Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Học theo ta”

“Học theo ta”

“Học theo ta”

“Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”.—MA-THI-Ơ 11:29.

1. Tại sao việc học theo Chúa Giê-su có thể là thú vị và làm cho đời sống thêm phong phú?

CHÚA Giê-su Christ luôn luôn suy nghĩ, dạy dỗ và cư xử thích hợp. Dù cuộc đời trên đất của ngài thật ngắn ngủi, nhưng ngài đã có một sự nghiệp thỏa mãn, và ngài luôn được hạnh phúc. Ngài đã thu nhóm các môn đồ và dạy họ cách thờ phượng Đức Chúa Trời, yêu thương đồng loại và thắng thế gian. (Giăng 16:33) Ngài làm cho lòng họ tràn trề hy vọng và “dùng Tin-lành phô-bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ-ràng”. (2 Ti-mô-thê 1:10) Nếu bạn tự nhận mình là môn đồ ngài, theo bạn nghĩ thì làm môn đồ có nghĩa gì? Bằng cách xem xét những gì Chúa Giê-su nói về môn đồ, chúng ta có thể học cách làm cho đời sống mình phong phú hơn. Điều này bao hàm việc chấp nhận quan điểm của ngài và áp dụng một số nguyên tắc cơ bản.—Ma-thi-ơ 10:24, 25; Lu-ca 14:26, 27; Giăng 8:31, 32; 13:35; 15:8.

2, 3. (a) Thế nào là một môn đồ của Chúa Giê-su? (b) Tại sao điều quan trọng là nên tự hỏi: ‘Tôi đã trở thành môn đồ của ai’?

2 Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch ra là “môn đồ” về cơ bản có nghĩa là người hướng tâm trí về một điều gì, hoặc học trò. Một từ liên hệ nằm trong câu Kinh Thánh tiêu đề của chúng ta, Ma-thi-ơ 11:29: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”. (Chúng tôi viết nghiêng). Đúng vậy, môn đồ tức là học trò. Các sách Phúc Âm thường áp dụng từ “môn đồ” cho những người thân cận theo Chúa Giê-su, cùng đi với ngài trong công việc rao giảng và được ngài dạy dỗ. Cũng có một số người chỉ đơn thuần chấp nhận những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su, ngay cả một cách kín đáo. (Lu-ca 6:17; Giăng 19:38) Những người viết sách Phúc Âm cũng nói đến “môn-đồ của Giăng [Báp-tít] và môn-đồ của người Pha-ri-si”. (Mác 2:18) Bởi vì Chúa Giê-su cảnh báo môn đồ “giữ mình... về đạo của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê”, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi đã trở thành môn đồ của ai?’—Ma-thi-ơ 16:12.

3 Nếu chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su, đã học theo ngài, người khác phải cảm thấy được dễ chịu về thiêng liêng khi ở gần chúng ta. Họ phải nhận ra được rằng chúng ta đã trở nên người khiêm nhường, có lòng nhu mì hơn. Nếu chúng ta giữ chức vụ quản lý ở nơi làm việc, làm bậc cha mẹ, hoặc làm người chăn chiên trong hội thánh Đấng Christ, những người dưới quyền có cảm thấy chúng ta đối xử với họ giống như Chúa Giê-su đã từng đối xử với những người được ngài chăm sóc không?

Cách Chúa Giê-su đối xử với người khác

4, 5. (a) Tại sao muốn biết cách Chúa Giê-su đối xử với những người có vấn đề không phải là chuyện khó? (b) Chúa Giê-su gặp hoàn cảnh nào khi dùng bữa ở nhà một người Pha-ri-si?

4 Chúng ta cần biết cách Chúa Giê-su đối xử với người khác, đặc biệt những người gặp vấn đề nghiêm trọng. Không khó học điều đó vì Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tường thuật về những cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người khác, một số người trong số họ gặp khốn khổ. Chúng ta cũng hãy lưu ý cách những nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt người Pha-ri-si, đối xử với những người có cùng vấn đề. Chúng ta sẽ rút ra được bài học từ sự tương phản này.

5 Vào năm 31 CN, khi ngài đi rao giảng ở Ga-li-lê, “một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jêsus ăn tại nhà mình”. Chúa Giê-su không ngần ngại nhận lời mời. “Vậy, khi đã vào nhà người Pha-ri-si thì Ngài ngồi bàn. Vả, có một người đàn-bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Jêsus đương ngồi bàn tại nhà người Pha-ri-si, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho”.—Lu-ca 7:36-38.

6. Có thể vì lý do gì “người đàn-bà xấu nết” lại có mặt trong nhà người Pha-ri-si?

6 Bạn có thể hình dung được khung cảnh đó không? Một sách tham khảo nói: “Người đàn bà (nơi câu 37) lợi dụng phong tục cho phép những người thiếu thốn tìm đến các đám tiệc như thế để xin đồ ăn thừa”. Có lẽ đó là lý do tại sao một người có thể vào mà không được mời. Hoặc còn có những người khác nữa hy vọng nhặt đồ ăn thừa sau bữa tiệc. Tuy nhiên, hành vi của người đàn bà này thật khác thường. Bà không đứng một bên, chờ bữa tiệc kết thúc. Bà khét tiếng là “người đàn-bà xấu nết”, bởi vậy Chúa Giê-su mới nói rằng ngài biết “tội-lỗi đàn-bà nầy nhiều lắm”.—Lu-ca 7:47.

7, 8. (a) Chúng ta có thể đã phản ứng ra sao trong tình huống tương tự như được tường thuật nơi Lu-ca 7:36-38? (b) Si-môn đã phản ứng thế nào?

7 Hãy hình dung bạn sống vào thời đó và ở vào địa vị Chúa Giê-su. Bạn hẳn phản ứng thế nào? Bạn có cảm thấy khó chịu khi người phụ nữ ấy lại gần bạn không? Tình huống ấy ảnh hưởng thế nào đến bạn? (Lu-ca 7:45) Bạn có ghê tởm không?

8 Nếu bạn có mặt giữa những quan khách khác, bạn có cùng lối suy nghĩ như Si-môn người Pha-ri-si không? “Người Pha-ri-si đã mời [Chúa Giê-su], thấy vậy, tự nghĩ rằng: Nếu người nầy là đấng tiên-tri, chắc biết người đàn-bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đàn-bà xấu nết”. (Lu-ca 7:39) Khác với ông, Chúa Giê-su là người giàu lòng trắc ẩn. Ngài thông cảm cho cảnh ngộ và cảm nhận được nỗi khổ tâm của người đàn bà ấy. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết làm sao bà ấy đã rơi vào cuộc sống tội lỗi. Nếu quả thật bà là gái điếm, các đàn ông trong thành, những người Do Thái sùng đạo, dường như đã không giúp đỡ bà.

9. Chúa Giê-su phản ứng thế nào, và với kết quả khả dĩ nào?

9 Nhưng Chúa Giê-su muốn giúp bà. Ngài nói với bà: “Tội-lỗi ngươi đã được tha rồi”. Rồi ngài nói thêm: “Đức-tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình-an”. (Lu-ca 7:48-50) Câu chuyện kết thúc ở đấy. Ai đó có thể phản đối nói rằng Chúa Giê-su không làm gì nhiều cho bà ấy. Về cơ bản, ngài chỉ ban phước cho bà trước khi bảo bà đi. Bạn có nghĩ rằng người đàn bà ấy có lẽ đã trở lại lối sống tội lỗi trước kia không? Dù chúng ta không thể quả quyết, nhưng hãy lưu ý những gì Lu-ca nói sau đó. Ông kể lại rằng Chúa Giê-su đi “thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng-dạy và rao-truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời”. Lu-ca cũng tường thuật rằng có “mấy người đàn-bà” ở cùng Chúa Giê-su và môn đồ, “giúp của-cải cho Ngài”. Có thể người đàn bà biết ăn năn và biết ơn ấy có mặt ở giữa họ, bắt đầu một lối sống tin kính với một lương tâm trong sạch, một mục đích đổi mới và một lòng yêu thương sâu đậm hơn đối với Đức Chúa Trời.—Lu-ca 8:1-3.

Sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-si

10. Tại sao có lợi khi xem xét lời tường thuật về Chúa Giê-su và người đàn bà trong nhà của Si-môn?

10 Chúng ta có thể học được gì qua lời tường thuật sống động này? Thật cảm động phải không? Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở trong nhà Si-môn. Bạn cảm thấy thế nào? Bạn có phản ứng giống như Chúa Giê-su hoặc cảm thấy hơi giống như chủ nhà là người Pha-ri-si? Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, bởi vậy chúng ta không thể nào có cùng cảm nghĩ và hành động giống hệt như ngài được. Mặt khác, chúng ta có lẽ cũng không thích nghĩ mình giống Si-môn người Pha-ri-si. Ít ai hãnh diện được giống người Pha-ri-si.

11. Tại sao chúng ta hẳn không muốn bị liệt vào hàng người Pha-ri-si?

11 Qua việc nghiên cứu bằng chứng từ Kinh Thánh và nguồn thế tục, chúng ta có thể kết luận rằng người Pha-ri-si tự phụ là kẻ bảo vệ lợi ích chung và phúc lợi quốc gia. Họ không thỏa mãn với sự kiện Luật Pháp Đức Chúa Trời là rõ ràng về cơ bản và dễ hiểu. Hễ họ thấy phần nào trong Luật Pháp không rõ ràng, là họ tìm cách bổ sung bằng những áp dụng được định rõ để loại trừ nhu cầu vận dụng lương tâm. Những người lãnh đạo tôn giáo này cố đặt ra một quy tắc cho mỗi tình huống, ngay cả tầm thường. *

12. Người Pha-ri-si có quan điểm nào về chính họ?

12 Sử gia Do Thái thuộc thế kỷ thứ nhất Josephus cho thấy rõ rằng người Pha-ri-si tự xem họ là nhân hậu, tử tế, công bình và xứng đáng với nhiệm vụ của họ. Chắc chắn, một số người trong số họ gần được như vậy. Có lẽ bạn nghĩ đến Ni-cô-đem. (Giăng 3:1, 2; 7:50, 51) Cuối cùng, một số người Pha-ri-si cũng đi theo đạo Đấng Christ. (Công-vụ 15:5) Sứ đồ Phao-lô viết về một số người Do Thái, như người Pha-ri-si: “Họ có lòng sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt-sắng đó là không phải theo trí-khôn”. (Rô-ma 10:2) Tuy nhiên, Phúc Âm trình bày họ theo cách người dân thường xem họ—kiêu căng, ngạo mạn, tự cho là công bình, hay bắt bẻ, hay phán xét và hạ phẩm giá người khác.

Quan điểm của Chúa Giê-su

13. Chúa Giê-su có gì để nói về người Pha-ri-si?

13 Chúa Giê-su lên án các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là kẻ giả hình. “Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào”. Đúng, gánh thì nặng, và cái ách áp đặt trên người dân thì khắc nghiệt. Chúa Giê-su sau đó gọi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là “kẻ dại”. Một kẻ dại là mối đe dọa cho cộng đồng. Chúa Giê-su cũng gọi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là “kẻ mù dẫn đường” và ngài khẳng định rằng họ “bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín”. Ai lại muốn để Chúa Giê-su nghĩ rằng mình là người Pha-ri-si?—Ma-thi-ơ 23:1-4, 16, 17, 23.

14, 15. (a) Cách Chúa Giê-su đối xử với Ma-thi-ơ Lê-vi tiết lộ gì về đường lối của người Pha-ri-si? (b) Chúng ta có thể rút ra những bài học quan trọng nào từ lời tường thuật này?

14 Hầu như bất cứ ai đọc lời tường thuật của Phúc Âm đều có thể thấy bản chất hay chỉ trích của phần đông người Pha-ri-si. Sau khi Chúa Giê-su mời Ma-thi-ơ Lê-vi, người thâu thuế, trở thành môn đồ ngài, Lê-vi dọn tiệc trọng thể đãi ngài. Lời tường thuật nói: “Các người Pha-ri-si và các thầy thông-giáo họ lằm-bằm, nói cùng môn-đồ Ngài rằng: Sao các ngươi ăn uống với người thâu thuế và kẻ phạm tội? Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng:... Ta không phải đến gọi kẻ công-bình hối-cải, song gọi kẻ có tội”.—Lu-ca 5:27-32.

15 Chính Lê-vi cũng hiểu được một điều khác Chúa Giê-su nói ra vào dịp ấy: “Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương-xót, nhưng chẳng muốn của-lễ”. (Ma-thi-ơ 9:13) Dù người Pha-ri-si tự cho mình tin vào những gì các nhà tiên tri Hê-bơ-rơ viết ra, nhưng họ không áp dụng lời ghi nơi Ô-sê 6:6. Họ sẽ cố tuân theo lời truyền khẩu dù phải phạm lỗi lầm. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: ‘Phải chăng tôi có tiếng là người khắt khe về một số luật lệ, chẳng hạn các luật lệ phản ánh ý kiến cá nhân hoặc cách đối phó với vấn đề theo lẽ thông thường? Hoặc người khác trước hết có nghĩ tôi là người có lòng thương xót và nhân từ không?’

16. Đường lối của người Pha-ri-si là gì, và làm thế nào chúng ta có thể tránh giống như họ?

16 Đường lối của người Pha-ri-si là vạch lá tìm sâu. Họ moi móc tìm từng sai sót—dù có hay không có. Họ khiến người ta phải luôn luôn giữ thế thủ và nhớ đến những thiếu sót của mình. Người Pha-ri-si tự hào rằng họ nộp một phần mười những loại cỏ nhỏ nhất như bạc hà, hồi hương và rau cần. Họ phô trương sự sùng đạo của họ qua y phục và cố chỉ huy dân chúng. Chắc hẳn là nếu muốn cho hành động của mình phù hợp với gương mẫu Chúa Giê-su, chúng ta phải tránh có khuynh hướng luôn luôn vạch lá tìm sâu nơi người khác.

Chúa Giê-su xử lý các vấn đề như thế nào?

17-19. (a) Hãy giải thích cách Chúa Giê-su xử lý một tình huống đã có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. (b) Điều gì đã khiến tình thế căng thẳng và khó chịu? (c) Giả sử bạn có mặt ở đấy khi phụ nữ đó đến gần Chúa Giê-su, bạn sẽ phản ứng thế nào?

17 Cách Chúa Giê-su xử lý các vấn đề thật khác biệt với cách của người Pha-ri-si. Hãy xem xét cách Chúa Giê-su xử lý một tình huống có thể thật nghiêm trọng. Đó là chuyện liên quan đến một phụ nữ bị bệnh lưu huyết 12 năm. Lời tường thuật này được ghi nơi Lu-ca 8:42-48.

18 Lời tường thuật của Mác nói rằng phụ nữ đó “run-sợ”. (Mác 5:33) Tại sao? Chắc chắn bởi vì bà tự biết đã vi phạm Luật Pháp Đức Chúa Trời. Theo Lê-vi Ký 15:25-28, một phụ nữ bị lưu huyết nhiều ngày một cách không bình thường bị xem là ô uế trong suốt thời gian ấy cộng thêm một tuần lễ. Mọi người và vật người ấy sờ đến đều bị ô uế. Muốn đến gần Chúa Giê-su, phụ nữ này đã phải chen lấn giữa đám đông. Khi đọc lời tường thuật này 2.000 năm sau, lòng chúng ta cũng thấy thương hại bà.

19 Nếu bạn có mặt lúc bấy giờ, bạn sẽ nghĩ thế nào về tình cảnh ấy? Bạn hẳn sẽ nói gì? Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su đối xử với người phụ nữ này một cách tử tế, đầy yêu thương và ân cần, ngay cả không ngụ ý gì đến vấn đề bà có thể đã gây ra.—Mác 5:34.

20. Nếu như ngày nay Lê-vi Ký 15:25-28 vẫn còn hiệu lực, chúng ta sẽ gặp thách thức nào?

20 Chúng ta có học được gì từ sự việc đó không? Giả sử bạn là trưởng lão trong hội thánh Đấng Christ ngày nay. Cũng giả sử hội thánh vẫn phải giữ luật ghi nơi Lê-vi Ký 15:25-28, và một nữ tín đồ Đấng Christ đã vi phạm luật ấy, cảm thấy hết sức sợ hãi và bất lực. Bạn phản ứng thế nào? Bạn có công khai làm chị mất mặt bằng lời chê trách không? Bạn nói: “Ồ không, tôi không bao giờ làm như thế! Theo gương Chúa Giê-su, tôi sẽ cố gắng hết sức để tỏ ra tử tế, đầy yêu thương và ân cần”. Được lắm! Nhưng điều khó khăn là thi hành, noi theo kiểu mẫu của Chúa Giê-su.

21. Chúa Giê-su dạy người dân điều gì về Luật Pháp?

21 Về cơ bản, người ta cảm thấy được Chúa Giê-su làm cho dễ chịu, nâng cao tinh thần và khích lệ. Điều nào mà Luật Pháp Đức Chúa Trời định rõ thì phải áp dụng đúng như vậy. Còn khi Luật Pháp dường như nói bao quát, người dân sẽ phải sử dụng lương tâm nhiều hơn và họ có thể biểu hiện lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời qua quyết định của họ. Luật Pháp cho họ tự do suy nghĩ và hoạt động. (Mác 2:27, 28) Đức Chúa Trời yêu thương dân Ngài, năng làm điều tốt cho họ và sẵn lòng tỏ ra thương xót họ khi họ có những thiếu sót. Chúa Giê-su cũng giống như vậy.—Giăng 14:9.

Thành quả của những điều dạy dỗ của Chúa Giê-su

22. Học theo Chúa Giê-su, các môn đồ có được tinh thần nào?

22 Những ai nghe Chúa Giê-su giảng và trở thành môn đồ ngài đều quý trọng sự xác thực của lời tuyên bố này: “Ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:30) Họ không bao giờ cảm thấy bị ngài làm cho nặng gánh, quấy rầy hoặc thuyết giáo. Họ được tự do hơn, hạnh phúc hơn và tin tưởng nhiều hơn nơi mối liên lạc giữa họ với Đức Chúa Trời và giữa họ với nhau. (Ma-thi-ơ 7:1-5; Lu-ca 9:49, 50) Họ học được từ nơi ngài là người dẫn đầu về thiêng liêng cần phải khiến người khác được dễ chịu, biểu hiện tâm tình khiêm nhường.—1 Cô-rinh-tô 16:17, 18; Phi-líp 2:3.

23. Việc ở cùng Chúa Giê-su đã dạy môn đồ ngài bài học quan trọng nào và giúp họ đi đến kết luận nào?

23 Hơn nữa, nhiều người nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn bó với Đấng Christ và học tập tinh thần của ngài. Ngài nói với môn đồ: “Như Cha đã yêu-thương ta thể nào, ta cũng yêu-thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta. Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài”. (Giăng 15:9, 10) Nếu muốn thành công làm người truyền giáo và tôi tớ của Đức Chúa Trời, họ phải siêng năng áp dụng những gì học được nơi Chúa Giê-su, trong công việc rao giảng dạy dỗ công khai về tin mừng tuyệt diệu của Đức Chúa Trời, cũng như khi đối xử với thân nhân và bạn bè. Khi đoàn thể anh em gia tăng thành nhiều hội thánh, họ phải tự nhắc nhở thường rằng đường lối của ngài là đường đúng. Lời giảng dạy của ngài là lẽ thật, và lối sống mà họ đã quan sát được nơi ngài quả thật là lối sống đáng ao ước.—Giăng 14:6; Ê-phê-sô 4:20, 21.

24. Chúng ta nên ghi tạc vào lòng những điều gì từ gương mẫu của Chúa Giê-su?

24 Bây giờ, khi ngẫm nghĩ về một số điều chúng ta vừa thảo luận, bạn có thể thấy nơi nào cần cải thiện không? Bạn có đồng ý rằng Chúa Giê-su luôn luôn suy nghĩ, dạy dỗ và cư xử thích hợp không? Vậy hãy can đảm lên. Ngài khuyến khích chúng ta: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo”.—Giăng 13:17.

[Chú thích]

^ đ. 11 “Sự khác biệt cơ bản [giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-si] chỉ được làm sáng tỏ khi so sánh hai quan điểm đối lập về Đức Chúa Trời. Đối với người Pha-ri-si, Đức Chúa Trời chủ yếu là Đấng đưa ra yêu sách; đối với Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời nhân từ và giàu lòng trắc ẩn. Dĩ nhiên, người Pha-ri-si không phủ nhận lòng nhân từ và yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng họ nghĩ Ngài biểu hiện các đức tính đó bằng cách ban cho họ [Luật Pháp] Torah và cho họ khả năng thực hiện những gì Ngài đòi hỏi... Người Pha-ri-si xem việc tuân thủ luật truyền khẩu cùng các nguyên tắc trong đó cho việc biện giải Luật Pháp là cách để chấp hành luật Torah... Việc Chúa Giê-su nâng điều răn kép về sự yêu thương (Ma-thi-ơ 22:34-40) lên hàng chuẩn để biện giải và sự bác bỏ bản chất ràng buộc của luật truyền khẩu... khiến ngài mâu thuẫn với sự phán quyết đúng sai của người Pha-ri-si”.—The New International Dictionary of New Testament Theology (Tân tự điển quốc tế về thần học Tân Ước).

Bạn trả lời thế nào?

• Đối với bạn thì làm môn đồ Chúa Giê-su có nghĩa gì?

• Chúa Giê-su đối xử với người khác như thế nào?

• Chúng ta có thể học được gì qua cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?

• Người Pha-ri-si và Chúa Giê-su khác nhau thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 18, 19]

Thái độ của Chúa Giê-su đối với người dân thật khác biệt làm sao so với thái độ của người Pha-ri-si!