Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kính sợ Đức Giê-hô-va và giữ các điều răn Ngài

Kính sợ Đức Giê-hô-va và giữ các điều răn Ngài

Kính sợ Đức Giê-hô-va và giữ các điều răn Ngài

“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài. Ấy là trọn phận-sự của ngươi”.​—TRUYỀN-ĐẠO 12:⁠13.

1, 2. (a) Sự sợ hãi có thể che chở chúng ta như thế nào về phương diện thể chất? (b) Tại sao cha mẹ khôn ngoan cố gắng ghi tạc vào lòng con cái sự sợ hãi lành mạnh?

THEO nhận xét của Leonardo da Vinci, “lòng dũng cảm có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, còn sự sợ hãi bảo vệ mạng sống”. Tính táo bạo hay liều lĩnh khiến một người không nhận thấy mối nguy hiểm trong khi sự sợ hãi nhắc người ấy nhớ phải cẩn thận. Chẳng hạn, nếu đến gần rìa vách đá và nhìn xuống chiều sâu thăm thẳm bên dưới, theo bản năng đa số chúng ta đều lùi lại. Tương tự thế, sự kính sợ không những nảy sinh mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời mà còn che chở chúng ta khỏi bị tổn thương, như đã học trong bài trước.

2 Tuy nhiên, chúng ta phải học để biết sợ nhiều mối nguy hiểm thời nay. Vì không ý thức được mối nguy hiểm của điện hay sự giao thông trong đô thị nên trẻ con dễ dàng gặp tai nạn trầm trọng. * Cha mẹ khôn ngoan cố gắng ghi tạc vào lòng con cái sự sợ hãi lành mạnh, cảnh báo chúng nhiều lần về những mối nguy hiểm chung quanh. Cha mẹ biết sự sợ này có thể gìn giữ mạng sống của chúng.

3. Tại sao Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm về thiêng liêng, và Ngài cảnh báo bằng cách nào?

3 Đức Giê-hô-va có mối quan tâm tương tự đối với hạnh phúc của chúng ta. Như người Cha yêu thương, Ngài dạy dỗ chúng ta qua Lời Ngài và qua tổ chức của Ngài để chúng ta được lợi ích. (Ê-sai 48:17) Một phần của chương trình dạy dỗ này bao gồm việc cảnh báo chúng ta nhiều lần về những cạm bẫy nguy hại về thiêng liêng, nhờ vậy chúng ta có thể phát triển một sự sợ lành mạnh khi đứng trước một mối nguy hiểm như thế. (2 Sử-ký 36:15; 2 Phi-e-rơ 3:1) Trong suốt lịch sử, nhiều tai họa về thiêng liêng đã có thể tránh khỏi và ngăn ngừa được đau khổ nếu như ‘dân thường có một lòng kính-sợ Đức Chúa Trời, hằng giữ theo các điều-răn Ngài’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29) Trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, làm thế nào chúng ta có thể phát triển lòng kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa mối nguy hiểm về thiêng liêng?​—⁠2 Ti-mô-thê 3:⁠1.

Lìa khỏi điều ác

4. (a) Tín đồ Đấng Christ nên vun trồng sự ghét nào? (b) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về hành vi tội lỗi? (Xem cước chú).

4 Kinh Thánh giải thích “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét điều ác”. (Châm-ngôn 8:13) Một cuốn từ vựng Kinh Thánh miêu tả ghét là “một thái độ đối với người hay vật đối lập, đáng gớm ghê, đáng khinh mà người ta không muốn tiếp xúc hay liên hệ”. Vậy sự kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm mối ác cảm hay ghê tởm trong thâm tâm đối với tất cả những điều ác trước mắt Đức Giê-hô-va. * (Thi-thiên 97:10) Điều này thúc đẩy chúng ta tránh điều ác, giống như chúng ta lùi bước bên rìa vách đá khi bản năng sợ hãi lên tiếng cảnh báo. Kinh Thánh nói: “Bởi sự kính-sợ Đức Giê-hô-va người ta xây-bỏ điều ác”.—⁠Châm-ngôn 16:⁠6.

5. (a) Chúng ta có thể củng cố sự kính sợ Đức Chúa Trời và ghét điều ác như thế nào? (b) Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta điều gì về phương diện này?

5 Chúng ta có thể củng cố sự sợ lành mạnh và ghét điều ác bằng cách xem xét những hậu quả tai hại mà tội lỗi chắc chắn mang lại. Kinh Thánh đoan chắc chúng ta sẽ gặt những gì đã gieo​—⁠dù về xác thịt hay về thánh linh. (Ga-la-ti 6:​7, 8) Bởi lý do này, Đức Giê-hô-va miêu tả rõ ràng hậu quả chắc chắn của việc xem thường điều răn của Ngài và từ bỏ sự thờ phượng thật. Thiếu sự che chở của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên bé nhỏ, yếu đuối dễ bị các dân láng giềng mạnh mẽ và hung bạo hiếp đáp. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:​15, 45-48) Hậu quả tàn khốc của sự không vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên được ghi lại một cách chi tiết trong Kinh Thánh “để khuyên-bảo” nhờ thế chúng ta có thể học được bài học và vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời.​—⁠1 Cô-rinh-tô 10:⁠11.

6. Chúng ta có thể xem xét một số gương nào trong Kinh Thánh để tập kính sợ Đức Chúa Trời? (Xem cước chú).

6 Ngoài việc kể lại những điều xảy đến cho dân Y-sơ-ra-ên, Kinh Thánh còn ghi những kinh nghiệm thật của những người đã để lòng ganh tị, sự vô luân, sự tham lam và kiêu ngạo chế ngự. * Một số người trong họ đã nhiều năm phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng vào một giờ phút trọng đại trong đời sống, lòng kính sợ Đức Chúa Trời không đủ kiên cố và họ đã gặt hậu quả cay đắng. Khi suy ngẫm những gương trong Kinh Thánh như thế, chúng ta có thể củng cố quyết tâm không phạm những sai lầm tương tự. Thật đáng buồn nếu chúng ta không khắc ghi vào lòng lời khuyên của Đức Chúa Trời trước khi gặp tai họa! Trái với điều người ta thường tin, kinh nghiệm—⁠đặc biệt từ sự buông lung⁠—không là người thầy giỏi nhất.​—Thi-thiên 19:⁠7.

7. Đức Giê-hô-va sẽ mời ai vào đền tạm của Ngài theo nghĩa bóng?

7 Một lý do mạnh mẽ khác để vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời là chúng ta mong muốn gìn giữ mối liên lạc với Ngài. Vì quý trọng tình bạn của Ngài, chúng ta sợ làm mất lòng Đức Giê-hô-va. Ai là người được Đức Giê-hô-va kể là bạn, được Ngài mời vào đền tạm của Ngài theo nghĩa bóng? Chỉ những người “đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình”. (Thi-thiên 15:​1, 2) Nếu chúng ta quý trọng đặc ân có mối liên lạc với Đấng Tạo Hóa, chúng ta sẽ cẩn trọng bước đi không lầm lỗi trước mắt Ngài.

8. Một số người Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi đã xem nhẹ tình bạn với Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Đáng buồn thay, một số người Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi xem nhẹ tình bạn với Đức Chúa Trời. Thay vì kính sợ và tôn trọng danh Đức Giê-hô-va, họ dâng lên bàn thờ những con thú bệnh và què. Sự thiếu lòng kính sợ Đức Chúa Trời cũng phản ánh qua thái độ của họ đối với hôn nhân. Để kết hôn với những người đàn bà trẻ họ vin vào những lý do không đáng để ly dị người vợ cưới lúc tuổi thanh xuân. Ma-la-chi bảo với họ rằng Đức Giê-hô-va ghét “người nào bỏ vợ” và tinh thần phụ bạc đã khiến họ xa cách Đức Chúa Trời. Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể nhận lễ vật của họ khi theo nghĩa bóng bàn thờ của Ngài đẫm đầy nước mắt, những giọt nước mắt đắng cay của các bà vợ bị bỏ rơi? Sự bất kính trắng trợn dường ấy đối với những tiêu chuẩn của Ngài đã khiến Đức Giê-hô-va hỏi: “Sự kính-sợ ta ở đâu?”—⁠Ma-la-chi 1:​6-8; 2:​13-⁠16.

9, 10. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình quý trọng tình bạn với Đức Giê-hô-va?

9 Tương tự thế, ngày nay Đức Giê-hô-va nhìn thấy nỗi đau lòng của nhiều người hôn phối và con cái vô tội bị những người chồng và cha hoặc ngay cả những người vợ và mẹ ích kỷ và vô luân từ bỏ. Chắc chắn điều này khiến Ngài buồn lòng. Một người là bạn của Đức Chúa Trời sẽ xem xét các vấn đề theo quan điểm của Ngài và gắng hết sức để củng cố hôn nhân, từ bỏ lối suy nghĩ của thế gian xem nhẹ tầm quan trọng của mối ràng buộc hôn nhân, và tránh “sự dâm-dục”.​—⁠1 Cô-rinh-tô 6:⁠18.

10 Trong hôn nhân cũng như trong nhiều lãnh vực khác của đời sống, việc ghét tất cả điều ác trước mắt Đức Giê-hô-va, cùng với lòng biết ơn sâu đậm về tình bạn với Ngài, sẽ giúp chúng ta nhận được ân huệ và sự chấp nhận của Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Chúng ta có nhiều gương trong Kinh Thánh cho thấy làm thế nào sự kính sợ Đức Chúa Trời đã khiến nhiều người làm được điều đúng trong những hoàn cảnh gian truân khác nhau.

Ba người kính sợ Đức Chúa Trời

11. Trong trường hợp nào Áp-ra-ham được tuyên bố là “người kính-sợ Đức Chúa Trời”?

11 Trong Kinh Thánh có một người được Đức Giê-hô-va đích thân miêu tả là bạn Ngài​—⁠tộc trưởng Áp-ra-ham. (Ê-sai 41:8) Sự kính sợ của Áp-ra-ham đối với Đức Chúa Trời bị thử thách khi Ngài yêu cầu ông dâng con một Y-sác làm của-lễ, qua Y-sác Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa là dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ trở nên một dân lớn. (Sáng-thế Ký 12:​2, 3; 17:19) Liệu “bạn Đức Chúa Trời” có vượt qua thử thách đau lòng này không? (Gia-cơ 2:23) Ngay lúc Áp-ra-ham giơ dao toan giết Y-sác, thiên sứ Đức Giê-hô-va bảo: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính-sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi”.—⁠Sáng-thế Ký 22:10-⁠12.

12. Điều gì thúc đẩy Áp-ra-ham kính sợ Đức Chúa Trời, và chúng ta thể hiện tinh thần tương tự ấy như thế nào?

12 Dù trước đây Áp-ra-ham đã tỏ ra ông là người kính sợ Đức Giê-hô-va, trong dịp ấy ông thể hiện lòng kính sợ Đức Chúa Trời một cách nổi bật. Việc ông sẵn lòng dâng Y-sác mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ tỏ vẻ cung kính vâng lời. Áp-ra-ham được thúc đẩy bởi lòng tin cậy tuyệt đối nơi Cha trên trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài bằng cách làm cho Y-sác sống lại nếu cần. Như Phao-lô viết, Áp-ra-ham “tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được”. (Rô-ma 4:16-21) Chúng ta có sẵn sàng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời dù điều ấy đòi hỏi phải hy sinh nhiều không? Chúng ta có lòng tin tưởng trọn vẹn rằng sự vâng lời thể ấy sẽ mang lại lợi ích lâu dài vì biết Đức Giê-hô-va “hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” không? (Hê-bơ-rơ 11:6) Đó là lòng kính sợ chân thật đối với Đức Chúa Trời.—⁠Thi-thiên 115:⁠11.

13. Tại sao Giô-sép có thể tự miêu tả đúng lý là người “kính-sợ Đức Chúa Trời”?

13 Chúng ta hãy xem xét một gương kính sợ Đức Chúa Trời khác thể hiện qua hành động​—⁠đó là gương của Giô-sép. Là nô lệ trong nhà Phô-ti-pha, hàng ngày ông đối mặt với áp lực phạm tội tà dâm. Dường như Giô-sép không có cách nào để tránh tiếp xúc với vợ của chủ, người thường xuyên có những lời mời mọc vô luân với ông. Cuối cùng, khi bà “nắm áo chàng”, ông “chạy trốn ra ngoài.” Điều gì đã thúc giục ông lập tức xây khỏi điều ác? Chắc chắn, nhân tố chủ yếu là lòng kính sợ Đức Chúa Trời, ước muốn tránh phạm “điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 39:7-12) Giô-sép có thể tự miêu tả đúng lý là người “kính-sợ Đức Chúa Trời”.—Sáng-thế Ký 42:⁠18.

14. Lòng thương xót của Giô-sép phản ánh sự kính sợ Đức Chúa Trời một cách chân thật như thế nào?

14 Nhiều năm sau, Giô-sép đối diện với các anh là những người đã nhẫn tâm bán ông làm nô lệ. Ông đã có thể dễ dàng lợi dụng tình trạng tuyệt vọng vì thiếu lương thực của họ như cơ hội để trả thù hành động sai quấy của họ. Nhưng đối đãi khắc nghiệt với kẻ khác không phản ánh lòng kính sợ Đức Chúa Trời. (Lê-vi Ký 25:43) Vì vậy, khi thấy đủ bằng chứng về việc các anh đã thay đổi tâm tính, Giô-sép đã thương xót tha thứ họ. Giống như Giô-sép, sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy chúng ta để điều thiện thắng điều ác, cũng như sẽ giữ chúng ta khỏi rơi vào cám dỗ.—⁠Sáng-thế Ký 45:​1-11; Thi-thiên 130:​3, 4; Rô-ma 12:​17-⁠21.

15. Tại sao hạnh kiểm của Gióp làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va?

15 Gióp là một gương nổi bật khác về người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va phán với Ma-quỉ: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi-tớ của ta chăng; nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác?” (Gióp 1:8) Qua nhiều năm, hạnh kiểm không chỗ trách được của Gióp làm đẹp lòng Cha trên trời. Gióp kính sợ Đức Chúa Trời vì hiểu đó là điều đúng và là lối sống tốt nhất. Gióp thốt lên: “Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông-sáng”. (Gióp 28:28) Là người đã kết hôn, Gióp không chú ý đến phụ nữ trẻ một cách bất chính, cũng không nuôi dưỡng tư tưởng ngoại tình trong lòng. Dù là người giàu, ông không đặt tin cậy nơi của cải, và tránh xa mọi hình thức thờ hình tượng.​—⁠Gióp 31:​1, 9-11, 24-⁠28.

16. (a) Gióp đã thể hiện lòng thương xót bằng cách nào? (b) Gióp cho thấy ông không ngần ngại tha thứ ra sao?

16 Tuy nhiên, kính sợ Đức Chúa Trời còn có nghĩa phải làm điều thiện cũng như phải xây khỏi điều ác. Vì vậy, Gióp đối đãi tử tế với người mù, người què và người nghèo. (Lê-vi Ký 19:14; Gióp 29:​15, 16) Gióp hiểu rằng “ai từ chối chẳng xót thương bè bạn, cũng không kính sợ Đấng Toàn Năng”. (Gióp 6:​14, Tòa Tổng Giám Mục) Không bày tỏ lòng thương xót cũng được kể là không tha thứ hoặc cưu mang hờn giận. Theo chỉ thị của Đức Chúa Trời, Gióp cầu nguyện thay cho ba người bạn đã từng gây nhiều buồn khổ cho ông. (Gióp 42:​7-10) Chúng ta có thể bày tỏ tinh thần tha thứ như thế cho người cùng đức tin đã làm tổn thương chúng ta bằng cách này hay cách khác không? Lời cầu nguyện chân thành vì lợi ích của người xúc phạm chúng ta có thể giúp chúng ta khắc phục được nỗi oán giận. Những ân phước Gióp được hưởng nhờ lòng kính sợ Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy ‘sự nhân-từ dư dật mà Chúa đã dành cho người kính-sợ Chúa’.—⁠Thi-thiên 31:19; Gia-cơ 5:⁠11.

Sự kính sợ Đức Chúa Trời tương phản với sự sợ loài người

17. Sự sợ loài người có thể làm gì hại chúng ta, nhưng tại sao việc sợ như thế là điều thiển cận?

17 Sự kính sợ Đức Chúa Trời thúc giục chúng ta làm điều đúng, nhưng sự sợ loài người có thể làm suy yếu đức tin. Vì lý do này, khi khuyến khích các sứ đồ sốt sắng rao truyền tin mừng, Chúa Giê-su nói với họ: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW]”. (Ma-thi-ơ 10:28) Chúa Giê-su giải thích, sự sợ loài người là thiển cận, vì người ta không thể hủy phá triển vọng sống trong tương lai của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời vì nhận biết quyền năng đáng kinh khiếp của Ngài khi so với sức mạnh chẳng ra gì của các nước. (Ê-sai 40:15) Giống như Áp-ra-ham, chúng ta tuyệt đối tin cậy vào quyền năng của Đức Giê-hô-va sẽ làm sống lại các tôi tớ trung thành của Ngài. (Khải-huyền 2:10) Vì thế, chúng ta nói với lòng tin chắc: “Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?”—⁠Rô-ma 8:⁠31.

18. Đức Giê-hô-va ban thưởng những ai kính sợ Ngài bằng cách nào?

18 Dù người chống đối chúng ta là người thân trong gia đình hoặc là kẻ hay bắt nạt nơi trường học, chúng ta thấy “trong sự kính-sợ Đức Giê-hô-va có nơi nương-cậy vững-chắc.” (Châm-ngôn 14:26) Chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban thêm sức, biết rằng Ngài sẽ nghe chúng ta. (Thi-thiên 145:19) Đức Giê-hô-va không bao giờ quên những người kính sợ Ngài. Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, Ngài trấn an chúng ta: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”.—⁠Ma-la-chi 3:⁠16.

19. Sự sợ hãi nào sẽ chấm dứt, nhưng loại kính sợ nào sẽ còn lại mãi?

19 Sắp đến gần thời kỳ mọi người trên đất thờ phượng Đức Giê-hô-va và sự sợ loài người sẽ biến mất. (Ê-sai 11:9) Nỗi sợ hãi về sự đói kém, bệnh tật, tội ác và chiến tranh sẽ không còn nữa. Nhưng sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ còn đến muôn đời vì các tôi tớ trung thành của Ngài ở trên trời và trên đất vẫn tiếp tục bày tỏ lòng tôn kính, vâng lời và tôn vinh Ngài một cách xứng đáng. (Khải-huyền 15:4) Từ đây đến đó, mong sao tất cả chúng ta ghi tạc vào lòng lời khuyên được soi dẫn của Sa-lô-môn: “Lòng con chớ phân-bì với kẻ hung-ác; nhưng hằng ngày hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va. Vì quả hẳn có sự thưởng-thiện, và sự trông-đợi của con sẽ chẳng thành ra luống-công”.—⁠Châm-ngôn 23:17, 18.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số người lớn không sợ nguy hiểm nữa khi công việc buộc họ thường tiếp cận những tình huống nguy hiểm. Khi được hỏi tại sao nhiều người thợ mộc bị mất một ngón tay, người thợ thủ công lành nghề giản dị đáp rằng: “Vì không biết sợ vận tốc cao của máy cưa”.

^ đ. 4 Chính Đức Giê-hô-va cảm thấy ghê tởm về điều này. Chẳng hạn, Ê-phê-sô 4:29 miêu tả ngôn ngữ tục tĩu như là “lời dữ”. Từ Hy Lạp được dịch là “dữ” ở đây có nghĩa đen là hư thối, được dùng để chỉ trái cây, cá hoặc thịt bị thối rữa. Từ này là hình ảnh sống động về sự kinh tởm chúng ta nên có đối với loại ngôn ngữ thóa mạ hay tục tĩu. Tương tự thế, Kinh Thánh cũng thường miêu tả hình tượng như là “phân”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:​17, NW; Ê-xê-chi-ên 6:​9, NW) Mối ác cảm tự nhiên của chúng ta đối với điều ô uế như phân giúp chúng ta hiểu được cảm giác ghê tởm của Đức Chúa Trời đối với mọi hình thức thờ hình tượng.

^ đ. 6 Chẳng hạn chúng ta có thể xem xét sự tường thuật của Kinh Thánh về Ca-in (Sáng-thế Ký 4:​3-12); Đa-vít (2 Sa-mu-ên 11:​2–​12:14); Ghê-ha-xi (2 Các Vua 5:​20-27); và Ô-xia (2 Sử-ký 26:​16-21).

Bạn còn nhớ không?

• Chúng ta tập ghét điều ác như thế nào?

• Một số người Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi đã xem nhẹ tình bạn với Đức Giê-hô-va như thế nào?

• Qua Áp-ra-ham, Giô-sép và Gióp, chúng ta có thể học được gì về lòng kính sợ Đức Chúa Trời?

• Sự kính sợ nào sẽ không bao giờ mất đi, tại sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Cha mẹ khôn ngoan ghi tạc vào lòng con cái sự sợ hãi lành mạnh

[Hình nơi trang 20]

Như sự sợ hãi khiến chúng ta tránh nguy hiểm, sự kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta xây khỏi điều ác

[Hình nơi trang 23]

Gióp chuyên lòng kính sợ Đức Chúa Trời ngay khi đương đầu với ba người bạn giả mạo

[Nguồn tư liệu]

Theo bản dịch Kinh Thánh Vulgata Latina, năm 1795