Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”

“Tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”

“Tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”

“Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”.—RÔ-MA 12:18

1, 2. Tại sao nền hòa bình do con người tạo dựng không thể bền vững?

HÃY hình dung một căn nhà với móng yếu, đà mục, còn mái thì xiêu vẹo. Bạn có muốn dọn đến đó và biến nó thành tổ ấm của mình không? Chắc là không. Dù có sơn phết lại cũng không thay đổi được cấu trúc tồi tàn thật sự của căn nhà. Không sớm thì muộn, căn nhà sẽ sập.

2 Hòa bình do thế giới này lập ra cũng tương tự như ngôi nhà đó. Nó được xây dựng trên một nền tảng yếu ớt—những hứa hẹn và kế hoạch của con người, “là nơi không có sự tiếp-trợ”. (Thi-thiên 146:3) Lịch sử đầy những cuộc xung đột giữa các quốc gia, sắc tộc và bộ lạc. Thế giới quả đã có những giai đoạn hòa bình ngắn ngủi, nhưng là loại hòa bình nào? Nếu hai quốc gia tranh chiến, rồi sau đó tuyên bố hòa bình vì một nước đã thất trận, hoặc vì cả hai đều thấy chiến tranh chẳng lợi lộc gì, thì đó là loại hòa bình nào? Sự thù hằn, ngờ vực và ganh ghét đã đẩy người ta vào cuộc chiến vẫn tồn tại. Hòa bình đó chẳng qua là bức bình phong, hay ‘lớp sơn’ che đậy sự thù hằn, không thể bền vững được.—Ê-xê-chi-ên 13:10.

3. Tại sao hòa bình của dân Đức Chúa Trời khác với nền hòa bình do con người tạo nên?

3 Tuy nhiên, vẫn có hòa bình thật trong thế giới đầy chiến tranh này. Ở nơi đâu? Trong vòng những tín đồ thật của Đấng Christ, những người noi theo dấu chân Chúa Giê-su, cố gắng sống theo gương mẫu và sự dạy dỗ của ngài. (1 Cô-rinh-tô 11:1; 1 Phi-e-rơ 2:21) Hòa bình giữa những tín đồ thật của Đấng Christ khác quốc gia, chủng tộc, địa vị xã hội là nền hòa bình thật vì bắt nguồn từ mối quan hệ hòa bình giữa họ với Đức Chúa Trời, trên căn bản đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Christ. Hòa bình của họ là một sự ban cho của Đức Chúa Trời, chứ không phải do con người tạo nên. (Rô-ma 15:33; Ê-phê-sô 6:23, 24) Đó là kết quả của việc vâng phục “Chúa Bình-an”, Chúa Giê-su Christ, và thờ phượng Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời sự yêu-thương và sự bình-an”.—Ê-sai 9:5; 2 Cô-rinh-tô 13:11.

4. Tín đồ Đấng Christ “đuổi theo” hòa bình bằng cách nào?

4 Không dễ có được sự hòa thuận giữa những người bất toàn. Vì thế, Phi-e-rơ nói mỗi tín đồ Đấng Christ nên “tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”. (1 Phi-e-rơ 3:11) Bằng cách nào? Một lời tiên tri xưa cho lời giải đáp. Thông qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va đã tuyên bố: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. (Ê-sai 54:13; Phi-líp 4:9) Thật vậy, những ai nghe theo sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va tìm được bình an thật. Hơn nữa, sự bình an cùng với lòng “yêu-thương, sự vui-mừng,... nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ” là bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23) Những người không yêu thương, không vui mừng, không nhịn nhục, không nhân từ, độc ác, bất trung, hung dữ, hay thiếu tự chủ không thể có bình an.

“Hòa-thuận với mọi người”

5, 6. (a) Ở tình trạng hòa bình và yêu chuộng hòa bình khác nhau như thế nào? (b) Tín đồ Đấng Christ cố gắng sống hòa bình với ai?

5 Hòa bình được định nghĩa là “tình trạng yên ổn”. Định nghĩa đó có thể bao trùm rất nhiều tình trạng không có xung đột. Ngay cả người chết cũng ở trạng thái yên ổn! Tuy nhiên, để tìm được hòa bình thật, không chỉ cần có thái độ hiền hòa. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Phúc cho những người yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. (Ma-thi-ơ 5:9, Trịnh Văn Căn) Chúa Giê-su đang nói về những người sau này có cơ hội trở thành con thần linh của Đức Chúa Trời, được nhận lãnh sự sống bất tử ở trên trời. (Giăng 1:12; Rô-ma 8:14-17) Cuối cùng, tất cả nhân loại trung thành dù không có hy vọng lên trời cũng sẽ được vui hưởng “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 8:21) Chỉ những ai yêu chuộng hòa bình mới có hy vọng đó. Trong tiếng Hy Lạp từ “yêu chuộng hòa bình” có nghĩa đen là “người xây dựng hòa bình”. Ở tình trạng hòa bình—được yên ổn— và yêu chuộng hòa bình thường khác nhau. Yêu chuộng hòa bình theo nghĩa Kinh Thánh là tích cực đẩy mạnh hòa bình, đôi khi kiến tạo hòa bình ở những nơi trước kia chưa có.

6 Nhận thức được điều này, chúng ta hãy xem xét lời khuyên của sứ đồ Phao-lô cho tín hữu thành Rô-ma: “Hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18) Phao-lô không có ý khuyên anh em ở Rô-ma chỉ cần có thái độ điềm đạm, mặc dù điều đó cũng lợi ích. Ông thúc giục họ hãy xây dựng hòa bình. Với ai? Với “mọi người”—người nhà, anh em tín đồ Đấng Christ, và cả những người không cùng đức tin. Ông khuyến khích họ “hết sức” sống hòa bình với người khác. Không, ông không muốn họ thỏa hiệp niềm tin của mình để tạo sự hòa thuận. Nhưng thay vì đối chọi với người khác một cách không cần thiết, họ nên tiếp xúc với mọi người nhằm mục đích hòa bình. Tín đồ Đấng Christ nên làm thế với những người cả trong lẫn ngoài hội thánh. (Ga-la-ti 6:10) Phù hợp với điều này, Phao-lô viết: “Hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên-hạ”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:15.

7, 8. Làm thế nào và vì sao tín đồ Đấng Christ nên tỏ thái độ hiếu hòa với những người không cùng đức tin?

7 Làm thế nào tỏ thái độ hiếu hòa với những người không cùng đức tin, hoặc thậm chí còn chống đối niềm tin của chúng ta? Trước hết là phải tránh tỏ vẻ tự tôn. Thí dụ, sẽ khó hòa thuận nếu chúng ta nói về một người nào đó bằng những lời lẽ miệt thị. Mặc dù Đức Giê-hô-va đã tiết lộ sự phán xét trên một số tổ chức và nhóm người, nhưng chúng ta không có quyền nói về bất cứ cá nhân nào như thể họ đã bị kết án. Thật vậy, chúng ta không xét đoán người khác, kể cả những người chống đối. Sau khi bảo Tít hãy khuyên tín đồ Đấng Christ ở Cơ-rết về cách ứng xử với nhà cầm quyền, Phao-lô nhắn ông nhắc nhở họ “chớ nói xấu ai, chớ tranh-cạnh, hãy dung-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”.—Tít 3:1, 2.

8 Thái độ hiếu hòa với những người không cùng đức tin tạo thuận lợi cho việc giới thiệu lẽ thật với họ. Dĩ nhiên, chúng ta không vun đắp những tình bạn “làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Tuy nhiên, chúng ta có thể tỏ ra lịch sự và nên tôn trọng cũng như tử tế với mọi người. Phi-e-rơ viết: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 2:12.

Hiếu hòa trong thánh chức

9, 10. Sứ đồ Phao-lô nêu gương mẫu nào trong việc đối xử ôn hòa với những người không tin đạo?

9 Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất được biết đến vì lòng can đảm. Họ không làm giảm hiệu lực của thông điệp và khi bị chống đối, họ cương quyết vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta. (Công-vụ 4:29; 5:29) Tuy nhiên, họ không nhầm lẫn giữa can đảm và khiếm nhã. Hãy xem phương pháp của Phao-lô khi ông bênh vực đức tin mình trước mặt Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II. Vị vua này có quan hệ loạn luân với em gái là Bernice. Tuy nhiên, Phao-lô đã không mào đầu bằng việc thuyết giáo Ạc-ríp-ba về đạo đức. Thay vì thế, ông nhấn mạnh những điểm hòa hợp giữa họ, công nhận Ạc-ríp-ba là người rành rẽ về những thói tục của người Do Thái và là người tin các đấng tiên tri.—Công-vụ 26:2, 3, 27.

10 Phải chăng Phao-lô giả dối tâng bốc vị vua có quyền trả tự do cho ông? Không. Phao-lô đã hành động phù hợp với lời khuyên dạy của ông và nói sự thật. Mọi điều ông nói với Hê-rốt Ạc-ríp-ba đều thật. (Ê-phê-sô 4:15) Ông là người xây dựng hòa bình và biết trở nên “mọi cách cho mọi người”. (1 Cô-rinh-tô 9:22) Mục đích của ông là bảo vệ quyền được rao giảng về Chúa Giê-su. Là một người dạy giỏi, ông đã mở đầu bằng cách đề cập đến những điều mà ông và Ạc-ríp-ba có thể hòa hợp. Nhờ thế, Phao-lô đã giúp vị vua vô luân ấy có ấn tượng tốt hơn về đạo Đấng Christ.—Công-vụ 26:28-31.

11. Làm thế nào chúng ta có thể làm người xây dựng hòa bình trong thánh chức?

11 Làm thế nào chúng ta có thể làm người xây dựng hòa bình trong thánh chức? Giống như Phao-lô, chúng ta nên tránh những cuộc tranh cãi. Đúng là đôi khi chúng ta cũng cần “truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ-hãi gì”, can đảm bênh vực niềm tin của mình. (Phi-líp 1:14) Nhưng phần lớn công việc của chúng ta là rao truyền tin mừng. (Ma-thi-ơ 24:14) Khi đã hiểu rõ lẽ thật về ý định Đức Chúa Trời, chính người nghe sẽ bắt đầu từ bỏ những quan niệm tôn giáo sai lầm và những tập quán không tốt. Vì thế, khi có thể, tốt hơn nên nhấn mạnh những điểm hấp dẫn người nghe, bắt đầu bằng những điểm tương đồng. Sẽ chẳng ích lợi gì khi làm cho một người có ác cảm, nếu người đó được tiếp xúc tế nhị hơn, có lẽ họ đã lắng nghe thông điệp.—2 Cô-rinh-tô 6:3.

Xây dựng hòa bình trong gia đình

12. Bằng cách nào chúng ta có thể làm người xây dựng hòa bình trong gia đình?

12 Phao-lô nói những người lập gia đình “sẽ có sự khó-khăn về xác-thịt”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Nhiều khó khăn sẽ xảy đến. Một trong số đó là thỉnh thoảng sẽ có sự bất đồng ý kiến giữa vợ chồng. Những bất đồng đó nên được giải quyết ra sao? Một cách ôn hòa. Người xây dựng hòa bình sẽ cố gắng không để mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn. Bằng cách nào? Trước hết, bằng cách giữ miệng lưỡi. Khi được dùng để châm chích và sỉ nhục, quan thể nhỏ này có thể thật sự “không... hãm-dẹp được: đầy-dẫy những chất độc giết chết”. (Gia-cơ 3:8) Người vun đắp hòa bình dùng miệng lưỡi để xây dựng thay vì phá đổ.—Châm-ngôn 12:18.

13, 14. Làm thế nào để giữ hòa thuận khi chúng ta trót lỡ lời hay đang nổi nóng?

13 Vì bất toàn, chúng ta ai cũng có lúc lỡ lời đáng tiếc. Khi điều đó xảy ra, hãy mau mắn sửa sai bằng cách làm hòa. (Châm-ngôn 19:11; Cô-lô-se 3:13) Tránh vướng vào việc “cãi-cọ về lời-lẽ” và “cãi-lẫy” về những chuyện nhỏ nhặt. (1 Ti-mô-thê 6:4, 5, Ghi-đê-ôn) Thay vì thế, hãy đi vào thực chất của vấn đề, cố gắng thấu hiểu cảm xúc của người bạn đời. Nếu người kia có nặng lời, đừng ăn miếng trả miếng. Hãy nhớ rằng “lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận”.—Châm-ngôn 15:1.

14 Đôi khi, bạn cũng cần nghĩ tới lời khuyên nơi Châm-ngôn 17:14 (Bản Diễn Ý): “Nên dứt lời trước khi cãi lộn”. Hãy rút lui khi tình hình trở nên gay gắt. Khi bình tĩnh lại, bạn sẽ có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Trong vài trường hợp, có lẽ nên nhờ một anh giám thị thành thục giúp đỡ. Vì có kinh nghiệm và biết cảm thông, họ có thể là một nguồn nâng đỡ khích lệ khi sự hòa thuận trong gia đình bị đe dọa.—Ê-sai 32:1, 2.

Xây dựng hòa bình trong hội thánh

15. Theo Gia-cơ, tinh thần xấu nào đã phát triển nơi một số tín đồ Đấng Christ, và tại sao tinh thần đó là thuộc về “đất”, “cầm thú” và “ma-quỉ”?

15 Điều đáng buồn là một số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã có tinh thần ghen tị và tranh cạnh—kẻ thù của sự hòa thuận. Gia-cơ nói: “Sự khôn-ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác-thịt [“cầm thú”, NW] và về ma-quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen-tương tranh-cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn-lạo và đủ mọi thứ ác”. (Gia-cơ 3:14-16) Một số người cho rằng từ Hy Lạp được dịch ra là “tranh-cạnh” ám chỉ tham vọng ích kỷ, dùng thủ đoạn để giành địa vị. Gia-cơ có lý khi nói nó thuộc về “đất, về cầm thú và về ma-quỉ”. Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo thế giới luôn tranh giành lẫn nhau như loài dã thú cắn xé nhau. Sự tranh cạnh quả thuộc về “đất” và “cầm thú”. Tính cách này cũng thuộc về “ma-quỉ” vì thể hiện đầu tiên nơi vị thiên sứ khao khát quyền lực đã lên mình chống lại cả Giê-hô-va Đức Chúa Trời và trở thành Sa-tan, chúa quỉ.

16. Một số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã thể hiện tinh thần giống Sa-tan như thế nào?

16 Gia-cơ thúc giục tín đồ Đấng Christ hãy cưỡng lại tinh thần cạnh tranh vì nó không mang lại sự hòa thuận. Ông viết: “Tại sao giữa anh em có những xung đột, tranh chấp? Không phải là do dục vọng thôi thúc trong lòng anh em sao?” (Gia-cơ 4:1, BDÝ) “Dục vọng” ở đây có thể là sự tham muốn vô độ đối với của cải vật chất, hoặc ham thích địa vị và thế lực. Giống như Sa-tan, một số người trong hội thánh dường như mong muốn được nổi bật thay vì làm ‘kẻ hèn-mọn hơn hết’ như Chúa Giê-su nói về môn đồ thật của ngài. (Lu-ca 9:48) Tinh thần đó có thể làm mất đi hòa khí trong hội thánh.

17. Làm thế nào tín đồ Đấng Christ ngày nay xây dựng hòa bình trong hội thánh?

17 Ngày nay, chúng ta cũng phải cưỡng lại khuynh hướng ghen tị, ham muốn vật chất hay tham vọng vô nghĩa. Nếu thật sự là người xây dựng hòa bình, chúng ta sẽ không cảm thấy bị đe dọa khi trong hội thánh có người giỏi hơn mình trong lãnh vực nào đó, và cũng không làm mất uy tín họ bằng cách nghi ngờ động cơ của họ. Nếu có khả năng xuất sắc, chúng ta sẽ không dùng nó để nổi hơn người khác, như thể hội thánh chỉ phát triển được nhờ sự tài giỏi của chúng ta. Tinh thần đó chỉ gây chia rẽ, chứ không mang lại sự hòa thuận. Người xây dựng hòa bình không phô trương tài năng nhưng khiêm tốn dùng nó để phục vụ anh em và tôn vinh Đức Giê-hô-va. Họ ý thức rằng cuối cùng chính tình yêu thương mới là dấu hiệu nhận dạng tín đồ thật của Đấng Christ, chứ không phải năng lực.—Giăng 13:35; 1 Cô-rinh-tô 13:1-3.

“Sự bình-an làm quan cai-trị ngươi”

18. Làm thế nào các trưởng lão vun đắp sự hòa thuận với nhau?

18 Các trưởng lão nêu gương trong việc xây dựng sự hòa thuận. Đức Giê-hô-va báo trước về dân Ngài: “Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. (Ê-sai 60:17) Phù hợp với lời tiên tri này, những người chăn của Đấng Christ cố gắng vun đắp sự hòa thuận giữa họ và trong bầy. Các trưởng lão có thể giữ hòa thuận với nhau bằng cách bày tỏ “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”, tức thái độ hiếu hòa và tiết độ. (Gia-cơ 3:17) Với hoàn cảnh xuất thân và kinh nghiệm sống khác nhau, các trưởng lão đôi khi sẽ có quan điểm khác nhau. Phải chăng điều đó có nghĩa là họ thiếu hòa thuận? Không, nếu sự bất đồng được giải quyết đúng cách. Người xây dựng hòa bình sẽ khiêm tốn trình bày suy nghĩ của mình, đồng thời tôn trọng lắng nghe ý kiến của người khác. Thay vì khăng khăng đòi theo cách mình, người sẽ thực tâm suy xét quan điểm của các anh khác. Nếu không có nguyên tắc Kinh Thánh nào bị vi phạm, thường có thể xem xét nhiều ý kiến khác nhau. Nếu những người khác không đồng ý với mình, người xây dựng hòa bình sẽ sẵn sàng vâng phục và ủng hộ quyết định của đa số. Hành động này thể hiện tính phải lẽ. (1 Ti-mô-thê 3:2, 3) Những giám thị có kinh nghiệm biết rằng duy trì sự hòa thuận quan trọng hơn là làm theo ý riêng mình.

19. Làm thế nào các trưởng lão xây dựng sự hòa thuận trong hội thánh?

19 Trưởng lão vun đắp sự hòa thuận với các thành viên trong bầy bằng cách luôn sẵn sàng giúp đỡ và không phê bình thái quá những nỗ lực của họ. Đúng là đôi khi một số người có thể cần được sửa chữa. (Ga-la-ti 6:1) Nhưng công việc chính của người giám thị không phải là thi hành kỷ luật. Anh thường cho lời khen. Những trưởng lão có lòng yêu thương cố gắng nhìn cái tốt ở người khác. Họ quý trọng những nỗ lực của anh em cùng đạo, và tin rằng họ đang cố gắng hết mình.—2 Cô-rinh-tô 2:3, 4.

20. Hội thánh được lợi ích thế nào nếu tất cả đều là những người xây dựng hòa bình?

20 Vậy, trong gia đình, trong hội thánh, và trong giao tiếp với những người không cùng đức tin, chúng ta hãy cố gắng tỏ thái độ hiếu hòa, xây dựng hòa bình. Nếu chăm chỉ vun đắp sự hòa thuận, chúng ta sẽ góp phần tạo nên niềm vui trong hội thánh. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ được bảo vệ và thêm sức qua nhiều cách, như sẽ thấy trong bài tới.

Bạn còn nhớ không?

• Yêu chuộng hòa bình có nghĩa gì?

• Làm thế nào chúng ta có thể tỏ ra hiếu hòa với những người không cùng đức tin?

• Một số cách để vun đắp sự hòa thuận trong gia đình là gì?

• Làm thế nào các trưởng lão có thể đẩy mạnh sự hòa thuận trong hội thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Người xây dựng hòa bình tránh thái độ tự tôn

[Các hình nơi trang 10]

Tín đồ Đấng Christ là những người xây dựng hòa bình trong thánh chức, gia đình và hội thánh