bị đối xử bất công. Người có sự bình an của Đấng Christ trong lòng sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta cần nói chuyện với người mà mình cho rằng đã có cách cư xử không đúng. Sau đó, thay vì phân bua với bất cứ ai, tại sao chúng ta không cầu nguyện phó thác sự việc cho Đức Giê-hô-va và tin cậy rằng Ngài sẽ thực thi công lý? (Thi-thiên 9:10; Châm-ngôn 3:5) Có thể sau khi làm thế, chúng ta sẽ sẵn lòng bỏ qua sự việc và “làm thinh”. (Thi-thiên 4:4) Lời khuyên của Phao-lô ứng dụng trong đa số trường hợp: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”.—Cô-lô-se 3:13.

7. Chúng ta nên luôn ghi nhớ điều gì khi giao thiệp với anh em?

7 Dù làm gì, cần nhớ rằng tuy không kiểm soát được việc đã lỡ xảy ra, nhưng chúng ta có thể kiểm soát phản ứng của chính mình. Phản ứng thái quá gây mất bình an nhiều hơn cả chính sự bất công. (Châm-ngôn 18:14) Chúng ta thậm chí có thể ngã lòng và ngưng kết hợp với hội thánh cho đến khi cảm thấy công lý đã được thực thi. Người viết Thi-thiên nhận thấy đối với những người yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va, “chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã”. (Thi-thiên 119:165) Thực tế, ai cũng có lúc gặp bất công. Đừng bao giờ để những chuyện không may đó ảnh hưởng đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hãy để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng bạn.

Khi nặng trĩu lo âu

8. Một số nguyên nhân gây lo lắng phiền muộn là gì, và điều đó có thể đưa đến hậu quả nào?

8 Trong những “ngày sau-rốt” này, lo lắng phiền muộn đã trở thành một phần thật sự của cuộc sống. (2 Ti-mô-thê 3:1) Chúa Giê-su khuyên: “Đừng vì sự sống mà lo đồ mình ăn, cũng đừng vì thân-thể mà lo đồ mình mặc”. (Lu-ca 12:22) Nhưng không phải mọi nỗi lo lắng đều liên quan tới vật chất. Lót đã “quá lo” vì sự suy đồi của Sô-đôm. (2 Phi-e-rơ 2:7) Còn Phao-lô thì “lo-lắng về hết thảy các Hội-thánh”. (2 Cô-rinh-tô 11:28) Trong đêm trước khi chết, Chúa Giê-su đã lo buồn đến độ “mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. (Lu-ca 22:44) Hiển nhiên, không phải mọi lo lắng đều là biểu hiện của sự thiếu đức tin. Tuy nhiên, dù là nguyên do nào đi nữa, nếu nỗi lo lắng phiền muộn cứ ngày thêm trầm trọng và kéo dài, chúng ta sẽ mất bình an. Vì quá lo lắng, một số người đã cảm thấy không thể tiếp tục đảm đương các trách nhiệm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va nữa. Kinh Thánh nói: “Lòng lo lắng làm người rủn chí”. (Châm-ngôn 12:25, BDÝ) Vậy, chúng ta phải làm gì khi có sự lo lắng phiền muộn?

9. Có thể áp dụng một số giải pháp thiết thực nào để giải tỏa bớt sự lo lắng phiền muộn, nhưng có những nguyên nhân gây lo lắng phiền muộn nào không thể loại bỏ được?

9 Trong một số trường hợp, có thể áp dụng những giải pháp thiết thực. Nếu tình trạng lo lắng phiền muộn liên quan đến vấn đề sức khỏe, tốt hơn nên cẩn thận theo dõi, tuy đó là vấn đề cá nhân. * (Ma-thi-ơ 9:12) Nếu có quá nhiều trách nhiệm đè nặng trên vai, hãy san sẻ bớt cho người khác. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-23) Nhưng còn những người không thể san sẻ trọng trách cho ai như các bậc cha mẹ, những tín đồ Đấng Christ có người hôn phối không tin đạo, hay những gia đình đang bị túng ngặt hoặc sống trong vùng chiến sự, thì sao? Hiển nhiên, chúng ta không thể loại bỏ mọi nguyên nhân gây lo lắng phiền muộn trong hệ thống mọi sự này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giữ sự bình an của Đấng Christ trong lòng. Bằng cách nào?

10. Tín đồ Đấng Christ có thể giải tỏa bớt sự lo lắng phiền muộn qua hai cách nào?

10 Một cách là tìm kiếm sự an ủi trong Lời Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít viết: “Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi”. (Thi-thiên 94:19) “Sự an-ủi” của Đức Giê-hô-va có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh. Đều đặn tham khảo cuốn sách được soi dẫn này sẽ giúp chúng ta gìn giữ sự bình an của Đấng Christ trong lòng. Kinh Thánh nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”. (Thi-thiên 55:22) Cùng ý tưởng đó, Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Nhiệt thành và đều đặn cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ được sự bình an.

11. (a) Vì sao Chúa Giê-su là một gương mẫu trong việc cầu nguyện? (b) Chúng ta nên xem việc cầu nguyện như thế nào?

11 Chúa Giê-su là một gương mẫu xuất sắc về phương diện này. Đôi lúc ngài thành khẩn nói chuyện với Cha trên trời nhiều giờ liền. (Ma-thi-ơ 14:23; Lu-ca 6:12) Cầu nguyện giúp ngài vượt qua những thử thách cam go nhất. Vào đêm trước khi chết, nỗi sầu não của ngài lên đến cực độ. Ngài đã phản ứng thế nào? Ngài cầu nguyện “càng thiết”. (Lu-ca 22:44) Vâng, người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời luôn cầu nguyện. Vậy, những môn đồ bất toàn của ngài càng cần phải vun trồng thói quen cầu nguyện nhiều hơn nữa! Chúa Giê-su dạy môn đồ “phải cầu-nguyện luôn, chớ hề mỏi-mệt”. (Lu-ca 18:1) Cầu nguyện là cách liên lạc thật sự và tối quan trọng với Đấng biết rõ chúng ta hơn cả chính chúng ta. (Thi-thiên 103:14) Nếu muốn giữ sự bình an của Đấng Christ trong lòng, chúng ta phải “cầu-nguyện không thôi”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

Khắc phục những hạn chế của mình

12. Vì những lý do nào một số người cảm thấy họ chưa phụng sự tốt?

12 Đối với Đức Giê-hô-va, mỗi tôi tớ Ngài đều quý báu. (A-ghê 2:7) Tuy nhiên, nhiều người thấy khó tin điều đó. Một số có lẽ mệt mỏi nản chí vì tuổi già, trách nhiệm gia đình chồng chất, hay sức khỏe suy yếu. Số khác cảm thấy bị hạn chế vì xuất thân từ gia đình bất hạnh. Những người khác nữa thì bị dằn vặt bởi những lỗi lầm trong quá khứ, không dám tin vào sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 51:3) Phải làm sao với những cảm xúc như thế?

13. Kinh Thánh cho lời an ủi nào đối với những người cảm thấy mình chưa tốt?

13 Sự bình an của Đấng Christ giúp chúng ta an tâm về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Chúng ta sẽ tìm lại được bình an khi suy ngẫm sự thật này: Chúa Giê-su không bao giờ nói giá trị con người chúng ta được đo lường qua việc so sánh những gì chúng ta làm với những gì người khác làm. (Ma-thi-ơ 25:14, 15; Mác 12:41-44) Điều mà ngài nhấn mạnh là sự trung thành. Ngài nói với môn đồ: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Chính Chúa Giê-su đã từng bị người ta “khinh-dể”, nhưng ngài không hề mảy may nghi ngờ tình yêu thương của Cha ngài. (Ê-sai 53:3; Giăng 10:17) Và ngài cho các môn đồ biết rằng họ cũng được yêu thương. (Giăng 14:21) Để làm nổi bật điều này, Chúa Giê-su nói: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Thật là một sự bảo đảm ấm lòng về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va!

14. Tại sao chúng ta nên tin rằng Đức Giê-hô-va quý trọng mỗi người trong chúng ta?

14 Chúa Giê-su cũng nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Vì Đức Giê-hô-va đã kéo chúng ta theo Chúa Giê-su, chắc chắn Ngài muốn chúng ta được cứu. Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư-mất”. (Ma-thi-ơ 18:14) Vì thế, nếu bạn đang phụng sự hết lòng, hãy vui mừng về những việc tốt lành mình đã làm. (Ga-la-ti 6:4) Nếu bị dằn vặt bởi những lỗi lầm trong quá khứ, hãy tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ “dồi-dào” cho những ai thành thật ăn năn. (Ê-sai 43:25; 55:7) Nếu bạn nản chí vì bất kỳ lý do nào khác, hãy nhớ rằng “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.—Thi-thiên 34:18.

15. (a) Bằng cách nào Sa-tan cố cướp đi sự bình an của chúng ta? (b) Chúng ta có niềm tin nào nơi Đức Giê-hô-va?

15 Sa-tan không mong muốn gì hơn là cướp đi sự bình an của bạn. Hắn chính là kẻ gây nên tội lỗi di truyền mà tất cả chúng ta phải đấu tranh cưỡng lại. (Rô-ma 7:21-24) Hắn chắc chắn muốn bạn nghĩ rằng vì bất toàn nên việc phụng sự của bạn sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đừng bao giờ để Ma-quỉ khiến bạn nản chí! Hãy cảnh giác trước những mưu chước của hắn, và khi đã biết những mưu chước đó, hãy cương quyết bền đỗ. (2 Cô-rinh-tô 2:11; Ê-phê-sô 6:11-13) Hãy nhớ rằng “Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”. (1 Giăng 3:20) Đức Giê-hô-va không chỉ nhìn thấy những thất bại, mà còn thấy cả động lực và thành ý của chúng ta nữa. Vì thế, hãy đón nhận lời an ủi của người viết Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va không lìa dân-sự Ngài, cũng chẳng bỏ cơ-nghiệp Ngài”.—Thi-thiên 94:14.

Hợp nhất trong sự bình an của Đấng Christ

16. Khi cố gắng bền đỗ, chúng ta không đơn độc theo nghĩa nào?

16 Phao-lô khuyên chúng ta nên để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng mình vì đã “được gọi đến đặng hiệp nên một thể”. Những tín đồ được xức dầu nhận thư của Phao-lô, cũng như những người xức dầu còn sót lại ngày nay, được mời gọi hợp thành thân thể của Đấng Christ. Các bạn đồng hành với họ, lớp “chiên khác”, hợp nhất với họ trong “một bầy” dưới sự chăn dắt của “một người chăn mà thôi”, tức Chúa Giê-su Christ. (Giăng 10:16) “Bầy” này gồm hàng triệu người trên khắp thế giới đang cùng nhau để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng họ. Biết rằng chúng ta không đơn độc giúp chúng ta bền đỗ. Phi-e-rơ viết: “Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự [Sa-tan], vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình”.—1 Phi-e-rơ 5:9.

17. Chúng ta có lý do nào để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng mình?

17 Vậy, mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ tiếp tục vun trồng sự bình an, bông trái tối quan trọng của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23) Những người được Đức Giê-hô-va xét thấy ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được cuối cùng sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu trong địa đàng, nơi sự công bình ăn ở. (2 Phi-e-rơ 3:13, 14) Chúng ta có mọi lý do để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng mình.

[Chú thích]

^ đ. 9 Trong một số trường hợp, tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh trầm cảm, có thể là nguyên nhân gây lo lắng phiền muộn hoặc khiến nó trầm trọng hơn.

Bạn còn nhớ không?

• Sự bình an của Đấng Christ là gì?

• Khi đối diện với sự bất công, làm thế nào sự bình an của Đấng Christ có thể cai trị trong lòng chúng ta ?

• Làm thế nào sự bình an của Đấng Christ giúp chúng ta chế ngự sự lo lắng?

• Làm thế nào sự bình an của Đấng Christ an ủi chúng ta, khi chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Trước những kẻ vu cáo, Chúa Giê-su giao phó mọi việc trong tay Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 16]

Như vòng tay ấm áp của một người cha yêu thương, sự an ủi của Đức Giê-hô-va làm dịu nỗi lo lắng của chúng ta

[Hình nơi trang 18]

Đức Chúa Trời coi trọng sự bền đỗ