Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Sy-the—Một dân tộc kỳ bí cổ xưa

Người Sy-the—Một dân tộc kỳ bí cổ xưa

Người Sy-the—Một dân tộc kỳ bí cổ xưa

ĐOÀN kỵ binh của một dân du mục thúc ngựa phi nước đại xuyên qua đám bụi với túi yên ngựa đầy chiến lợi phẩm. Giống dân kỳ bí này thống trị khắp miền thảo nguyên Âu-Á từ khoảng năm 700 đến năm 300 TCN. Rồi họ biến mất—sau khi đã tạo được cho mình một chỗ đứng trong lịch sử. Ngay cả Kinh Thánh cũng nói đến họ. Đó là những người Sy-the.

Qua nhiều thế kỷ, những dân du mục cùng với các bầy ngựa hoang đã đi khắp trên những cánh đồng trải dài từ Rặng Núi Carpath thuộc Đông Âu đến vùng nay là miền đông nam nước Nga. Vào khoảng thế kỷ thứ tám TCN, Hoàng Đế Trung Quốc Hsüan thực hiện những chiến dịch quân sự, và điều này khởi sự những cuộc di cư sang phía tây. Người Sy-the di chuyển về phía tây, đánh đuổi người Cimmerian, trước đó là dân kiểm soát vùng Caucasus và miền bắc Biển Đen.

Tìm kiếm của cải, người Sy-the cướp phá thành Ni-ni-ve, thủ đô nước A-si-ri. Sau đó, họ liên minh với A-si-ri chống lại Mê-đi, Ba-by-lôn và những nước khác. Họ tấn công đến tận miền bắc của nước Ai Cập. Sự kiện thành Bết-san ở phía đông bắc nước Y-sơ-ra-ên sau này được gọi là Scythopolis (Thành Sy-the) có thể cho thấy người Sy-the đã từng chiếm đóng vùng ấy.—1 Sa-mu-ên 31:11, 12.

Cuối cùng, người Sy-the định cư ở miền thảo nguyên ngày nay thuộc nước Ru-ma-ni, Moldova, Ukraine và miền nam nước Nga. Họ trở nên phồn thịnh, làm môi giới giữa người Hy Lạp và những người trồng ngũ cốc ở vùng mà nay là Ukraine và miền nam nước Nga. Người Sy-the trao đổi lúa mì, mật ong, da thú và trâu bò để lấy rượu, vải, vũ khí và các tác phẩm nghệ thuật của nước Hy Lạp. Vì vậy họ tích lũy không biết bao nhiêu của cải.

Những kỵ mã lão luyện

Ngựa đối với những chiến sĩ miền thảo nguyên này không khác gì lạc đà đối với dân sa mạc. Người Sy-the cưỡi ngựa tài tình và ở trong số những người đầu tiên sử dụng yên ngựa và bàn đạp ngựa. Họ ăn thịt và uống sữa ngựa, thậm chí dùng ngựa để làm của-lễ thiêu. Khi một chiến sĩ Sy-the chết, người ta giết ngựa của người đó và cử hành lễ mai táng, truy điệu—cùng với bộ yên và tất cả những đồ trang phục.

Theo sự miêu tả của sử gia Herodotus, người Sy-the có những phong tục rất dã man, kể cả việc lấy sọ các nạn nhân của họ làm chén để uống. Họ tiến công xông đến giết kẻ thù bằng gươm sắt, rìu chiến, giáo mác và các mũi tên có gai xé thịt.

Mồ mả được trang bị cho sự sống vô tận

Người Sy-the thực hành thuật phù thủy, theo saman giáo, thờ lửa và một mẫu thần. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12) Họ xem mồ mả là nơi ở của người chết. Họ cúng tế người nô lệ và thú vật để cho người chủ đã chết sử dụng. Người ta nghĩ rằng phải cho kho báu và gia nhân đi theo các thủ lĩnh sang “bên kia thế giới”. Trong ngôi mộ của một vua chúa, người ta tìm thấy năm gia nhân nằm, trong tư thế chân hướng về chủ nhân, sẵn sàng ngồi dậy để phục dịch.

Các bậc vua chúa được chôn cất với những lễ vật xa hoa, và trong thời kỳ tang chế, người Sy-the cắt tóc và làm đổ máu họ ra. Herodotus viết: “Họ cắt một mẩu tai, cạo đầu, rạch cánh tay, trán, lỗ mũi và lấy mũi tên đâm vào bàn tay trái”. Ngược lại, Luật Pháp của Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên sống cùng thời đại ra mệnh: “Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình”.—Lê-vi Ký 19:28.

Người Sy-the đã để lại hàng ngàn kurgan (nấm mộ). Nhiều đồ trang trí tìm được trong các mộ này miêu tả đời sống hàng ngày của họ. Nga Hoàng Peter Đại Đế đã bắt đầu sưu tầm những vật ấy vào năm 1715, và ngày nay người ta có thể đến xem những vật lấp lánh này trong các bảo tàng viện ở Nga và Ukraine. “Nghệ thuật tạo hình thú vật” này bao gồm ngựa, đại bàng, chim ưng, mèo, beo, nai, hươu, và quái vật sư tử đầu chim (những vật thần thoại có cánh hoặc không, với thân của một con vật và cái đầu của một con vật khác).

Người Sy-the và Kinh Thánh

Kinh Thánh chỉ nhắc trực tiếp một lần duy nhất đến người Sy-the. Chúng ta đọc nơi Cô-lô-se 3:11: “Tại đây không còn phân-biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt-bì hoặc người không chịu cắt-bì, người dã-man hoặc người Sy-the, người tôi-mọi hoặc người tự-chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự”. Khi sứ đồ Phao-lô, một tín đồ của Đấng Christ, viết những lời trên, từ Hy Lạp dịch ra là “Sy-the” không ngụ ý nói đến một nước nào rõ rệt, nhưng có ý nhắc đến loại dân man rợ nhất. Phao-lô nhấn mạnh rằng dưới tác dụng của thánh linh hay sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, ngay cả những người như thế cũng có thể mặc lấy nhân cách theo ý Đức Chúa Trời.—Cô-lô-se 3:9, 10.

Một số nhà khảo cổ nghĩ rằng tên Ách-kê-na nơi Giê-rê-mi 51:27 tương đương với từ Ashguzai của tiếng A-si-ri ám chỉ đến người Sy-the. Các bảng viết hình nêm kể lại một sự liên minh giữa dân tộc này và dân Mannai trong một cuộc nổi lên chống lại A-si-ri vào thế kỷ thứ bảy TCN. Chỉ ít lâu trước khi Giê-rê-mi bắt đầu nói tiên tri, người Sy-the băng qua đất Giu-đa không để gây chiến nhưng để đi đến Ai Cập và sau đó lui trở về. Bởi vậy, khi nghe ông báo trước một cuộc tấn công nước Giu-đa đến từ phía bắc, nhiều người có thể nghi ngờ sự chính xác lời tiên tri của ông.—Giê-rê-mi 1:13-15.

Một số học giả nghĩ rằng Giê-rê-mi 50:42 ngụ ý nói đến người Sy-the. Câu này nói: “Họ cầm cung và giáo, hung-dữ chẳng có lòng thương-xót. Tiếng họ giống như biển gầm; hỡi con gái Ba-by-lôn, họ đã cỡi ngựa mà đến, dàn trận để đánh ngươi”. Nhưng câu này chủ yếu áp dụng cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ đã chinh phục Ba-by-lôn vào năm 539 TCN.

Có người gợi ý rằng “đất Ma-gốc” nơi Ê-xê-chi-ên chương 38 và 39 ám chỉ các bộ lạc Sy-the. Tuy nhiên, “đất Ma-gốc” mang ý nghĩa tượng trưng. Nó rõ ràng nói đến vùng phụ cận của trái đất, nơi mà Sa-tan và các quỉ sứ của hắn bị lưu đày sau cuộc chiến ở trên trời.—Khải-huyền 12:7-17.

Người Sy-the liên quan đến sự ứng nghiệm của lời tiên tri mà Na-hum nói trước về sự sụp đổ của Ni-ni-ve. (Na-hum 1:1, 14) Dân Canh-đê, Sy-the và Mê-đi cướp phá Ni-ni-ve vào năm 632 TCN, gây ra sự sụp đổ của Đế Quốc A-si-ri.

Một sự suy vong khó hiểu

Người Sy-the đã biến mất, nhưng vì lý do gì? Một nhà khảo cổ ưu tú người Ukraine nói: “Sự thật là chúng ta chỉ giản dị không biết chuyện gì đã xảy ra”. Một số học giả nghĩ rằng họ bị sự phồn vinh làm cho nhu nhược, và họ bị một nhóm dân du mục khác ở Á Châu—người Sarmatian—khuất phục vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai TCN.

Những học giả khác nghĩ rằng sự đấu tranh giữa các bộ tộc người Sy-the đã dẫn đến sự suy vong của họ. Những người khác nữa thì nói rằng có thể vẫn còn một số người Sy-the đang sống giữa người Ossetian ở vùng Caucasus. Dù sao đi nữa, giống dân kỳ bí này của thời quá khứ đã để lại dấu hằn sâu trong lịch sử nhân loại: họ làm cho danh hiệu Sy-the đồng nghĩa với sự dã man.

[Bản đồ nơi trang 24]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

□ Thành cổ

• Thành ngày nay

Danube

SCYTHIA ← LỘ TRÌNH DI DÂN

• Kiev

Dnieper

Dniester

Biển Đen

OSSETIA

Rặng Núi Caucasus

Biển Caspian

A-SI-RI ← LỘ TRÌNH XÂM LĂNG

□ Ni-ni-ve

Tigris

MÊ-ĐI ← LỘ TRÌNH XÂM LĂNG

MÊ-SÔ-BÔ-TA-MI

XỨ BA-BY-LÔN ← LỘ TRÌNH XÂM LĂNG

□ Ba-by-lôn

Ơ-phơ-rát

ĐẾ QUỐC PHE-RƠ-SƠ

□ Su-san

Vịnh Ba Tư

PHA-LÊ-TIN

• Bết-san (Scythopolis)

AI CẬP ← LỘ TRÌNH XÂM LĂNG

Ni-lơ

Địa Trung Hải

HY LẠP

[Các hình nơi trang 25]

Người Sy-the là một dân hiếu chiến

[Nguồn tư liệu]

The State Hermitage Museum, St. Petersburg

[Các hình nơi trang 26]

Người Sy-the trao đổi hàng hóa của họ để lấy các tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp và trở nên rất phồn thịnh

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of the Ukraine Historic Treasures Museum, Kiev