Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nước ban sự sống chảy trong Rặng Núi Andes

Nước ban sự sống chảy trong Rặng Núi Andes

Nước ban sự sống chảy trong Rặng Núi Andes

Rặng Núi Andes trải dọc xuống chính giữa Peru, chia nước này thành vùng duyên hải khô cằn ở phía tây và khu rừng rậm tươi tốt đầy hơi ở phía đông. Trong vùng nhiều núi này, có hơn một phần ba trong số 27 triệu người Peru sinh sống. Họ sống trên cao nguyên và triền núi Andes hoặc trong những hẻm núi sâu thăm thẳm và những thung lũng phì nhiêu của dãy núi lởm chởm đó.

TỪ BÊN ngoài không dễ dàng thâm nhập Rặng Núi Andes lởm chởm. Bởi thế, hàng triệu người sống ở đó khá biệt lập, hầu như không bị ảnh hưởng bởi những biến cố và những diễn tiến bên ngoài lãnh thổ của họ.

Những ngôi làng nhỏ mọc lên dọc theo những dòng suối để có nước cần thiết cho mùa màng và những đàn lạc đà không bướu đủ loại và cừu. Tuy nhiên, có một loại nước trọng yếu khác chảy trong Rặng Núi Andes—những dòng nước thiêng liêng làm tươi mát đến từ Đức Giê-hô-va, “nguồn nước sống”. (Giê-rê-mi 2:13) Đức Chúa Trời dùng các Nhân Chứng của Ngài để giúp đỡ những người định cư trên Rặng Núi Andes cao ngất có được sự hiểu biết chính xác về Ngài và ý định Ngài.—Ê-sai 12:3; Giăng 17:3.

Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”, những người truyền giáo này không quản công viếng thăm những cộng đồng hẻo lánh với thông điệp ban sự sống từ Kinh Thánh. (1 Ti-mô-thê 2:4) Thông điệp dựa trên Kinh Thánh soi sáng và cao quý. Thông điệp này giải thoát những người địa phương có lòng thành thật khỏi sự mê tín, những phong tục, những ý tưởng khiến họ sợ người chết, ác thần và những sức mạnh thiên nhiên. Quan trọng hơn, thông điệp này cho họ hy vọng huy hoàng về sự sống vô tận trên đất biến thành địa đàng.

Nỗ lực

Những người rao giảng về Nước Trời viếng thăm những vùng xa xôi phải thích nghi với nhiều điều. Để động đến lòng người ta, những người hướng dẫn Kinh Thánh cần biết chút ít về ngôn ngữ Quechua hoặc Aymara, hai ngôn ngữ địa phương.

Tới được những làng trong Rặng Núi Andes không phải dễ. Những vùng đó không có nhiều đường xe lửa chạy qua. Việc chuyên chở có tính cách mạo hiểm, dễ bị thời tiết xấu và địa hình hiểm trở gây khó khăn. Vậy làm sao Nhân Chứng đem được thông điệp Nước Trời đến cho người ta?

Những người rao giảng tin mừng với lòng can đảm chấp nhận khó khăn và hưởng ứng theo tinh thần của nhà tiên tri Ê-sai: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 6:8) Họ dùng ba nhà lưu động để đến những khu vực miền bắc, trung, nam. Được trang bị nhiều thùng Kinh Thánh và các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, những người tiên phong, hoặc những người truyền giáo sốt sắng trọn thời gian, đã gieo những hạt giống lẽ thật của Kinh Thánh trong vòng những người thân thiện, hiếu khách, và có lòng thành thật sống ở đó.

Những khúc quanh của đường núi ngoằn ngoèo đặc biệt nguy hiểm. Để đi qua được một số con đường này, xe cộ phải chạy ngoằn ngoèo. Trong một thao tác như thế, một giáo sĩ ngồi ở ghế sau một xe buýt nhìn ra cửa sổ và thấy một bánh sau xe ở ngay mép một vách núi bên dưới sâu hơn 190 mét! Anh nhắm mắt lại cho tới khi xe buýt qua được khúc quanh.

Một số đường gồ ghề và rất hẹp. Khi một trong những nhà lưu động đang xuống dốc trong địa thế hiểm trở như vậy, thì gặp một xe tải đang lên dốc. Nhà lưu động đang xuống dốc phải lùi lại tới một nơi để hai xe có thể cùng qua được một cách chật vật.

Tuy nhiên, kết quả đạt được nhờ những nỗ lực kiên gan như thế thật xuất sắc. Bạn có muốn biết thêm về những nỗ lực đó không?

“Đổ nước vào” Hồ Titicaca

Nằm trong một khu lòng chảo của Rặng Núi Andes, cao 3.800 mét trên mặt biển, Hồ Titicaca là hồ cao nhất thế giới có thể qua lại bằng tàu bè. Những đỉnh núi có tuyết phủ, một số đỉnh cao hơn 6.400 mét, là nguồn của hầu hết 25 con sông đổ vào Hồ Titicaca. Vì ở độ cao, khí hậu lạnh, và những ai không phải là dân bản địa đều cảm thấy choáng mặt ở độ cao.

Trước đây khá lâu, một nhóm người tiên phong nói tiếng Quechua và Aymara tổ chức một chuyến đi tới những đảo Amantani và Taquile trong Hồ Titicaca. Họ mang theo một phim chiếu slide tựa đề “Xem xét các Giáo Hội kỹ hơn” thẳng thắn trình bày những sai lầm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Phim này được khán giả hưởng ứng. Một người đàn ông đã đón tiếp các anh và dành một phòng rộng rãi trong nhà ông để các anh tá túc và dạy Kinh Thánh.

Buổi họp đầu tiên ở Amantani quy tụ được 100 người tham dự, buổi họp ở Taquile có 140 người dự. Phim lại được chiếu bằng tiếng Quechua. Một cặp vợ chồng trước kia từng sống ở đất liền nói: “Đã đến lúc Nhân Chứng Giê-hô-va các bạn nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi hằng cầu nguyện cho các bạn đến”.

Ngoài hai đảo lớn này, tin mừng còn được rao truyền trên khoảng 40 đảo “lềnh bềnh” trong Hồ Titicaca. Đảo lềnh bềnh sao? Đúng vậy, những đảo này được làm bằng những cây totora, loại cỏ tranh mọc trong một số khu vực nông hơn của hồ. Các cây totora trồi lên và mọc lan trên mặt nước. Để tạo thành một hòn đảo, người dân địa phương uốn cong những cây cỏ tranh, rễ vẫn còn bám vào đáy hồ, và bện chúng lại để tạo thành nền. Sau đó nền này được trát một lớp bùn và gia cố thêm bằng cỏ tranh được cắt ra. Người ta sống trong những lều tranh được xây trên nền này.

Nhân Chứng Giê-hô-va xoay xở được một chiếc thuyền để đi rao giảng cho người dân trên các đảo của Hồ Titicaca. Thuyền chở được 16 người. Sau khi cập bến các đảo lềnh bềnh, các Nhân Chứng đi bộ trên lớp nền tranh từ chòi này đến chòi kia. Họ nói rằng thường thường họ cảm thấy nền dưới chân rung rinh. Quả đây không phải là nơi cho những người dễ bị say sóng!

Về phần dân cư nói tiếng Aymara, họ sống thành những cộng đồng đông người ở những làng ven biển và trên các bán đảo nhô vào phía trong hồ. Muốn tới những bán đảo này thì đi bằng thuyền dễ hơn bằng đường bộ. Người ta ước lượng có gần 400.000 người sống trong vùng được nghe thông điệp Nước Trời qua đường thủy. Tàu thủy sẽ bận rộn thêm một thời gian khá lâu nữa.

Giải khát theo nghĩa thiêng liêng

Flavio sống trong làng Santa Lucía, gần Juliaca, trong Rặng Núi Andes. Trong Giáo Hội Phúc Âm, ông đã được dạy dỗ về thuyết lửa địa ngục. Nhiều năm qua, ông nơm nớp sợ hãi sự trừng phạt đời đời trong hỏa ngục. Ông thường thắc mắc làm sao Đức Chúa Trời yêu thương lại có thể hành hạ loài người đời đời trong lửa. Khi Tito, một người truyền giáo trọn thời gian thuộc Nhân Chứng Giê-hô-va, viếng thăm làng đó, anh ghé thăm Flavio.

Một trong những câu hỏi đầu tiên Flavio nêu ra là: “Tôn giáo của ông có dạy rằng người ta bị hành hạ trong lửa địa ngục không?” Tito trả lời rằng ý tưởng đó ghê tởm đối với Đấng Tạo Hóa và làm ô danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự yêu thương. Dùng bản Kinh Thánh của Flavio, Tito chỉ cho ông thấy rằng người chết không còn biết chi hết và họ chờ đợi sự sống lại trên đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 9:5; Giăng 5:28, 29) Điều này làm cho Flavio hiểu ra sự thật. Ngay lập tức, ông chấp nhận học Kinh Thánh và chẳng bao lâu làm báp têm trở thành tín đồ Đấng Christ.

Một ngôi làng biết ơn

Hãy tưởng tượng, thật hào hứng biết bao khi đem Kinh Thánh đến cho những dân làng mà từ trước tới nay chưa bao giờ thấy một cuốn Kinh Thánh, hoặc rao giảng trong những làng mà người ta chưa bao giờ nghe đến Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc được nghe đến tin mừng mà họ rao giảng! Đó là kinh nghiệm của ba chị tiên phong—Rosa, Alicia và Cecilia—rao giảng khắp các làng Izcuchaca và Conayca, nằm ở độ cao hơn 3.600 mét thuộc miền trung Peru.

Khi đến ngôi làng đầu tiên, các chị không có nơi tá túc. Họ nói với viên chỉ huy cảnh sát địa phương, giải thích lý do viếng thăm. Kết quả là gì? Ông để cho họ qua đêm tại đồn cảnh sát. Ngày hôm sau, các chị tìm được nơi ở cố định hơn để làm địa điểm xuất phát.

Ít lâu sau, đến lúc cử hành Lễ Tưởng Niệm hàng năm về sự chết của Đấng Christ. Các chị tiên phong viếng thăm tất cả những nhà trong làng Izcuchaca, để lại nhiều Kinh Thánh, và bắt đầu một số học hỏi Kinh Thánh. Trước Lễ Tưởng Niệm, các chị phát giấy mời cho dịp này, giải thích mục đích của buổi lễ và ý nghĩa các món biểu hiệu được dùng. Một nhóm các anh được mời đến giúp trong dịp này, và một anh trình bày bài giảng. Thật vui mừng biết bao được thấy 50 người trong ngôi làng nhỏ bé có mặt trong dịp đặc biệt này! Lần đầu tiên họ hiểu được Bữa Tiệc Thánh của Chúa đã thật sự có nghĩa gì. Ngoài ra, việc cầm trong tay Lời Đức Chúa Trời thật quý biết chừng nào đối với họ!

Trút khỏi gánh nặng

Mang nước tươi mát của lẽ thật trong Kinh Thánh đến những người bị tôn giáo giả giam cầm luôn luôn là niềm vui. Pisac là đồn lũy của đế quốc Inca thời xưa. Hầu hết những người sống ở đó ngày nay đã được dạy dỗ giáo lý lửa địa ngục không có trong Kinh Thánh. Các linh mục nói họ chỉ có thể lên trời nếu được các linh mục khấn xin hộ.

Điều dễ hiểu là những người như thế khao khát nước tươi mát của lẽ thật Kinh Thánh. Khi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, Santiago, một Nhân Chứng Giê-hô-va truyền giáo trọn thời gian, đã có dịp giải thích cho một người đàn ông rằng những người công bình được định sẵn là sẽ sống trên đất trở thành địa đàng. (Thi-thiên 37:11) Qua Kinh Thánh, Santaigo cho thấy rõ rằng người chết sẽ được sống lại và nhân loại sẽ được dạy dỗ theo những đường lối hoàn toàn của Đức Giê-hô-va với viễn cảnh được sống đời đời. (Ê-sai 11:9) Cho tới khi đó, ông này, trước kia là người công giáo sùng đạo, thích thử qua thông linh thuật, từng vướng tật say sưa quá độ, thì bây giờ có hy vọng dựa trên Kinh Thánh và mục tiêu trong đời—sống trong Địa Đàng. Ông đã đốt tất cả dụng cụ thông linh thuật và bỏ việc chè chén say sưa. Ông tập họp gia đình và chấp nhận học Kinh Thánh. Cuối cùng tất cả những người trong gia đình đó đều dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và làm báp têm.

Lòng hiếu khách được hoan nghênh

Người dân miền núi rất hiếu khách. Mặc dầu nhà của họ khiêm tốn, của cải không nhiều, họ tiếp đãi khách bằng những gì họ có. Trước khi học biết những tiêu chuẩn cao của Kinh Thánh, một chủ nhà có thể mời khách những lá cây côca để nhai trong lúc nói chuyện. Nhưng khi trở thành một Nhân Chứng, ông có thể tặng một muỗng đường, có giá trị tương đương với trầu trong những tỉnh hẻo lánh.

Một anh rủ một giáo sĩ cùng đi viếng thăm lại với anh. Sau khi phải vất vả leo hết một đường dốc lên núi, các anh vỗ tay để báo hiệu cho chủ nhà ra đón. Các anh được mời vào một căn nhà mái lá, phải cúi người mới qua được cái cửa thấp. Họ cẩn thận bước quanh sàn đất ở chính giữa nhà, nơi người mẹ đã đào một cái lỗ, lèn chặt một cái mền, và đặt con nhỏ của bà vào đó. Không thể ra được, đứa bé đành vui vẻ thỏ thẻ một mình trong khi người lớn nói chuyện. Sau khi họ đã thảo luận sôi nổi về những ân phước của Nước Trời, người phụ nữ đem ra một hũ cao đựng nước uống miền núi. Chẳng mấy chốc các anh lại xuống núi để đi thăm người khác.

Được mùa

Bây giờ trong vùng này có khoảng một trăm nhóm ở rải rác với hơn một ngàn người học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Những anh tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Thánh Chức ở Lima đang được phái đi để phát triển những nhóm đó thành hội thánh. Những người có lòng ngay thẳng đã từng là phu tù của tôn giáo giả và những sự mê tín từ lâu nay tìm được sự giải thoát qua tin mừng Nước Trời! (Giăng 8:32) Họ được giải khát với nước của lẽ thật.

[Hình nơi trang 10]

Làm chứng trên những đảo “lềnh bềnh” trong Hồ Titicaca