Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đời phong phú phụng sự Đức Giê-hô-va

Một đời phong phú phụng sự Đức Giê-hô-va

Tự truyện

Một đời phong phú phụng sự Đức Giê-hô-va

DO RUSSELL KURZEN KỂ LẠI

Tôi mở mắt chào đời ngày 22-9-1907, bảy năm trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, mở màn cho một kỷ nguyên đáng chú ý. Gia đình tôi giàu có theo một nghĩa đặc biệt nhất. Tôi nghĩ bạn sẽ đồng ý sau khi nghe qua vài chi tiết sau về câu chuyện đời chúng tôi.

KHI còn là một cô bé, bà nội tôi tìm kiếm lẽ thật về Đức Chúa Trời. Trước khi trở thành một thiếu nữ, bà đã viếng nhiều nhà thờ khác nhau tại quê nhà xinh đẹp ở Spiez, Thụy Sĩ. Vào năm 1887, vài năm sau khi bà kết hôn, gia đình Kurzen đáp tàu thủy và đi theo làn sóng di cư sang Hoa Kỳ.

Gia đình định cư ở Ohio, nơi mà vào năm 1900 bà nội khám phá ra được kho báu bà hằng tìm kiếm. Bà tìm thấy nó trong các trang sách bằng tiếng Đức nhan đề Thời kỳ gần kề, do Charles Taze Russell viết. Bà nhanh chóng nhận ra rằng nội dung cuốn sách chứa đựng ánh sáng của lẽ thật Kinh Thánh. Dù bà nội hầu như không biết đọc tiếng Anh, bà đặt mua dài hạn tạp chí Tháp Canh Anh ngữ. Nhờ vậy bà biết thêm những lẽ thật khác của Kinh Thánh và đồng thời học luôn cả tiếng Anh. Ông nội thì không bao giờ chú ý đến vấn đề thiêng liêng giống như bà.

Trong số 11 người con của bà nội, hai người con trai tên là John và Adolph là những người quý trọng kho báu thiêng liêng bà đã tìm thấy. John là cha tôi đã làm báp têm vào năm 1904 ở Saint Louis, Missouri, tại đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va, bấy giờ được gọi là Học Viên Kinh Thánh. Vì phần đông các Học Viên Kinh Thánh không khá giả nên đại hội được tổ chức cùng lúc với Hội Chợ Quốc Tế ở Saint Louis để họ có thể lợi dụng giá vé đặc biệt khi đi tàu hỏa. Sau đó, vào năm 1907, chú Adolph làm báp têm ở Niagara Falls, New York. Cha và chú tôi sốt sắng rao giảng những gì họ học được từ Kinh Thánh, và cuối cùng cả hai trở thành những người truyền giáo trọn thời gian (nay gọi là người tiên phong).

Bởi vậy, khi tôi ra đời vào năm 1907, gia đình tôi đã được giàu có về thiêng liêng rồi. (Châm-ngôn 10:22) Vào năm 1908, khi tôi chỉ mới còn là em bé, cha mẹ tôi, John và Ida, bế tôi đến Đại Hội “Tiến đến thắng lợi” ở Put-in-Bay, Ohio. Người chủ tọa đại hội đó là anh Joseph Rutherford, bấy giờ là người truyền giáo lưu động. Ít tuần trước đó, anh đã đến Dalton, Ohio, nơi anh đã viếng thăm nhà chúng tôi và nói diễn văn cho Học Viên Kinh Thánh tại địa phương.

Dĩ nhiên, cá nhân tôi không nhớ lại được những dịp ấy, nhưng tôi lại nhớ đại hội ở thị trấn Mountain Lake Park, Maryland, vào năm 1911. Tôi và em gái tôi, Esther, đã gặp anh Charles Taze Russell, người giám sát hoạt động rao giảng của Học Viên Kinh Thánh trên khắp thế giới thời bấy giờ.

Vào ngày 28-6-1914, ngày mà thế giới lao đầu vào cuộc chiến tranh sau khi Hoàng Tử Ferdinand cùng phu nhân bị ám sát ở Sarajevo, thì tôi cùng với gia đình dự đại hội êm ấm ở Columbus, Ohio. Kể từ những năm xa xưa ấy, tôi có đặc ân dự nhiều đại hội của dân sự Đức Giê-hô-va. Một số các cuộc hội họp ấy chỉ vỏn vẹn qui tụ trên dưới 100 người. Những đại hội khác thì được tổ chức rầm rộ tại một số các vận động trường lớn nhất thế giới.

Nhà chúng tôi trong vị thế chiến lược

Từ năm 1908 đến năm 1918, nhà chúng tôi ở Dalton—nằm ở khoảng giữa chặng đường từ Pittsburgh, Pennsylvania, đến Cleveland, Ohio—đã được dùng làm địa điểm nhóm họp cho một hội thánh nhỏ của Học Viên Kinh Thánh. Nhà chúng tôi đã trở thành một trung tâm tiếp rước nhiều diễn giả lưu động. Họ cột ngựa và các xe kéo của họ ngoài sau kho thóc của chúng tôi và kể lại kinh nghiệm hào hứng cũng như những đặc điểm thiêng liêng thú vị cho những người nhóm lại với hội thánh. Thật là những giây phút khích lệ làm sao!

Cha tôi là giáo viên, nhưng lòng ông hướng về công việc dạy dỗ vĩ đại nhất, đó là thánh chức của tín đồ Đấng Christ. Cha tôi không sao lãng việc dạy cho gia đình về Đức Giê-hô-va, và mỗi tối gia đình chúng tôi cầu nguyện chung. Vào mùa xuân năm 1919, cha bán ngựa và xe kéo để mua một chiếc xe Ford đời 1914 với giá 175 Mỹ kim để có thể rao giảng cho nhiều người hơn. Vào năm 1919 và 1922, chiếc xe đó đã chở gia đình chúng tôi đến những đại hội đáng nhớ của Học Viên Kinh Thánh tại Cedar Point, Ohio.

Cả nhà chúng tôi gồm cha mẹ, Esther, em trai John và tôi thảy đều tham gia vào hoạt động rao giảng công khai. Tôi nhớ rõ lần đầu tiên chủ nhà hỏi tôi một câu hỏi về Kinh Thánh. Lúc đó tôi khoảng bảy tuổi. Ông ta hỏi: “Này cậu bé, Ha-ma-ghê-đôn là gì?” Được cha tôi giúp tí xíu, tôi đã có thể đưa ra câu trả lời của Kinh Thánh.

Bước vào thánh chức trọn thời gian

Vào năm 1931, gia đình chúng tôi dự đại hội tại Columbus, Ohio, nơi chúng tôi phấn khởi khi nhận danh hiệu mới, Nhân Chứng Giê-hô-va. John hứng chí đến độ quyết định rằng hai anh em chúng tôi nên bắt đầu công việc tiên phong. * Chúng tôi đã làm thế và cha mẹ cùng Esther cũng làm theo. Chúng tôi có kho báu quý thay: cả nhà hợp nhất tham gia công việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời! Tôi không bao giờ ngưng cảm tạ Đức Giê-hô-va về ân phước này. Dù hạnh phúc lắm rồi, vậy mà sau đó chúng tôi còn nhận được nhiều niềm vui nữa.

Vào tháng 2 năm 1934, tôi bắt đầu phụng sự ở trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va (gọi là nhà Bê-tên) ở Brooklyn, New York. Ít tuần sau, John cũng nối gót theo tôi. Chúng tôi ở chung phòng cho đến khi em tôi lập gia đình với người bạn đời yêu dấu Jessie vào năm 1953.

Sau khi tôi và em John đi làm việc ở nhà Bê-tên, cha mẹ chúng tôi nhận công việc tiên phong tại nhiều nhiệm sở khác nhau trong nước, và Esther với chồng là George Read, cùng đi với họ. Cha mẹ chúng tôi tiếp tục làm tiên phong cho đến khi họ kết thúc đời sống trên đất vào năm 1963. Vợ chồng Esther có con cái ngoan ngoãn, và nhờ vậy mà tôi được diễm phúc có đông đúc cháu trai, cháu gái mà tôi rất yêu mến.

Công việc và sự kết hợp ở nhà Bê-tên

John tận dụng kỹ năng công nghệ của mình ở nhà Bê-tên và hợp tác với những thành viên khác trong những công trình như sản xuất máy hát đĩa xách tay. Hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va đã dùng công cụ ấy trong thánh chức từ nhà này sang nhà kia. John cũng đã giúp thiết kế máy gấp tạp chí và in địa chỉ trên đó để gửi đến những người đặt mua dài hạn.

Tôi bắt đầu công việc ở Bê-tên tại khâu đóng sách. Cùng làm việc với tôi thuở ấy trong xưởng máy có những người trẻ khác nay vẫn còn trung thành phụng sự ở nhà Bê-tên. Trong số đó có Carey Barber và Robert Hatzfeld. Trong số những người khác nay không còn nữa mà tôi vẫn còn trìu mến nhớ lại có Nathan Knorr, Karl Klein, Lyman Swingle, Klaus Jensen, Grant Suiter, George Gangas, Orin Hibbard, John Sioras, Robert Payne, Charles Fekel, Benno Burczyk và John Perry. Họ đã tận tụy làm việc năm này qua năm khác, không bao giờ than phiền hoặc chờ đợi được “thăng tiến”. Tuy nhiên, một số tín đồ được xức dầu và trung thành này của Đấng Christ đã nhận được nhiều trách nhiệm hơn khi tổ chức lớn dần. Một số anh ngay cả đã phục vụ trong Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Làm việc chung với những anh hết lòng hy sinh đã dạy tôi một bài học quan trọng. Trong công việc ngoài đời, người làm công được lĩnh lương. Đó là phần thưởng của họ. Phụng sự ở nhà Bê-tên đem lại nhiều ân phước thiêng liêng, và chỉ người nào có thiêng liêng tính mới quý trọng những phần thưởng ấy.—1 Cô-rinh-tô 2:6-16.

Nathan Knorr, người vào nhà Bê-tên từ hồi còn niên thiếu vào năm 1923, đã trở thành giám thị xưởng in trong thập niên 1930. Mỗi ngày, anh đi từ đầu này sang đầu kia trong xưởng và chào hỏi mỗi người làm việc ở đó. Những thành viên mới của gia đình Bê-tên như chúng tôi đều quý mến sự quan tâm cá nhân như thế. Năm 1936, chúng tôi nhận một máy in mới từ nước Đức, và một số anh em trẻ tuổi không biết làm sao lắp ráp máy này. Thấy vậy, anh Knorr mặc quần yếm vào và làm việc chung với họ hơn cả tháng cho đến khi máy chạy được.

Anh Knorr làm việc cần mẫn đến mức mà phần đông chúng tôi không thể theo kịp. Nhưng anh cũng biết giải trí. Ngay cả sau khi anh nhận lãnh trách nhiệm giám thị công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới vào tháng 1 năm 1942, anh cũng thỉnh thoảng chơi bóng chày cùng với các thành viên gia đình Bê-tên và học viên trường giáo sĩ Ga-la-át trong khuôn viên của trường gần South Lansing, New York.

Vào tháng 4 năm 1950, gia đình Bê-tên dọn về ở trong cư xá cao ốc mười tầng vừa xây xong, tọa lạc tại số 124 Columbia Heights, Brooklyn, New York. Phòng ăn mới có chỗ cho tất cả chúng tôi ngồi ăn chung với nhau. Trong giai đoạn xây cất dài ba năm, chúng tôi không có chương trình thờ phượng buổi sáng. Thật là một dịp vui vẻ khi chương trình ấy có lại! Anh Knorr sắp xếp cho tôi ngồi cùng bàn chủ tọa với anh để có thể nhắc anh tên của những thành viên mới của gia đình. Trong suốt 50 năm, tôi cứ ngồi cùng một chỗ vào dịp thờ phượng buổi sáng và bữa điểm tâm. Rồi vào ngày 4-8-2000, phòng ăn ấy bị đóng cửa, và tôi được mời đến một trong những phòng ăn tân trang trong tòa nhà trước kia là khách sạn Towers.

Trong thập niên 1950, tôi làm việc một thời gian ở máy xếp chữ bằng chì, và việc tôi là tạo những trang bản kẽm cho khuôn in. Tôi không thích việc đó cho lắm, nhưng anh William Peterson, người có trách nhiệm coi sóc máy móc, rất tử tế với tôi nên tôi cũng vui làm việc ở đó. Rồi vào năm 1960, có nhu cầu về những người tình nguyện sơn phết cư xá mới xây ở số 107 Columbia Heights. Tôi thích thú tình nguyện giúp sửa soạn cơ sở mới này cho gia đình Bê-tên đang gia tăng.

Ít lâu sau khi công việc sơn phết tòa nhà số 107 Columbia Heights hoàn tất, tôi ngạc nhiên và vui mừng khi nhận được công việc làm người tiếp khách đến thăm nhà Bê-tên. Thời gian 40 năm qua ở quầy tiếp tân tuyệt vời giống như những năm khác ở nhà Bê-tên. Dù những người bước qua cửa là khách đến thăm hoặc là thành viên mới của gia đình Bê-tên, thật thú vị biết bao khi suy ngẫm về kết quả của nỗ lực tập thể để làm gia tăng lợi ích Nước Trời.

Chuyên cần học hỏi Kinh Thánh

Gia đình Bê-tên của chúng tôi lớn mạnh về thiêng liêng vì các thành viên yêu chuộng Kinh Thánh. Khi mới vào nhà Bê-tên, tôi hỏi chị Emma Hamilton, là người đọc và sửa bài, để biết chị đọc Kinh Thánh được bao nhiêu lần rồi. Chị đáp: “Ba mươi lăm lần; và rồi tôi quên đếm tiếp”. Anh Anton Koerber, một tín đồ kiên định khác, cũng phụng sự ở nhà Bê-tên cùng thời gian đó, thường nói: “Đừng bao giờ để cuốn Kinh Thánh xa khỏi tầm tay mình”.

Sau khi anh Russell mất năm 1916, anh Joseph F. Rutherford lên thay, giữ trách nhiệm tổ chức mà anh Russell đã từng gánh vác. Anh Rutherford là một diễn giả xuất sắc, có tài hùng biện, và cũng là một luật sư từng bênh vực cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Sau khi anh Rutherford mất năm 1942, anh Knorr lên thay và cố hết sức để trau dồi khả năng ăn nói trước công chúng. Vì phòng tôi cách phòng anh ấy không xa mấy nên tôi thường nghe anh ấy tập đi tập lại các bài diễn văn của anh. Cuối cùng, anh trở thành một diễn giả xuất sắc sau nhiều nỗ lực siêng năng như thế.

Vào tháng 2 năm 1942, anh Knorr vạch ra một chương trình trợ giúp tất cả những anh ở nhà Bê-tên trau dồi khả năng dạy dỗ và ăn nói. Trường học này chú mục vào việc tra cứu Kinh Thánh và nghệ thuật nói chuyện trước công chúng. Lúc đầu, mỗi người chúng tôi được chỉ định nói bài giảng ngắn về các nhân vật trong Kinh Thánh. Bài giảng đầu tiên của tôi nói về Môi-se. Vào năm 1943, một trường học như thế bắt đầu trong tất cả các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va và tiếp tục cho đến nay. Gia đình Bê-tên vẫn còn đề cao việc thu thập sự hiểu biết về Kinh Thánh và triển khai các phương pháp dạy dỗ hữu hiệu.

Vào tháng 2 năm 1943, khóa 1 trường giáo sĩ Ga-la-át khai giảng. Đến nay, khóa 111 của Trường Ga-la-át vừa tốt nghiệp! Trong hơn 58 năm đào tạo, trường đã huấn luyện được hơn 7.000 học viên trở thành giáo sĩ được phái đi khắp thế giới. Điều đáng kể là vào năm 1943, khi trường khai giảng, trên khắp thế giới chỉ có vỏn vẹn hơn 100.000 Nhân Chứng Giê-hô-va. Nay có hơn 6.000.000 người tham gia rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời!

Quý trọng di sản thiêng liêng của tôi

Chỉ trước khi Trường Ga-la-át được thành lập, ba người trong số chúng tôi ở nhà Bê-tên được phái đi thăm viếng các hội thánh trên khắp Hoa Kỳ. Chúng tôi ở lại một vài ngày, hoặc ngay cả một tuần với mục đích củng cố các hội thánh này về thiêng liêng. Dạo ấy chúng tôi được gọi là tôi tớ của anh em, nay được đổi lại là tôi tớ vòng quanh hoặc giám thị vòng quanh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Trường Ga-la-át khai giảng, tôi được mời trở lại dạy một số môn học. Tôi phục vụ với tư cách giảng viên thường trực cho khóa 2 đến khóa 5, và cũng thay thế một trong những giảng viên thường trực và dạy khóa 14. Được diễm phúc duyệt lại với các học viên những diễn biến ban sơ trong lịch sử thời nay của tổ chức Đức Giê-hô-va—trong số đó có nhiều diễn biến mà tôi đích thân từng trải—làm tôi biết ơn một cách trọn vẹn hơn nữa di sản thiêng liêng phong phú của tôi.

Một đặc ân khác mà tôi nhận được qua năm tháng là việc tham dự các đại hội quốc tế của dân sự Đức Giê-hô-va. Vào năm 1963, tôi đi vòng quanh thế giới cùng với hơn 500 đại biểu đến các đại hội “Tin mừng đời đời”. Một số đại hội khác đi vào lịch sử mà tôi được tham dự là đại hội tại Warsaw, Ba Lan, vào năm 1989; ở Berlin, Đức Quốc, vào năm 1990; và ở Moscow, Nga, vào năm 1993. Tại mỗi đại hội, tôi có cơ hội gặp gỡ một số anh chị em thân yêu của chúng ta đã từng bị bắt bớ dưới chế độ Quốc Xã, chế độ vô thần, hoặc cả hai. Thật là những kinh nghiệm củng cố đức tin biết bao!

Cuộc đời tôi trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va thật là phong phú! Các ân phước thiêng liêng vô tận. Và khác với của cải vật chất, càng chia sẻ những điều quý báu này thì sự giàu có của chúng ta càng gia tăng. Thỉnh thoảng tôi nghe một số người nói rằng phải chi họ không được cha mẹ Nhân Chứng nuôi dạy trong lẽ thật. Họ nói rằng như thế họ sẽ quý trọng lẽ thật của Kinh Thánh nhiều hơn nếu trước kia sống ngoài tổ chức của Đức Chúa Trời.

Khi nghe giới trẻ nói như thế, tôi thật băn khoăn vì thật ra họ muốn nói rằng tốt nhất là không được nuôi nấng từ thuở nhỏ trong sự hiểu biết về đường lối Đức Giê-hô-va. Thế nhưng, hãy nghĩ đến bao khó khăn về thói hư tật xấu và tư tưởng đồi bại mà họ phải gột rửa khi biết lẽ thật Kinh Thánh lúc đã lớn. Phần tôi luôn luôn biết ơn sâu đậm đối với cha mẹ đã nuôi nấng ba anh em chúng tôi trong đường lối công bình. John đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến lúc chết vào tháng 7 năm 1980, và cho đến nay Esther vẫn còn là một Nhân Chứng trung thành.

Tôi vô cùng trìu mến hồi tưởng những tình bạn tuyệt hảo với những anh chị em tín đồ trung thành. Tính đến nay tôi phụng sự ở nhà Bê-tên được hơn 67 năm đầy diễm phúc. Dù chưa bao giờ kết hôn, tôi có nhiều con cháu thiêng liêng. Và tôi vui sướng nghĩ đến tất cả những thành viên mới của gia đình thiêng liêng của chúng ta trên khắp thế giới mà tôi chưa được gặp, mỗi người trong họ đều quý giá. “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có”. Ôi, những lời này chí lý làm sao!—Châm-ngôn 10:22.

[Chú thích]

^ đ. 16 Tôi làm báp têm vào ngày 8-3-1932. Vậy thật ra tôi làm báp têm sau khi quyết định tôi nên làm người tiên phong.

[Hình nơi trang 20]

Từ trái sang phải: cha với em John, ngồi trên đầu gối cha, Esther, tôi và mẹ

[Các hình nơi trang 23]

Dạy một lớp trong Trường Ga-la-át vào năm 1945

Hình trên bên phải: Các giảng viên Trường Ga-la-át Eduardo Keller, Fred Franz, tôi và Albert Schroeder

[Hình nơi trang 24]

Ngẫm nghĩ về cuộc đời phong phú của tôi trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va