Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Rèn luyện một tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va

Rèn luyện một tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va

Rèn luyện một tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va

“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng”.—THI-THIÊN 51:10.

1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lòng mình?

NGƯỜI trai trẻ ấy có vóc dáng cao lớn và khôi ngô tuấn tú. Thoạt nhìn, nhà tiên tri Sa-mu-ên thầm kết luận con trưởng nam của Y-sai là người được Đức Chúa Trời chọn làm vua nối ngôi Sau-lơ. Nhưng Đức Giê-hô-va phán: “Chớ xem về bộ-dạng và hình-vóc cao lớn của [con trai đó], vì ta đã bỏ nó... Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. Sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va cho thấy con trai út của Y-sai, Đa-vít—là “một người theo lòng Ngài”.—1 Sa-mu-ên 13:14; 16:7.

2 Đức Chúa Trời có thể đọc được lòng người, như sau đó Ngài làm sáng tỏ: “Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm”. (Giê-rê-mi 17:10) Đúng thế, “Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người”. (Châm-ngôn 17:3) Vậy, Đức Giê-hô-va xem xét gì trong lòng một người? Và chúng ta có thể làm gì để rèn luyện một tấm lòng vừa ý Ngài?

“Bề trong giấu ở trong lòng”

3, 4. Hãy cho thí dụ về những khía cạnh của “lòng” như đề cập trong Kinh Thánh.

3 Từ “lòng” xuất hiện khoảng một ngàn lần trong Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va phán cùng nhà tiên tri Môi-se: “Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên đặng họ dâng lễ-vật cho ta; các ngươi hãy nhận lấy lễ-vật của mọi người có lòng thành dâng cho”. Và “mọi người có lòng cảm-động” đều đem đến lễ vật dâng cho Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:2; 35:21) Rõ ràng động lực là một khía cạnh của lòng—lực nội tâm thúc đẩy chúng ta hành động. Lòng chúng ta cũng phản ánh những cảm xúc và cảm nghĩ, ước vọng và tình cảm trìu mến của chúng ta. Lòng có thể bị cơn giận dữ thiêu đốt hoặc tràn đầy nỗi sợ hãi, tan nát bởi đau buồn hay hân hoan vui sướng. (Thi-thiên 27:3; 39:3; Giăng 16:22; Rô-ma 9:2) Lòng có thể kiêu ngạo hay khiêm nhường, yêu thương hay thù ghét.—Châm-ngôn 16:5; Ma-thi-ơ 11:29; 1 Phi-e-rơ 1:22.

4 Vì vậy, “lòng” thường được liên kết với động lực và cảm xúc, trong khi “trí” đặc biệt gắn liền với trí năng. Đây là cách phải hiểu những từ này trong cùng một văn cảnh Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 22:37; Phi-líp 4:7) Nhưng lòng và trí không loại trừ nhau. Thí dụ, Môi-se khuyên giục dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy ghi-tạc trong lòng ngươi [hoặc, “phải nhớ trong trí ngươi”, cước chú NW] rằng Giê-hô-va, ấy là Đức Chúa Trời thật”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:39) Chúa Giê-su phán với những thầy thông giáo âm mưu chống đối ngài: “Nhân sao trong lòng các ngươi có ác-tưởng làm vậy?” (Ma-thi-ơ 9:4) “Thông-sáng”, “tri-thức” và “nghĩ” cũng có thể được liên kết với lòng. (1 Các Vua 3:12; Châm-ngôn 15:14; Mác 2:6) Vì thế, lòng cũng có thể bao hàm trí năng của chúng ta—tư tưởng hoặc sự thông hiểu.

5. Lòng tượng trưng cho gì?

5 Theo một tác phẩm tham khảo, lòng tức là “phần cốt lõi nói chung, nội tâm, và con người bề trong được thể hiện qua tất cả các hoạt động khác nhau, trong những ước vọng, tình cảm trìu mến, cảm xúc, đam mê, ý định, tư tưởng, nhận thức, trí tưởng tượng, sự khôn ngoan, hiểu biết, kỹ năng, niềm tin và khả năng suy luận, ký ức và ý thức của một người”. Lòng tượng trưng con người bề trong thật sự của chúng ta, “bề trong giấu ở trong lòng”. (1 Phi-e-rơ 3:4) Đó là điều mà Đức Giê-hô-va nhìn thấy và xem xét. Vì thế, Đa-vít đã có thể cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng”. (Thi-thiên 51:10) Làm sao chúng ta rèn luyện tấm lòng trong sạch?

“Hãy để lòng chăm-chỉ” về Lời Đức Chúa Trời

6. Môi-se đã đưa ra những lời khuyến giục nào cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ cắm trại tại Đồng Bằng Mô-áp?

6 Khi khuyên nhủ dân Y-sơ-ra-ên tụ họp tại Đồng Bằng Mô-áp trước khi vào Đất Hứa, Môi-se nói: “Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay, mà truyền cho con-cháu mình, để chúng nó cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:46) Dân Y-sơ-ra-ên đã phải “lưu tâm”. (Trần Đức Huân) Họ chỉ có thể khắc ghi vào lòng con cái những mệnh lệnh của Đức Chúa Trời khi họ quen thuộc với những mệnh lệnh ấy.—Phục truyền Luật-lệ Ký 6:6-8.

7. “Để lòng chăm-chỉ” về Lời Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

7 Một bí quyết để rèn luyện tấm lòng trong sạch là thu thập sự hiểu biết cặn kẽ về ý muốn và ý định của Đức Chúa Trời. Nguồn duy nhất của sự hiểu biết này là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Nhưng chỉ biết trong đầu mà thôi không giúp chúng ta rèn luyện tấm lòng trong sạch vừa ý Đức Giê-hô-va. Để sự hiểu biết ảnh hưởng đến con người bên trong, chúng ta phải “để lòng chăm-chỉ”, hay “ghi nhớ trong lòng”, những gì mình đang học. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:46, Trịnh Văn Căn) Làm sao làm được điều này? Người viết Thi-thiên Đa-vít giải thích: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa”.—Thi-thiên 143:5.

8. Khi học, chúng ta có thể ngẫm nghĩ về những câu hỏi nào?

8 Chúng ta cũng nên suy ngẫm với lòng biết ơn về công việc của Đức Giê-hô-va. Khi đọc Kinh Thánh hoặc những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta cần ngẫm nghĩ về những câu hỏi như: ‘Chuyện này dạy cho tôi biết gì về Đức Giê-hô-va? Ở đây tôi thấy được đức tính chính nào của Đức Giê-hô-va? Sự tường thuật này dạy cho tôi biết gì về những điều Đức Giê-hô-va yêu và ghét? Kết quả của việc theo đuổi đường lối Đức Giê-hô-va ưa thích là gì so với hậu quả của việc theo đuổi đường lối mà Ngài ghét? Thông tin này liên hệ thế nào với những điều tôi đã biết rồi?’

9. Việc học hỏi cá nhân và suy ngẫm quý giá thế nào?

9 Lisa, * 32 tuổi, giải thích làm thế nào chị quý trọng giá trị của việc học và suy ngẫm có mục đích: “Sau khi báp têm vào năm 1994, tôi khá tích cực trong lẽ thật khoảng hai năm. Tôi tham dự tất cả các buổi họp đạo Đấng Christ, dành từ 30 đến 40 giờ mỗi tháng trong thánh chức rao giảng, và kết hợp với anh chị em tín đồ. Rồi tôi bắt đầu bị trôi giạt. Tôi sa sút đến mức vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Nhưng tôi tỉnh ngộ và quyết định gột rửa đời sống mình. Tôi thật vui sướng biết bao khi Đức Giê-hô-va chấp nhận sự ăn năn của tôi và cho tôi trở lại! Tôi thường ngẫm nghĩ: ‘Tại sao tôi sa ngã?’ Tôi luôn đi đến câu trả lời là mình đã sao lãng việc học và suy ngẫm có mục đích. Lẽ thật Kinh Thánh đã không động đến lòng tôi. Từ rày về sau, việc học hỏi cá nhân và suy ngẫm luôn là phần quan trọng trong đời tôi”. Khi gia tăng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va, Con Ngài và Lời Ngài, việc chúng ta dành thì giờ để suy ngẫm sâu xa thật trọng yếu làm sao!

10. Tại sao dành thì giờ cho việc học hỏi cá nhân và suy ngẫm là khẩn cấp?

10 Trong thế gian bận rộn ngày nay, tìm được thì giờ để học hỏi và suy ngẫm thật sự là một thách đố. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ ngày nay đứng trước ngưỡng cửa Đất Hứa tuyệt vời—thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời. (2 Phi-e-rơ 3:13) Những biến cố thất kinh như “Ba-by-lôn lớn” bị hủy diệt và “Gót ở đất Ma-gốc” tấn công dân của Đức Giê-hô-va đã gần kề. (Khải-huyền 17:1, 2, 5, 15-17; Ê-xê-chi-ên 38:1-4, 14-16; 39:2) Những điều sắp đến có thể thử thách lòng yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va. Giờ đây chúng ta phải khẩn cấp lợi dụng thì giờ và để lòng chăm chỉ về Lời Đức Chúa Trời!—Ê-phê-sô 5:15, 16.

‘Định chí tra-xét Lời Đức Chúa Trời’

11. Lòng chúng ta có thể được ví như đất như thế nào?

11 Lòng có thể ví như đất cho hạt giống lẽ thật nẩy mầm. (Ma-thi-ơ 13:18-23) Đất theo nghĩa đen thường được cày xới để đảm bảo cây phát triển tốt. Tương tự thế, lòng cần được chuẩn bị, hay sửa soạn, để lòng dễ tiếp thu Lời Đức Chúa Trời hơn. Thầy tế lễ E-xơ-ra “đã định chí tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo”. (E-xơ-ra 7:10) Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị lòng mình?

12. Điều gì sẽ giúp chúng ta chuẩn bị lòng cho việc học?

12 Cách tuyệt diệu để chuẩn bị tấm lòng khi tra xét Lời Đức Chúa Trời là chân thành cầu nguyện. Các buổi họp đạo Đấng Christ của những người thờ phượng thật mở đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện. Thật thích hợp mỗi khi chúng ta bắt đầu học hỏi Kinh Thánh cá nhân với lời cầu nguyện chân thành và giữ thái độ sùng kính ấy trong suốt buổi học!

13. Chúng ta phải làm gì để rèn luyện tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va?

13 Lòng phải được chuẩn bị để gạt bỏ những định kiến. Những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su đã không sẵn lòng làm điều này. (Ma-thi-ơ 13:15) Ngược lại, Ma-ri, mẹ Chúa Giê-su, suy nghĩ “trong lòng” dựa vào những lẽ thật mà bà đã nghe. (Lu-ca 2:19, 51) Bà đã trở nên môn đồ trung thành của Chúa Giê-su. Ly-đi ở thành Thi-a-ti-rơ lắng nghe Phao-lô, “và Đức Giê-hô-va mở lòng cho người, đặng chăm-chỉ nghe lời”. Bà cũng đã trở thành người tin đạo. (Công-vụ 16:14, 15) Mong sao không bao giờ chúng ta khăng khăng giữ ý tưởng riêng hoặc những quan điểm về giáo lý mà chúng ta hằng quyến luyến. Thay vì thế, chúng ta hãy sẵn lòng “xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả-dối”.—Rô-ma 3:4.

14. Chúng ta có thể chuẩn bị tấm lòng như thế nào để lắng nghe tại những buổi họp đạo Đấng Christ?

14 Chuẩn bị lòng để lắng nghe tại các buổi họp đạo Đấng Christ là điều đặc biệt quan trọng. Chúng ta có thể bị phân tâm mà không tập trung tư tưởng vào lời giảng. Những lời đang nói đó có thể ảnh hưởng rất ít đối với chúng ta nếu bận tâm về những việc xảy ra trong ngày hoặc lo nghĩ đến những điều đang chờ đợi ngày mai. Muốn nhận được lợi ích từ những điều đang nói, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe và học hỏi. Chúng ta có thể nhận được lợi ích biết bao nếu quyết tâm hiểu những câu Kinh Thánh được dẫn giải và ý nghĩa trong những câu ấy.—Nê-hê-mi 8:5-8, 12.

15. Làm thế nào tính khiêm nhường giúp chúng ta dễ uốn nắn hơn?

15 Như việc bón phân làm cho đất thêm màu mỡ, cũng vậy, vun trồng tính nhu mì, khao khát về thiêng liêng, tin cậy, sự kính sợ và lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời có thể khiến lòng chúng ta phong phú thêm. Tính khiêm nhường làm dịu lòng, khiến chúng ta trở nên dễ uốn nắn. Đức Giê-hô-va nói với Vua Giô-si-a xứ Giu-đa: “Khi ngươi nghe lời ta phán... thì ngươi có lòng mềm-mại, hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va,... và khóc-lóc trước mặt ta; bởi vậy cho nên ta cũng có nghe ngươi”. (2 Các Vua 22:19) Lòng của Giô-si-a khiêm nhường và dễ tiếp thu. Tính khiêm nhường khiến những môn đồ “dốt-nát không học” của Chúa Giê-su hiểu và áp dụng những lẽ thật về thiêng liêng mà “kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ” không hiểu được. (Công-vụ 4:13; Lu-ca 10:21) Mong sao chúng ta “hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời” khi cố gắng rèn luyện tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va.—E-xơ-ra 8:21.

16. Tại sao cần phải nỗ lực để vun trồng sự khao khát thức ăn thiêng liêng?

16 Chúa Giê-su phán: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Dù được phú khả năng về thiêng liêng tính, những áp lực của thế gian độc ác này hoặc những thói như lười biếng có thể lấn át ý thức về nhu cầu của chúng ta. (Ma-thi-ơ 4:4) Chúng ta phải vun trồng sự ham thích lành mạnh đối với thức ăn thiêng liêng. Dù lúc đầu chúng ta không thích thú trong việc đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân nhưng với sự kiên trì chúng ta sẽ thấy sự hiểu biết ‘làm vui-thích linh-hồn’ khiến chúng ta nóng lòng trông đợi buổi học.—Châm-ngôn 2:10, 11.

17. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng cho chúng ta tin cậy hoàn toàn? (b) Làm sao chúng ta có thể vun trồng sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời?

17 Vua Sa-lô-môn khuyên: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”. (Châm-ngôn 3:5) Một tấm lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va nhận biết bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi hay chỉ thị qua Lời Ngài luôn luôn đúng. (Ê-sai 48:17) Đức Giê-hô-va chắc chắn xứng đáng cho chúng ta tin cậy hoàn toàn. Ngài có khả năng thực hiện tất cả những gì Ngài đã định. (Ê-sai 40:26, 29) Chính danh của Ngài, nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”, tạo sự tin cậy vào khả năng hoàn thành những điều Ngài hứa! Ngài là “công-bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công-việc Ngài”. (Thi-thiên 145:17) Dĩ nhiên, để vun trồng sự tin cậy nơi Ngài, chúng ta cần “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” bằng cách áp dụng vào đời sống cá nhân những điều học hỏi từ Kinh Thánh và suy ngẫm về lợi ích của điều này.—Thi-thiên 34:8.

18. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta dễ tiếp thu sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời như thế nào?

18 Nêu rõ một đức tính khác khiến cho lòng chúng ta dễ tiếp thu sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn nói: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác”. (Châm-ngôn 3:7) Đức Giê-hô-va phán về dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Chớ chi dân nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta như thế, để chúng nó và con-cháu chúng nó được phước đời đời!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29) Thật vậy, những người kính sợ Đức Chúa Trời thì vâng lời Ngài. Đức Giê-hô-va có khả năng “giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” và trừng phạt những kẻ bất tuân. (2 Sử-ký 16:9) Mong sao sự tôn kính sợ làm mất lòng Đức Chúa Trời chi phối tất cả những hoạt động, tư tưởng và tình cảm của chúng ta.

‘Hết lòng yêu-mến Đức Giê-hô-va’

19. Tình yêu thương đóng vai trò nào trong việc khiến lòng chúng ta đáp ứng sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

19 Tình yêu thương thật sự trổi hơn tất cả những đức tính khác, làm cho lòng chúng ta đáp ứng sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Lòng tràn đầy tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời khiến một người sốt sắng học biết những điều làm hài lòng Đức Chúa Trời và tránh những điều làm Ngài phật lòng. (1 Giăng 5:3) Chúa Giê-su phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37) Mong sao chúng ta làm cho tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va trở nên sâu đậm bằng cách tạo thói quen suy ngẫm về sự tốt lành của Ngài, thường xuyên nói chuyện với Ngài như với một người bạn thân, và sốt sắng nói về Ngài với người khác.

20. Làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện được tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va?

20 Để ôn lại: Việc rèn luyện một tấm lòng vừa ý Đức Giê-hô-va bao hàm việc để Lời Ngài ảnh hưởng đến nội tâm của chúng ta, con người bề trong giấu ở trong lòng. Điều thiết yếu là học hỏi Kinh Thánh cá nhân một cách có ý nghĩa và suy ngẫm với lòng biết ơn. Điều này được thực hiện cách tốt nhất với lòng được chuẩn bị—một tấm lòng không định kiến, một tấm lòng tràn đầy những đức tính khiến chúng ta trở nên dễ uốn nắn! Thật vậy, với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể rèn luyện được một tấm lòng tốt. Tuy nhiên, chúng ta có những biện pháp nào để gìn giữ lòng mình?

[Chú thích]

^ đ. 9 Tên đã được đổi.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Giê-hô-va xem xét lòng nào?

• Làm thế nào chúng ta có thể “để lòng chăm-chỉ” về Lời Đức Chúa Trời?

• Chúng ta nên chuẩn bị lòng mình như thế nào khi tra cứu Lời Đức Chúa Trời?

• Sau khi xem xét bài này, bạn được thúc đẩy làm điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Đa-vít suy ngẫm với lòng biết ơn về những điều thiêng liêng. Bạn có làm như thế không?

[Các hình nơi trang 18]

Hãy chuẩn bị tấm lòng trước khi học Lời Đức Chúa Trời