Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi theo Đức Giê-hô-va khi dạy dỗ con cái

Hãy noi theo Đức Giê-hô-va khi dạy dỗ con cái

Hãy noi theo Đức Giê-hô-va khi dạy dỗ con cái

“Có người nào là con mà cha không sửa-phạt?”—HÊ-BƠ-RƠ 12:7.

1, 2. Tại sao ngày nay việc nuôi dạy con cái lại khó khăn?

MỘT cuộc thăm dò tại Nhật Bản cách đây vài năm cho thấy khoảng phân nửa số người trưởng thành được phỏng vấn cảm thấy cha mẹ và con cái hiếm khi có dịp trò chuyện với nhau, và cha mẹ nuông chiều con cái quá độ. Cũng tại nước đó, gần một phần tư các đối tượng trong một cuộc thăm dò khác đã thừa nhận họ không biết phải đối xử thế nào với con cái. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Phương Đông. Tờ The Toronto Star viết: “Nhiều bậc cha mẹ ở Canada thừa nhận họ không biết chắc thế nào là cha mẹ tốt”. Các bậc làm cha làm mẹ ở khắp mọi nơi đều cảm thấy nuôi dạy con cái là một trọng trách nặng nề.

2 Tại sao nuôi dạy con cái lại khó khăn đến thế? Một trong những nguyên nhân chính yếu là do chúng ta đang sống trong những “ngày sau-rốt” và “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Ngoài ra, Kinh Thánh cũng cho biết: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Những người trẻ cũng đặc biệt dễ bị Sa-tan tấn công vì hắn như “sư-tử rống” săn tìm những người thiếu kinh nghiệm. (1 Phi-e-rơ 5:8) Khó khăn chắc chắn sẽ càng nhiều hơn trong trường hợp cha mẹ là tín đồ Đấng Christ bởi họ muốn nuôi dạy con cái theo “sự sửa-phạt [“kỷ luật”, NW] khuyên-bảo của Chúa”. (Ê-phê-sô 6:4) Vậy, làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái trở thành những người thành thục thờ phượng Đức Giê-hô-va, biết phân biệt “điều lành và dữ”?—Hê-bơ-rơ 5:14.

3. Tại sao cha mẹ cần sửa trị và hướng dẫn con cái nếu muốn chúng nên người?

3 Vua Sa-lô-môn khôn ngoan nhận xét: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. (Châm-ngôn 13:1; 22:15) Để loại bỏ sự ngu dại khỏi lòng con cái, cha mẹ cần yêu thương sửa trị chúng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những người trẻ cũng sẵn sàng đón nhận sự sửa trị. Trên thực tế, họ thường khó chịu khi phải nghe lời khuyên, bất kể là của ai. Vì thế, cha mẹ phải biết cách “dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”. (Châm-ngôn 22:6) Khi con cái biết tuân thủ kỷ luật, điều đó có thể giữ gìn tính mạng chúng. (Châm-ngôn 4:13) Biết cách dạy dỗ con cái thật quan trọng thay đối với các bậc cha mẹ!

Kỷ luật nghĩa là gì?

4. Từ “kỷ luật” trong Kinh Thánh chủ yếu có nghĩa gì?

4 Một số bậc cha mẹ tránh sửa trị con cái vì sợ bị buộc tội ngược đãi chúng về mặt thể chất, tình cảm, hay trong lời nói. Sự sợ hãi đó không cần thiết. Từ “kỷ luật” trong Kinh Thánh không hề hàm ý bất kỳ sự ngược đãi hay tàn ác nào. Từ Hy Lạp được dịch ra là “kỷ luật” chủ yếu liên hệ tới sự hướng dẫn, dạy dỗ, sửa trị, và đôi khi răn phạt một cách nghiêm nghị nhưng yêu thương.

5. Tại sao chúng ta được lợi ích khi xem xét cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Ngài?

5 Giê-hô-va Đức Chúa Trời là gương mẫu tuyệt hảo trong việc ban kỷ luật như thế. So sánh Đức Giê-hô-va với người cha xác thịt, sứ đồ Phao-lô viết: “Có người nào là con mà cha không sửa-phạt?... Cha về phần xác theo ý mình mà sửa-phạt chúng ta tạm-thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa-phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh-khiết Ngài”. (Hê-bơ-rơ 12:7-10) Thật vậy, Đức Giê-hô-va kỷ luật dân Ngài nhằm mục đích khiến họ nên thánh, hay trong sạch. Chắc chắn khi xem xét cách Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân Ngài, chúng ta có thể học được nhiều điều về cách đưa trẻ vào khuôn khổ của kỷ luật.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Ma-thi-ơ 7:11; Ê-phê-sô 5:1.

Động lực yêu thương

6. Tại sao cha mẹ có thể khó noi theo gương yêu thương của Đức Giê-hô-va?

6 Sứ đồ Giăng nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Như vậy, sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va luôn luôn được thúc đẩy bởi lòng yêu thương. (1 Giăng 4:8; Châm-ngôn 3:11, 12) Phải chăng điều đó có nghĩa là những cha mẹ thương con sẽ dễ noi theo gương mẫu của Đức Giê-hô-va? Không hẳn là vậy. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là tình yêu thương theo nguyên tắc. Một học giả về phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cho biết tình yêu thương đó “không phải lúc nào cũng xuôi theo tình cảm tự nhiên”. Đức Chúa Trời không bị tình cảm làm cho mù quáng. Ngài luôn suy xét điều gì là tốt nhất cho dân Ngài.—Ê-sai 30:20, NW; 48:17.

7, 8. (a) Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu nào trong việc thể hiện tình yêu thương theo nguyên tắc đối với dân Ngài? (b) Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể noi gương Đức Giê-hô-va trong việc giúp con cái phát triển khả năng làm theo các nguyên tắc Kinh Thánh?

7 Hãy xem tình yêu thương được Đức Giê-hô-va thể hiện qua cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se đã dùng một minh họa cảm động để miêu tả tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với dân tộc Y-sơ-ra-ên non trẻ. Chúng ta đọc: “Như phụng-hoàng [“đại bàng”, Nguyễn Thế Thuấn] phấp-phới giỡn ổ mình, bay chung-quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn-dắt [Gia-cốp] thể ấy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:9, 11, 12) Để dạy chim con bay, đại bàng mẹ “phấp-phới giỡn ổ mình”, đồng thời vỗ cánh liên tục hầu khuyến khích chim con cất cánh. Khi một chim con lao ra khỏi tổ, thường nằm trên các mỏm đá cao, chim mẹ “bay chung-quanh” nó. Khi chim con có nguy cơ rớt xuống đất, chim mẹ liền lượn xuống cõng nó “trên chéo cánh”. Đức Giê-hô-va cũng chăm sóc cho dân tộc Y-sơ-ra-ên non trẻ một cách đầy yêu thương như vậy. Ngài ban cho họ Luật Pháp Môi-se. (Thi-thiên 78:5-7) Sau đó, Ngài chăm chú dõi theo họ, sẵn sàng tiếp cứu khi họ gặp khó khăn.

8 Làm thế nào các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ có thể noi theo gương yêu thương của Đức Giê-hô-va? Trước hết, họ phải dạy con cái những nguyên tắc và tiêu chuẩn được ghi trong Lời Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9) Mục đích là giúp con cái biết quyết định phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. Khi làm điều này, các bậc cha mẹ yêu thương cũng ‘bay’ chung quanh con mình, theo nghĩa bóng, quan sát cách chúng áp dụng các nguyên tắc học được. Khi con cái lớn hơn và dần dần được tự do nhiều hơn, cha mẹ biết quan tâm sẽ sẵn sàng “lượn xuống”, ‘cõng con mình trên chéo cánh’ bất cứ lúc nào chúng gặp nguy hiểm. Nguy hiểm nào?

9. Các bậc cha mẹ thương con cần đặc biệt cảnh giác trước nguy hiểm nào? Hãy minh họa.

9 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên về hậu quả của việc có những mối giao du bất hảo. (Dân-số Ký 25:1-18; E-xơ-ra 10:10-14) Bạn bè xấu cũng là một nguy hiểm phổ biến ngày nay. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ nên noi theo Đức Giê-hô-va về phương diện này. Lisa, 15 tuổi, bắt đầu để ý một anh bạn không cùng đức tin và quan điểm đạo đức với gia đình em. Lisa kể: “Cha mẹ tức khắc để ý thấy sự thay đổi trong thái độ của em và tỏ ra quan tâm. Có lúc cha mẹ sửa trị, có lúc nhẹ nhàng khuyến khích em”. Cha mẹ Lisa đã ngồi lại kiên nhẫn lắng nghe em nói, nhờ đó họ có thể hiểu và giúp em đối phó được với thực chất của vấn đề, đó là sự khao khát được bạn bè chấp nhận. *

Hãy giữ không khí cởi mở

10. Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu tốt nào trong việc giữ liên lạc với dân Y-sơ-ra-ên?

10 Muốn thành công trong việc dạy dỗ con cái, cha mẹ phải cố gắng giữ không khí cởi mở. Mặc dù biết hết mọi điều trong lòng chúng ta, Đức Giê-hô-va vẫn khuyến khích chúng ta nói chuyện với Ngài. (1 Sử-ký 28:9) Sau khi ban Luật Pháp cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài chỉ định người Lê-vi hướng dẫn họ, và phái các đấng tiên tri đến lý luận và sửa trị họ. Ngài cũng sẵn lòng lắng nghe lời cầu nguyện của họ.—2 Sử-ký 17:7-9; Thi-thiên 65:2; Ê-sai 1:1-3, 18-20; Giê-rê-mi 25:4; Ga-la-ti 3:22-24.

11. (a) Làm thế nào cha mẹ có thể trò chuyện với con cái nhiều hơn? (b) Tại sao việc lắng nghe khi con cái trò chuyện là quan trọng?

11 Làm thế nào các bậc cha mẹ noi theo Đức Giê-hô-va trong việc trò chuyện với con cái? Điều tiên quyết là phải dành thời gian cho chúng. Cha mẹ cũng nên tránh những nhận xét thiếu suy nghĩ, xem thường con cái như: “Chỉ có thế thôi sao? Thế mà cứ tưởng chuyện gì ghê gớm lắm”, “Chuyện vớ vẩn”, “Thế còn muốn gì nữa? Con nít con nôi mà bày đặt đòi hỏi”. (Châm-ngôn 12:18) Để con cái thoải mái tâm sự, cha mẹ phải tập lắng nghe. Nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái khi chúng còn nhỏ, khi lớn lên chúng cũng sẽ không quan tâm đến họ. Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng lắng nghe dân Ngài. Ngài luôn lắng tai nghe lời cầu nguyện của những ai khiêm nhường tìm đến Ngài.—Thi-thiên 91:15; Giê-rê-mi 29:12; Lu-ca 11:9-13.

12. Cha mẹ nên bày tỏ những đức tính nào để con cái dễ gần gũi?

12 Hãy xem xét một số khía cạnh khác trong tính cách của Đức Chúa Trời khiến dân Ngài dễ đến gần Ngài. Thí dụ, Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã phạm trọng tội là ngoại tình với Bát-Sê-ba. Là người bất toàn, Đa-vít còn phạm những trọng tội khác trong đời ông. Tuy nhiên, ông không bao giờ sợ đến gần Đức Giê-hô-va để tìm sự tha thứ và quở trách của Ngài. Chắc chắn, sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời đã khiến Đa-vít dễ trở lại cùng Ngài. (Thi-thiên 103:8) Bằng cách bày tỏ những đức tính thương xót và độ lượng giống Đức Chúa Trời, cha mẹ giúp duy trì không khí cởi mở ngay cả khi con cái lầm lỡ.—Thi-thiên 103:13; Ma-la-chi 3:17, Tòa Tổng Giám Mục.

Hãy tỏ ra phải lẽ

13. Sự phải lẽ hàm ý gì?

13 Khi lắng nghe con cái, cha mẹ cần tỏ ra phải lẽ và thể hiện “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”. (Gia-cơ 3:17) Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em”. (Phi-líp 4:5, NW) Phải lẽ nghĩa là gì? Một định nghĩa của từ “phải lẽ” trong tiếng Hy Lạp là “không đòi hỏi khắt khe”. Làm thế nào các bậc cha mẹ vừa giữ đúng các tiêu chuẩn thiêng liêng và đạo đức, vừa tỏ ra phải lẽ?

14. Đức Giê-hô-va tỏ ra phải lẽ thế nào đối với Lót?

14 Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu xuất sắc về tính phải lẽ. (Thi-thiên 10:17) Khi Ngài thúc giục Lót cùng gia đình rời khỏi thành Sô-đôm sắp bị hủy diệt, Lót cứ “lần-lữa”. Sau đó, khi thiên sứ Đức Giê-hô-va bảo ông hãy trốn lên núi, Lót nói: “Tôi chạy trốn lên núi không kịp... Kìa, thành kia [Xoa] đã nhỏ, lại cũng gần đặng tôi có thế ẩn mình. Ôi! chớ chi Chúa cho tôi ẩn đó đặng cứu tròn sự sống tôi. Thành nầy há chẳng phải nhỏ sao?” Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào trước lời cầu xin này? Ngài nói: “Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa, sẽ không hủy-diệt thành của ngươi đã nói đó đâu”. (Sáng-thế Ký 19:16-21, 30) Đức Giê-hô-va sẵn lòng chấp nhận lời thỉnh cầu của Lót. Đành rằng các bậc cha mẹ cần theo sát những tiêu chuẩn mà Đức Giê-hô-va đã đề ra trong Lời Ngài là Kinh Thánh, nhưng họ vẫn có thể chiều theo ý con cái nếu các nguyên tắc Kinh Thánh không bị vi phạm.

15, 16. Minh họa nơi Ê-sai 28:24, 25 giúp các bậc cha mẹ rút ra được bài học nào?

15 Phải lẽ còn bao gồm việc chuẩn bị lòng con trẻ, giúp chúng sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên bảo. Một cách ví von, Ê-sai đã so sánh Đức Giê-hô-va với một nhà nông: “Kẻ cày để gieo, há hằng ngày cứ cày luôn hay sao? Há chẳng vỡ đất và bừa hay sao? Khi đã bộng bằng mặt đất rồi, há chẳng vải tiểu-hồi, gieo đại-hồi ư? Há chẳng tỉa lúa-mì nơi rãnh, mạch-nha nơi đã cắm dấu, và đại-mạch trên bờ ư?”.—Ê-sai 28:24, 25.

16 Đức Giê-hô-va “cày để gieo”, “vỡ đất và bừa”. Như vậy, Ngài chuẩn bị lòng dân sự trước khi thi hành kỷ luật. Làm thế nào cha mẹ có thể “cày” lòng con cái khi sửa trị chúng? Một người cha đã noi gương Đức Giê-hô-va khi sửa trị đứa con trai bốn tuổi của mình. Khi bé đánh một đứa trẻ hàng xóm, trước hết anh kiên nhẫn lắng nghe lời phân bua của nó. Sau đó, như thể để “cày” lòng con trai mình, người cha kể cho nó nghe một câu chuyện về một cậu bé tội nghiệp luôn bị một thằng côn đồ ăn hiếp. Nghe xong câu chuyện, bé xúc động nói thằng côn đồ phải bị trừng phạt. Việc “cày” như thế đã giúp bé dễ dàng nhận ra việc đánh đứa trẻ hàng xóm là một hành vi côn đồ xấu xa.—2 Sa-mu-ên 12:1-14.

17. Ê-sai 28:26-29 cho bài học nào về cách sửa trị con cái?

17 Ê-sai cũng so sánh sự sửa trị của Đức Giê-hô-va với một công đoạn khác trong nghề nông, việc đập vỏ hạt. Nhà nông dùng những dụng cụ khác nhau để đập vỏ hạt tùy theo độ cứng của vỏ. Với tiểu hồi thì dùng cái gậy, đại hồi dùng cái đòn, còn những hạt có vỏ cứng hơn thì cán bằng xe hoặc bánh xe bò. Tuy nhiên, người ta không cán hạt cứng mạnh đến độ khiến chúng nát ra. Tương tự như vậy, khi muốn loại bỏ những tính xấu của dân Ngài, Đức Giê-hô-va áp dụng những biện pháp khác nhau tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của họ. Ngài không bao giờ độc đoán hay nặng tay. (Ê-sai 28:26-29) Đối với một số con trẻ, cha mẹ chỉ cần trừng mắt là đủ, không cần làm gì thêm. Một số đứa khác cần được nhắc nhở nhiều lần, và cũng có những đứa phải dùng biện pháp mạnh hơn mới dạy được. Cha mẹ phải lẽ sẽ dùng biện pháp sửa trị phù hợp với từng đứa con.

Hãy tạo thú vị trong các buổi thảo luận gia đình

18. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể sắp xếp thời gian để tổ chức buổi học Kinh Thánh đều đặn trong gia đình?

18 Một trong những cách tốt nhất để dạy dỗ con cái là đều đặn học Kinh Thánh chung và thảo luận đoạn Kinh Thánh mỗi ngày. Buổi học gia đình đạt hiệu quả tối ưu khi được tổ chức đều đặn. Nếu không lên chương trình hẳn hoi hoặc chỉ làm tùy hứng, buổi học sẽ không thường xuyên, nếu không muốn nói là không bao giờ có. Vì thế, các bậc cha mẹ phải “lợi-dụng thì-giờ” để tổ chức buổi học. (Ê-phê-sô 5:15-17) Tìm được thời gian cố định, thuận tiện cho tất cả thành viên trong gia đình là cả một vấn đề. Một người cha nhận thấy khi con cái lớn lên, thời khóa biểu khác nhau của chúng khiến gia đình khó tụ họp với nhau. Tuy nhiên, vào những buổi tối có nhóm họp hội thánh, gia đình luôn đông đủ. Vì thế, anh sắp đặt buổi học gia đình vào một trong các buổi tối đó. Buổi học tiến hành tốt đẹp, và cả ba người con của anh nay đều làm báp têm trở thành tôi tớ Đức Giê-hô-va.

19. Làm thế nào cha mẹ noi theo Đức Giê-hô-va khi hướng dẫn buổi học gia đình?

19 Tuy nhiên, nếu chỉ xem qua một tài liệu Kinh Thánh nào đó trong buổi học thì không đủ. Đức Giê-hô-va dùng các thầy tế lễ để dạy dỗ dân Do Thái hồi hương. Những người này “giải nghĩa” Luật Pháp, “làm cho người ta hiểu lời họ đọc”. (Nê-hê-mi 8:8) Một người cha đã thành công trong việc giúp cả bảy đứa con yêu mến Đức Giê-hô-va. Anh luôn rút vào phòng riêng trước buổi học gia đình để chuẩn bị và sửa soạn tài liệu cho phù hợp với nhu cầu của từng đứa con. Anh khiến buổi học trở nên hứng thú đối với con cái. Một trong những người con của anh nay đã lớn kể lại: “Buổi học bao giờ cũng rất vui. Nếu đang chơi banh ngoài sân mà nghe kêu vào học, chúng tôi lập tức bỏ banh, chạy vào ngay. Đó là một trong những buổi tối thú vị nhất trong tuần”.

20. Trong việc nuôi dạy con cái chúng ta cần xem xét vấn đề nào có thể xảy ra?

20 Người viết Thi-thiên tuyên bố: “Kìa, con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông-trái của tử-cung là phần thưởng”. (Thi-thiên 127:3) Dạy dỗ con cái đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng làm tốt việc đó có thể mang lại sự sống đời đời cho con cái bạn. Đó quả là một phần thưởng lớn thay! Vì thế, mong sao chúng ta sẽ sốt sắng noi theo Đức Giê-hô-va khi dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, dù cha mẹ được giao trọng trách “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]”, không có gì bảo đảm là họ sẽ thành công. (Ê-phê-sô 6:4) Ngay dù được nuôi nấng dạy dỗ thật đầy đủ, đứa con vẫn có thể nổi loạn và ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Cần phải làm gì trong trường hợp đó? Đó là chủ đề của bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 9 Những kinh nghiệm được nêu trong bài này và bài kế có thể khác với văn hóa của xứ bạn. Hãy cố gắng rút ra những nguyên tắc trong đó và thích ứng với văn hóa của bạn.

Câu trả lời của bạn là gì?

• Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể noi theo gương yêu thương của Đức Giê-hô-va như được miêu tả nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:11, 12?

• Bạn học được gì từ cách Đức Giê-hô-va giữ liên lạc với dân Y-sơ-ra-ên?

• Việc Đức Giê-hô-va lắng nghe lời thỉnh cầu của Lót dạy chúng ta điều gì?

• Bạn học được gì về cách sửa trị con cái qua Ê-sai 28:24-29?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8, 9]

Môi-se ví cách Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân Ngài như cách đại bàng chăm sóc con nhỏ mình

[Các hình nơi trang 10]

Các bậc cha mẹ cần dành thời gian cho con cái

[Hình nơi trang 12]

“Đó là một trong những buổi tối thú vị nhất trong tuần”