Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức tin của Nô-ê lên án thế gian

Đức tin của Nô-ê lên án thế gian

Đức tin của Nô-ê lên án thế gian

BẠN có nghe nói đến Nô-ê, một người kính sợ Đức Chúa Trời, đóng tàu để bảo toàn sự sống trong trận Nước Lụt toàn cầu không? Mặc dù có tính chất xa xưa, câu chuyện này còn quen thuộc đối với hàng triệu người. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không nhận ra là đời sống của Nô-ê có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.

Tại sao chúng ta nên chú ý đến một câu chuyện xưa đến hàng ngàn năm? Có sự giống nhau giữa tình trạng của Nô-ê và của chúng ta không? Nếu có, làm thế nào chúng ta có thể nhận được lợi ích từ gương của ông?

Thế gian thời Nô-ê

Theo niên đại học của Kinh Thánh thì Nô-ê sinh vào năm 2970 TCN—126 năm sau khi A-đam chết. Đến thời Nô-ê, trái đất đầy dẫy bạo lực, và phần nhiều con cháu A-đam chọn theo gương ương ngạnh của tổ tiên họ. Bởi vậy, “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”.—Sáng-thế Ký 6:5, 11, 12.

Sự nổi loạn của loài người không phải là lý do duy nhất làm Đức Giê-hô-va phật lòng. Lời tường thuật trong Sáng-thế Ký giải thích: “Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ... Đời đó và đời sau, có người cao-lớn [“Nê-phi-lim”, NW] trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn-ở cùng con gái loài người mà sanh con-cái; ấy những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh”. (Sáng-thế Ký 6:2-4) So sánh những câu này với lời sứ đồ Phi-e-rơ ghi lại cho thấy rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” là những thiên sứ ngỗ nghịch. Nê-phi-lim là giống con lai bởi cách ăn ở trái phép giữa đàn bà với các thiên sứ phản bội mặc lấy hình người.—1 Phi-e-rơ 3:19, 20.

Từ “Nê-phi-lim”, có nghĩa là “Kẻ đánh ngã”, ám chỉ những kẻ làm cho người khác ngã. Họ là những kẻ ức hiếp bạo ngược, và tội lỗi của những người cha dâm dật của họ được ví như sự trụy lạc của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. (Giu-đe 6, 7) Họ cùng nhau khích động sự gian ác quá quắt trên đất.

‘Trọn-vẹn trong đời mình’

Tội ác lan tràn đến nỗi Đức Chúa Trời quyết định hủy diệt loài người. Nhưng lời tường thuật được soi dẫn cho biết: “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va... Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 6:8, 9) Làm thế nào để có thể “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” trong một thế gian không tin kính chỉ đáng bị hủy diệt?

Chắc chắn, Nô-ê học được nhiều từ cha ông, Lê-méc, một người có đức tin và cùng thời với A-đam. Khi đặt tên cho con trai ông là Nô-ê (ngụ ý “Nghỉ ngơi”, hoặc “An ủi”), Lê-méc tiên tri: “Đứa nầy sẽ an-ủi lòng ta về công-việc và về sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả”. Lời tiên tri đó được ứng nghiệm khi Đức Chúa Trời cất sự rủa sả của Ngài đối với đất.—Sáng-thế Ký 5:29; 8:21.

Sự kiện có cha mẹ tin kính không đoan chắc là con cái sẽ có thiêng liêng tính, vì mỗi cá nhân phải thiết lập mối quan hệ riêng đối với Đức Giê-hô-va. Nô-ê “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” bằng cách theo đuổi đường lối Đức Chúa Trời chấp nhận. Những gì Nô-ê học biết về Đức Chúa Trời đã thúc đẩy ông phụng sự Ngài. Đức tin của Nô-ê không dao động khi ông được thông báo về ý định Đức Chúa Trời “dẫn nước lụt... đặng tuyệt-diệt các xác-thịt”.—Sáng-thế Ký 6:13, 17.

Tin rằng tai họa chưa từng có này sẽ xảy ra, Nô-ê vâng lệnh Đức Giê-hô-va: “Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe, đóng có từng phòng, rồi trét chai bề trong cùng bề ngoài”. (Sáng-thế Ký 6:14) Đáp ứng những đặc điểm kỹ thuật của chiếc tàu do Đức Chúa Trời chỉ dẫn không phải là công việc dễ dàng. Tuy nhiên, “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. (Sáng-thế Ký 6:22) Nô-ê làm việc này với sự giúp đỡ của vợ và các con trai Sem, Cham, Gia-phết và các con dâu của ông. Đức Giê-hô-va ban phước cho đức tin đó. Thật là gương mẫu tuyệt vời cho những gia đình ngày nay!

Việc đóng tàu bao hàm điều gì? Đức Giê-hô-va hướng dẫn Nô-ê đóng một chiếc tàu kín nước, khổng lồ, ba tầng, thân bằng gỗ, bề dài 133 mét, bề ngang 22 mét, bề cao 13 mét. (Sáng-thế Ký 6:15, 16) Một chiếc tàu lớn như thế hẳn có sức chứa giống như những chiếc tàu lớn chở hàng hóa ngày nay.

Thật là một công trình to tát! Rất có thể, công việc đó có nghĩa là chặt hàng ngàn cây, kéo về công trường xây dựng, và xẻ ra thành từng tấm hay từng đòn. Điều này có nghĩa là dựng giàn giáo, làm đinh hoặc những cái móc, trét chai để nước không lọt vào, kiếm thùng chứa và dụng cụ, v.v... Công việc có thể phải cần đến sự thương lượng với những nhà buôn cùng với việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Công việc này chắc đòi hỏi phải có kỹ năng về ngành mộc để lắp những thanh gỗ chính xác và xây dựng một cấu trúc đủ kiên cố. Và thử nghĩ xem—công trình xây dựng có lẽ kéo dài khoảng 50 hay 60 năm!

Kế tiếp, hẳn là Nô-ê phải quay sang chuẩn bị đầy đủ thức ăn và cỏ khô. (Sáng-thế Ký 6:21) Ông hẳn phải tập hợp và dẫn đưa một số lớn thú vật vào tàu. Nô-ê làm tất cả những điều Đức Chúa Trời đã phán dặn, và công việc được làm xong. (Sáng-thế Ký 6:22) Ân phước của Đức Giê-hô-va bảo đảm công việc thành công hoàn toàn.

“Thầy giảng đạo công-bình”

Ngoài việc đóng tàu, Nô-ê lên tiếng cảnh báo người ta và trung thành phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách “thầy giảng đạo công-bình”. Nhưng ‘chẳng ai để ý gì, lụt đến và cuốn đi tất cả’.—2 Phi-e-rơ 2:5; Ma-thi-ơ 24:38, 39, Trịnh Văn Căn.

Xét rằng thế gian thời đó bị bại hoại về luân lý và thiêng liêng, thật dễ hiểu là gia đình Nô-ê có thể trở nên trò cười cho những người láng giềng không tin và đối tượng bị ngược đãi và chế giễu như thế nào. Chắc hẳn người ta xem họ là những người điên dại. Tuy nhiên, Nô-ê đã thành công trong việc khuyến khích và nâng đỡ người nhà ông về thiêng liêng, vì họ không bao giờ chấp nhận những đường lối bạo lực, vô luân và ngang ngạnh của những kẻ không tin kính cùng thời của họ. Chứng minh đức tin của mình bằng lời nói và hành động, Nô-ê lên án thế gian thời bấy giờ.—Hê-bơ-rơ 11:7.

Được che chở qua Nước Lụt

Không lâu trước khi bắt đầu trận mưa, Đức Chúa Trời phán bảo Nô-ê vào tàu. Khi gia đình Nô-ê và những thú vật đã ở trên tàu, “Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại”, bịt luôn bất cứ tiếng cười nhạo báng nào. Khi Nước Lụt đến, những thiên sứ ngỗ nghịch hình như đã lột bỏ lốt người để tránh bị sự hủy diệt. Nhưng còn những kẻ khác thì sao? Mọi sinh vật trên đất khô ở bên ngoài tàu, kể cả các Nê-phi-lim, đều chết! Chỉ có Nô-ê và gia đình ông được sống sót.—Sáng-thế Ký 7:1-23.

Nô-ê và người nhà ông ở trong tàu, trải qua một năm mười ngày theo âm lịch. Họ bận rộn cho thú vật ăn uống, làm vệ sinh, và tính toán thì giờ trôi qua. Sáng-thế Ký ghi chính xác ngày tháng tất cả các giai đoạn Nước Lụt, giống như nhật ký hàng hải, phản ánh sự xác thực của câu chuyện.—Sáng-thế Ký 7:11, 17, 24; 8:3-14.

Trong tàu, chắc chắn Nô-ê hướng dẫn gia đình thảo luận những điều thiêng liêng và tạ ơn Đức Chúa Trời. Nhờ Nô-ê và gia đình ông, lịch sử trước Nước Lụt đã được lưu giữ. Những lời truyền khẩu hoặc những văn bản lịch sử đáng tin cậy trong gia sản của họ đã cung cấp tài liệu tốt để xem xét một cách hữu ích trong trận Nước Lụt.

Hẳn Nô-ê và gia đình ông phải vui mừng biết bao được đặt chân lên đất khô một lần nữa! Điều đầu tiên ông làm là dựng một bàn thờ và giữ vai thầy tế lễ cho gia đình, dâng của-lễ cho Đấng đã cứu sống họ.—Sáng-thế Ký 8:18-20.

“Trong đời Nô-ê thể nào”

Chúa Giê-su Christ phán: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”. (Ma-thi-ơ 24:37) Ngày nay cũng thế, tín đồ Đấng Christ là những người giảng đạo công bình, khuyến khích người ta ăn năn. (2 Phi-e-rơ 3:5-9) Vì sự tương đồng ấy, chúng ta có thể tự hỏi Nô-ê nghĩ gì trước trận Nước Lụt. Có bao giờ ông cảm thấy việc rao giảng của ông vô ích không? Đôi khi ông có mệt mỏi không? Kinh Thánh không nói. Chúng ta chỉ giản dị được cho biết là Nô-ê vâng lời Đức Chúa Trời.

Bạn có thấy tình trạng của Nô-ê liên quan đến tình trạng của chúng ta không? Ông vâng lời Đức Giê-hô-va bất kể sự chống đối và khó khăn. Đó là lý do mà Đức Giê-hô-va xét thấy ông là công bình. Gia đình Nô-ê không biết chính xác khi nào Đức Chúa Trời giáng trận Nước Lụt xuống, nhưng họ biết sẽ đến. Đức tin nơi lời của Đức Chúa Trời nâng đỡ Nô-ê suốt những năm vất vả và khi rao giảng dường như hoài công. Quả thật, chúng ta được cho biết: “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian, và trở nên kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy”.—Hê-bơ-rơ 11:7.

Làm thế nào Nô-ê vun trồng được đức tin như thế? Chắc ông đã dùng thời gian để suy ngẫm về mọi điều ông biết về Đức Giê-hô-va và để sự hiểu biết đó dẫn dắt mình. Chắc chắn, Nô-ê đã nói chuyện với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện. Trong thực tế, ông đã trở nên thân thiết với Đức Giê-hô-va đến nỗi ông “đồng đi với Đức Chúa Trời”. Là chủ gia đình, Nô-ê vui mừng dành thời gian và sự quan tâm đầy yêu thương cho gia đình. Điều này bao gồm sự chăm sóc những lợi ích thiêng liêng của vợ, ba con trai và các con dâu.

Giống như Nô-ê, những tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay biết rằng Đức Giê-hô-va sắp chấm dứt hệ thống không tin kính này. Chúng ta không biết ngày hoặc giờ đó, nhưng chúng ta biết rằng noi theo đức tin và sự vâng lời của “thầy giảng đạo công-bình” này sẽ đem lại kết quả là “linh-hồn được cứu-rỗi”.—Hê-bơ-rơ 10:36-39.

[Khung nơi trang 29]

Điều đó có thật sự xảy ra không?

Các nhà nhân chủng học đã sưu tầm được tới 270 truyện cổ tích về nước lụt của hầu hết các bộ tộc và các quốc gia. Học giả Claus Westermann nói: “Chuyện nước lụt được tìm thấy khắp thế giới. Giống như chuyện kể về sự sáng tạo, chuyện nước lụt thuộc di sản văn hóa căn bản của chúng ta. Thật đáng kinh ngạc: khắp nơi trên đất chúng ta đều tìm thấy những câu chuyện về một trận lụt rất lớn thời nguyên thủy”. Giải thích thế nào đây? Nhà bình luận Enrico Galbiati nói: “Sự hiện hữu của truyền thuyết về nước lụt trong những dân tộc khác nhau và sống rất xa nhau là một dấu hiệu của hiện thực lịch sử làm nền tảng cho những truyền thuyết đó”. Tuy nhiên, đối với tín đồ Đấng Christ, sự hiểu biết rằng chính Chúa Giê-su nói đến trận Nước Lụt là một biến cố thực tế trong lịch sử nhân loại còn quan trọng hơn những lời nhận xét của các học giả.—Lu-ca 17:26, 27.

[Khung nơi trang 30]

Nê-phi-lim trong huyền thoại chăng?

Những chuyện về quan hệ bất chính giữa các thần với loài người—và “những anh hùng” hoặc “những á thần” sinh ra từ những sự phối hợp này—là thông thường đối với thần học Hy Lạp, Ai Cập, Ugaritic, Hurrian và Mesopotamian. Những thần trong huyền thoại Hy Lạp có hình dáng loài người và rất khôi ngô tuấn tú. Họ ăn, uống, ngủ, quan hệ tình dục, cãi nhau, đánh nhau, dụ dỗ và hãm hiếp. Mặc dù lẽ ra phải thánh thiện, nhưng họ lại có khả năng lường gạt và gây tội ác. Người ta bảo những anh hùng giống như Achilles là dòng dõi vừa thuộc thần thánh lẫn loài người và được phú cho khả năng siêu phàm nhưng không bất tử. Vậy, điều mà Sáng-thế Ký nói về Nê-phi-lim làm sáng tỏ nguồn gốc khả dĩ hoặc thậm chí có thể được tạo ra về những thần thoại như trên.