Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

“Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.—1 GIĂNG 4:19.

1, 2. (a) Tại sao đối với chúng ta việc biết mình được yêu thương lại là quan trọng? (b) Chúng ta cần tình yêu thương của ai nhất?

BIẾT mình được yêu thương quan trọng đến thế nào đối với bạn? Từ khi thơ ấu đến lúc trưởng thành, con người được phát triển nhờ tình yêu thương. Bạn đã từng quan sát một đứa bé trong vòng tay yêu thương bế bồng của người mẹ chưa? Bất chấp những gì đang xảy ra chung quanh, khi nhìn chằm chằm ánh mắt tươi cười của mẹ, đứa bé cảm thấy thoải mái, bình an trong vòng tay mẹ yêu dấu. Hoặc bạn còn nhớ chăng những cảm xúc trong những lúc sóng gió của tuổi thanh niên? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7) Đôi khi, bạn đã không biết mình muốn gì hay ngay cả cảm thấy thế nào, nhưng thật quan trọng biết mấy khi biết cha mẹ yêu thương bạn! Chẳng phải là lợi ích khi có thể đến gần cha mẹ mỗi khi chúng ta gặp phải bất cứ vấn đề khó khăn hay thắc mắc nào hay sao? Thật sự, được yêu thương là một trong những nhu cầu lớn nhất suốt đời chúng ta. Tình yêu thương ấy khẳng định giá trị của chúng ta.

2 Tình yêu thương bền bỉ của cha mẹ hẳn góp phần vào sự phát triển và thăng bằng của con cái. Thế nhưng, sự tin chắc là chúng ta được Cha trên trời là Đức Giê-hô-va yêu thương còn quan trọng hơn nhiều đối với sự phát triển về thiêng liêng và cảm xúc của chúng ta. Một số độc giả của tạp chí này có thể đã không được cha mẹ thật sự quan tâm chăm sóc. Nếu đó là trường hợp của bạn, xin hãy vững lòng. Ngay như nếu bạn đã không được cha mẹ yêu thương hoặc không được thương yêu đúng mức, bạn cũng sẽ được bù đắp bằng tình yêu thương chân thật của Đức Chúa Trời.

3. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va đã cam đoan là Ngài yêu thương dân Ngài?

3 Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho thấy người mẹ có thể “quên” con mình đã từng cho bú, nhưng Đức Chúa Trời không quên dân Ngài. (Ê-sai 49:15) Tương tự như vậy, Đa-vít đã nói một cách tin cậy rằng: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. (Thi-thiên 27:10) Thật yên tâm biết mấy! Dù ở hoàn cảnh nào, nếu bạn đã có mối liên lạc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua sự dâng mình cho Ngài, bạn nên luôn nhớ là tình yêu thương Ngài dành cho bạn vượt xa tình yêu thương của bất cứ ai khác!

Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời

4. Các tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã được Đức Chúa Trời cam đoan như thế nào về tình yêu thương Ngài dành cho họ?

4 Lần đầu tiên bạn biết đến tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là khi nào? Rất có thể kinh nghiệm của bạn có phần nào giống kinh nghiệm của các tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. Chương 5 bức thư của Phao-lô gửi cho người Rô-ma mô tả rất cảm động làm thế nào những người tội lỗi, xa cách Đức Chúa Trời, đã được biết đến tình yêu thương của Ngài. Câu 5 nói thế này: “Sự yêu-thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh-Linh đã được ban cho chúng ta”. Trong câu 8, Phao-lô nói thêm: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

5. Làm thế nào bạn đã hiểu ra và biết ơn về tình yêu thương vô vàn của Đức Chúa Trời?

5 Tương tự như thế, khi lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời được trình bày cho bạn, và bạn bắt đầu thực hành đức tin, từ lúc đó trở đi, thánh linh của Đức Giê-hô-va tác động đến lòng bạn. Bởi thánh linh, bạn hiểu ra và biết ơn về tầm mức lớn lao của những gì mà Đức Giê-hô-va đã làm khi gửi Con yêu dấu của Ngài xuống chịu chết cho bạn. Bởi đó, Đức Giê-hô-va giúp bạn ý thức rõ Ngài yêu thương nhân loại đến mức nào. Lòng bạn chẳng cảm động sao, khi hiểu được rằng mặc dù bạn đã sinh ra là người tội lỗi, xa cách Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn mở đường cho nhân loại được xưng công bình với triển vọng được sống đời đời? Bạn đã chẳng cảm thấy yêu thương Đức Giê-hô-va hay sao?—Rô-ma 5:10.

6. Tại sao đôi lúc chúng ta cảm thấy dường như xa cách Đức Giê-hô-va?

6 Được thu hút bởi tình yêu thương của Cha trên trời và sau khi điều chỉnh cuộc sống cho đẹp ý Ngài, bạn đã dâng đời sống mình cho Ngài, và giờ đây bạn vui hưởng bình an với Đức Chúa Trời. Thế nhưng, bạn có đôi lúc cảm thấy dường như xa cách Đức Giê-hô-va không? Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khi gặp phải tình trạng này. Nhưng xin luôn nhớ là Đức Chúa Trời không thay đổi. Tình yêu thương của Ngài tồn tại mãi mãi, bất biến như mặt trời không bao giờ ngừng chiếu những tia nắng ấm đến trái đất vậy. (Ma-la-chi 3:6; Gia-cơ 1:17) Trái lại, chúng ta có thể thay đổi—cho dù chỉ là tạm thời. Khi trái đất quay, một nửa hành tinh chúng ta chìm ngập trong bóng tối. Cũng thế, nếu quay lưng khỏi Đức Chúa Trời, dù chỉ trong chốc lát, chúng ta có thể cảm thấy mối liên lạc của chúng ta với Ngài có phần nguội lạnh. Chúng ta có thể làm gì để sửa đổi tình trạng này?

7. Tự xét mình có thể giúp chúng ta giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào?

7 Nếu cảm thấy có sự phân rẽ khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, hãy tự hỏi: ‘Tôi có xem tình yêu thương của Đức Chúa Trời như điều đương nhiên không?’ Phải chăng qua nhiều biểu hiện suy yếu về đức tin, tôi đã dần dần quay lưng lại Đức Chúa Trời hằng sống và yêu thương? Tôi có để tâm trí mình vào “những sự thuộc về xác-thịt”, thay vì vào “những sự thuộc về Thánh-Linh” không? (Rô-ma 8:5-8; Hê-bơ-rơ 3:12) Nếu đã xa rời Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể làm những bước để chấn chỉnh vấn đề, hầu trở lại mối liên lạc gần gũi và nồng ấm với Ngài. Gia-cơ khuyên chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Hãy hết lòng nghe theo lời của Giu-đe: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu,... hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”.—Giu-đe 20, 21.

Hoàn cảnh thay đổi không ảnh hưởng đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời

8. Những thay đổi nào có thể bất ngờ xảy đến trong cuộc sống chúng ta?

8 Cuộc sống của chúng ta trong hệ thống mọi sự này dễ bị nhiều thay đổi. Theo Vua Sa-lô-môn nhận xét “thời cơ may rủi có thể đến cho [chúng ta] hết thảy”. (Truyền-đạo 9:11, Nguyễn Thế Thuấn) Cuộc sống chúng ta có thể bất ngờ thay đổi hoàn toàn. Hôm nay chúng ta khỏe mạnh, nhưng hôm sau có thể ngã bệnh nặng. Ngày nay công việc ngoài đời của chúng ta có vẻ ổn định, nhưng ngày sau chúng ta đã thất nghiệp. Sự chết có thể bất ngờ cướp đi một người thân. Các tín đồ Đấng Christ ở một xứ nào đó có thể hưởng những điều kiện bình an trong một thời gian, nhưng rồi đột nhiên bị bắt bớ dữ dội. Có thể chúng ta bị kết tội oan, và vì vậy mà phải chịu sự bất công. Vâng, cuộc sống không ổn định hoặc hoàn toàn bảo đảm.—Gia-cơ 4:13-15.

9. Tại sao cần xem xét một phần của sách Rô-ma chương 8?

9 Khi những chuyện buồn xảy đến, chúng ta có thể cảm thấy như bị bỏ rơi, ngay cả nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã bớt yêu thương chúng ta. Vì điều này có thể xảy đến cho tất cả chúng ta, nên chúng ta cần xem xét kỹ những lời đầy an ủi của sứ đồ Phao-lô ghi nơi Rô-ma chương 8, gửi cho tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. Thế nhưng, theo nguyên tắc, các lời ấy cũng áp dụng cho các chiên khác, là những người đã được xưng công bình để thành bạn của Đức Chúa Trời, như Áp-ra-ham vào thời trước Đấng Christ.—Rô-ma 4:20-22; Gia-cơ 2:21-23.

10, 11. (a) Dân Đức Chúa Trời đôi khi bị các kẻ thù kết tội gì? (b) Tại sao những lời buộc tội ấy không thật sự quan trọng đối với tín đồ Đấng Christ?

10 Xin đọc Rô-ma 8:31-34. Phao-lô nêu câu hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” Đúng, Sa-tan và thế gian gian ác chống lại chúng ta. Các kẻ thù có thể kết tội oan cho chúng ta, ngay cả ở các tòa án của xứ. Một số cha mẹ tín đồ Đấng Christ còn bị buộc tội ghét con cái vì không cho chúng chấp nhận những phương pháp y học vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời hoặc không để chúng tham gia những lễ ngoại giáo. (Công-vụ 15:28, 29; 2 Cô-rinh-tô 6:14-16) Những tín đồ Đấng Christ trung thành khác bị kết tội oan là thành phần gây rối vì không chịu giết đồng loại trong chiến tranh hoặc không tham gia chính trị. (Giăng 17:16) Một số kẻ chống đối dùng những phương tiện truyền thông đại chúng để đưa ra những lời dối trá vu khống, thậm chí kết án Nhân Chứng Giê-hô-va là giáo phái nguy hiểm.

11 Nhưng đừng quên là trong thời các sứ đồ, người ta cũng đã nói: “Về phần đạo nầy, chúng tôi biết người ta hay chống-nghịch khắp mọi nơi”. (Công-vụ 28:22) Những lời cáo gian này có thật sự quan trọng không? Chính Đức Chúa Trời là Đấng xưng các tín đồ Đấng Christ thật là công bình, vì họ tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su. Tại sao sau khi đã ban cho những người thờ phượng Ngài món quà quý giá nhất là chính Con yêu dấu của Ngài, Đức Giê-hô-va lại không còn yêu thương họ? (1 Giăng 4:10) Nay Đấng Christ đã được làm sống lại từ kẻ chết, và được đặt bên hữu Đức Chúa Trời, hẳn ngài tích cực bênh vực cho các tín đồ của ngài. Ai có thể đúng lý bác bỏ sự bênh vực này của Đấng Christ đối với các môn đồ ngài, hoặc thành công trong việc phản đối nhận định tốt của Đức Chúa Trời về các tôi tớ trung thành của Ngài? Không một ai!—Ê-sai 50:8, 9; Hê-bơ-rơ 4:15, 16.

12, 13. (a) Những tình trạng hoặc hoàn cảnh nào không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời? (b) Mục tiêu của Ma-quỉ là gì khi gây khó khăn cho chúng ta? (c) Tại sao tín đồ Đấng Christ đạt được thắng lợi hoàn toàn?

12 Xin đọc Rô-ma 8:35-37. Ngoài chính chúng ta ra, có ai hoặc điều gì khác có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ không? Sa-tan có thể dùng tay sai của nó trên đất để gây nhiều khó khăn cho tín đồ Đấng Christ. Suốt thế kỷ vừa qua, nhiều anh chị em của chúng ta đã bị bắt bớ dữ dội tại nhiều xứ. Ngày nay ở một số nơi, anh em chúng ta hằng ngày phải đối phó với sự khốn khó về kinh tế. Một số bị thiếu cơm ăn, áo mặc. Mục tiêu của Ma-quỉ là gì khi gây những tình trạng đau khổ này? Ít nhất một phần nào đó, mục đích của nó là ngăn trở sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va. Sa-tan muốn làm chúng ta tin rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã nguội lạnh. Tuy nhiên, có thật thế không?

13 Như Phao-lô, người trích dẫn Thi-thiên 44:22, chúng ta đã học Lời của Đức Chúa Trời và hiểu rằng chính vì danh Ngài mà những điều này đã xảy đến cho chúng ta, các “chiên” của Ngài. Điều này liên quan đến việc làm thánh danh Đức Chúa Trời và biện minh cho quyền thống trị hoàn vũ của Ngài. Chính vì những vấn đề tranh chấp lớn ấy mà Đức Chúa Trời đã cho phép những thử thách xảy đến, chứ không phải vì Ngài không còn yêu thương chúng ta nữa. Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, chúng ta cũng được bảo đảm là tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài, gồm mỗi người chúng ta, không hề thay đổi. Bất cứ điều gì chúng ta phải chịu, tưởng chừng như thất bại cũng sẽ biến thành chiến thắng nếu chúng ta giữ được sự trung kiên. Chúng ta được củng cố và nâng đỡ nhờ sự bảo đảm của tình yêu thương không gì phá đổ được của Đức Chúa Trời.

14. Tại sao Phao-lô tin quyết nơi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, mặc dù tín đồ Đấng Christ có thể phải chịu nhiều khốn khó?

14 Xin đọc Rô-ma 8:38, 39. Điều gì thuyết phục Phao-lô tin rằng không điều gì có thể phân rẽ tín đồ Đấng Christ khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời? Rõ ràng các kinh nghiệm cá nhân của Phao-lô trong thánh chức đã giúp ông càng tin chắc là những sự khốn khó không thể ảnh hưởng đến tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27; Phi-líp 4:13) Hơn nữa, Phao-lô hiểu ý định đời đời của Đức Giê-hô-va, và cách Ngài đối xử với dân Ngài trong quá khứ. Sự chết có thắng nổi tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với những người đã trung thành phụng sự Ngài không? Hoàn toàn không! Những người trung thành tuy đã chết nhưng vẫn sống mãi trong ký ức hoàn hảo của Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ làm họ sống lại đúng kỳ định.—Lu-ca 20:37, 38; 1 Cô-rinh-tô 15:22-26.

15, 16. Hãy kể vài điều không bao giờ có thể làm Đức Chúa Trời ngừng yêu thương các tôi tớ trung thành của Ngài.

15 Dù đời sống hiện nay có đem đến nỗi bất hạnh nào đi nữa—như tai nạn làm suy yếu, căn bệnh nan y, hoặc sự suy sụp về kinh tế—không điều gì có thể phá đổ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài. Các thiên sứ mạnh mẽ, như thiên sứ bất trung đã trở thành Sa-tan chẳng hạn, cũng không thể ảnh hưởng Đức Giê-hô-va để Ngài ngừng yêu thương các tôi tớ hết lòng vì Ngài. (Gióp 2:3) Các nhà cầm quyền có thể cấm đoán, bắt giam, và ngược đãi các tôi tớ của Đức Chúa Trời, gọi họ là “những người không được chấp nhận”. (1 Cô-rinh-tô 4:13) Sự thù hằn vô cớ ấy của các chính phủ có thể gây áp lực khiến nhiều người chống lại chúng ta, nhưng điều ấy không làm cho Đấng Tối Thượng hoàn vũ bỏ mặc chúng ta.

16 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không phải sợ bất cứ điều gì trong cái mà Phao-lô gọi là “việc bây giờ”—tức các biến cố, hoàn cảnh, và tình thế trong hệ thống mọi sự hiện tại—hoặc “những sự hầu đến” trong tương lai, có thể phá đổ sự gắn bó của Đức Chúa Trời với dân Ngài. Mặc dù các quyền phép hay các thế lực dưới đất và trên trời chiến đấu chống chúng ta, nhưng tình yêu thương chân thật của Đức Chúa Trời sẽ vẫn mãi nâng đỡ chúng ta. Đúng như Phao-lô đã nhấn mạnh, “bề cao, hay là bề sâu” đều không ngăn trở được tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Thật thế, không điều gì dường như đang làm chúng ta ngã lòng, hoặc bất cứ điều gì có vẻ gây ảnh hưởng mạnh trên chúng ta, lại có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, cũng không một tạo vật nào khác có thể phá vỡ mối liên lạc giữa Đức Chúa Trời và các tôi tớ trung thành của Ngài. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không bao giờ thất bại, mà sẽ còn đời đời.—1 Cô-rinh-tô 13:8, NW.

Hãy luôn quý trọng tình yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời

17. (a) Tại sao có được tình yêu thương của Đức Chúa Trời là “tốt hơn mạng-sống”? (b) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng tình yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời?

17 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời quan trọng thế nào đối với bạn? Phải chăng bạn có cùng cảm nghĩ như Đa-vít khi ông viết: “Vì sự nhân-từ Chúa tốt hơn mạng-sống; môi tôi sẽ ngợi-khen Chúa. Như vậy, tôi sẽ chúc phước Chúa trọn đời tôi; nhân danh Chúa tôi sẽ giơ tay lên”? (Thi-thiên 63:3, 4) Thật vậy, đời sống ở thế gian này có thể đem đến điều gì tốt hơn việc được hưởng tình yêu thương và tình bạn chân thật của Đức Chúa Trời không? Chẳng hạn, theo đuổi một sự nghiệp sinh lợi ngoài đời có tốt hơn sự bình an tâm trí và hạnh phúc do có mối liên lạc gần gũi với Đức Chúa Trời không? (Lu-ca 12:15) Một số tín đồ Đấng Christ phải đối đầu với sự lựa chọn hoặc từ bỏ Đức Giê-hô-va hoặc phải bị chết. Điều ấy đã xảy ra cho nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va trong các trại tập trung Đức Quốc Xã hồi Thế Chiến II. Trừ vài ngoại lệ, các anh em tín đồ Đấng Christ đã chọn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, sẵn sàng chịu chết khi cần thiết. Những ai trung thành giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời có thể tin chắc sẽ được Ngài ban cho sự sống đời đời, điều mà thế gian này không thể cho chúng ta. (Mác 8:34-36) Nhưng không phải chỉ có sự sống đời đời mà còn nhiều hơn nữa.

18. Tại sao sự sống đời đời là điều đáng mong ước?

18 Mặc dù không thể sống đời đời nếu không có Đức Giê-hô-va, nhưng hãy tưởng tượng một đời sống rất dài nhưng lại không có Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Đời sống ấy sẽ vô cùng trống rỗng, không mục đích. Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Ngài công việc thỏa nguyện để làm trong những ngày sau rốt này. Do đó, chúng ta có thể tin chắc rằng khi ban sự sống đời đời, Đức Giê-hô-va tức Đấng Vĩ Đại Hoàn Thành Ý Định sẽ làm cho nó được đầy những điều kỳ diệu, đáng để chúng ta học hỏi và thực hiện. (Truyền-đạo 3:11) Chúng ta sẽ khám phá thỏa thích nhiều điều trong những thiên kỷ tới, nhưng không bao giờ chúng ta có thể hiểu hết “sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!”—Rô-ma 11:33.

Cha yêu thương các ngươi

19. Chúa Giê-su đã trấn an các môn đồ ngài ra sao trước khi rời họ?

19 Ngày 14 Ni-san năm 33 CN, trong đêm cuối cùng ở cùng 11 sứ đồ trung thành của ngài, Chúa Giê-su đã nói nhiều điều để củng cố họ về những điều sẽ xảy đến. Họ đã gắn bó với ngài qua nhiều thử thách, và cá nhân họ cũng đã cảm nhận được tình yêu thương của ngài dành cho họ. (Lu-ca 22:28, 30; Giăng 1:16; 13:1) Rồi Chúa Giê-su trấn an họ: “Chính Cha yêu-thương các ngươi”. (Giăng 16:27) Những lời ấy hẳn đã giúp các môn đồ hiểu tình cảm trìu mến của Cha trên trời đối với họ!

20. Bạn nhất quyết làm gì, và bạn có thể tin cậy nơi điều gì?

20 Rất nhiều người nay còn sống đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va hàng chục năm. Chắc chắn, trước khi hệ thống gian ác này chấm dứt, chúng ta sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách hơn. Đừng bao giờ để những thử thách hay khốn khó ấy khiến bạn nghi ngờ tình yêu thương chân thật của Đức Chúa Trời đối với bạn. Thật không quá đáng khi khẳng định một lần nữa rằng Đức Giê-hô-va trìu mến bạn. (Gia-cơ 5:11) Mỗi người chúng ta hãy tiếp tục làm phần mình, tức trung thành vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời. (Giăng 15:8-10) Chúng ta hãy dùng mọi cơ hội để ngợi khen danh Ngài. Chúng ta phải vững mạnh hơn trong quyết tâm tiếp tục đến gần với Đức Giê-hô-va bằng lời cầu nguyện và bằng việc học hỏi Lời Ngài. Dù ngày mai có điều gì xảy ra chăng nữa, nếu cố gắng hết sức làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ mãi được bình an, hoàn toàn tin cậy nơi tình yêu thương muôn đời của Ngài.—2 Phi-e-rơ 3:14.

Bạn trả lời thế nào?

• Để giữ thăng bằng về thiêng liêng và cảm xúc, chúng ta đặc biệt cần sự yêu thương của ai?

• Những điều gì không bao giờ có thể làm Đức Giê-hô-va ngừng yêu thương các tôi tớ Ngài?

• Tại sao có được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là “tốt hơn mạng-sống”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 13]

Nếu cảm thấy có sự phân rẽ trong tình yêu thương của khỏi Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chấn chỉnh vấn đề

[Hình nơi trang 15]

Phao-lô hiểu tại sao ông bị bắt bớ