Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy mặc lấy sự nhịn-nhục’

‘Hãy mặc lấy sự nhịn-nhục’

‘Hãy mặc lấy sự nhịn-nhục’

“Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự... nhịn-nhục”.—CÔ-LÔ-SE 3:12.

1. Hãy kể lại một tấm gương về sự nhịn nhục.

RÉGIS sống ở miền tây nam nước Pháp và chịu phép báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1952. Trong nhiều năm trường, vợ anh làm đủ mọi cách để cản trở anh phụng sự Đức Giê-hô-va. Bà tìm cách chọc thủng bánh xe để anh khỏi đi nhóm họp, và thậm chí có lần bà còn đi theo chế giễu ngay lúc anh chia sẻ tin mừng Nước Trời với chủ nhà. Mặc dù bị chống đối dai dẳng như thế, Régis vẫn nhịn nhục. Anh quả là gương mẫu cho tất cả tín đồ Đấng Christ vì Đức Giê-hô-va đòi hỏi mọi người thờ phượng Ngài phải nhịn nhục trong cách đối xử với người khác.

2. Từ “nhịn nhục” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là gì, và hàm ý gì?

2 Từ “nhịn nhục” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là “tinh thần dẻo dai”. Thánh Kinh Hội dịch từ này là “nhịn-nhục” mười một lần, “khoan-nhẫn” hai lần, và “khoan-dung” một lần. Cả trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp, cụm từ được dịch ra là “nhịn nhục” đều hàm ý kiên nhẫn, kiềm chế và chậm giận.

3. Quan điểm của tín đồ Đấng Christ về sự nhịn nhục khác với người Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất như thế nào?

3 Người Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất không xem sự nhịn nhục là một đức tính đáng quý. Riêng từ này không bao giờ được các triết gia phái Khắc Kỷ nhắc tới. Theo học giả Kinh Thánh William Barclay, nhịn nhục “hoàn toàn trái ngược với chuẩn mực đạo đức của người Hy Lạp” vì ngoài những điều khác, chuẩn mực ấy còn đề cao việc “không chấp nhận bất kỳ sự sỉ nhục hay tổn thương nào”. Ông Barclay nói: “Đối với người Hy Lạp, người đàn ông thực thụ là người phải trả thù bằng mọi giá. Còn đối với tín đồ Đấng Christ, người mạnh lại là người từ chối trả thù, cho dù có khả năng làm điều đó”. Người Hy Lạp có thể đã xem nhịn nhục là biểu hiện của sự yếu đuối, nhưng một lần nữa điều này cho thấy “sự rồ-dại của Đức Chúa Trời là khôn-sáng hơn người ta, và sự yếu-đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta”.—1 Cô-rinh-tô 1:25.

Gương nhịn nhục của Đấng Christ

4, 5. Chúa Giê-su nêu gương mẫu nhịn nhục tuyệt vời nào?

4 Chúa Giê-su Christ nêu gương xuất sắc về sự nhịn nhục, chỉ kém Đức Giê-hô-va. Khi bị áp lực đè nặng, ngài vẫn tỏ ra hết sức kiềm chế. Kinh Thánh tiên tri về ngài: “Người bị hiếp-đáp, nhưng khi chịu sự khốn-khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng”.—Ê-sai 53:7.

5 Chúa Giê-su đã biểu lộ sự nhịn nhục tuyệt vời biết bao trong suốt thánh chức trên đất! Ngài chịu đựng những câu hỏi xảo trá của kẻ thù và lời sỉ nhục của những kẻ chống đối. (Ma-thi-ơ 22:15-46; 1 Phi-e-rơ 2:23) Ngay cả khi môn đồ cứ mãi cãi vã, đòi làm người lớn nhất, ngài vẫn tỏ ra kiên nhẫn với họ. (Mác 9:33-37; 10:35-45; Lu-ca 22:24-27) Sự kiềm chế của ngài thật đáng khâm phục, khi vào đêm bị phản bội, Phi-e-rơ và Giăng đã ngủ vùi, mặc dù đã được bảo phải “tỉnh-thức”!—Ma-thi-ơ 26:36-41.

6. Phao-lô được lợi ích nào nhờ sự khoan nhẫn của Chúa Giê-su, và chúng ta học được gì từ điều này?

6 Sau khi chịu chết và sống lại, Chúa Giê-su tiếp tục tỏ ra khoan nhẫn. Sứ đồ Phao-lô đặc biệt nhận thức rõ điều này vì trước đó ông là người đã bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Phao-lô viết: “Đức Chúa Jêsus-Christ đã đến trong thế-gian để cứu-vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc-chắn, đáng đem lòng tin trọn-vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương-xót, hầu cho Đức Chúa Jêsus-Christ tỏ mọi sự nhịn-nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời”. (1 Ti-mô-thê 1:15, 16) Dù chúng ta có quá khứ thế nào đi nữa, nhưng nếu đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su, ngài sẽ khoan nhẫn với chúng ta. Dĩ nhiên, ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải “làm công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn”. (Công-vụ 26:20; Rô-ma 2:4) Những thông điệp của Đấng Christ gửi đến bảy hội thánh trong vùng Tiểu Á cho thấy tuy ngài kiên nhẫn nhưng cũng đòi hỏi sự tiến bộ.—Khải-huyền, chương 2 và 3.

Một bông trái thánh linh

7. Sự nhịn nhục và thánh linh có quan hệ gì với nhau?

7 Trong chương 5 của lá thư gửi tín hữu thành Ga-la-ti, Phao-lô cho thấy sự tương phản giữa việc làm của xác thịt và bông trái của thánh linh. (Ga-la-ti 5:19-23) Vì nhịn nhục là một nét tính cách của Đức Giê-hô-va, hẳn nhiên đức tính này bắt nguồn từ Ngài và là một trái thánh linh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Thật vậy, sự nhịn nhục đứng hàng thứ tư trong lời miêu tả của Phao-lô về bông trái thánh linh, bên cạnh “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an,... nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Do đó, khi các tôi tớ Đức Chúa Trời biểu lộ sự kiên nhẫn, hay nhịn nhục như Ngài, ấy là nhờ ảnh hưởng của thánh linh.

8. Điều gì giúp chúng ta vun trồng bông trái thánh linh, kể cả sự nhịn nhục?

8 Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va buộc chúng ta phục theo thánh linh. Chính chúng ta phải tự nguyện để thánh linh dẫn dắt. (2 Cô-rinh-tô 3:17, Nguyễn Thế Thuấn; Ê-phê-sô 4:30) Chúng ta để thánh linh hoạt động trong đời sống bằng cách vun trồng bông trái thánh linh trong mọi việc làm. Sau khi kể ra những việc làm của xác thịt và các bông trái của thánh linh, Phao-lô nói thêm: “Nếu chúng ta nhờ Thánh-Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh-Linh vậy. Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát; song kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời”. (Ga-la-ti 5:25; 6:7, 8) Muốn vun trồng lòng nhịn nhục, chúng ta cũng phải vun trồng những bông trái khác của thánh linh.

“Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”

9. Lý do nào có thể đã khiến Phao-lô nói với tín hữu thành Cô-rinh-tô rằng “tình yêu-thương hay nhịn-nhục”?

9 Phao-lô cho thấy có mối tương quan đặc biệt giữa tình yêu thương và sự nhịn nhục khi ông nói: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”. (1 Cô-rinh-tô 13:4) Một học giả Kinh Thánh, ông Albert Barnes, cho rằng Phao-lô nhấn mạnh điểm này vì có sự tranh cạnh và chia rẽ trong hội thánh Cô-rinh-tô. (1 Cô-rinh-tô 1:11, 12) Ông Barnes nêu ra điểm sau: “Từ được dùng [để chỉ sự nhịn nhục] ở đây trái nghĩa với hấp tấp, với những suy nghĩ và lời nói nóng nảy, và sự bực tức. Nó ám chỉ tinh thần CHỊU ĐỰNG LÂU DÀI sự hiếp đáp, hay khiêu khích”. Ngày nay, tình yêu thương và lòng nhịn nhục vẫn góp phần lớn vào sự hòa thuận trong hội thánh.

10. (a) Làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta nhịn nhục, và sứ đồ Phao-lô cho lời khuyên nào về điều này? (b) Một học giả Kinh Thánh bình luận thế nào về sự nhịn nhục và nhân từ của Đức Chúa Trời? (Xem cước chú).

10 “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận”. Như vậy, tình yêu thương giúp chúng ta nhịn nhục qua nhiều cách. * (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5) Tình yêu thương giúp chúng ta kiên nhẫn nhường nhịn nhau và nhớ rằng hết thảy đều bất toàn và lầm lỗi. Nó khiến ta biết quan tâm đến người khác và có lòng bao dung. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta hãy ăn ở “khiêm-nhường đến điều, mềm-mại đến điều, phải nhịn-nhục, lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một của Thánh-Linh”.—Ê-phê-sô 4:1-3.

11. Tại sao sự nhịn nhục đặc biệt quan trọng giữa các tín đồ Đấng Christ?

11 Sự nhịn nhục của các tín đồ Đấng Christ góp phần tạo nên sự hòa thuận và hạnh phúc giữa họ với nhau trong hội thánh, nhà Bê-tên, nhà giáo sĩ, đội xây cất, hay các trường đào tạo. Những tình huống căng thẳng đôi khi nảy sinh do có sự khác biệt về nhân cách, thị hiếu, sự dạy dỗ, tiêu chuẩn phép tắc, ngay cả tiêu chuẩn vệ sinh. Điều này cũng thường xảy ra trong các gia đình. Vì thế, chậm giận là điều thiết yếu. (Châm-ngôn 14:29; 15:18; 19:11) Tất cả mọi người đều cần nhịn nhục—kiên nhẫn chịu đựng—với hy vọng hoàn cảnh sẽ tốt hơn.—Rô-ma 15:1-6.

Sự nhịn nhục giúp chúng ta chịu đựng

12. Tại sao trong những hoàn cảnh khó khăn, nhịn nhục là quan trọng?

12 Sự nhịn nhục giúp chúng ta chịu đựng những khó khăn dường như bất tận hoặc chưa có giải pháp cấp thời nào. Đó là trường hợp của Régis được nêu ở đầu bài. Vợ anh chống đối những nỗ lực phụng sự Đức Giê-hô-va của anh trong nhiều năm liền. Thế rồi một hôm chị rưng rưng nước mắt nói với anh: “Em biết đó là lẽ thật. Hãy giúp em. Em muốn học Kinh Thánh”. Cuối cùng, chị đã báp têm trở thành Nhân Chứng. Régis nói: “Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những năm tháng đấu tranh, kiên nhẫn và chịu đựng đó”. Sự nhịn nhục của anh đã được tưởng thưởng.

13. Điều gì đã giúp Phao-lô bền đỗ, và làm thế nào gương mẫu của ông có thể giúp chúng ta bền đỗ?

13 Trở lại thế kỷ thứ nhất CN, sứ đồ Phao-lô cũng là một gương nhịn nhục xuất sắc. (2 Cô-rinh-tô 6:3-10; 1 Ti-mô-thê 1:16) Đến cuối đời khi khuyên Ti-mô-thê, người bạn đồng hành trẻ tuổi hơn, Phao-lô cảnh báo là mọi tín đồ Đấng Christ sẽ bị bắt bớ. Ông dùng chính cuộc đời mình làm thí dụ và nêu lên một số đức tính căn bản một tín đồ Đấng Christ cần có để chịu đựng. Ông viết: “Về phần con, con đã noi theo ta trong sự dạy-dỗ, tánh hạnh, ý-muốn, đức-tin, nhịn-nhục, yêu-thương, bền-đỗ của ta, trong những sự bắt-bớ, và hoạn-nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lít-trơ. Những sự bắt-bớ đó ta đều chịu cả, và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn. Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:10-12; Công-vụ 13:49-51; 14:19-22) Muốn bền đỗ, hết thảy chúng ta đều cần có đức tin, lòng yêu thương và nhịn nhục.

Hãy mặc lấy sự nhịn nhục

14. Phao-lô ví những đức tính của Đức Chúa Trời, như nhịn nhục, với gì, và ông cho tín hữu ở Cô-lô-se lời khuyên nào?

14 Sứ đồ Phao-lô ví sự nhịn nhục và những đức tính khác của Đức Chúa Trời như những quần áo mà tín đồ Đấng Christ nên mặc vào sau khi đã lột bỏ những tính cách của con “người cũ”. (Cô-lô-se 3:5-10) Ông viết: “Anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:12-14.

15. Khi các tín đồ Đấng Christ “mặc lấy” sự nhịn nhục và các đức tính khác của Đức Chúa Trời, họ đạt được kết quả nào?

15 Khi những thành viên trong hội thánh “mặc lấy” lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục và tình yêu thương, họ sẽ giải quyết được những mối bất đồng và hợp nhất tiến lên trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Các giám thị đặc biệt cần nhịn nhục. Đôi khi các anh phải khiển trách những tín đồ Đấng Christ khác, nhưng có nhiều cách để làm điều đó. Khi viết thư cho Ti-mô-thê, Phao-lô miêu tả thái độ tốt nhất là: “Hãy đem lòng rất nhịn-nhục mà bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị”. (2 Ti-mô-thê 4:2) Đúng vậy, chiên của Đức Giê-hô-va phải luôn luôn được đối xử với lòng nhịn nhục, tôn trọng và dịu dàng.—Ma-thi-ơ 7:12; 11:28; Công-vụ 20:28, 29; Rô-ma 12:10.

“Nhịn-nhục đối với mọi người”

16. “Nhịn-nhục đối với mọi người” có thể mang lại kết quả nào?

16 Vì Đức Giê-hô-va nhịn nhục với toàn thể nhân loại, nên chúng ta cũng có bổn phận phải “nhịn-nhục đối với mọi người”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Điều này có nghĩa là phải kiên nhẫn với những người trong gia đình không phải là Nhân Chứng, láng giềng, đồng nghiệp, bạn học. Các Nhân Chứng đã vượt qua được nhiều thành kiến nhờ kiên nhẫn chịu đựng, có khi trong nhiều năm ròng, sự châm chích giễu cợt hay chống đối thẳng thừng của đồng nghiệp và bạn học. (Cô-lô-se 4:5, 6) Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 2:12.

17. Làm thế nào để noi theo gương yêu thương và nhịn nhục của Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta nên làm thế?

17 Sự nhịn nhục của Đức Giê-hô-va giúp hàng triệu người có cơ hội được cứu. (2 Phi-e-rơ 3:9, 15) Nếu noi theo gương yêu thương và nhịn nhục của Ngài, chúng ta phải kiên nhẫn tiếp tục rao giảng tin mừng Nước Trời và hướng dẫn người khác tuân thủ luật của Nước Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 28:18-20; Mác 13:10) Nếu ngưng rao giảng, không khác nào chúng ta muốn giới hạn lòng nhịn nhục của Đức Giê-hô-va và không nhận ra được mục đích nhịn nhục của Ngài là để cho mọi người có cơ hội ăn năn.—Rô-ma 2:4.

18. Phao-lô cầu xin điều gì cho anh em thành Cô-lô-se?

18 Trong lá thư gửi tín hữu thành Cô-lô-se, ở vùng Tiểu Á, Phao-lô viết: “Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu-nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng nữa, hầu cho anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời, nhờ quyền-phép vinh-hiển Ngài, được có sức-mạnh mọi bề, để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự”.—Cô-lô-se 1:9-11.

19, 20. (a) Làm thế nào để tránh xem sự nhịn nhục lâu dài của Đức Giê-hô-va là một thử thách cho chúng ta? (b) Sự nhịn nhục của chúng ta sẽ mang lại những lợi ích nào?

19 Sự nhịn nhục hay kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va sẽ không là một thử thách đối với chúng ta nếu chúng ta “đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài”, đó là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Khi đó, chúng ta sẽ “nẩy ra đủ các việc lành”, đặc biệt là việc rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 24:14) Nếu trung thành tiếp tục làm việc này, Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng ta “có sức-mạnh mọi bề, để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự”. Làm thế, chúng ta “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa [Đức Giê-hô-va]” và được bình an vì biết rằng mình “đẹp lòng Ngài mọi đường”.

20 Mong sao chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va trong việc Ngài tỏ ra nhịn nhục. Điều đó mang lại sự cứu rỗi cho chính chúng ta cũng như cho những người lắng nghe lời rao giảng và dạy dỗ của chúng ta. (1 Ti-mô-thê 4:16) Vun trồng các bông trái thánh linh—yêu thương, nhân từ, hiền lành, mềm mại, tiết độ—sẽ giúp chúng ta vui mừng nhịn nhục. Chúng ta sẽ dễ sống hòa thuận hơn với những người trong gia đình và các anh chị trong hội thánh. Lòng nhịn nhục cũng sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn với đồng nghiệp và bạn học. Và sự nhịn nhục của chúng ta sẽ có mục đích, đó là để cứu những người lầm lạc, và làm vinh hiển Đức Chúa Trời nhịn nhục, Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 10 Bình luận về câu nói của Phao-lô, “tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ”, học giả Kinh Thánh Gordon D. Fee viết: “Trong thần học của sứ đồ Phao-lô, hai đức tính này [nhịn nhục và nhân từ] miêu tả hai khía cạnh của quan điểm Đức Chúa Trời đối với loài người (xem Rô-ma 2:4). Trước hết, sự nhẫn nhịn đầy yêu thương của Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc Ngài kiềm chế cơn giận trước sự phản nghịch của nhân loại; còn sự nhân từ Ngài thì được thể hiện qua hàng ngàn hành động đầy thương xót của Ngài. Vì thế, sự miêu tả của Phao-lô về tình yêu thương bắt đầu với hai tính cách này của Đức Chúa Trời; qua Đấng Christ, Ngài tỏ sự kiềm chế và nhân từ đối với những người đáng bị trừng phạt”.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao Đấng Christ là một tấm gương tuyệt vời về sự nhịn nhục?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta vun trồng lòng nhịn nhục?

• Sự nhịn nhục giúp ích thế nào cho gia đình, các tín đồ Đấng Christ và trưởng lão?

• Khi nhịn nhục, chúng ta mang lại lợi ích nào cho chính chúng ta và người khác?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Ngay cả khi đang bị áp lực đè nặng, Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn với môn đồ

[Hình nơi trang 16]

Các giám thị được khuyến khích nêu gương nhịn nhục khi đối xử với anh em

[Hình nơi trang 17]

Nếu noi theo gương yêu thương và nhịn nhục của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tiếp tục rao giảng tin mừng

[Hình nơi trang 18]

Phao-lô cầu xin cho các tín đồ Đấng Christ “nhịn-nhục vui-vẻ”