Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va sẽ giáng phước cho bạn không?

Đức Giê-hô-va sẽ giáng phước cho bạn không?

Đức Giê-hô-va sẽ giáng phước cho bạn không?

“Nếu ngươi [“tiếp tục”, “NW”] nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, nầy là mọi phước-lành sẽ giáng xuống trên mình ngươi”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 28:2.

1. Tùy thuộc vào điều gì dân Y-sơ-ra-ên được nhận lãnh phước lành hay phải gánh lấy sự rủa sả?

GẦN cuối cuộc hành trình 40 năm trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên dựng trại trong Đồng Bằng Mô-áp. Đất Hứa hiện ra trước mặt họ. Đây là lúc Môi-se viết sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, ghi lại hàng loạt những phước lành và rủa sả có thể sẽ đến với họ. Nếu dân Y-sơ-ra-ên “tiếp tục nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va” bằng cách vâng lời Ngài, phước lành sẽ “giáng xuống” họ. Đức Giê-hô-va yêu thương họ như “dân thuộc riêng về Ngài”, và sẵn sàng dùng quyền năng vì lợi ích của họ. Nhưng nếu không tiếp tục lắng nghe Ngài, chắc chắn họ cũng sẽ phải gánh lấy sự rủa sả.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:10-14; 26:18; 28:2, 15.

2. Các động từ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “tiếp tục nghe theo” và “giáng xuống” nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:2 có nghĩa gì?

2 Động từ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “tiếp tục nghe theo” nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:2 (NW) chỉ một hành động tiếp diễn. Dân Đức Giê-hô-va không phải chỉ thỉnh thoảng lắng nghe Ngài là đủ, mà phải tiếp tục làm thế trong mọi sự, suốt cả đời. Chỉ khi đó, Đức Chúa Trời mới giáng phước cho họ. Còn động từ Hê-bơ-rơ được dịch là “giáng xuống” là một từ dùng trong săn bắn thường có nghĩa “đuổi kịp” hoặc “bắt được”.

3. Làm thế nào chúng ta noi theo Giô-suê, và tại sao điều đó vô cùng quan trọng?

3 Giô-suê, người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, đã chọn lắng nghe Đức Giê-hô-va, và nhờ đó được ban phước. Ông nói: “Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự... Ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va”. Lúc đó, dân sự đều trả lời: “Chúng tôi quyết hẳn không lìa-bỏ Đức Giê-hô-va mà hầu việc các thần khác”! (Giô-suê 24:15, 16) Nhờ có thái độ đúng đắn, Giô-suê là một trong số ít ỏi những người đồng thế hệ ông được vào Đất Hứa. Ngày nay, chúng ta đang ở ngưỡng cửa một Đất Hứa còn tốt đẹp hơn gấp bội—địa đàng với vô vàn ân phước vượt xa thời Giô-suê đang chờ đón những người được Đức Chúa Trời chấp nhận. Những ân phước đó sẽ giáng trên bạn không? Có, nếu bạn tiếp tục lắng nghe Đức Giê-hô-va. Để có thêm quyết tâm làm điều đó, hãy xem xét lịch sử dân Y-sơ-ra-ên xưa và một số gương răn dạy.—Rô-ma 15:4.

Phước lành hay rủa sả?

4. Đáp lại lời cầu nguyện của Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời đã ban cho ông điều gì, và chúng ta nên cảm thấy thế nào về những ân phước đó?

4 Trong phần lớn triều đại Vua Sa-lô-môn, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào. Họ sống yên ổn và hưởng vô số những điều tốt lành. (1 Các Vua 4:25) Sa-lô-môn nổi tiếng là người giàu có, dù đó không phải là điều ông cầu xin Đức Chúa Trời. Thay vì thế, khi còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, ông đã cầu xin một tấm lòng biết vâng lời—một lời cầu xin được Đức Giê-hô-va nhậm bằng cách ban cho ông sự khôn ngoan và thông hiểu. Nhờ đó Sa-lô-môn xét xử dân chúng cách sáng suốt, phân biệt rõ ràng phải trái. Mặc dù cũng được Đức Giê-hô-va ban cho sự giàu sang và vinh quang, nhưng khi còn trẻ, Sa-lô-môn vẫn quý trọng giá trị cao hơn của sự giàu có về thiêng liêng. (1 Các Vua 3:9-13, NW) Dù giàu sang về vật chất hay không, chúng ta cũng vô cùng biết ơn vì được hưởng ân huệ của Đức Giê-hô-va và được giàu có về thiêng liêng!

5. Điều gì xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa không tiếp tục lắng nghe Đức Giê-hô-va?

5 Dân Y-sơ-ra-ên đã không bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Vì không tiếp tục lắng nghe Ngài, những sự rủa sả được báo trước đã đổ ập xuống họ. Họ phải khuất phục trước kẻ thù và dân cư ở Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều bị lưu đày. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:36; 2 Các Vua 17:22, 23; 2 Sử-ký 36:17-20) Qua những khổ ải đó, liệu dân Đức Chúa Trời có rút ra được bài học là Đức Giê-hô-va chỉ giáng phước cho những ai tiếp tục lắng nghe Ngài không? Những người Do Thái còn sót lại được trở về quê hương vào năm 537 TCN có cơ hội để chứng tỏ họ đã đạt được tấm “lòng khôn-ngoan” và giờ đây hiểu được tầm thiết yếu của việc tiếp tục lắng nghe Đức Chúa Trời hay chưa.—Thi-thiên 90:12.

6. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va phái A-ghê và Xa-cha-ri đến nói tiên tri với dân Ngài? (b) Nguyên tắc nào được nêu trong thông điệp của Đức Chúa Trời phán qua A-ghê?

6 Người Do Thái hồi hương dựng bàn thờ và khởi công xây lại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi gặp phải sự chống đối mạnh mẽ, lòng sốt sắng của họ bắt đầu yếu đi và công việc xây cất ngừng lại. (E-xơ-ra 3:1-3, 10; 4:1-4, 23, 24) Họ bắt đầu ưu tiên chăm lo tiện nghi riêng của mình. Vì thế, Đức Chúa Trời phái nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri đến khơi lại lòng sốt sắng của dân sự đối với sự thờ phượng thật. Qua A-ghê, Đức Giê-hô-va nói: “Nay có phải là thì-giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang-vu sao?... Các ngươi khá xem-xét đường lối mình. Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít; ăn mà không no;... và kẻ nào làm thuê, đựng tiền-công mình trong túi lủng”. (A-ghê 1:4-6) Khi từ bỏ những lợi ích về thiêng liêng để theo đuổi lợi ích vật chất, họ không được Đức Giê-hô-va ban phước.—Lu-ca 12:15-21.

7. Tại sao Đức Giê-hô-va nói với dân Do Thái: “Các ngươi khá xem-xét đường-lối mình”?

7 Quá bận tâm với những lo toan hằng ngày, người Do Thái đã quên rằng mưa móc và mùa màng tươi tốt đều là ân huệ Đức Chúa Trời ban xuống chỉ khi nào họ bền đỗ trong đường lối vâng phục Ngài, ngay dù bị chống đối. (A-ghê 1:9-11) Vì thế, lời khuyến giục này thật thích hợp: “Các ngươi khá xem-xét đường-lối mình”! (A-ghê 1:7) Có vẻ như Đức Giê-hô-va muốn nói với họ: ‘Hãy suy nghĩ đi! Hãy suy xét để thấy sự liên đới giữa công việc đồng áng vô hiệu của các ngươi với cảnh hoang tàn của nơi thờ phượng ta’. Những lời được Đức Giê-hô-va soi dẫn cho các nhà tiên tri cuối cùng đã động đến lòng dân chúng, khiến họ trở lại xây dựng đền thờ và hoàn tất vào năm 515 TCN.

8. Đức Giê-hô-va thúc giục dân Do Thái vào thời Ma-la-chi làm gì, và tại sao?

8 Sau đó, vào thời nhà tiên tri Ma-la-chi, dân Do Thái một lần nữa lại suy thoái về thiêng liêng, thậm chí dâng cho Đức Chúa Trời những của lễ không thể chấp nhận được. (Ma-la-chi 1:6-8) Vì vậy, Đức Giê-hô-va thúc giục họ hãy đóng một phần mười hoa lợi vào kho Ngài và thử xem Ngài có mở các cửa sổ trên trời để đổ phước cho họ đến độ hết chỗ chứa không. (Ma-la-chi 3:10) Người Do Thái thật dại dột làm sao khi lao khổ vì những thứ mà Đức Chúa Trời hẳn sẽ ban cho dồi dào nếu họ tiếp tục nghe theo tiếng Ngài phán!—2 Sử-ký 31:10.

9. Chúng ta sẽ xem xét cuộc đời của ba nhân vật nào trong Kinh Thánh?

9 Ngoài lịch sử dân tộc Y-sơ-ra-ên, Kinh Thánh còn ghi lại cuộc đời của nhiều người đã nhận lãnh phước lành hoặc sự rủa sả của Đức Chúa Trời, tùy vào việc họ có tiếp tục lắng nghe Ngài hay không. Hãy xem chúng ta có thể học được gì từ ba nhân vật trong số đó, là Bô-ô, Na-banh và An-ne. Để biết về họ, bạn có thể đọc sách Ru-tơ, 1 Sa-mu-ên 1:1–​2:21 và 1 Sa-mu-ên 25:2-42.

Bô-ô lắng nghe Đức Chúa Trời

10. Bô-ô và Na-banh có những điểm tương đồng nào?

10 Mặc dù Bô-ô và Na-banh không sống cùng thời nhưng họ có những điểm tương đồng. Chẳng hạn, cả hai đều sống trong xứ Giu-đa, là những địa chủ giàu có, và cùng có cơ hội đặc biệt để bày tỏ lòng nhân từ với người thiếu thốn. Nhưng họ chỉ giống nhau có thế.

11. Bô-ô cho thấy ông luôn lắng nghe Đức Giê-hô-va như thế nào?

11 Bô-ô sống vào thời các quan xét. Ông luôn tôn trọng người khác, và rất được các thợ gặt kính trọng. (Ru-tơ 2:4) Vâng theo Luật Pháp, ông luôn bảo đảm sao cho những bông lúa còn sót lại trong ruộng mình được để lại cho kẻ nghèo nàn và cùng khốn. (Lê-vi Ký 19:9, 10) Bô-ô làm gì khi biết hoàn cảnh của Ru-tơ và Na-ô-mi, và nhìn thấy Ru-tơ cần mẫn phụng dưỡng mẹ chồng lớn tuổi? Ông đặc biệt quan tâm tới Ru-tơ và ra lệnh cho các đầy tớ phải để nàng mót lúa trong ruộng. Qua lời nói và cách cư xử đầy yêu thương, Bô-ô cho thấy ông là người có thiêng liêng tính và biết lắng nghe Đức Giê-hô-va. Vì thế, ông được nhận lãnh ân huệ và sự chuẩn chấp của Ngài.—Lê-vi Ký 19:18; Ru-tơ 2:5-16.

12, 13. (a) Bô-ô bày tỏ sự tôn trọng sâu xa đối với luật chuộc sản nghiệp của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Bô-ô đã được Đức Chúa Trời giáng phước gì?

12 Bằng chứng nổi bật nhất về sự vâng phục của Bô-ô đối với Đức Giê-hô-va là việc ông rộng lượng thực hiện luật chuộc sản nghiệp. Bô-ô đã làm mọi cách để sản nghiệp người bà con là Ê-li-mê-léc, chồng quá cố của Na-ô-mi, vẫn thuộc về dòng Ê-li-mê-léc. Theo “bổn-phận của anh em chồng”, một góa phụ phải kết hôn với người bà con gần nhất của người chồng quá cố để có con trai nối dõi và thừa kế sản nghiệp cho chồng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-10; Lê-vi Ký 25:47-49) Ru-tơ đã đứng ra kết hôn thế cho Na-ô-mi vì bà đã quá tuổi sanh con. Sau khi người bà con gần nhất của Ê-li-mê-léc từ chối giúp Na-ô-mi, Bô-ô cưới Ru-tơ làm vợ. Con trai của họ là Ô-bết được xem như con của Na-ô-mi và là người thừa kế hợp pháp của Ê-li-mê-léc.—Ru-tơ 2:19, 20; 4:1, 6, 9, 13-16.

13 Bô-ô đã được giáng phước dồi dào vì vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời một cách bất vị kỷ. Qua con trai Ô-bết, ông và Ru-tơ được ban cho vinh dự trở thành tổ phụ của Chúa Giê-su Christ. (Ru-tơ 2:12; 4:13, 21, 22; Ma-thi-ơ 1:1, 5, 6) Những hành động rộng lượng của Bô-ô giúp chúng ta rút ra được bài học là những ai có lòng yêu thương người khác và sống phù hợp với đòi hỏi của Đức Chúa Trời sẽ được giáng phước.

Na-banh không lắng nghe

14. Na-banh là loại người thế nào?

14 Trái với Bô-ô, Na-banh không lắng nghe Đức Giê-hô-va. Ông vi phạm luật pháp này của Ngài: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”. (Lê-vi Ký 19:18) Na-banh không xem trọng những việc thiêng liêng; ông “cứng-cỏi hung-ác”. Ngay cả các đầy tớ ông cũng xem ông là “kẻ vô loài”. Thật thích hợp thay, tên Na-banh có nghĩa là “điên-dại” hay “ngu xuẩn”. (1 Sa-mu-ên 25:3, 17, Nguyễn Thế Thuấn; 25) Vậy, Na-banh phản ứng thế nào khi có cơ hội bày tỏ sự nhân từ với người thiếu thốn, là Đa-vít, người được Đức Giê-hô-va xức dầu?—1 Sa-mu-ên 16:13.

15. Na-banh đã đối xử thế nào với Đa-vít, và A-bi-ga-in cư xử khác với chồng bà ra sao?

15 Khi đóng trại gần bầy gia súc của Na-banh, Đa-vít và người của ông đã giúp bảo vệ chúng khỏi bọn cướp bóc mà không hề đòi trả công. Một người chăn gia súc cho Na-banh nói: “Ngày và đêm họ dường như tường che cho chúng tôi”. Thế mà khi người của Đa-vít hỏi xin thực phẩm, Na-banh lại “gắt-gỏng” và đuổi họ về tay không. (1 Sa-mu-ên 25:2-16) A-bi-ga-in, vợ của Na-banh lập tức đem thực phẩm đến cho Đa-vít. Vì vô cùng tức giận, Đa-vít đã suýt ra tay tuyệt diệt cả nhà Na-banh. Do đó, sự khôn ngoan của A-bi-ga-in đã cứu được nhiều người và giúp Đa-vít tránh tội đổ huyết. Nhưng tính tham lam và bất nhân của Na-banh đã đi quá xa. Vì thế, mười ngày sau, “Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết”.—1 Sa-mu-ên 25:18-38.

16. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo Bô-ô và loại bỏ thái độ giống Na-banh?

16 Bô-ô và Na-banh thật tương phản biết bao! Chúng ta nên loại bỏ thái độ bất nhân và ích kỷ của Na-banh, nhưng noi theo sự nhân từ và rộng lượng của Bô-ô. (Hê-bơ-rơ 13:16) Chúng ta có thể làm thế bằng cách áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Ngày nay, các tín đồ Đấng Christ thuộc lớp “chiên khác”, với hy vọng sống trên đất, có đặc ân làm điều thiện cho những người được xức dầu của Đức Giê-hô-va, tức phần còn sót lại trong số 144.000 người sẽ được hưởng sự bất tử ở trên trời. (Giăng 10:16; 1 Cô-rinh-tô 15:50-53; Khải-huyền 14:1, 4) Những hành động yêu thương đó được Chúa Giê-su xem như làm cho chính ngài, và sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào.—Ma-thi-ơ 25:34-40; 1 Giăng 3:18.

Những thử thách và phước lành của An-ne

17. An-ne phải đương đầu với những thử thách nào, và bà bày tỏ thái độ ra sao?

17 Đức Giê-hô-va cũng giáng phước cho người nữ tin kính An-ne. Bà sống ở miền cao nguyên Ép-ra-im cùng chồng là Ên-ca-na, người Lê-vi. Ông có một người vợ khác tên là Phê-ni-na, phù hợp với những quy định và sự cho phép của Luật Pháp. An-ne bị son sẻ, một nỗi sỉ nhục đối với phụ nữ Y-sơ-ra-ên, còn Phê-ni-na thì có nhiều con cái. (1 Sa-mu-ên 1:1-3; 1 Sử-ký 6:16, 33, 34) Tuy nhiên, thay vì an ủi An-ne, Phê-ni-na lại cư xử thiếu yêu thương, trêu chọc đến độ bà phải khóc và bỏ ăn. Tệ hơn nữa, điều này cứ tái diễn “từ năm nầy đến năm kia”, mỗi lần gia đình đi lên đền Đức Giê-hô-va ở Si-lô. (1 Sa-mu-ên 1:4-8) Phê-ni-na thật nhẫn tâm, còn An-ne phải chịu đựng một thử thách khó khăn làm sao! Nhưng An-ne không bao giờ oán trách Đức Giê-hô-va, hay không đi cùng chồng lên Si-lô. Vì thế, cuối cùng bà đã được giáng phước.

18. An-ne nêu gương mẫu nào?

18 An-ne nêu gương mẫu xuất sắc cho dân Đức Giê-hô-va ngày nay, đặc biệt là đối với những người đã bị tổn thương bởi những nhận xét thiếu yêu thương của người khác. Trong những hoàn cảnh như thế, tự cô lập mình không phải là giải pháp. (Châm-ngôn 18:1) An-ne đã không để thử thách làm mất đi lòng ham thích được đến nơi dạy Lời Đức Chúa Trời và nơi dân Ngài nhóm lại để thờ phượng. Nhờ đó, bà vẫn mạnh mẽ về thiêng liêng. Mức độ thiêng liêng của bà thể hiện qua lời cầu nguyện tuyệt vời được ghi lại nơi 1 Sa-mu-ên 2:1-10. *

19. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với những sự ban cho về thiêng liêng?

19 Ngày nay tôi tớ Đức Giê-hô-va không còn thờ phượng ở đền thờ nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những sự ban cho về thiêng liêng như An-ne đã làm, chẳng hạn như bằng cách đều đặn tham dự các buổi nhóm họp, hội nghị và đại hội. Hãy tận dụng những cơ hội này để khuyến khích lẫn nhau trong sự thờ phượng thật dành cho Đức Giê-hô-va, Đấng đã ban cho chúng ta “ơn lành... lấy sự thánh-khiết và công-bình mà hầu việc Ngài,... không sợ-hãi gì hết”.—Lu-ca 1:74, 75; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

20, 21. Sự tin kính của An-ne được ban thưởng thế nào?

20 Đức Giê-hô-va đã chú ý đến sự tin kính của An-ne và ban thưởng cho bà thật nhiều. Trong một lần cùng gia đình đến Si-lô như mọi năm, An-ne, giàn giụa nước mắt, đã thành khẩn nài xin và hứa nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn-quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu-khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va”. (1 Sa-mu-ên 1:9-11) Đức Chúa Trời lắng nghe lời nài xin của An-ne và ban cho bà một con trai, được bà đặt tên là Sa-mu-ên. Khi cậu bé dứt sữa, bà đưa cậu đến Si-lô để hầu việc tại đền thờ.—1 Sa-mu-ên 1:20, 24-28.

21 An-ne đã bày tỏ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và thực hiện đúng lời hứa nguyện về Sa-mu-ên. Hãy hình dung ân phước lớn của bà và Ên-ca-na vì con trai yêu dấu của họ được hầu việc tại đền thờ Đức Giê-hô-va! Nhiều cha mẹ tín đồ Đấng Christ cũng được hưởng niềm vui và những ân phước tương tự vì con cái họ hầu việc với tư cách người tiên phong rao giảng trọn thời gian, thành viên gia đình Bê-tên, hoặc trong những đặc ân khác làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Hãy tiếp tục lắng nghe Đức Giê-hô-va!

22, 23. (a) Nếu tiếp tục nghe theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc điều gì? (b) Bài tới sẽ xem xét vấn đề nào?

22 Chúng ta có thể tin chắc điều gì nếu tiếp tục lắng nghe Đức Giê-hô-va? Nếu yêu mến Đức Chúa Trời hết linh hồn và hoàn thành lời hứa nguyện dâng mình cho Ngài, chúng ta sẽ được giàu có về thiêng liêng. Ngay dù phải chịu đựng nhiều thử thách cam go khi làm thế, chúng ta chắc chắn sẽ được Đức Giê-hô-va giáng phước—thường nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.—Thi-thiên 37:4; Hê-bơ-rơ 6:10.

23 Nhiều ân phước sẽ đến với dân Đức Chúa Trời trong tương lai. Vì vâng theo Đức Giê-hô-va, một đám đông “vô-số người” sẽ được che chở qua khỏi “cơn đại-nạn”, và được vui hưởng đời sống trong thế giới mới của Ngài. (Khải-huyền 7:9-14; 2 Phi-e-rơ 3:13) Tại đó, Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn làm thỏa nguyện mọi ước muốn đúng đắn của dân Ngài. (Thi-thiên 145:16) Tuy nhiên, bài tới sẽ cho thấy ngay từ bây giờ những người tiếp tục nghe theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va đã hưởng được ‘ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đến từ nơi cao’.—Gia-cơ 1:17.

[Chú thích]

^ đ. 18 Lời bộc bạch của An-ne có vài chỗ tương tự như lời của trinh nữ Ma-ri khi bà biết rằng mình sẽ trở thành mẹ của Đấng Mê-si.—Lu-ca 1:46-55.

Bạn còn nhớ không?

• Lịch sử nước Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta điều gì về phước lành của Đức Chúa Trời?

• Bô-ô và Na-banh khác nhau thế nào?

• Làm thế nào chúng ta có thể noi gương An-ne?

• Tại sao phải tiếp tục nghe theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Vua Sa-lô-môn cầu xin một tấm lòng biết vâng lời và được Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan

[Hình nơi trang 12]

Bô-ô đối xử với người khác một cách tôn trọng và nhân từ

[Hình nơi trang 15]

An-ne được ban phước lớn vì nương cậy nơi Đức Giê-hô-va