Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Người ta nói ta là ai?”

“Người ta nói ta là ai?”

“Người ta nói ta là ai?”

LẠI đến mùa Lễ Giáng Sinh. Người người trên toàn cầu chọn cử hành một lễ sinh nhật. Sinh nhật ai thế? Sinh nhật Con Đức Chúa Trời hoặc chỉ là của một người Do Thái sùng đạo nhất quyết cải tổ tôn giáo đang thịnh hành trong vùng của ông vào thế kỷ thứ nhất? Sinh nhật của một người anh hùng bênh vực cho kẻ nghèo, một người nổi loạn gây đe dọa cho Đế Quốc La Mã đến nỗi phải bị hành quyết, hoặc là một nhà hiền triết chuyên giảng về khả năng tự giác và một lĩnh vực khôn ngoan nội tâm? Bạn có lý do để tự hỏi: ‘Thật ra thì Giê-su Christ là ai?’

Chính Chúa Giê-su quan tâm đến câu trả lời của dân chúng. Có lần ngài hỏi các môn đồ: “Người ta nói ta là ai?” (Mác 8:27) Tại sao ngài lại hỏi như thế? Nhiều người đã bỏ ngài mà đi. Những người khác dường như hoang mang và thất vọng vì ngài khước từ nỗ lực của họ để tôn ngài lên làm vua. Hơn nữa, khi bị kẻ thù thách thức, Chúa Giê-su không cho họ dấu hiệu nào từ trời để chứng tỏ ngài là ai. Vậy để trả lời cho câu hỏi đó, các sứ đồ nói gì về lý lịch ngài? Họ nêu ra một số quan điểm của nhiều người: “Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên-tri nào đó”. (Ma-thi-ơ 16:13, 14) Họ không đề cập đến nhiều biệt danh mà lúc bấy giờ người ta đồn đãi tại vùng Pha-lê-tin để chê bai Chúa Giê-su—nào là kẻ phạm thượng, lừa bịp, một tiên tri giả, thậm chí người mất trí.

Những khái niệm về Chúa Giê-su

Nếu ngày nay Chúa Giê-su lại nêu ra cùng câu hỏi đó, ngài có thể điều chỉnh lại như sau: “Các học giả nói ta là ai?” Lần nữa, những câu trả lời có thể đại loại được tóm tắt như vầy: Có nhiều ý kiến khác nhau. David Tracy, thuộc Đại Học Chicago, nói: “Chúa Giê-su như là một con ngựa mà nhiều người khác nhau đã cưỡi trên nhiều hướng khác nhau”. Trong suốt thế kỷ vừa qua, các học giả đã dùng một chuỗi phương pháp phức tạp có tính chất xã hội học, nhân loại học và văn học khi cố tìm ra những lời giải đáp cho câu hỏi Chúa Giê-su thật sự là ai. Cuối cùng, họ nhìn thấy ai ở đàng sau khuôn mặt Chúa Giê-su?

Một số học giả tiếp tục tuyên bố rằng Chúa Giê-su của lịch sử là một nhà tiên tri Do Thái theo thuyết mạt thế đến kêu gọi người ta ăn năn. Tuy nhiên, họ từ chối gọi ngài là Con Đức Chúa Trời, Đấng Mê-si và Đấng Cứu Chuộc. Đa số học giả nghi ngờ lời tường thuật của Kinh Thánh về gốc tích trên trời và sự sống lại của ngài. Đối với những người khác, Chúa Giê-su chỉ đơn thuần là một người đàn ông mà qua đời sống và sự dạy dỗ gương mẫu đã khiến phát sinh ra nhiều tín ngưỡng cuối cùng hợp thành đạo Đấng Christ. Và như tạp chí thần học Theology Today ghi, những người khác nữa thì xem Chúa Giê-su như “một người hay chỉ trích, một nhà hiền triết lang thang hoặc một người nông dân thần bí; một nhà tổ chức cộng đồng, một nhà thơ híp-pi chỉ trích trật tự xã hội, hoặc một kẻ khôn khéo kích thích quần chúng, công khai phát biểu ý kiến của mình khi đi qua những ngôi làng lạc hậu ở Pha-lê-tin lúc nào cũng náo động, nghèo khổ và bất ổn về mặt xã hội”.

Lại còn có những quan điểm khác thường hơn nữa. Trong loại nhạc rap, nghệ thuật ở các đô thị, ngay cả khiêu vũ, bỗng dưng xuất hiện một Giê-su da đen. * Những người khác phỏng đoán rằng Chúa Giê-su thật ra là một người đàn bà. Vào mùa hè năm 1993, khách viếng thăm Hội Chợ Quận Orange ở California thấy tượng “Christie”, một “Christ” nữ, khỏa thân bị đóng đinh trên thập tự giá. Đồng thời, ở New York người ta trưng bày tượng “Christa”—một nữ “Giê-su” bị đóng đinh. Cả hai pho tượng đều gây tranh luận không ít. Và đầu năm 1999, những người mua có thể thấy một bộ sách nói “về lòng yêu thương [mà] Bé Giê-su và chú chó Angel dành cho nhau”. Mối quan hệ giữa hai bên được miêu tả là một sự liên hệ “cảm động, cho thấy cậu bé và con chó sẵn sàng hy sinh sự sống cho nhau”.

Có thật sự quan trọng không?

Tại sao bạn nên quan tâm đến việc Chúa Giê-su là ai? Một lý do là bởi vì, để trích dẫn Napoléon, “Giê-su Christ đã ảnh hưởng và điều khiển thần dân của mình mà không cần phải hiện diện bằng xương bằng thịt”. Chúa Giê-su đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến đời sống của hàng tỷ người trong suốt gần hai ngàn năm, qua những sự dạy dỗ năng động và qua lối sống của ngài. Một nhà văn viết đúng: “Tổng hợp tất cả các đạo binh đã từng hành quân, tất cả các lực lượng hải quân đã từng được thiết lập, tất cả các nghị viện đã từng họp lại và tất cả các vua chúa đã từng cai trị, cũng không sao ảnh hưởng được đời sống của con người trên đất này một cách lớn lao đến thế”.

Hơn nữa, bạn cần biết ai là Chúa Giê-su bởi vì ngài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của bạn. Bạn có cơ hội trở thành thần dân của một chính phủ được thiết lập ở trên trời—Nước Đức Chúa Trời dưới quyền Chúa Giê-su. Trái đất đầy dẫy vấn đề của chúng ta sẽ được phục hồi lại để trở thành một nơi có đa dạng sinh vật tuyệt diệu trong một hệ thống sinh thái cân bằng dưới sự điều khiển của Chúa Giê-su. Lời tiên tri của Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng Nước của Chúa Giê-su sẽ cung cấp thức ăn cho người đói, chăm sóc người nghèo, chữa lành người bệnh và làm cho người chết được sống lại.

Chắc chắn bạn muốn biết ai đứng đầu một chính phủ rất cần thiết như vậy. Bài tới sẽ giúp bạn biết con người thật của Chúa Giê-su.

[Chú thích]

^ đ. 7 Về ngoại hình của Chúa Giê-su, xin xem bài “Chúa Giê-su có hình dáng ra sao?” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-12-1998.