Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi dốc hết sức mình!

Chúng tôi dốc hết sức mình!

Chúng tôi dốc hết sức mình!

“HÃY dốc sức”. Đó là lời khuyên thực tiễn của một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương Nhân Chứng Giê-hô-va nói với một giáo sĩ. Nhưng tại sao lại khuyên lời cơ bản này cho một người truyền giáo nhiều kinh nghiệm như thế? Chẳng phải đa số các giáo sĩ đều là những người gan dạ hàng ngày phải đương dầu với rận rệp, rắn rết, sức nóng, dịch bệnh, và biết bao gian khổ thử thách khác sao?

Thật ra, các giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va là những người đàn ông và đàn bà bình thường, những tín đồ Đấng Christ, vì lòng yêu thương sâu xa đối với Đức Giê-hô-va và người đồng loại, đã chấp nhận đến phục vụ tại những xứ sở khác. Họ đều nỗ lực, dốc hết khả năng phụng sự Đức Giê-hô-va, nương cậy nơi sức mạnh của Ngài.—Ê-phê-sô 6:10.

Để hiểu biết thêm về công việc của các giáo sĩ, chúng ta hãy tưởng tượng đang dành một ngày viếng thăm một nhà giáo sĩ tiêu biểu tại Tây Phi.

Một ngày làm việc của giáo sĩ

Bây giờ gần 7 giờ sáng, chúng tôi đặt chân đến nhà giáo sĩ kịp lúc thảo luận đoạn Kinh Thánh trong ngày. Chúng tôi được mười anh chị giáo sĩ đón tiếp nồng hậu và sắp chỗ cho chúng tôi dùng điểm tâm. Chào hỏi làm quen rồi, một chị giáo sĩ đã được bổ nhiệm lâu năm bắt đầu kể lại một kinh nghiệm khôi hài trong thánh chức của chị. Tuy nhiên chúng tôi phải bỏ dở câu chuyện khi anh chủ tọa buổi thảo luận ngày hôm đó nhắc mọi người đã đến giờ xem xét đoạn Kinh Thánh trong ngày. Buổi thảo luận được nói bằng tiếng Pháp. Mặc dù chúng tôi không biết ngoại ngữ này, nhưng rõ ràng cách diễn đạt của các anh chị giáo sĩ nước ngoài đã cho thấy họ thông thạo ngôn ngữ đang sử dụng.

Tiếp nối cuộc thảo luận là một lời cầu nguyện chân thành, và kế đó là giờ điểm tâm. Khi chúng tôi lấy một bát đầy ngũ cốc, một giáo sĩ ngồi cạnh chúng tôi khuyến khích chúng tôi bỏ thêm các lát chuối xắt mỏng lên trên. Chúng tôi giải thích rằng chúng tôi không thích chuối, nhưng anh giáo sĩ bảo rằng chúng tôi sẽ đổi ý ngay, sau khi đã nếm thử loại chuối trồng tại địa phương này. Thế là chúng tôi bỏ thử một ít chuối vào phần ngũ cốc của mình. Quả đúng như anh ấy nói, chuối ngon tuyệt—ngọt chẳng khác nào kem! Và chúng tôi được cho biết là bánh mì Pháp dọn trong bữa ăn được nướng lò từ sáng sớm trong một cửa hàng nhỏ ngay bên kia đường nhà giáo sĩ.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi cùng đi với một cặp vợ chồng giáo sĩ mà chúng ta tạm đặt tên là Ben và Karen. Chúng tôi đã được nghe nói về công việc rao giảng có nhiều kết quả tại xứ Tây Phi này, và nôn nóng muốn biết sự thật.

Khi đến trạm xe buýt, chúng tôi thấy có khoảng một chục người đang đứng đợi. Chẳng mấy chốc, các anh chị giáo sĩ đi cùng chúng tôi đã bắt chuyện vui vẻ với hai mẹ con về một đề tài Kinh Thánh. Không biết tiếng Pháp, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn và cười! Đúng lúc người phụ nữ nhận tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! thì xe buýt cập bến, và mọi người đều cố chen lên xe cùng một lúc! Vừa lên xe, chúng tôi bị đám đông từ phía sau đẩy tới, thật khó mà giữ thăng bằng để đến được phía sau xe buýt. Khi xe rồ máy, chúng tôi lại cố gắng bám chặt cho khỏi té. Đến trạm xe lại tròng trành ngừng lại, và lại có thêm nhiều người chen lấn bước lên. Chúng tôi mỉm cười với các hành khách đi cùng chuyến, họ cũng cười đáp lại. Chúng tôi ước gì có thể nói chuyện với họ!

Trong khi xe chạy, chúng tôi nhìn qua cửa sổ, ngắm nhìn cảnh đường phố nhộn nhịp. Hai phụ nữ đầu đội nặng trĩu đang cùng sánh vai đi. Một trong hai người đi đong đưa với một thau nước trên đầu. Một người đàn ông lanh lợi đã trải một tấm vải trên lề đường và bày lên đấy một ít hàng lặt vặt mà ông mong bán được. Đâu đâu cũng thấy cảnh người mua kẻ bán, đủ mọi thứ hàng.

Bỗng dưng anh Ben, đang đứng cạnh tôi, có cảm giác như đang bị chích vào chân. Cái gì thế nhỉ? Xe buýt đang đầy người, nhưng anh Ben lại bị chích nữa. Anh cố nhìn xuống phía dưới. Trong một giỏ xách dưới chân anh, một chú vịt thỉnh thoảng ngóc đầu ra khỏi giỏ và mổ vào chân anh! Ben giải thích rằng có lẽ chủ nhân của con vịt sẽ đem nó ra chợ bán.

Đến khu vực rao giảng, chúng tôi vui mừng khi biết sắp được viếng thăm một làng Phi Châu tiêu biểu. Đến nhà đầu tiên, Ben vỗ tay mạnh để báo chủ nhà. Đó là cách “gõ cửa” của dân vùng này. Một thanh niên xuất hiện, bảo rằng anh đang bận và yêu cầu chúng tôi lát nữa quay trở lại.

Đến nhà kế tiếp, chúng tôi gặp một phụ nữ nói tiếng bản xứ mà Ben không hiểu được. Bà ta gọi cậu con trai ra và bảo cậu ấy dịch lại những gì Ben nói. Khi Ben dứt lời, bà nhận sách mỏng nói về Kinh Thánh, và cậu con trai hứa sẽ giải thích cho bà. Đến nhà thứ ba, chúng tôi gặp nhiều người trẻ đang ngồi trước sân. Hai người trong bọn họ vội vàng nhường ghế cho khách. Một cuộc thảo luận sôi động bắt đầu về việc sử dụng thập tự giá trong sự thờ phượng. Chúng tôi sắp đặt để thảo luận tiếp vào tuần sau. Bây giờ đã đến lúc trở lại thăm cậu thanh niên bận rộn mà chúng tôi gặp ở nhà đầu tiên. Không rõ thế nào mà anh ta cũng đã được nghe nói về cuộc thảo luận của chúng tôi với những người người trẻ ở cuối đường. Anh ta có nhiều thắc mắc và yêu cầu được học Kinh Thánh. Sau khi xem lại thời khóa biểu, Ben đồng ý trở lại tuần tới vào cùng giờ này. Trên đường trở về nhà giáo sĩ để ăn trưa, Ben và Karen giải thích rằng họ phải sắp xếp kỹ càng các buổi học Kinh Thánh vì rất dễ có thêm nhiều học hỏi đến độ không thể cáng đáng nổi.

Chúng tôi khen anh chị ấy nói tiếng Pháp trôi chảy. Ben giải thích anh và Karen đã phụng sự với tư cách giáo sĩ được sáu năm, và họ bắt đầu quen với ngôn ngữ này. Anh chị ấy bảo chúng tôi rằng học một ngôn ngữ mới chẳng dễ dàng gì, nhưng nếu bền chí thì sẽ thành công.

Đến 12 giờ 30 trưa, tất cả các giáo sĩ cùng quây quần quanh bàn để dùng bữa. Chúng tôi được biết rằng mỗi ngày một giáo sĩ được phân công sửa soạn bữa ăn sáng và trưa, rồi rửa chén sau bữa ăn. Hôm nay một giáo sĩ đã làm gà rán và khoai tây ngon tuyệt, ăn kèm với món sở trường của chị là rau trộn cà chua!

Còn Ben và Karen dự định gì cho chiều nay? Anh chị ấy giải thích rằng mọi người đều tránh nắng từ 1 giờ đến 3 giờ chiều, vì thế các giáo sĩ thường hay dùng thời gian này để học hoặc ngủ trưa. Chúng tôi chẳng ngạc nhiên khi chị Karen cho biết các giáo sĩ mới nhanh chóng thích ứng với thông lệ này!

Sau giờ ngủ trưa, chúng tôi quay trở lại thánh chức rao giảng. Một người đàn ông chú ý đến Kinh Thánh mà Ben đã nhiều lần tìm cách liên hệ lại vẫn vắng nhà, nhưng có hai thanh niên ra ngoài cửa khi nghe Ben vỗ tay. Họ bảo là chủ nhà đã kể lại cuộc viếng thăm của Ben và khuyên họ nên xin sách học Kinh Thánh Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Chúng tôi vui sướng để lại cho họ cuốn sách này. Kế đó, chúng tôi đón xe buýt đến vùng mà chị Karen sẽ điều khiển một cuộc học Kinh Thánh với một phụ nữ tỏ ra chú ý.

Khi xe chạy qua các đường phố đông người, Karen kể rằng chị đã làm quen với phụ nữ này khi họ đi chung chuyến xe với nhiều hành khách khác. Chị đã tặng bà này một giấy nhỏ để đọc trong cuộc hành trình. Bà này đọc xong giấy nhỏ, hỏi xin thêm một tờ khác nữa, và đọc còn chăm chú hơn. Khi đến nơi, Karen sắp xếp để đến viếng thăm bà tại nhà, và bắt đầu một cuộc học Kinh Thánh hiệu quả với sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? Hôm nay chị Karen sẽ hướng dẫn tiếp bài thứ năm của sách này.

Chúng tôi đã tận hưởng được một ngày làm thánh chức rao giảng, tuy nhiên chúng tôi còn có một số thắc mắc liên quan đến công việc giáo sĩ. Các anh chị chủ nhà bảo rằng khi về đến nhà họ sẽ chuẩn bị một bữa ăn nhẹ cho chúng tôi và giải đáp mọi thắc mắc.

Làm thế nào họ duy trì được nhịp độ làm việc

Trong lúc thưởng thức món trứng chiên, bánh mì Pháp, và phó mát, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về cuộc sống giáo sĩ. Thứ Hai thường là ngày các anh chị ấy nghỉ ngơi hoặc dành cho việc riêng tư. Ngày đó, đa số các giáo sĩ dành thì giờ viết thư cho gia đình và bạn hữu. Họ rất trông tin gia đình, và thích gửi và nhận thư từ.

Vì các giáo sĩ sống và làm việc kề cận nhau, nên rất cần thiết phải duy trì mối quan hệ tốt bằng cách tiếp xúc với các bạn giáo sĩ khác và thảo luận về các vấn đề thiêng liêng. Để làm thế, ngoài việc duy trì một chương trình học hỏi Kinh Thánh cá nhân đều đặn, các giáo sĩ còn học Kinh Thánh chung bằng tạp chí Tháp Canh mỗi tối Thứ Hai. Ben cho biết khi các giáo sĩ không cùng gốc gác sống chung nhau, thật khó tránh được bất đồng ý kiến nhỏ nhặt, tuy nhiên sự cung cấp về thiêng liêng trong các buổi học hỏi gia đình giúp họ giữ được không khí hòa thuận và hợp nhất. Ben cũng nhấn mạnh một điều khác rất cần là tránh coi trọng mình quá mức.

Tính khiêm nhường cũng rất quan trọng. Các anh chị giáo sĩ được bổ nhiệm để phụng sự, chứ không phải để được phục vụ. Theo các anh chị ấy nhận xét, một trong những điều khó nói nhất trong bất kỳ thứ tiếng nào là “xin lỗi”, đặc biệt khi một người xin lỗi vì đã vô tình nói hoặc làm một điều gì sai. Ben cũng nhắc nhở chúng tôi về gương mẫu A-bi-ga-in trong Kinh Thánh, khi xin lỗi cho thái độ thô lỗ của chồng bà, và nhờ đó mà làm dịu được tình hình lẽ ra đã có thể dẫn đến thảm họa. (1 Sa-mu-ên 25:23-28) Khả năng “ở cho hòa-thuận” giữ vai trò quan trọng trong việc trở thành một giáo sĩ thành thục.—2 Cô-rinh-tô 13:11.

Mỗi tháng một lần, các giáo sĩ họp để thảo luận về những vấn đề liên quan đến gia đình, cũng như những thay đổi trong chương trình chăm nom cho nhà giáo sĩ. Sau đó, mọi người đều được thưởng thức một bữa tráng miệng đặc biệt. Đối với chúng tôi, điều này là một sự sắp đặt rất thực tiễn, lại còn ngon miệng.

Sau bữa ăn tối, chúng tôi đi tham quan nhà giáo sĩ. Chúng tôi thấy rằng mặc dù là một ngôi nhà đơn giản, nhưng các giáo sĩ đã góp sức gìn giữ thật sạch sẽ. Trong nhà có tủ lạnh, máy giặt và bếp lò. Karen kể rằng tại các xứ nhiệt đới, như xứ Tây Phi này, cũng có thể mua được máy lạnh. Tiện nghi cần thiết, thức ăn bổ dưỡng, và những phương thức phòng bệnh đơn giản giúp các giáo sĩ mạnh khỏe và làm việc hiệu quả.

Chú trọng đến mặt tích cực

Những gì đã nhìn thấy để lại ấn tượng nơi chúng tôi. Chúng tôi có thể đảm trách công việc giáo sĩ không? Làm thế nào có thể biết chắc được điều này? Các anh chị chủ nhà gợi một số điều cho chúng tôi suy nghĩ.

Trước hết, họ cho chúng tôi biết, các giáo sĩ không phải đi vì thích phiêu lưu. Họ đi tìm những người có lòng thành thật muốn học biết về lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Họ phải dành ít nhất 140 giờ mỗi tháng cho công việc rao giảng, vì thế lòng yêu mến thánh chức rất cần thiết.

‘Nhưng’, chúng tôi thắc mắc, ‘còn rắn, thằn lằn và rệp thì sao’? Ben nói rằng vì chúng cũng có thể hiện diện ở nhiều nhiệm sở giáo sĩ, nên các giáo sĩ dần dà cũng quen với chúng. Anh cho biết mỗi nhiệm sở giáo sĩ có một nét đẹp riêng, và với thời gian, các giáo sĩ tập chú trọng đến khía cạnh tích cực của nhiệm vụ được giao phó. Những điều kiện trước đó có thể được xem là “khác lạ”, chẳng bao lâu cũng trở nên thông thường, thậm chí còn thú vị trong một số trường hợp. Một giáo sĩ phục vụ tại Tây Phi từ nhiều năm qua trước khi phải trở về nhà vì lý do cá nhân kể rằng chị đã cảm thấy khó bỏ nhiệm sở hơn là rời bỏ quê hương mình nhiều năm trước. Chị đã coi nhiệm sở giáo sĩ như nhà mình.

Bạn đã sẵn sàng chưa?

Ben và Karen đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Cảm nghĩ bạn thế nào? Có khi nào bạn nghĩ đến việc phụng sự với tư cách giáo sĩ tại một khu vực rao giảng ở nước ngoài chưa? Nếu có, có lẽ bạn đã đến gần mục tiêu hơn bạn tưởng rồi đấy. Một trong những điều kiện trọng yếu là phải yêu mến công việc thánh chức trọn thời gian và thích được giúp đỡ người khác. Hãy nhớ rằng các giáo sĩ không phải là những siêu nhân, mà chỉ là những người đàn ông và đàn bà bình thường. Họ đang dốc hết sức mình thực hiện một công việc vô cùng quan trọng.

[Các hình nơi trang 27]

Mỗi ngày bắt đầu bằng một cuộc thảo luận đoạn Kinh Thánh

[Các hình nơi trang 28, 29]

Cảnh tại Phi Châu

[Hình nơi trang 29]

Đời sống giáo sĩ có thể rất thỏa lòng