Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao giúp được đứa con “hoang-đàng”?

Làm sao giúp được đứa con “hoang-đàng”?

Làm sao giúp được đứa con “hoang-đàng”?

“[Hãy] vui-mừng, vì em con đây... đã mất mà lại thấy được”.—LU-CA 15:32.

1, 2. (a) Một số bạn trẻ đã có thái độ nào đối với đạo Đấng Christ? (b) Trong những hoàn cảnh đó, các bậc cha mẹ và bản thân người con thường cảm thấy thế nào?

“CON bỏ đạo!” Thật đau đớn cho các bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời khi phải nghe những lời này sau bao nhiêu năm gắng sức nuôi dạy con cái theo đạo Đấng Christ! Cũng có những bạn trẻ chỉ lặng lẽ “trôi lạc”. (Hê-bơ-rơ 2:1) Nhiều người trong số họ tương tự như người con hoang đàng bỏ nhà đi và tiêu sạch gia tài nơi phương xa trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su.—Lu-ca 15:11-16.

2 Mặc dù phần đông Nhân Chứng Giê-hô-va không gặp phải cảnh ngộ này, nhưng với những người đã gặp, thì không lời an ủi nào có thể xoa dịu hết nỗi đau của họ. Bản thân đứa con ngang bướng cũng đau khổ không ít. Trong thâm tâm, có thể lương tâm nó đang bị dằn vặt. Trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su, cuối cùng đứa con hoang đàng “tỉnh-ngộ”, khiến người cha vô cùng vui sướng. Làm thế nào các bậc cha mẹ và những người khác trong hội thánh có thể giúp những đứa trẻ như thế cũng “tỉnh-ngộ”?—Lu-ca 15:17.

Tại sao một số người trẻ từ bỏ lẽ thật

3. Một số lý do nào khiến các bạn trẻ từ bỏ hội thánh?

3 Hàng trăm ngàn thanh thiếu niên vui sướng phụng sự Đức Giê-hô-va trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Vậy, tại sao có những bạn trẻ lại muốn từ bỏ nơi đó? Có thể họ cảm thấy mình đang bỏ lỡ những điều tốt lành nào đó trong thế gian. (2 Ti-mô-thê 4:10) Hoặc họ nghĩ chuồng chiên an toàn của Đức Giê-hô-va quá chật hẹp gò bó. Mặt khác, cũng có em vì mang mặc cảm tội lỗi, quá chú ý đến người khác phái, hoặc mong muốn được bạn bè chấp nhận mà trôi giạt khỏi bầy Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, các em còn có thể ngưng phụng sự Đức Chúa Trời vì cảm thấy cha mẹ hoặc một số tín đồ Đấng Christ khác có vẻ giả hình.

4. Căn nguyên nào thường khiến các bạn trẻ bỏ đạo?

4 Thái độ ngang bướng của đứa trẻ thường là triệu chứng của sự suy yếu về thiêng liêng, phản ánh những gì chất chứa trong lòng nó. (Châm-ngôn 15:13; Ma-thi-ơ 12:34) Dù bỏ đạo vì lý do gì đi nữa, căn nguyên của vấn đề thường là do các em không có sự “thông-biết lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 3:7) Thay vì chỉ thờ phượng cách máy móc, điều quan trọng là các em phải vun trồng một mối quan hệ cá nhân mật thiết với Đức Giê-hô-va. Điều gì sẽ giúp các em làm thế?

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

5. Muốn vun trồng một mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời, các bạn trẻ nhất thiết phải làm gì?

5 Môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Muốn thế, các bạn trẻ cần được giúp đỡ để vun trồng lòng ham thích Lời Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 34:8) Trước hết, các em cần “sữa”, tức những dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh. Một khi đã biết thưởng thức Lời Đức Chúa Trời và ham thích “đồ-ăn đặc”—những hiểu biết sâu sắc về thiêng liêng—các em sẽ nhanh chóng trưởng thành về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 5:11-14; Thi-thiên 1:2) Một bạn trẻ từng bị cuốn hút theo lối sống thế gian đã bắt đầu quý trọng những giá trị thiêng liêng. Điều gì đã giúp em trở lại? Sau khi được khuyên nên đọc toàn bộ Kinh Thánh, em đã theo một chương trình đọc đều đặn. Thật vậy, đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời là điều thiết yếu để vun trồng mối quan hệ mật thiết với Ngài.

6, 7. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái ham thích Lời Đức Chúa Trời?

6 Về phía các bậc cha mẹ, giúp con cái ham thích Lời Đức Chúa Trời thật vô cùng quan trọng! Mặc dù học Kinh Thánh đều đặn với gia đình, một em gái vẫn giao du với những thanh thiếu niên hư hỏng. Em kể về buổi học gia đình: “Khi cha đặt câu hỏi, em chỉ đọc câu trả lời trong sách, thậm chí không buồn ngước lên nhìn cha”. Thay vì chỉ học lướt qua tài liệu, cha mẹ khôn ngoan nên vận dụng nghệ thuật giảng dạy. (2 Ti-mô-thê 4:2, NW) Những người trẻ chỉ cảm thấy thích thú khi bài học có liên quan tới các em. Sao không đặt những câu hỏi để gợi cho các em nói lên quan điểm mình? Hãy khuyến khích các em áp dụng thực tế tài liệu đang học. *

7 Ngoài ra, hãy làm cho cuộc thảo luận Kinh Thánh trở nên sinh động. Khi thích hợp, hãy cho con cái diễn lại các vở kịch và sự kiện trong Kinh Thánh. Hãy giúp chúng hình dung vị trí và những nét đặc thù của vùng đất nơi sự việc diễn ra. Bản đồ và sơ đồ có thể giúp ích. Thật vậy, với một chút trí tưởng tượng, buổi học gia đình có thể trở nên phong phú và sống động. Cha mẹ cũng nên xem xét mối quan hệ của chính họ với Đức Giê-hô-va. Bản thân họ phải đến gần Đức Giê-hô-va mới có thể giúp con cái làm điều đó.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7.

8. Cầu nguyện giúp một người đến gần Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Cầu nguyện cũng giúp một người đến gần Đức Chúa Trời. Một em gái ở tuổi thiếu niên cảm thấy bị giằng co giữa lối sống tín đồ Đấng Christ và những mối quan hệ với bạn bè khác đức tin. (Gia-cơ 4:4) Em đã làm gì? Em thú nhận: “Đó là lần đầu tiên em thật sự nói với Đức Giê-hô-va những cảm nghĩ của mình”. Sau cùng, em cho biết là lời cầu nguyện của em đã được nhậm vì sau đó em tìm được một người bạn trong hội thánh để tâm sự. Cảm nhận được sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va, em bắt đầu xây dựng mối quan hệ cá nhân với Ngài. Cha mẹ có thể giúp con cái bằng cách cải thiện chất lượng lời cầu nguyện của chính mình. Khi cầu nguyện với gia đình, cha mẹ hãy dốc đổ hết lòng mình để con cái thấy được mối dây liên lạc cá nhân giữa họ với Đức Giê-hô-va.

Vừa kiên nhẫn vừa cứng rắn

9, 10. Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu nào trong việc nhịn nhục đối với dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch?

9 Khi bắt đầu trôi giạt, một người trẻ có thể tìm cách tự cô lập mình và từ chối thảo luận về vấn đề thiêng liêng với cha mẹ, bất kể mọi nỗ lực của họ. Cha mẹ nên làm gì trong hoàn cảnh khó khăn đó? Hãy xem xét thái độ của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ngài đã chịu đựng dân “cứng cổ” này trong suốt hơn 900 năm mới bỏ mặc họ theo đường phản nghịch. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:9; 2 Sử-ký 36:17-21; Rô-ma 10:21) Mặc dù hết lần này đến lần khác họ cứ “thử” Ngài, nhưng Ngài vẫn “thương-xót” họ. “Nhiều khi Ngài xây cơn giận Ngài khỏi, chẳng nổi giận đến cực kì”. (Thi-thiên 78:38-42) Cách cư xử của Đức Chúa Trời không thể chê trách được. Các bậc cha mẹ có lòng yêu thương nên noi gương Đức Giê-hô-va và kiên nhẫn nếu con cái không đáp lại ngay những cố gắng của họ.

10 Nhịn nhục, hay kiên nhẫn không có nghĩa là nhịn chịu một thời gian dài, mà còn hàm ý không ngớt hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Đức Giê-hô-va nêu gương về cách nhịn nhục. Ngài chủ động “hằng” sai sứ giả đến cùng dân Y-sơ-ra-ên. Ngài vẫn “có lòng thương-xót dân-sự” ngay dù “chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài”. (2 Sử-ký 36:15, 16) Ngài kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên: “Mỗi người trong các ngươi hãy từ đường dữ mình trở lại”. (Giê-rê-mi 25:4, 5) Nhưng Đức Giê-hô-va không thỏa hiệp các nguyên tắc công bình của Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên được dạy phải “trở lại” cùng Đức Chúa Trời và đường lối Ngài.

11. Làm thế nào cha mẹ vừa nhịn nhục vừa cứng rắn trong cách đối xử với người con lầm lạc?

11 Cha mẹ noi gương nhịn nhục của Đức Giê-hô-va bằng cách không vội mất hy vọng nơi đứa con lầm lạc. Họ nên lạc quan và chủ động trong việc giữ không khí cởi mở hoặc nối lại liên lạc với người con. Họ nên “hằng” khuyên con trở lại đạo, nhưng không hạ thấp các tiêu chuẩn công bình.

Khi trẻ vị thành niên bị khai trừ

12. Cha mẹ có trách nhiệm nào đối với con cái vị thành niên còn sống chung đã bị khai trừ khỏi hội thánh?

12 Nếu một đứa con ở tuổi vị thành niên, còn sống chung với cha mẹ, phạm tội trọng và bị khai trừ khỏi hội thánh vì không ăn năn thì sao? Vì đứa con ở với họ, nên cha mẹ vẫn có trách nhiệm dạy dỗ và sửa trị nó phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Làm thế nào làm được điều này?—Châm-ngôn 6:20-22; 29:17.

13. Làm thế nào cha mẹ cố gắng động đến lòng đứa con đã phạm tội?

13 Họ có thể—thật ra, là nên—dạy dỗ và sửa trị đứa con qua chương trình học Kinh Thánh riêng với nó. Cha mẹ đừng nên đánh giá dựa trên vẻ cứng đầu bên ngoài mà phải cố gắng hiểu những gì chất chứa trong lòng đứa con. Căn bệnh về thiêng liêng của nó nghiêm trọng đến mức độ nào? (Châm-ngôn 20:5) Có thể đánh động chỗ nhạy cảm trong lòng nó chăng? Những câu Kinh Thánh nào có thể hiệu quả? Sứ đồ Phao-lô bảo đảm: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Thật vậy, cha mẹ có thể làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần bảo con không được tái phạm nữa. Họ còn phải cố gắng bắt đầu và duy trì quá trình chữa trị.

14. Để khôi phục mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, bước đầu tiên mà người trẻ phạm tội nên thực hiện là gì, và cha mẹ có thể giúp con mình bằng cách nào?

14 Một người trẻ đã phạm tội cần khôi phục lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Muốn vậy, bước đầu tiên phải làm là “ăn-năn và trở lại”. (Công-vụ 3:19; Ê-sai 55:6, 7) Để giúp con ăn năn, cha mẹ phải “nhịn-nhục, dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy” đứa con chống trả. (2 Ti-mô-thê 2:24-26) Họ cần “quở-trách” con theo đúng nghĩa của Kinh Thánh. Từ “quở trách” trong tiếng Hy Lạp còn có thể được dịch ra là “chứng tỏ cho biết”. (Khải-huyền 3:19; Giăng 16:8, Bản Diễn Ý) Vì thế, quở trách bao hàm đưa ra đầy đủ bằng chứng giúp cho đứa con nhận ra tội của nó. Điều đó quả không dễ. Nếu có thể được, cha mẹ khích động lòng đứa con, dùng mọi cách phù hợp với Kinh Thánh để thuyết phục nó. Họ nên cố gắng giúp nó hiểu sự cần thiết của việc “ghét điều dữ mà ưa điều lành”. (A-mốt 5:15) Khi đó, có thể nó sẽ “tỉnh-ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma-quỉ”.

15. Lời cầu nguyện đóng vai trò nào trong việc khôi phục mối quan hệ của người phạm tội với Đức Giê-hô-va?

15 Muốn khôi phục mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, điều thiết yếu khác phải làm là cầu nguyện. Dĩ nhiên, không ai nên “cầu-xin” cho một người từng kết hợp với hội thánh nhưng đã phạm tội trắng trợn và không ăn năn. (1 Giăng 5:16, 17; Giê-rê-mi 7:16-20; Hê-bơ-rơ 10:26, 27) Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan để biết đối phó trong tình huống đó. (Gia-cơ 1:5) Nếu đứa con bị khai trừ có dấu hiệu ăn năn nhưng không “dạn-dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời”, cha mẹ có thể cầu xin rằng nếu Đức Chúa Trời thấy có cơ sở để tha tội cho nó, xin ý Ngài được nên. (1 Giăng 3:21) Nghe những lời cầu nguyện này sẽ giúp đứa con thấy Đức Giê-hô-va là Đấng thương xót. *Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7; Gia-cơ 5:16.

16. Làm thế nào chúng ta giúp đỡ những người trong gia đình của người trẻ bị khai trừ?

16 Khi một người trẻ đã báp têm bị khai trừ, các thành viên trong hội thánh được yêu cầu tránh “làm bạn” với em. (1 Cô-rinh-tô 5:11; 2 Giăng 10, 11) Điều đó có thể giúp em “tỉnh-ngộ” và trở lại với bầy chiên an toàn của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 15:17) Tuy nhiên, dù em có trở lại hay không, các thành viên trong hội thánh cũng cần khích lệ những người trong gia đình em. Tất cả chúng ta nên tìm cơ hội để bày tỏ ‘lòng thương-xót’ và “nhân-từ” đối với họ.—1 Phi-e-rơ 3:8, 9.

Sự giúp đỡ của người khác

17. Các thành viên trong hội thánh nên ghi nhớ điều gì khi cố gắng giúp một em lầm lạc?

17 Đối với một em chưa bị khai trừ nhưng yếu đức tin thì sao? Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”. (1 Cô-rinh-tô 12:26, Tòa Tổng Giám Mục) Những người khác cần tích cực quan tâm đến em đó. Dĩ nhiên, cũng cần thận trọng, vì một em có vấn đề về thiêng liêng có thể ảnh hưởng không tốt đến những bạn trẻ khác. (Ga-la-ti 5:7-9) Trong hội thánh nọ, một số anh chị lớn đã có nhã ý mời những em yếu về thiêng liêng đến cùng chơi nhạc trẻ. Mặc dù các em rất nhiệt tình tham gia và thích thú những cuộc vui như thế, nhưng các em ảnh hưởng đến nhau và cuối cùng việc này đã khiến các em ngưng kết hợp với hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 15:33; Giu-đe 22, 23) Một em có vấn đề về thiêng liêng cần được chữa lành qua những cuộc họp mặt giúp em vun trồng lòng ham thích đối với những điều thiêng liêng, chứ không phải qua những cuộc vui không có xu hướng thiêng liêng. *

18. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo thái độ của người cha trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su?

18 Khi một người trẻ đã bỏ hội thánh nhưng rồi trở lại Phòng Nước Trời hay đến dự hội nghị, hãy nghĩ xem em cảm thấy thế nào. Lẽ nào chúng ta lại không nồng nhiệt chào đón em như người cha trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su? (Lu-ca 15:18-20, 25-32) Một thiếu niên đã bỏ hội thánh nhưng sau đó đến dự đại hội kể: “Tôi nghĩ mọi người sẽ làm ngơ trước một người như tôi, nhưng không, các anh chị đều đến chào đón tôi. Tôi rất xúc động”. Em đã bắt đầu học Kinh Thánh trở lại và làm báp têm.

Chớ bỏ cuộc

19, 20. Tại sao chúng ta nên giữ thái độ tích cực về đứa con “hoang-đàng”?

19 Giúp một đứa con “hoang-đàng” “tỉnh-ngộ” là cả một thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả cha mẹ và những người khác. Nhưng chớ bỏ cuộc. “[Đức Giê-hô-va] không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va muốn mọi người ăn năn và được sống. Thật thế, Ngài đã chủ động sắp đặt để giúp nhân loại hòa thuận lại với Ngài. (2 Cô-rinh-tô 5:18, 19) Sự kiên nhẫn của Ngài đã giúp hàng triệu người có cơ hội tỉnh ngộ.—Ê-sai 2:2, 3.

20 Vì vậy, lẽ nào các bậc cha mẹ lại không dùng mọi cách khả dĩ phù hợp với Kinh Thánh để giúp đứa con vị thành niên “hoang-đàng” tỉnh ngộ? Hãy noi gương Đức Giê-hô-va, vừa gắng nhịn nhục vừa thực hiện những bước tích cực hầu giúp con cái trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Hãy theo sát các nguyên tắc Kinh Thánh, cố gắng phản ánh những đức tính của Đức Giê-hô-va như yêu thương, công bình, khôn ngoan, đồng thời cầu xin Ngài giúp đỡ. Như nhiều người bướng bỉnh phản nghịch khác đã đáp lại lời mời yêu thương của Đức Giê-hô-va và trở lại, có thể đứa con “hoang-đàng” của bạn cũng sẽ trở lại bầy an toàn của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 15:6, 7.

[Chú thích]

^ đ. 6 Để biết thêm cách dạy dỗ hữu hiệu đối với các bạn trẻ, xin xem Tháp Canh, ngày 1-7-1999, trang 13-17.

^ đ. 15 Lời cầu nguyện cho các em vị thành niên bị khai trừ sẽ không được nêu công khai tại các buổi họp hội thánh vì những người khác có thể không biết tình trạng của người bị khai trừ.—Xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-10-1979, trang 31.

^ đ. 17 Để biết những lời khuyên cụ thể, xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-6-1972, trang 13-16; ngày 22-9-1996, trang 21-23.

Bạn còn nhớ không?

• Căn nguyên nào khiến một số bạn trẻ từ bỏ hội thánh?

• Làm thế nào giúp các bạn trẻ vun trồng mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va?

• Tại sao cha mẹ cần nhịn nhục và cứng rắn khi giúp đứa con “hoang-đàng”?

• Bằng cách nào những người trong hội thánh có thể giúp một thanh niên “hoang-đàng” trở lại?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Lời cầu nguyện chân thành của cha mẹ có thể giúp con cái cảm nhận được mối quan hệ cá nhân giữa cha mẹ với Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 15]

Đọc Lời Đức Chúa Trời là cách thiết yếu để vun trồng mối quan hệ mật thiết với Ngài

[Hình nơi trang 17]

Hãy chào đón đứa con “hoang-đàng” khi nó “tỉnh-ngộ”

[Hình nơi trang 18]

Hãy thực hiện những bước tích cực hầu giúp con bạn trở lại cùng Đức Giê-hô-va