Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con người thật của Chúa Giê-su

Con người thật của Chúa Giê-su

Con người thật của Chúa Giê-su

SAU KHI nghe các sứ đồ thuật lại quan điểm của người ta về ngài, Chúa Giê-su hỏi họ: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Phúc Âm theo Ma-thi-ơ ghi lại câu trả lời của sứ đồ Phi-e-rơ: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. (Ma-thi-ơ 16:15, 16) Những sứ đồ khác cũng có cùng ý kiến. Na-tha-na-ên, sau này trở thành một sứ đồ của Chúa Giê-su, thưa với ngài: “Lạy thầy, thầy là Con Đức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên”. (Giăng 1:49) Chính Chúa Giê-su cho biết vai trò của ngài có tầm quan trọng như sau: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. (Giăng 14:6) Vào nhiều dịp khác, ngài nói mình là “Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 5:24, 25; 11:4) Và ngài đã minh chứng cho lời tuyên bố này bằng những phép lạ, ngay cả làm cho người chết sống lại.

Những nghi ngờ có căn cứ chăng?

Nhưng chúng ta có thể thật sự tin cậy vào những gì Phúc Âm nói về Chúa Giê-su không? Các sách ấy có trình bày về con người thật của Chúa Giê-su không? Cố giáo sư Frederick F. Bruce, nhà giải thích và bình luận Kinh Thánh thuộc Đại Học Manchester, Anh Quốc, nói: “Thường thường thì không thể dùng những luận chứng lịch sử để chứng minh cho từng chi tiết trong một bản văn cổ, cho dù là Kinh thánh hay là một sách nào khác. Chỉ cần tin tưởng một cách hợp lý nơi sự đáng tín nhiệm nói chung của người viết là đủ; nếu xác định được điều này, có khả năng tiên nghiệm rằng các chi tiết người ấy ghi là đúng sự thật... Việc các tín đồ Đấng Christ tin Tân Ước là sách ‘thánh’ không làm giảm khả năng sách này đáng tin cậy về phương diện lịch sử”.

Sau khi xem xét những nghi ngờ về nhân vật Giê-su được miêu tả trong Phúc Âm, James R. Edwards, giáo sư tôn giáo ở Đại Học Jamestown, North Dakota, Hoa Kỳ, viết: “Chúng ta có thể tin cậy khẳng định rằng Phúc Âm chứa đựng những bằng cớ vừa quan trọng vừa đa dạng tỏ rõ sự thật về Chúa Giê-su... Lời giải đáp hợp lý nhất cho câu hỏi tại sao Phúc Âm trình bày Chúa Giê-su như vậy là: bởi vì Chúa Giê-su chủ yếu là như vậy. Phúc Âm trung thực bảo tồn ấn tượng mạnh mẽ mà các môn đồ có được về Chúa Giê-su là ngài được Đức Chúa Trời phái đến, được ban cho quyền làm Con và Tôi Tớ của Ngài”. *

Đi tìm Chúa Giê-su

Nói gì về những sách khác không phải là Kinh Thánh nhưng cũng nói về Chúa Giê-su Christ? Người ta đánh giá những sách đó như thế nào? Những tác phẩm của Tacitus, Suetonius, Josephus, Pliny the Younger và một số tác giả cổ điển khác đề cập nhiều lần về Chúa Giê-su. Cuốn The New Encyclopædia Britannica (1995) nói: “Những lời tường thuật độc lập này chứng tỏ rằng vào thời xưa ngay cả những kẻ đối lập của đạo Đấng Christ cũng không bao giờ nghi ngờ tính chất lịch sử của Chúa Giê-su. Chỉ đến mãi cuối thế kỷ 18, thế kỷ 19 và vào đầu thế kỷ 20 người ta mới tranh luận về vấn đề này lần đầu tiên và dựa trên những cơ sở không vững”.

Buồn thay, các học giả hiện đại trong quá trình nghiên cứu nhân vật Giê-su “lịch sử” dường như lại giấu lai lịch thật của ngài dưới hàng lớp phỏng định, nghi ngờ vô cớ và giả thuyết vô căn cứ. Họ mắc phải phần nào chính cái tội mà họ gán cho những người viết Phúc Âm: viết chuyện hoang đường. Một số kẻ hám danh bằng cách khiến người ta biết đến tên tuổi của mình qua một học thuyết mới đầy kinh ngạc nào đó đến độ không xem xét một cách thành thật các bằng chứng về Chúa Giê-su. Trong khi làm điều đó, họ dựng lên một nhân vật “Giê-su” hoàn toàn do trí tưởng tượng của học giả bịa đặt.

Đối với những người muốn tìm thấy ngài, Chúa Giê-su đích thật là nhân vật ghi trong Kinh Thánh. Luke Johnson, giáo sư dạy môn Tân Ước và nguồn gốc đạo Đấng Christ tại Trường Thần Học Candler thuộc Đại Học Emory, cho rằng hầu hết cuộc nghiên cứu về nhân vật lịch sử Giê-su đi trệch mục tiêu của Kinh Thánh. Ông nói rằng việc nghiên cứu bối cảnh xã hội, chính trị, nhân chủng học và văn hóa về cuộc đời và thời đại của Chúa Giê-su có thể là điều thú vị. Tuy nhiên, ông nói thêm, việc khám phá cái mà các học giả gọi là Giê-su lịch sử “không phải là mục tiêu của Kinh Thánh”, là sách “chú trọng hơn đến việc miêu tả cá tính của Chúa Giê-su”, thông điệp và vai trò của ngài là Đấng Cứu Chuộc. Vậy thì cá tính thật của nhân vật Giê-su và thông điệp của ngài là gì?

Con người thật của Chúa Giê-su

Phúc Âm—bốn sách Kinh Thánh tường thuật về cuộc đời của Chúa Giê-su—trình bày một Đấng đầy lòng thấu cảm. Lòng thương hại và trắc ẩn thúc đẩy ngài giúp những người bệnh tật, mù lòa và đau khổ vì những lý do khác. (Ma-thi-ơ 9:36; 14:14; 20:34) Cái chết của bạn ngài, La-xa-rơ, và sự đau khổ do điều này gây ra cho hai chị em gái của La-xa-rơ đã khiến Chúa Giê-su ‘đau lòng cảm-động và khóc’. (Giăng 11:32-36) Trên thực tế, Phúc Âm tiết lộ Chúa Giê-su có nhiều cảm xúc khác nhau—thương cảm đối với người bệnh phung, phấn khởi về sự thành công của các môn đồ, phẫn nộ trước những người lạnh lùng tuân thủ luật pháp, và buồn khi thấy dân thành Giê-ru-sa-lem bác bỏ Đấng Mê-si.

Khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giê-su thường chú trọng đến khía cạnh đáng khen của người nhận lãnh phép lạ: “Đức-tin con đã làm cho con được lành”. (Ma-thi-ơ 9:22) Ngài khen Na-tha-na-ên là “một người Y-sơ-ra-ên thật” và nói: “Trong người không có điều dối-trá chi hết”. (Giăng 1:47) Khi có kẻ nghĩ rằng món quà đầy lòng biết ơn của một phụ nữ nọ là quá xa xỉ, Chúa Giê-su bênh vực bà và nói lòng rộng lượng của bà sẽ được ghi nhớ lâu dài. (Ma-thi-ơ 26:6-13) Ngài tỏ ra là một người bạn thật và trìu mến đối với môn đồ, ‘yêu họ cho đến cuối-cùng’.—Giăng 13:1; 15:11-15.

Phúc Âm cũng cho thấy Chúa Giê-su mau mắn nhận biết nhu cầu của những người ngài gặp. Khi nói chuyện với một phụ nữ ở bên giếng, một thầy dạy đạo trong vườn hoặc một người đánh cá ven hồ, ngài đã làm động lòng họ. Sau lời mở đầu của Chúa Giê-su, nhiều người trong số họ đã thổ lộ hết lòng mình với ngài. Do hiểu thấu lòng người, ngài đã đánh đúng vào tình cảm của họ. Dù người đương thời của Chúa Giê-su thường lánh xa những người có uy quyền, nhưng họ lại vây quanh ngài. Họ thích ở gần Chúa Giê-su, họ thấy thoải mái bên cạnh ngài. Trẻ con thấy dễ chịu với ngài, và khi dùng một con trẻ để làm gương, ngài không đặt đứa trẻ trước mặt các môn đồ, mà “ẵm nó trong tay”. (Mác 9:36; 10:13-16) Quả thật, Phúc Âm miêu tả Chúa Giê-su là một người có sức thu hút mãnh liệt đến nỗi người ta ngồi cả ba ngày liền để nghe những lời dạy dỗ tuyệt vời của ngài.—Ma-thi-ơ 15:32.

Sống và giảng dạy giữa những người bất toàn và đầy tội lỗi, sự hoàn toàn của Chúa Giê-su không khiến ngài quá khắt khe bắt bẻ họ hoặc ngạo mạn hay hống hách. (Ma-thi-ơ 9:10-13; 21:31, 32; Lu-ca 7:36-48; 15:1-32; 18:9-14) Chúa Giê-su không bao giờ đòi hỏi quá nhiều. Ngài không gán thêm gánh nặng cho người ta. Trái lại, ngài nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi... hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”. Các môn đồ thấy ngài “nhu-mì, khiêm-nhường”; ách ngài dễ chịu và gánh ngài nhẹ nhàng.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Cá tính của Chúa Giê-su qua những lời tường thuật trong Phúc Âm, mang dấu ấn của sự thật. Thật không dễ cho bốn người khác nhau dựng lên cùng một nhân vật xuất chúng và rồi tiếp tục trình bày về người đó một cách nhất quán trong suốt bốn lời tường thuật riêng biệt. Gần như không thể nào mà bốn người khác nhau miêu tả cùng một nhân vật và trình bày về người đó một cách nhất quán nếu như nhân vật này chưa bao giờ thật sự hiện hữu.

Sử gia Michael Grant nêu ra một câu hỏi khiến người ta phải suy nghĩ: “Tại sao tất cả những sách Phúc Âm đều miêu tả hình ảnh rõ rệt rất đáng chú ý của một người đàn ông trẻ có sức lôi cuốn người khác, đi giữa những người đàn bà thuộc mọi tầng lớp xã hội, gồm cả những người có thành tích bất hảo, mà lại không có một chút gì đa cảm, giả tạo hay kiểu cách, đồng thời lúc nào cũng giữ được tính trung kiên?” Câu trả lời hợp lý là một người như thế thật sự đã hiện hữu và đã xử sự theo cách Kinh Thánh nói.

Con người thật của Chúa Giê-su và tương lai của bạn

Ngoài việc cung cấp cho chúng ta hình ảnh về đời sống thật của Chúa Giê-su khi còn ở trên đất, Kinh Thánh cũng cho thấy ngài đã từng hiện hữu trước khi làm người với tư cách Con một của Đức Chúa Trời, “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. (Cô-lô-se 1:15) Cách đây hai mươi thế kỷ, Đức Chúa Trời đã chuyển sự sống Con trên trời của Ngài vào lòng một trinh nữ Do Thái để Con ấy sinh ra làm người. (Ma-thi-ơ 1:18) Trong suốt thánh chức trên đất, Chúa Giê-su rao truyền Nước Đức Chúa Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại đau khổ, và ngài huấn luyện các môn đồ tiếp tục công việc rao giảng này.—Ma-thi-ơ 4:17; 10:5-7; 28:19, 20.

Vào ngày 14 Ni-san (khoảng ngày 1 tháng 4) năm 33 CN, Chúa Giê-su bị bắt, bị xét xử, kết án và hành quyết oan ức về tội dấy loạn. (Ma-thi-ơ 26:18-20, Mat 26:48–27:50) Sự chết của Chúa Giê-su là để làm giá chuộc, giải cứu nhân loại có đức tin khỏi tình trạng đầy tội lỗi và như vậy mở ra triển vọng được sống đời đời cho tất cả những ai thực hành đức tin nơi ngài. (Rô-ma 3:23, 24; 1 Giăng 2:2) Vào ngày 16 Ni-san, Chúa Giê-su được làm cho sống lại và ít lâu sau đó ngài trở về trời. (Mác 16:1-8; Lu-ca 24:50-53; Công-vụ 1:6-9) Với tư cách là Vua do Đức Giê-hô-va tấn phong, Chúa Giê-su được sống lại có toàn quyền thi hành ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời đối với loài người. (Ê-sai 9:5, 6; Lu-ca 1:32, 33) Đúng, Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-su như là nhân vật then chốt trong việc thực thi ý định Đức Chúa Trời.

Trong thế kỷ thứ nhất, đoàn dân đông đã hiểu đúng về Chúa Giê-su, chấp nhận ngài là Đấng Mê-si, hoặc Đấng Christ mà Đức Chúa Trời đã hứa, được phái xuống trái đất để biện minh quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và để chịu chết làm giá chuộc cho nhân loại. (Ma-thi-ơ 20:28; Lu-ca 2:25-32; Giăng 17:25, 26; 18:37) Đứng trước sự bắt bớ gay gắt, người ta khó lòng trở thành môn đồ Chúa Giê-su nếu không chắc chắn ngài là ai. Họ can đảm và sốt sắng “đào tạo người từ các nước thành môn đồ”, chu toàn nhiệm vụ ngài giao cho họ.—Ma-thi-ơ 28:19NW.

Ngày nay, hàng triệu tín đồ thành thật và sáng suốt của Đấng Christ biết rằng Chúa Giê-su không phải là một nhân vật huyền thoại. Họ nhìn nhận ngài là Vị Vua được lên ngôi trong Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập ở trên trời, và ngài sắp cai trị khắp cả trái đất. Chính phủ này của Đức Chúa Trời quả là một tin mừng vì hứa sẽ giải quyết các vấn đề của thế giới. Tín đồ thật của Đấng Christ biểu hiện sự ủng hộ trung thành của họ đối với Vị Vua do Đức Giê-hô-va chọn bằng cách rao truyền “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” cho người khác.—Ma-thi-ơ 24:14.

Những ai ủng hộ sự sắp đặt Nước Trời qua Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống, sẽ sống để hưởng ân phước vĩnh cửu. Chính bạn cũng có thể nhận được những ân phước này nữa! Những người xuất bản tạp chí này vui lòng giúp đỡ bạn biết con người thật của Chúa Giê-su.

[Chú thích]

^ đ. 5 Muốn khảo sát thêm chi tiết về những lời tường thuật của Phúc Âm, xin xem các chương 5 đến 7 của sách Kinh-thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Những người khác đã nói gì?

“Tôi xem Chúa Giê-su ở Na-xa-rét là một trong những bậc thầy xuất chúng của thế giới... Tôi sẽ nói với người theo Ấn Độ Giáo rằng đời sống của bạn sẽ thiếu mất một điều gì đó nếu như không chịu cung kính học hỏi những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su”.—Mohandas K. Gandhi, The Message of Jesus Christ.

“Một nhân vật độc đáo như vậy, toàn vẹn như vậy, nhất quán như vậy, hoàn hảo như vậy, đầy nhân tính như vậy, mà lại trội hơn hẳn mọi sự vĩ đại của con người, không thể nào là một sự lừa bịp hoặc hư cấu cho được... Muốn bịa đặt ra Chúa Giê-su, cần phải có một nhân vật xuất sắc hơn Chúa Giê-su”.—Philip Schaff, History of the Christian Church.

“Sự kiện một vài người tầm thường mà chỉ trong một thế hệ tạo ra được một nhân vật có quyền năng và thu hút được nhiều người đến thế, đặt ra được một đạo lý cao siêu đến thế và thấy trước được tình huynh đệ của con người đầy khích lệ đến thế, hẳn là một phép lạ khó tin hơn bất cứ phép lạ nào được ghi lại trong các sách Phúc Âm”.—Will Durant, Caesar and Christ.

“Dường như không thể hiểu nổi là một phong trào tôn giáo toàn cầu lại có thể được khởi xướng bởi một người không hiện hữu, được bịa đặt ra thời xưa tương đương với phương cách khuyến mãi để tiếp thị, trong khi sự kiện không thể chối cãi được là nhiều người có thật đã thử và đã thất bại trong việc thành lập ra một tôn giáo”.—Gregg Easterbrook, Beside Still Waters.

‘Là một sử gia văn học, tôi hoàn toàn tin chắc rằng dù Phúc Âm có là gì đi chăng nữa, cũng không thể là chuyện huyền thoại được. Phúc Âm không được thêm thắt khéo léo đến độ thành chuyện hoang đường. Chúng ta không được biết phần lớn cuộc đời Chúa Giê-su, và không ai dựng lên một chuyện huyền thoại lại nói quá ít về ngài như thế’.—C. S. Lewis, God in the Dock.

[Các hình nơi trang 7]

Phúc Âm tiết lộ Chúa Giê-su có nhiều cảm xúc khác nhau