Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có điều gì đó thật sự giúp người ta hợp nhất được không?

Có điều gì đó thật sự giúp người ta hợp nhất được không?

Có điều gì đó thật sự giúp người ta hợp nhất được không?

DÙ CÓ tín ngưỡng nào đi chăng nữa, có thể bạn đồng ý rằng hẳn phải có những người yêu chuộng lẽ thật trong hầu hết các tôn giáo. Hẳn là trong vòng người theo Ấn Độ Giáo, Công Giáo, Do Thái Giáo và những tôn giáo khác có thể tìm thấy những người quý trọng chân lý một cách sâu xa và sẵn sàng đi tìm chân lý đó. Thế nhưng, tôn giáo dường như lại chia rẽ nhân loại. Một số người thậm chí lợi dụng tôn giáo để mưu đồ việc ác. Sẽ có ngày những người thành thật trong mọi tôn giáo vốn là những người yêu chuộng điều lành và chân lý được hợp nhất lại với nhau không? Họ có thể nào đoàn kết với nhau vì một mục đích chung không?

Thật đáng lo ngại khi nhìn thấy tôn giáo càng ngày càng gây chia rẽ thêm! Hãy xem một số những cuộc xung đột này. Ở Sri Lanka, người Ấn Độ Giáo giao tranh với người Phật Giáo. Người Tin Lành, Công Giáo và Do Thái Giáo đã làm đổ máu trong những cuộc xung đột khác nhau. “Tín hữu Ki-tô Giáo” giao tranh với người Hồi Giáo ở Chechnya, Indonesia và Kosovo. Và vào tháng 3 năm 2000, những vụ xô xát về tôn giáo trong hai ngày đã giết hại 300 người Nigeria. Thật thế, sự thù ghét giữa tôn giáo đã tăng thêm sự tàn khốc của các cuộc xung đột này.

Những người thành thật thường nản chí trước sự gian ác gây ra nhân danh tôn giáo. Chẳng hạn, nhiều tín đồ đi nhà thờ sửng sốt khi biết rằng những tu sĩ đã lạm dụng tình dục trẻ em lại chính thức được một số nhà thờ dung túng. Những tín đồ khác rất ngượng trước sự chia rẽ trong vòng các giáo phái Ki-tô Giáo về những vấn đề như đồng tính luyến ái và phá thai. Rõ ràng, tôn giáo không có hợp nhất nhân loại. Thế nhưng có những người thật sự yêu chuộng lẽ thật từ nhiều tôn giáo khác nhau, như những kinh nghiệm sau đây cho thấy.

Họ khao khát lẽ thật

Fidelia là một người Công Giáo chân thành và sùng đạo, đi Nhà Thờ San Francisco ở La Paz, xứ Bolivia. Bà quỳ lạy trước tượng bà Ma-ri và trước cây thánh giá bà thắp những ngọn nến tốt nhất mà bà có thể mua được. Mỗi tuần, bà biếu nhiều thực phẩm cho các linh mục để phân phát cho người nghèo. Tuy nhiên, năm con nhỏ của Fidelia đã chết trước khi được rửa tội. Khi linh mục nói với bà rằng tất cả chúng đều chịu khổ trong sự tối tăm của u linh giới, Fidelia tự hỏi: ‘Nếu Thiên Chúa hoàn thiện, sao lại có thể như thế được?’

Tara, một bác sĩ, lớn lên theo Ấn Độ Giáo ở Kathmandu, xứ Nepal. Theo phong tục cổ hàng thế kỷ do tổ tiên truyền lại, bà thờ các thần trong các đền đài thuộc Ấn Độ Giáo và cũng có thần tượng ở nhà. Nhưng Tara lại phân vân về những thắc mắc như: Tại sao có nhiều sự đau khổ như thế? Tại sao người ta chết? Bà tìm được rất ít lời giải đáp thỏa đáng trong tôn giáo của bà.

Còn Panya thì lớn lên là phật tử trong một căn nhà cạnh kênh đào ở Bangkok, Thái Lan. Ông được dạy rằng sự đau khổ là do tội lỗi phạm phải ở những kiếp trước và người ta có thể thoát khỏi điều này bằng cách loại trừ hết mọi sự ham muốn trong lòng. Giống như những phật tử thành thật khác, ông được dạy phải kính phục sâu xa sự khôn ngoan của các sư mặc áo cà sa màu vàng đến nhà khất thực mỗi sáng. Ông ngồi thiền và sưu tập tượng Phật với niềm tin sẽ được phù hộ. Sau khi bị tai nạn trầm trọng khiến ông bị bán thân bất toại, Panya đi đến các tu viện Phật Giáo, thành thật hy vọng được chữa lành bằng phép lạ. Ông không lành bệnh cũng không được giác ngộ về tâm linh. Thay vì thế, ông vướng vào thuật thông linh và bắt đầu đi vào con đường đó.

Virgil sinh tại Hoa Kỳ và hồi còn đi học đại học đã gia nhập nhóm Hồi Giáo Da Đen. Anh sốt sắng phân phát các ấn phẩm của họ, cho rằng người da trắng là Quỉ. Họ nghĩ rằng chính vì thế mà người da trắng đã phạm phải không biết bao sự tàn ác đối với người da đen. Dù thành thật trong niềm tin của mình, Virgil mãi thắc mắc: Làm sao tất cả những người da trắng lại có thể xấu hết được? Và tại sao sự giảng đạo lại xoay quanh tiền bạc nhiều đến thế?

Dù lớn lên ở Nam Mỹ, nơi phần lớn theo Công Giáo, Charo lại là người Tin Lành có lòng thành. Bà hài lòng vì không thờ hình tượng giống như những người chung quanh. Charo vui thích đi nhà thờ mỗi Chủ Nhật vì các giáo lễ đầy xúc động. Bà sẽ hô to “A-lê-lu-gia”, cùng hát thánh ca và sau đó nhảy múa chung nhiều người. Charo thành thật tin rằng bà đã được cứu rỗi và được sinh lại. Bà đóng góp một phần mười tiền lương cho nhà thờ và khi người giảng Phúc Âm mà bà thích nhất trên truyền hình kêu gọi đóng góp, bà gửi tiền cho ông ta để giúp trẻ em ở Phi Châu. Tuy nhiên, khi bà hỏi mục sư về lý do tại sao một Đức Chúa Trời yêu thương lại hành hạ linh hồn trong địa ngục, bà hiểu ra ông ấy không có câu trả lời thỏa đáng nào cả. Sau đó, bà khám phá ra rằng tiền bà đóng góp đã không được dùng để giúp trẻ em ở Phi Châu.

Dù có gốc gác khác nhau, năm nhân vật kể trên đều có chung một điểm. Tất cả đều yêu chuộng lẽ thật và thành thật tìm kiếm câu trả lời chân thật cho các câu hỏi của họ. Nhưng có thể nào họ thật sự được hợp nhất trong sự thờ phượng thật không? Bài kế tiếp sẽ trả lời câu hỏi đó.

[Hình nơi trang 4]

Có thể nào những người thuộc gốc gác khác nhau thật sự được hợp nhất không?

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

G.P.O., Jerusalem