Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giảm căng thẳng—Giải pháp thực tiễn

Giảm căng thẳng—Giải pháp thực tiễn

Giảm căng thẳng—Giải pháp thực tiễn

“Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”.—MA-THI-Ơ 11:28.

1, 2. (a) Kinh Thánh chứa đựng điều gì giúp giảm sự căng thẳng quá mức? (b) Những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su hữu hiệu thế nào?

BẠN có lẽ đồng ý rằng căng thẳng quá mức thường có hại, vì sẽ đưa đến suy nhược. Kinh Thánh cho thấy toàn thể nhân loại bị nặng gánh đến nỗi nhiều người khắc khoải chờ đợi sự giải thoát khỏi lối sống căng thẳng hiện tại. (Rô-ma 8:20-22) Nhưng Kinh Thánh cũng chỉ dẫn cách chúng ta có thể giảm mệt mỏi một cách đáng kể ngay bây giờ. Sự khoan khoái ấy đến từ việc làm theo lời khuyên và gương mẫu của một thanh niên sống cách đây 20 thế kỷ. Người đó làm nghề thợ mộc, nhưng người yêu thương đồng loại hơn yêu nghề. Người nói thấu vào lòng người nghe, chú ý đến nhu cầu của họ, giúp đỡ người yếu đuối và an ủi người bị ngã lòng. Còn nữa, người giúp đỡ nhiều người phát huy tiềm năng về thiêng liêng. Do vậy họ đã bớt bị căng thẳng quá mức, và bạn cũng có thể được như vậy.—Lu-ca 4:16-21; 19:47, 48; Giăng 7:46.

2 Người đó là Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, không dựa vào kiến thức sành đời mà một số người ở Rô-ma, Athens, hoặc Alexandria thời xưa ham chuộng. Thế mà những điều dạy dỗ của ngài vẫn nổi tiếng, với chủ đề là: chính phủ mà Đức Chúa Trời dùng để cai trị tốt trái đất. Chúa Giê-su cũng giải thích những nguyên tắc sống cơ bản—những nguyên tắc thật sự có giá trị ngày nay. Những ai học và áp dụng những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su hưởng được lợi ích ngay bây giờ, kể cả bớt bị căng thẳng quá mức. Lẽ nào bạn không thích được như thế sao?

3. Chúa Giê-su đưa ra lời mời tuyệt vời nào?

3 Bạn có thể còn nghi ngại. ‘Làm thế nào một người sống cách đây lâu lắm rồi lại có thể ảnh hưởng tới đời sống của tôi bây giờ?’ Hãy nghe lời mời này của Chúa Giê-su: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Ngài muốn nói gì? Ta hãy xem xét những lời này một cách chi tiết và hiểu xem chúng giúp giảm căng thẳng nặng nề thế nào.

4. Chúa Giê-su nói với ai, và tại sao những người nghe ngài có thể đã thấy khó làm những điều đòi hỏi ở họ?

4 Chúa Giê-su nói với nhiều người đã cố gắng hết sức làm đúng luật nhưng lại bị ‘nặng gánh’ vì các nhà lãnh đạo Do Thái khiến cho tôn giáo trở thành gánh nặng. (Ma-thi-ơ 23:4) Họ tập trung vào vô số luật lệ cho hầu như mọi khía cạnh của đời sống. Chẳng lẽ bạn không thấy căng thẳng khi cứ phải nghe mãi câu “ngươi không được” làm thế này hoặc thế kia sao? Ngược lại, lời mời của Chúa Giê-su cốt để đưa chúng ta đến với lẽ thật, với sự công bình, và đời sống tốt hơn bằng cách nghe ngài nói. Đúng, chú ý đến ngài là cách để biết Đức Chúa Trời thật vì nơi Chúa Giê-su Christ loài người có thể thấy được tính cách của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.—Giăng 14:9.

Đời sống của bạn có quá căng thẳng không?

5, 6. Điều kiện lao động và lương hướng thời Chúa Giê-su như thế nào so với ngày nay?

5 Có lẽ vấn đề này được bạn quan tâm vì công việc làm ăn hoặc trách nhiệm gia đình đang đè nặng trên vai bạn. Hoặc có thể bạn phải gánh vác những trách nhiệm khác nặng quá sức. Nếu vậy thì bạn cũng giống như những người thành thật mà Chúa Giê-su đã gặp và giúp đỡ thời xưa. Chẳng hạn, hãy xem xét vấn đề kiếm sống. Ngày nay, nhiều người chật vật kiếm ăn, và nhiều người thời Chúa Giê-su cũng vậy.

6 Thời bấy giờ, một người làm việc cực nhọc 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần, thường cả ngày chỉ lĩnh được vỏn vẹn một đơ-ni-ê. (Ma-thi-ơ 20:2-10) Lương ấy nhiều hay ít so với lương của bạn hoặc của người quen? Có thể khó so sánh lương thời xưa với lương thời nay. Một cách là xem xét sức mua, khả năng mua hàng của tiền tệ. Một học giả nói rằng vào thời Chúa Giê-su, với đồng lương một giờ làm việc người ta có thể mua được một ổ bánh làm từ bốn tách bột mì. Theo một học giả khác, với đồng lương hai giờ làm việc người ta có thể mua được một cốc rượu ngon. Bạn có thể hiểu qua những chi tiết ấy rằng người thời bấy giờ đã làm việc quần quật suốt ngày để kiếm sống. Do vậy, họ cũng cần được nghỉ ngơi và lại sức như chúng ta. Nếu làm công, bạn có thể cảm thấy bị thúc ép phải tăng hiệu suất làm việc. Ngay cả nhiều khi chúng ta không có thời gian suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định. Bạn có thể thừa nhận bạn khao khát được bớt căng thẳng.

7. Người ta phản ứng thế nào trước thông điệp của Chúa Giê-su?

7 Rõ ràng là đối với nhiều người nghe Chúa Giê-su nói vào thời đó, lời mời của ngài dành cho tất cả ai đang ‘mệt-mỏi và nặng gánh’ thật hấp dẫn. (Ma-thi-ơ 4:25; Mác 3:7, 8) Và hãy nhớ là Chúa Giê-su hứa thêm: “Ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”. Lời hứa ấy vẫn còn hiệu lực ngày nay. Nó có thể áp dụng được cho chúng ta nếu chúng ta ‘mệt-mỏi và nặng gánh’. Và nó cũng có thể áp dụng cho những người thân đồng cảnh ngộ.

8. Việc nuôi dạy con cái và tuổi già tạo thêm mối căng thẳng như thế nào?

8 Có những điều khác làm người ta nặng gánh. Việc nuôi dạy con cái là một thách thức lớn. Ngay cả làm con trẻ cũng có khi là một thách thức. Ngày càng có nhiều người thuộc mọi lứa tuổi đối diện với vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất. Và trong khi người ta có thể sống lâu hơn, những người lớn tuổi vẫn phải đối phó với những vấn đề đặc biệt của tuổi già, bất kể những tiến bộ trong ngành y khoa.—Truyền-đạo 12:1.

Mang ách

9, 10. Vào thời xưa, cái ách tượng trưng cho gì, và tại sao Chúa Giê-su mời người ta gánh lấy ách của ngài?

9 Bạn có để ý thấy là trong những lời trích dẫn từ Ma-thi-ơ 11:28, 29, Chúa Giê-su nói: “Hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta”? Thời ấy, một người bình thường có thể đã cảm thấy như đang mang ách để làm việc. Từ thời xa xưa, cái ách đã tượng trưng cho sự nô lệ hoặc tôi mọi. (Sáng-thế Ký 27:40; Lê-vi Ký 26:13; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:48) Nhiều người lao động chân tay mà Chúa Giê-su đã gặp thật sự gồng gánh đồ vật nặng nề bằng đòn gánh như một cái ách vậy. Tùy cách đóng, đòn gánh có thể dễ chịu trên cổ và vai hoặc làm trầy trụa. Khi còn làm thợ mộc, hẳn Chúa Giê-su đã đẽo gọt những gánh và ách, và biết làm sao cho chúng “dễ chịu”. Có lẽ ngài đã bọc những phần tiếp xúc bằng da hoặc vải để khiến đòn gánh càng dễ chịu càng tốt.

10 Khi Chúa Giê-su nói: “Hãy gánh lấy ách của ta”, ngài có thể đã tự ví mình với một người cung cấp những cái ách hay đòn gánh khéo đẽo gọt và “dễ chịu” cho cổ lẫn vai người làm công. Rồi Chúa Giê-su thêm: “Gánh ta nhẹ-nhàng”. Điều này có nghĩa là cái ách hay đòn gánh không khó dùng và công việc cũng không nặng nhọc. Đúng là khi mời người nghe nhận lấy ách ngài, Chúa Giê-su không hứa sẽ giải thoát họ ngay lập tức khỏi tất cả những tình trạng áp bức đang diễn ra. Nhưng, sự thay đổi quan điểm mà ngài đề nghị sẽ mang lại sự khoan khoái đáng kể. Sự điều chỉnh lối sống và phương cách làm việc cũng giúp họ bớt căng thẳng. Quan trọng hơn nữa, một hy vọng rõ ràng và vững chắc sẽ giúp họ thấy cuộc đời bớt căng thẳng.

Bạn có thể được khoan khoái

11. Tại sao Chúa Giê-su không đơn thuần gợi ý là phải đổi ách này để lấy ách khác?

11 Xin lưu ý, Chúa Giê-su không nói người ta sẽ đổi ách này để lấy ách kia. Người La Mã vẫn cai trị xứ họ, cũng như các chính phủ ngày nay vẫn còn cai trị những nước nơi các tín đồ Đấng Christ sống. Chế độ thuế khóa của La Mã trong thế kỷ thứ nhất không hề thay đổi. Vấn đề sức khỏe và kinh tế vẫn còn đó. Sự bất toàn và tội lỗi cũng tiếp tục ảnh hưởng đến người ta. Thế nhưng, họ có thể được khoan khoái bằng cách tiếp nhận những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, và chúng ta ngày nay cũng thế.

12, 13. Chúa Giê-su nêu bật điều gì đem lại sự khoan khoái và một số người hưởng ứng ra sao?

12 Về việc đào tạo môn đồ, chúng ta thấy rõ là minh họa của Chúa Giê-su về cái ách cũng có một ứng dụng quan trọng. Thật rõ ràng hoạt động chính yếu của Chúa Giê-su là dạy dỗ người khác, nhấn mạnh đến Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:23) Vậy khi ngài nói: “Hãy gánh lấy ách của ta”, điều đó chắc chắn bao hàm việc theo gương ngài tham gia vào hoạt động đó. Lời tường thuật của sách Phúc Âm cho thấy Chúa Giê-su thúc đẩy những người thành thật thay đổi nghề nghiệp, một mối quan tâm lớn trong đời sống của nhiều người. Hãy nhớ ngài đã kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng: “Hãy theo ta, và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người”. (Mác 1:16-20) Ngài cũng cho những người đánh cá ấy thấy sẽ mãn nguyện thế nào nếu họ làm công việc mà chính ngài dành ưu tiên trong đời sống, dưới sự hướng dẫn và với sự trợ giúp của ngài.

13 Một số người Do Thái hiểu ý ngài và làm theo. Hãy hình dung cảnh bờ biển mà chúng ta đọc thấy nơi Lu-ca 5:1-11. Bốn người đánh cá đã làm việc suốt đêm một cách luống công. Bỗng dưng, lưới họ đầy cá! Không phải ngẫu nhiên được như vậy mà là nhờ sự can thiệp của Chúa Giê-su. Khi nhìn vào bờ, họ thấy một đoàn dân đông đang rất chăm chú đến điều dạy dỗ của Chúa Giê-su. Điều này giúp chúng ta hiểu lời Chúa Giê-su nói với bốn người đó: “Từ nay trở đi, [các] ngươi sẽ nên tay đánh lưới người”. Họ hưởng ứng thế nào? “Họ đem thuyền vào bờ, bỏ hết thảy mà theo Ngài”.

14. (a) Ngày nay, làm sao chúng ta có thể tìm được sự khoan khoái? (b) Chúa Giê-su rao truyền tin mừng nào đem lại sự khoan khoái?

14 Về cơ bản, bạn có thể hưởng ứng một cách tương tự. Công việc dạy dỗ lẽ thật Kinh Thánh cho người ta vẫn còn tiếp diễn. Khoảng sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đã chấp nhận lời mời của Chúa Giê-su là “gánh lấy ách của [ngài]” và trở thành những “tay đánh lưới người”. (Ma-thi-ơ 4:19) Một số người làm công việc này trọn thời gian, những người khác làm việc này bán thời gian với hết khả năng mình. Mọi người đều cảm thấy công việc đó đem lại sự khoan khoái, làm cho đời sống bớt căng thẳng. Việc đó bao hàm làm điều họ thích thú, tức nói với người khác về tin mừng—“tin-lành của nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:23) Chia sẻ một tin mừng luôn luôn là điều thích thú, đặc biệt tin mừng này. Kinh Thánh chứa đựng tài liệu cơ bản mà chúng ta cần để thuyết phục nhiều người tin rằng họ có thể sống một đời sống bớt căng thẳng hơn.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

15. Làm thế nào bạn có thể nhận lãnh lợi ích từ những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su về đời sống?

15 Ở một mức độ nào đó, ngay cả những người chỉ mới bắt đầu học biết về Nước Đức Chúa Trời cũng nhận được lợi ích từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su về cách sống. Nhiều người có thể thành thật nói rằng điều dạy dỗ của Chúa Giê-su đã giúp họ tìm được sự khoan khoái và hoàn toàn thay đổi đời sống. Bạn có thể nghiệm thấy điều đó trong trường hợp của mình bằng cách xem xét một số nguyên tắc sống ghi trong những lời tường thuật về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su, đặc biệt các sách Phúc Âm do Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca viết.

Một phương cách để được khoan khoái

16, 17. (a) Bạn có thể tìm thấy một số điều dạy dỗ then chốt của Chúa Giê-su ở đâu? (b) Muốn tìm sự khoan khoái qua việc áp dụng những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, cần phải làm gì?

16 Vào mùa xuân năm 31 CN, Chúa Giê-su nói một bài giảng nổi tiếng khắp thế giới cho đến tận ngày nay. Nó thường được gọi là Bài Giảng trên Núi, được ghi lại nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến 7 và Lu-ca chương 6, và tóm lược nhiều điều dạy dỗ của ngài. Bạn có thể tìm thấy những điều dạy dỗ khác của Chúa Giê-su ở nơi khác trong các Phúc Âm. Nhiều điều ngài nói thì dễ hiểu, nhưng có thể khó thực hành. Vậy hãy đọc kỹ và suy ngẫm những chương ấy. Hãy để cho quyền lực của những ý tưởng ngài ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và thái độ của bạn.

17 Hiển nhiên, những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể được xếp theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta hãy gộp lại những điều dạy dỗ then chốt để có được một phần cho mỗi ngày trong tháng và tự đặt mục tiêu là sẽ áp dụng những điều đó vào đời sống. Như thế nào? Chớ nên chỉ đọc lướt qua. Hãy nhớ ông quan giàu có đã hỏi Chúa Giê-su Christ: “Tôi phải làm gì cho được hưởng sự sống đời đời?” Khi Chúa Giê-su nhắc lại những đòi hỏi trọng yếu của Luật Pháp Đức Chúa Trời, người đó đáp lại rằng đã hội đủ những điều kiện này rồi. Nhưng ông vẫn ý thức được rằng còn phải làm gì thêm. Chúa Giê-su kêu gọi người đó cố gắng thêm để áp dụng những nguyên tắc của Đức Chúa Trời một cách thực tiễn, trở thành một môn đồ sốt sắng. Như chúng ta đọc thấy, ông ấy không sẵn lòng làm nhiều đến độ đó. (Lu-ca 18:18-23) Bởi vậy, ai muốn học những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su ngày nay cần nhớ rằng có sự khác biệt giữa việc đồng ý với những điều dạy dỗ ấy và tích cực thực hành, nhờ đó giảm được sự căng thẳng.

18. Hãy cho thí dụ về cách bạn có thể sử dụng khung kèm theo đây một cách hữu ích.

18 Trong bước đầu xem xét và áp dụng những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, hãy nhìn điểm số 1 trong khung kèm theo. Điểm này trích ra từ Ma-thi-ơ 5:3-9. Quả thật, bất cứ ai trong chúng ta đều có thể bỏ khá nhiều thì giờ để suy ngẫm về những lời khuyên tuyệt diệu ghi trong các câu ấy. Nhưng nhìn tổng quát, bạn kết luận gì về thái độ? Nếu bạn thật sự muốn khắc phục hậu quả của sự căng thẳng quá độ trên đời sống, điều gì sẽ giúp ích? Bạn có thể cải thiện đời sống ra sao nếu chú ý nhiều hơn đến những vấn đề thiêng liêng, và suy nghĩ nhiều hơn về những sự ấy? Trong đời sống bạn, có mối quan tâm nào cần liệt vào hàng phụ, để bạn có thể chú ý nhiều hơn đến những vấn đề thiêng liêng? Làm thế sẽ góp phần vào hạnh phúc của bạn ngay bây giờ.

19. Bạn có thể làm gì để nhận thêm được sự thông sáng và am hiểu?

19 Bây giờ hãy làm thêm một bước nữa. Tại sao không thảo luận những câu ấy với một tôi tớ khác của Đức Chúa Trời, có lẽ với người hôn phối, một người thân hay bạn bè? (Châm-ngôn 18:24; 20:5) Hãy nhớ rằng ông quan giàu có kia đã hỏi ý kiến một người khác—Chúa Giê-su—về một vấn đề thích đáng. Câu trả lời đã có thể gia tăng triển vọng được hạnh phúc và sống lâu dài của ông. Tuy người cùng đạo mà bạn sẽ thảo luận chung những câu ấy không bằng Chúa Giê-su, thế nhưng cuộc thảo luận về những điều dạy dỗ của ngài sẽ đem lại lợi ích cho cả hai. Hãy sớm thử làm điều này.

20, 21. Bạn có thể đi theo chương trình nào để tìm hiểu những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, và bạn có thể đánh giá sự tiến bộ của bạn như thế nào?

20 Hãy nhìn lại khung “Những điều dạy dỗ giúp ích cho bạn” kèm theo đây. Những điều dạy dỗ này được gộp lại để mỗi ngày bạn có ít nhất một điều dạy dỗ để xem xét. Trước nhất, bạn có thể đọc những gì Chúa Giê-su nói trong câu Kinh Thánh được dẫn chứng. Rồi hãy suy nghĩ những lời ấy. Hãy ngẫm nghĩ cách bạn có thể áp dụng chúng trong đời sống. Nếu bạn cảm thấy đã làm được như thế rồi, hãy ngẫm nghĩ để xem bạn còn có thể làm gì thêm để sống phù hợp hơn với điều dạy dỗ đó. Hãy rèn luyện điểm đó trong ngày. Nếu bạn thấy khó hiểu hoặc không biết làm sao áp dụng, hãy bỏ ra thêm một ngày cho điểm đó. Tuy nhiên, hãy nhớ là bạn không nhất thiết phải làm thật tốt điểm đó trước khi bước sang điểm kế tiếp. Ngày hôm sau, bạn có thể xem xét một điều dạy dỗ khác. Hết một tuần, bạn có thể tự kiểm điểm xem bạn đã thành công thế nào trong việc áp dụng bốn hoặc năm điều dạy dỗ của Chúa Giê-su. Sang tuần lễ thứ hai, mỗi ngày hãy luyện tập nhiều điểm hơn. Nếu thấy bạn đã sơ suất về một số điều dạy dỗ nào đó, chớ nản lòng. Tín đồ Đấng Christ nào cũng sẽ trải qua kinh nghiệm đó. (2 Sử-ký 6:36; Thi-thiên 130:3; Truyền-đạo 7:20; Gia-cơ 3:8) Hãy tiếp tục thực tập trong tuần lễ thứ ba và thứ tư.

21 Sau khoảng một tháng, bạn có thể đã tập được hết 31 điểm. Dù sao chăng nữa, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chẳng lẽ bạn không vui hơn một chút, hay cảm thấy dễ chịu hơn sao? Dù chỉ cải thiện được một ít, rất có thể bạn cảm thấy bớt căng thẳng hơn, hoặc ít ra bạn cũng đối phó với sự căng thẳng tốt hơn, và bạn còn có một phương pháp để tiếp tục. Chớ quên rằng có nhiều điểm tốt khác trong những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su mà không được liệt kê trong danh sách. Tại sao không tìm ra một số điểm đó và thử áp dụng?—Phi-líp 3:16.

22. Làm theo những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể dẫn đến kết quả tốt nào, nhưng khía cạnh nào khác đáng được nghiên cứu?

22 Bạn có thể thấy rằng ách của Chúa Giê-su, tuy không nhẹ bỗng nhưng cũng thật dễ chịu. Gánh của ngài tức những điều dạy dỗ và việc làm môn đồ ngài thật nhẹ nhàng. Sau hơn 60 năm kinh nghiệm, sứ đồ Giăng, bạn thân của Chúa Giê-su, đã nêu cùng ý kiến: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Bạn có thể tin tưởng y như vậy. Càng áp dụng những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su lâu chừng nào, bạn càng thấy rằng những gì làm cho đời sống của người ta thời nay rất căng thẳng sẽ không gây phiền muộn cho bạn. Bạn sẽ thấy đời sống đã bớt căng thẳng nhiều. (Thi-thiên 34:8) Thế nhưng, còn một khía cạnh khác của ách dễ chịu của Chúa Giê-su mà bạn cần phải xem xét. Chúa Giê-su cũng nói đến việc ngài “có lòng nhu-mì, khiêm-nhường”. Điều đó ăn khớp thế nào với việc chúng ta tìm hiểu và noi gương Chúa Giê-su? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài tới.—Ma-thi-ơ 11:29.

Câu trả lời của bạn là gì?

• Tại sao chúng ta nên trông mong vào Chúa Giê-su khi tìm cách giảm căng thẳng quá độ?

• Cái ách tượng trưng cho gì, và tại sao?

• Tại sao Chúa Giê-su mời người ta gánh lấy ách ngài?

• Làm thế nào bạn có thể được khoan khoái về mặt thiêng liêng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Câu Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va cho năm 2002 sẽ là: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:28.

[Khung/​Hình nơi trang 12, 13]

Những điều dạy dỗ giúp ích cho bạn

Bạn tìm được những điều hay nào nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến 7? Trong những chương này có những điều dạy dỗ được Chúa Giê-su, Bậc Thầy Lỗi Lạc, thuyết trình trên sườn núi ở Ga-li-lê. Bạn hãy đọc những câu Kinh Thánh được viện dẫn dưới đây trong cuốn Kinh Thánh riêng của bạn và tự vấn những câu hỏi liên hệ.

1. 5:3-9 Những câu này cho tôi biết gì về thái độ chung của tôi? Tôi có thể làm gì để được hạnh phúc hơn? Làm sao tôi có thể chú ý nhiều hơn đến nhu cầu về thiêng liêng của tôi?

2. 5:25, 26 Điều gì là tốt hơn việc bắt chước tinh thần hay gây gỗ của nhiều người?—Lu-ca 12:58, 59.

3. 5:27-30 Những lời của Chúa Giê-su nhấn mạnh điều gì về việc để những mơ tưởng lãng mạn chế ngự tâm trí? Tránh mơ tưởng lãng mạn góp phần vào hạnh phúc và sự bình an tâm trí như thế nào?

4. 5:38-42 Tại sao tôi nên cố gắng tránh thái độ quá quyết đoán được nhấn mạnh trong xã hội hiện đại?

5. 5:43-48 Tôi sẽ được lợi ích thế nào từ việc hiểu rõ hơn những người mà trước đây có lẽ tôi đã xem là kẻ thù? Điều này có thể sẽ mang lại hiệu quả nào để giảm bớt hoặc loại bỏ sự căng thẳng?

6. 6:14, 15 Nếu đôi khi tôi có khuynh hướng cố chấp, có thể nào nguyên nhân cơ bản là tính ghen tị hoặc hờn giận không? Làm sao tôi có thể thay đổi?

7. 6:16-18 Tôi có khuynh hướng chú trọng vẻ bề ngoài hơn là con người nội tâm của tôi không? Tôi nên ý thức về điều nào nhiều hơn?

8. 6:19-32 Nếu trở nên quá bận tâm về tiền bạc và của cải, tôi có thể gặp hậu quả nào? Nghĩ đến gì sẽ giúp tôi giữ thăng bằng về điều này?

9. 7:1-5 Tôi cảm thấy thế nào khi ở giữa những người hay phán xét, chỉ trích, và luôn luôn vạch lá tìm sâu? Tại sao điều quan trọng là tôi tránh làm như thế?

10. 7:7-11 Nếu cần bền bỉ khi tôi cầu xin Đức Chúa Trời, thế còn sự bền bỉ trong những khía cạnh khác của đời sống thì sao?—Lu-ca 11:5-13.

11. 7:12 Dù biết Luật Vàng nhưng tôi có thường áp dụng lời khuyên này khi đối xử với người khác không?

12. 7:24-27 Vì tôi chịu trách nhiệm về việc lèo lái đời sống của chính mình, làm sao tôi có thể chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thời kỳ sóng gió trong đời? Tại sao tôi nên nghĩ đến điều này bây giờ?—Lu-ca 6:46-49.

Những điều dạy dỗ khác mà tôi có thể xem xét:

13. 8:2, 3 Làm thế nào tôi có thể phản ánh lòng trắc ẩn đối với những người bất hạnh, giống như Chúa Giê-su thường làm?

14. 9:9-38 Việc tỏ lòng thương xót có chỗ đứng nào trong đời sống của tôi, và tôi có thể làm nhiều hơn như thế nào?

15. 12:19 Học từ lời tiên tri về Chúa Giê-su, tôi có cố gắng tránh những vụ tranh cãi không?

16. 12:20, 21 Tôi có thể làm điều tốt nào khi không hạ nhục người khác bằng lời nói và hành động?

17. 12:34-37 Tôi thường nói về điều gì nhiều nhất? Tôi biết rằng khi vắt một trái cam, sẽ có nước cam chảy ra, vậy tại sao tôi nên để ý đến những gì ở trong nội tâm tôi?—Mác 7:20-23.

18. 15:4-6 Tôi rút ra được gì từ những lời của Chúa Giê-su về việc ân cần chăm sóc người lớn tuổi?

19. 19:13-15 Tôi cần dành thời gian làm gì?

20. 20:25-28 Tại sao việc sử dụng quyền hành chỉ vì thích uy quyền là vô ích? Làm sao tôi có thể noi gương Chúa Giê-su?

Những ý tưởng khác do Mác ghi lại:

21. 4:24, 25 Cách tôi đối xử với người khác có quan trọng không?

22. 9:50, 51 Nếu tôi nói năng và hành động một cách lịch sự, rất có thể sẽ đem lại lợi ích gì?

Cuối cùng, một vài điều dạy dỗ do Lu-ca ghi lại:

23. 8:11, 14 Nếu tôi để cho sự lo lắng, giàu sang và thú vui ngự trị trong đời sống, có thể dẫn đến hậu quả nào?

24. 9:1-6 Dù Chúa Giê-su có quyền năng chữa bệnh, ngài trọng điều gì hơn?

25. 9:52-56 Tôi có dễ bị mếch lòng không? Tôi có tránh tinh thần trả đũa không?

26. 9:62 Tôi nên xem trách nhiệm nói về Nước Đức Chúa Trời như thế nào?

27. 10:29-37 Làm sao tôi có thể chứng tỏ mình là người lân cận, chứ không phải người xa lạ?

28. 11:33-36 (NW) Tôi có thể thay đổi gì để đời sống tôi trở nên giản dị hơn?

29. 12:15 Sự sống và của cải có quan hệ gì với nhau?

30. 14:28-30 Nếu dành thời gian cân nhắc kỹ trước khi có quyết định, tôi tránh được điều gì, và với lợi ích gì?

31. 16:10-12 Tôi có thể được lợi ích gì nhờ sống một cuộc đời trung tín?

[Các hình nơi trang 10]

Công việc cứu mạng thực hiện dưới ách của Chúa Giê-su đem lại sự khoan khoái