Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy gìn giữ lòng bạn

Hãy gìn giữ lòng bạn

Hãy gìn giữ lòng bạn

“Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.—CHÂM-NGÔN 4:23.

1, 2. Tại sao chúng ta cần gìn giữ lòng mình?

MỘT ông già trên một hải đảo nằm trong vịnh Caribbean chui ra khỏi chỗ trú ẩn sau một trận cuồng phong. Nhìn quang cảnh chung quanh hoang tàn, ông thấy một cây cổ thụ sống hàng chục năm gần cổng nhà đã bị bật rễ. Ông tự hỏi: ‘Làm sao có chuyện ấy được khi những cây nhỏ hơn sống kế bên vẫn sống sót?’ Quan sát gốc cây đổ ông tìm ra câu trả lời. Cái cây tưởng chừng không gì lay chuyển ấy rỗng ruột, và tình trạng mục nát bên trong đã bị cơn bão phô bày.

2 Thật là một thảm kịch khi một người thờ phượng thật có vẻ vững vàng trong đường lối đạo Đấng Christ lại ngã gục trước thử thách đức tin. Kinh Thánh nói đúng khi cho rằng “tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Điều này có nghĩa là nếu không luôn luôn cảnh giác, ngay cả những tấm lòng trong sáng nhất cũng có thể bị cám dỗ làm điều ác. Vì không một tấm lòng bất toàn nào có thể tránh khỏi bị bại hoại, chúng ta cần xem trọng lời khuyên: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. (Châm-ngôn 4:23) Vậy làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ lòng mình?

Thường xuyên kiểm tra—Điều cần làm

3, 4. (a) Có thể đặt ra những câu hỏi nào về trái tim? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta dò xét lòng mình?

3 Nếu bạn đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, hẳn ông ấy sẽ khám tim của bạn. Sức khỏe tổng quát, kể cả tim mạch, có cho thấy bạn nhận đầy đủ chất dinh dưỡng không? Huyết áp của bạn thế nào? Tim bạn có đập đều và mạnh không? Bạn có tập thể thao đầy đủ không? Tim bạn có bị căng thẳng quá mức không?

4 Nếu trái tim theo nghĩa đen cần được kiểm tra thường xuyên, nói sao về lòng, tức trái tim theo nghĩa bóng? Đức Giê-hô-va xem xét tấm lòng. (1 Sử-ký 29:17) Chúng ta cũng nên làm thế. Bằng cách nào? Bằng cách đặt những câu hỏi như: Lòng tôi có nhận đầy đủ thức ăn thiêng liêng qua việc học hỏi cá nhân và tham dự các buổi họp không? (Thi-thiên 1:1, 2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Thông điệp của Đức Giê-hô-va có khắng khít với lòng tôi như “lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương tôi”, thúc đẩy tôi rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ không? (Giê-rê-mi 20:9; Ma-thi-ơ 28:19, 20; Rô-ma 1:15, 16) Khi có thể, tôi có gắng sức giục mình mạnh mẽ để tham gia khía cạnh nào đó của thánh chức trọn thời gian không? (Lu-ca 13:24) Lòng tôi tiếp xúc với loại môi trường nào? Tôi có đang cố gắng kết hợp với những người có lòng hợp nhất trong sự thờ phượng thật không? (Châm-ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33) Mong sao chúng ta nhanh chóng nhận thấy và sửa đổi ngay những thiếu sót.

5. Những thử thách đức tin nhằm vào mục đích hữu ích nào?

5 Chúng ta thường gặp thử thách đức tin. Những thử thách này tạo cơ hội giúp chúng ta chú ý đến trạng thái của lòng. Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên sắp vào Đất Hứa: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn-giữ những điều-răn của Ngài hay chăng”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:2) Chẳng phải chúng ta thường ngạc nhiên trước những cảm nghĩ, ước muốn hay phản ứng bộc lộ ra ngoài khi đối đầu với những tình huống hoặc sự cám dỗ bất ngờ sao? Những thử thách Đức Giê-hô-va cho phép xảy ra chắc chắn giúp chúng ta nhận thấy những khuyết điểm của mình và tạo cơ hội để trau dồi. (Gia-cơ 1:2-4) Mong sao chúng ta không bao giờ quên suy ngẫm và cầu nguyện khi đối phó với những thử thách!

Lời nói của chúng ta tiết lộ điều gì?

6. Những đề tài chúng ta thích thảo luận có thể tiết lộ gì về lòng chúng ta?

6 Làm sao chúng ta biết trong lòng mình chất chứa những gì? Chúa Giê-su phán: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra”. (Lu-ca 6:45) Điều chúng ta thường nói thể hiện đúng trạng thái của tấm lòng. Chúng ta có hay nói về vật chất và những thành đạt trong đời không? Hoặc các cuộc nói chuyện của chúng ta thường tập trung vào những điều thiêng liêng và những mục tiêu thần quyền? Thay vì rêu rao những lỗi lầm của người khác, chúng ta có yêu thương hay bỏ qua không? (Châm-ngôn 10:11, 12) Chúng ta có khuynh hướng nói nhiều về người khác và những chuyện xảy ra trong đời họ nhưng lại ít nói về các vấn đề thiêng liêng và đạo đức không? Có thể nào điều này là dấu hiệu cho thấy chúng ta quá quan tâm đến đời tư của người khác không?—1 Phi-e-rơ 4:15.

7. Từ câu chuyện về mười người anh của Giô-sép, chúng ta học được bài học nào về việc gìn giữ lòng mình?

7 Hãy xem xét những gì xảy ra trong một đại gia đình. Mười con trai lớn của Gia-cốp “chẳng có thể lấy lời tử-tế nói cùng” em trai Giô-sép. Tại sao vậy? Họ ganh ghét vì Giô-sép là con được cha yêu quý. Sau đó, khi Đức Chúa Trời ban phước cho Giô-sép bằng những giấc mơ, họ “càng thêm ganh-ghét nữa” vì điều đó chứng tỏ Giô-sép nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 37:4, 5, 11) Họ đã nhẫn tâm bán em trai mình làm nô lệ. Rồi, nhằm che đậy điều quấy, họ lừa dối cha khiến ông nghĩ rằng Giô-sép đã bị thú dữ giết chết. Trong dịp đó, mười anh trai của Giô-sép đã quên gìn giữ lòng mình. Nếu chúng ta vội vàng phê phán người khác, điều đó có thể là bằng chứng của tính ghen tị hay ganh ghét ở trong lòng chúng ta không? Chúng ta cần cảnh giác xem xét những điều nói ra và nhanh chóng trừ tận gốc khuynh hướng không đúng đắn.

8. Nếu không cưỡng lại được việc nói dối, điều gì sẽ giúp chúng ta xem xét lòng mình?

8 Dù “Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối”, nhưng loài người bất toàn có khuynh hướng nói dối. (Hê-bơ-rơ 6:18) Người viết Thi-thiên than vãn: “Mọi người đều nói dối”. (Thi-thiên 116:11) Ngay cả sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói dối và chối Chúa Giê-su ba lần. (Ma-thi-ơ 26:69-75) Rõ ràng là chúng ta phải cẩn thận tránh nói dối vì Đức Giê-hô-va ghét “lưỡi dối-trá”. (Châm-ngôn 6:16-19) Nếu có bao giờ không cưỡng lại được việc nói dối, chúng ta nên phân tích nguyên nhân. Có phải vì sợ người ta không? Có phải lý do là sợ hình phạt chăng? Có thể nguyên nhân của vấn đề là việc giữ thể diện hoặc hoàn toàn do tính ích kỷ không? Dù sao chăng nữa, thật thích đáng khi chúng ta ngẫm nghĩ về vấn đề này, khiêm nhường thừa nhận sai sót của mình, và nài xin Đức Giê-hô-va tha thứ bằng cách tìm kiếm sự trợ giúp của Ngài để vượt qua yếu kém! “Các trưởng-lão Hội-thánh” có thể là những người tốt nhất cung cấp sự giúp đỡ này.—Gia-cơ 5:14.

9. Những lời cầu nguyện có thể bộc lộ gì về lòng chúng ta?

9 Đáp lời vị vua trẻ Sa-lô-môn cầu xin sự khôn ngoan và tri thức, Đức Giê-hô-va phán: “Vì ngươi có lòng như vậy, không có cầu-xin sự giàu-có, của-cải, tôn-vinh,... nên ta đã ban sự khôn-ngoan và tri-thức cho ngươi; ta lại sẽ ban cho ngươi sự giàu-có, của-cải, tôn-vinh”. (2 Sử-ký 1:11, 12) Đức Giê-hô-va hiểu rõ trong lòng Sa-lô-môn chất chứa những gì qua những điều ông cầu xin và không xin. Những sự thông tri giữa chúng ta với Đức Chúa Trời cho thấy gì về lòng chúng ta? Lời cầu nguyện của chúng ta có bày tỏ lòng khao khát tri thức, sự khôn ngoan và thông sáng không? (Châm-ngôn 2:1-6; Ma-thi-ơ 5:3) Lòng chúng ta có quan tâm đến quyền lợi Nước Trời không? (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Nếu lời cầu nguyện trở nên máy móc và chiếu lệ, điều này cho thấy chúng ta cần dành thì giờ để suy ngẫm về những việc làm của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 103:2) Tất cả tín đồ Đấng Christ đều phải cảnh giác để thấy rõ điều mà lòng họ bộc lộ qua những lời cầu nguyện.

Hành động chúng ta nói lên điều gì?

10, 11. (a) Tà dâm và ngoại tình xuất phát từ đâu? (b) Điều gì giúp chúng ta tránh ‘phạm tội trong lòng’?

10 Hành động thường nói lên nhiều hơn lời nói. Chắc chắn hành động cho thấy một cách hùng hồn điều ẩn chứa trong lòng của chúng ta. Chẳng hạn về vấn đề đạo đức, việc gìn giữ tấm lòng bao gồm nhiều hơn là chỉ giản dị tránh hành động tà dâm hay ngoại tình. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su phán: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:28) Làm sao chúng ta có thể tránh phạm tội ngoại tình ngay cả trong lòng?

11 Tộc trưởng trung thành Gióp nêu gương cho những tín đồ Đấng Christ đã kết hôn. Chắc chắn Gióp có những sự giao tiếp bình thường với những phụ nữ trẻ và tử tế giúp đỡ họ khi cần. Nhưng ý nghĩ có sự quan tâm lãng mạn với những phụ nữ ấy không hề nảy sinh trong lòng con người chính trực này. Tại sao? Vì ông quyết tâm không liếc mắt đưa tình với phụ nữ. Ông nói: “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh?” (Gióp 31:1) Mong sao chúng ta cũng lập một giao ước tương tự với mắt và gìn giữ lòng mình.

12. Để gìn giữ lòng, bạn áp dụng Lu-ca 16:10 như thế nào?

12 Con của Đức Chúa Trời phán: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn; ai bất-nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất-nghĩa trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Thật thế, chúng ta cần xem xét hạnh kiểm mình trong những vấn đề dường như nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày, ngay cả những việc xảy ra ở nơi kín đáo trong nhà chúng ta. (Thi-thiên 101:2) Khi ngồi nhà xem truyền hình hay nối mạng Internet, chúng ta có cẩn thận tuân theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ. Chớ nói lời tục-tỉu, chớ giễu-cợt, chớ giả-ngộ tầm-phào, là những điều không đáng”, không? (Ê-phê-sô 5:3, 4) Còn về những màn hung bạo phổ biến trên truyền hình và trong những trò chơi video thì sao? Người viết Thi-thiên nói: “Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”.—Thi-thiên 11:5.

13. Có lời cảnh báo nào cho chúng ta khi ngẫm nghĩ về những gì ra từ lòng?

13 Giê-rê-mi đã cảnh báo: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được”. (Giê-rê-mi 17:9) Lòng thể hiện sự dối trá khi chúng ta cố biện hộ cho những sai sót, giảm thiểu hóa yếu kém, viện lý lẽ để bênh vực những thiếu sót nghiêm trọng trong nhân cách của mình, hoặc thổi phồng những thành công. Lòng xấu xa cũng có thể thể hiện qua thái độ hai lòng—miệng lưỡi êm dịu, nói một đàng làm một nẻo. (Thi-thiên 12:2; Châm-ngôn 23:7) Thật trọng yếu làm sao khi chúng ta trung thực xem xét những gì ra từ lòng!

Mắt chúng ta có giản dị không?

14, 15. (a) Mắt “giản dị” là gì? (b) Việc giữ cho mắt giản dị giúp chúng ta gìn giữ lòng mình như thế nào?

14 Chúa Giê-su phán: “Con mắt là đèn của thân-thể”. Ngài nói thêm: “Nếu mắt ngươi sáng-sủa [“giản dị”, NW] thì cả thân-thể ngươi sẽ được sáng-láng”. (Ma-thi-ơ 6:22) Mắt giản dị tập trung vào một mục tiêu hay một mục đích duy nhất, không bị lơ đễnh hoặc lạc hướng. Thật thế, mắt chúng ta nên tập trung vào việc “trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. (Ma-thi-ơ 6:33) Điều gì có thể xảy ra cho lòng nếu mắt chúng ta không giản dị?

15 Hãy xem xét vấn đề kiếm sống. Tín đồ Đấng Christ phải chu toàn trách nhiệm cung cấp nhu cầu cho gia đình. (1 Ti-mô-thê 5:8) Nhưng nói sao nếu chúng ta bị cám dỗ muốn sở hữu những gì mới nhất, tốt nhất, tìm cách ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa lộng lẫy và nhiều điều khác nữa? Chẳng phải điều ấy đã thật sự nô lệ hóa lòng và trí, khiến chúng ta hời hợt trong việc thờ phượng sao? (Thi-thiên 119:113; Rô-ma 16:18) Tại sao chúng ta lại phải mải miết chăm lo nhu cầu thể chất đến độ đời sống chúng ta chỉ xoay quanh gia đình, nghề nghiệp và của cải vật chất? Hãy nhớ lời khuyên được soi dẫn: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy”.—Lu-ca 21:34, 35.

16. Chúa Giê-su đã cho lời khuyên nào liên quan đến mắt, và tại sao?

16 Mắt là tuyến liên lạc quan trọng đến lòng và trí. Những gì mắt tập trung vào có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của chúng ta. Dùng ngôn ngữ minh họa, Chúa Giê-su cho thấy sức mạnh của cám dỗ thị giác và phán: “Nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân-thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân-thể bị ném vào địa-ngục”. (Ma-thi-ơ 5:29) Mắt phải được kiềm chế để không nhìn vào những điều bất chính. Thí dụ, nó không được phép chăm chú vào tài liệu kích thích hoặc khêu gợi những đam mê và dục vọng bất chính.

17. Áp dụng Cô-lô-se 3:5 giúp chúng ta gìn giữ lòng như thế nào?

17 Dĩ nhiên, thị giác không phải là giác quan duy nhất để chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Những giác quan khác như sự sờ và sự nghe đóng vai trò riêng của chúng, và chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa thích đáng đối với những bộ phận này của cơ thể. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng”.—Cô-lô-se 3:5.

18. Đối với những tư tưởng bất chính, chúng ta nên dùng những biện pháp nào?

18 Một dục vọng bất chính có thể tiềm ẩn trong trí chúng ta. Thường suy nghĩ về điều ấy sẽ gia tăng dục vọng sai quấy, ảnh hưởng đến lòng. “Lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác”. (Gia-cơ 1:14, 15) Nhiều người thừa nhận đây thường là cách sự thủ dâm xảy ra. Để những mối quan tâm về thiêng liêng tràn đầy tâm trí chúng ta thật quan trọng làm sao! (Phi-líp 4:8) Và nếu tư tưởng bất chính có nảy sinh trong trí, thì chúng ta nên gắng sức xua đuổi.

‘Hết lòng phục-sự Đức Giê-hô-va’

19, 20. Làm thế nào chúng ta có thể thành công trong việc hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va?

19 Về già, Vua Đa-vít nói với con trai: “Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng”. (1 Sử-ký 28:9) Chính Sa-lô-môn cầu nguyện để có “tấm lòng khôn-sáng [“vâng phục”, NW]”. (1 Các Vua 3:9) Thế nhưng ông phải đối mặt với thử thách gìn giữ tấm lòng như thế suốt đời.

20 Về vấn đề này, nếu muốn thành công chúng ta không những cần có một tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va mà còn phải gìn giữ nó. Để thực hiện điều này, chúng ta phải khắc ghi những sự nhắc nhở trong Lời Đức Chúa Trời vào lòng. (Châm-ngôn 4:20-22) Chúng ta cũng nên có thói quen xem xét lòng, suy ngẫm và cầu nguyện về điều mà lời nói và hành động bộc lộ. Nếu chúng ta không sốt sắng tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va nhằm sửa chữa bất kỳ yếu kém nào được phát hiện, thì sự suy ngẫm này có giá trị gì? Và việc canh chừng kỹ lưỡng những gì các giác quan chúng ta thu nhận thật trọng yếu làm sao! Khi làm điều này, chúng ta chắc chắn “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Thật vậy, chúng ta hãy cương quyết gìn giữ lòng hơn mọi điều khác cần được che chở và hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao gìn giữ lòng là điều quan trọng?

• Việc phân tích những gì chúng ta nói giúp gìn giữ lòng như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên giữ mắt “giản dị”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 23]

Chúng ta thường nói gì trong lúc rao giảng, tại các buổi họp và ở nhà?

[Các hình nơi trang 25]

Mắt giản dị không bị lơ đễnh