Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va ban “sức lực vượt quá mức bình thường”

Đức Giê-hô-va ban “sức lực vượt quá mức bình thường”

Tự truyện

Đức Giê-hô-va ban “sức lực vượt quá mức bình thường”

DO HELEN MARKS KỂ LẠI

Vào một ngày hè oi bức năm 1986, tôi là người duy nhất ngồi đợi ở trạm hải quan của một trong những sân bay vắng lặng nhất Châu Âu. Đó là Tiranë, thủ đô của Albania, một nước đã từng tuyên bố là “quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới”.

HOANG MANG, lo sợ, tôi nhìn nhân viên hải quan có mang vũ khí lục soát hành lý của mình. Nếu tôi làm hoặc nói bất cứ điều gì khiến ông nghi ngờ hậu quả có thể là bị trục xuất ra khỏi xứ, và những người đợi tôi ở bên ngoài có thể sẽ bị bắt giam hoặc đưa vào trại cải tạo lao động. May thay, tôi đã có thể khuyến khích nhân viên này thân thiện hơn bằng cách mời anh ăn kẹo cao su và bánh. Nhưng làm thế nào một phụ nữ trên 60 tuổi lại lâm vào tình huống này? Tại sao tôi lại hy sinh cuộc sống tiện nghi và liều lĩnh phát huy quyền lợi Nước Trời ở một nước như thế?

Một thiếu nữ bệnh hoạn nhiều thắc mắc

Hai năm sau khi tôi ra đời vào năm 1920 ở Ierápetra, Crete, cha tôi qua đời vì bệnh viêm phổi. Mẹ tôi thì nghèo khổ và mù chữ. Tôi là con út trong số bốn anh chị em, và kể từ khi mắc chứng bệnh vàng da, tôi trở nên xanh xao, ốm yếu. Hàng xóm khuyên mẹ tôi chỉ nên dồn công sức và tài chính eo hẹp để nuôi nấng ba anh chị khỏe mạnh của tôi, và để mặc cho tôi chết. Tôi mừng là mẹ tôi đã không theo lời khuyên ấy.

Để bảo đảm cho linh hồn cha tôi được an nghỉ nơi thiên đàng, mẹ tôi thường đến thăm mộ cha và nhờ một tu sĩ Chính Thống Giáo làm lễ. Tuy nhiên, các lễ này rất tốn tiền. Tôi vẫn còn nhớ một ngày Giáng Sinh vô cùng lạnh lẽo, tôi lê bước theo mẹ từ nghĩa trang về nhà. Chúng tôi đã đưa hết số tiền còn lại cho vị tu sĩ. Sau khi cho anh chị em chúng tôi ăn chút rau, mẹ nhịn đói vào phòng, rơi nước mắt vì tuyệt vọng. Một thời gian sau, tôi thu hết can đảm đến gặp vị tu sĩ để hỏi vì sao cha tôi chết và vì sao bà mẹ khốn khổ của tôi phải trả tiền cho ông. Ông ta ngượng ngùng khẽ nói: “Chúa đã đem cha của con đi. Sự thật là thế đó. Rồi con sẽ quên đi”.

Tôi khó tìm được sự hòa hợp của câu trả lời này với bài kinh Lạy Cha đã được học trong trường. Tôi vẫn còn nhớ những lời mở đầu thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:​9, 10) Nếu Đức Chúa Trời muốn làm thành tựu ý Ngài trên đất, tại sao chúng tôi phải chịu khổ sở thế này?

Thắc mắc của tôi gần như được giải đáp khi vào năm 1929, ông Emmanuel Lionoudakis, một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến viếng thăm chúng tôi tại nhà. * Khi mẹ hỏi ông đến với mục đích gì, ông Emmanuel không trả lời mà chỉ trao cho mẹ một thẻ làm chứng. Mẹ đưa cho tôi đọc. Lúc ấy tôi chỉ mới chín tuổi, nên không hiểu gì nhiều. Nghĩ rằng người truyền giáo này câm, mẹ thốt lên: “Tội nghiệp thật! Ông chẳng nói được, còn tôi thì lại không biết đọc”. Thế là mẹ lịch sự mời ông về.

Vài năm sau, tôi quả đã tìm được câu trả lời. Anh tôi là Emmanuel Paterakis, cũng nhận từ cùng người truyền giáo trọn thời gian ấy cuốn sách nhỏ Người chết ở đâu? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản *. Đọc cuốn ấy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì hiểu ra là cha tôi đã không bị Chúa đem đi. Tôi đã hiểu ra sự chết là hậu quả của sự bất toàn và cha tôi đang đợi được làm sống lại ở Địa Đàng.

“Sách này đã làm hỏng con rồi!”

Lẽ thật Kinh Thánh đã mở mắt chúng tôi. Chúng tôi tìm thấy cuốn Kinh Thánh cũ của cha và bắt đầu học, thường là dưới ngọn nến quanh lò sưởi. Vì tôi là người phụ nữ trẻ duy nhất trong khu vực chú ý đến Kinh Thánh, nên tôi đã không được tham gia vào các hoạt động của nhóm nhỏ các Nhân Chứng địa phương. Thật quả có lúc tôi đã có ý nghĩ sai lầm là tôn giáo này chỉ dành cho nam giới.

Sự nhiệt thành của anh tôi trong công việc rao giảng đã truyền cảm hứng cho tôi. Không bao lâu sau, cảnh sát bắt đầu chú ý đến gia đình chúng tôi. Họ thường xuyên đến nhà bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm để tìm kiếm anh Emmanuel và sách báo. Tôi còn nhớ rất rõ lúc một tu sĩ đã đến thuyết phục chúng tôi trở lại nhà thờ. Khi anh Emmanuel chỉ cho ông xem trong Kinh Thánh tên của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, ông đã giật lấy cuốn Kinh Thánh, vẫy vẫy nó trước mặt anh tôi một cách hăm dọa, và hét lớn: “Sách này đã làm hỏng con rồi!”

Năm 1940, vì từ chối gia nhập quân đội, anh Emmanuel đã bị bắt và bị chuyển đến mặt trận Albania. Thế là chúng tôi mất liên lạc với anh và nghĩ là anh đã chết. Tuy nhiên, hai năm sau, chúng tôi đã bất ngờ nhận được thư của anh gửi từ nhà tù. Anh vẫn còn sống và khỏe mạnh! Tôi vẫn nhớ mãi một trong những câu Kinh Thánh mà anh đã trích dẫn trong thư: “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9) Đối với chúng tôi sự khích lệ ấy thật đáng quý biết bao!

Từ nhà tù, anh Emmanuel đã nhờ vài anh em đến thăm tôi. Lập tức những buổi họp đạo Đấng Christ bí mật được sắp đặt tại một căn nhà ở một trang trại bên ngoài thành phố. Chúng tôi chẳng hề biết rằng mình đang bị theo dõi! Một chủ nhật nọ, cảnh sát vũ trang bao vây chúng tôi. Họ đẩy chúng tôi lên xe tải không mui và đưa đi diễu qua khắp thành phố. Tôi vẫn còn nhớ người ta cười nhạo, khinh bỉ chúng tôi, nhưng Đức Giê-hô-va bằng thánh linh đã ban cho chúng tôi sự bình an nội tâm.

Chúng tôi bị chuyển đến một thành phố khác và bị quăng vào những xà lim thật tối tăm, dơ bẩn. Cầu tiêu ở xà lim của tôi là một cái xô không nắp, được đổ mỗi ngày một lần. Tôi bị tuyên án tám tháng tù giam vì bị xem là “thầy” của nhóm anh em bị bắt. Thế nhưng, một anh bị tù ở đó đã thu xếp để luật sư của anh lo cho trường hợp của chúng tôi, và ông đã giúp chúng tôi được trả tự do.

Một đời sống mới

Khi ra tù, anh Emmanuel bắt đầu đi viếng thăm các hội thánh ở A-thên với tư cách giám thị lưu động. Tôi dọn đến thành phố đó vào năm 1947. Cuối cùng, tôi đã gặp được một nhóm lớn các Nhân Chứng​—⁠không chỉ gồm đàn ông, mà còn có cả phụ nữ và trẻ em nữa. Sau cùng, vào tháng 7 năm 1947, tôi đã có thể biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng phép báp têm. Tôi thường mơ ước trở thành một giáo sĩ, nên đã bắt đầu theo học các lớp tiếng Anh ban đêm. Năm 1950, tôi trở thành người tiên phong. Mẹ tôi đến ở với tôi, và cũng theo lẽ thật Kinh Thánh. Trong suốt 34 năm sau đó, mẹ vẫn tiếp tục là Nhân Chứng Giê-hô-va cho đến khi qua đời.

Cũng năm đó, tôi đã gặp John Marks (Markopoulos), một anh có thiêng liêng tính và rất được kính trọng, từ Hoa Kỳ sang. John sinh ở Nam Albania, và sau khi sang nhập cư ở Hoa Kỳ, anh đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Năm 1950, anh ở Hy Lạp cố gắng xin visa vào Albania​—⁠lúc ấy là một nước đóng kín ở dưới chế độ nghiêm ngặt nhất. Mặc dù John chưa gặp lại gia đình từ năm 1936, nhưng anh không được phép vào Albania. Tôi rất cảm động vì lòng nhiệt tình phụng sự Đức Giê-hô-va, và tình yêu thương sâu đậm các anh em của anh. Chúng tôi đã thành hôn vào ngày 3 tháng 4 năm 1953. Tôi cùng anh dọn đến ngôi nhà mới ở New Jersey, Hoa Kỳ.

Để tự chu cấp cho mình khi làm công việc truyền giáo trọn thời gian, John và tôi đã mở một quán nhỏ ở bờ biển New Jersey để bán thức ăn sáng cho dân chài. Chúng tôi chỉ làm việc vào những tháng hè, từ sớm tinh mơ cho đến 9 giờ sáng. Bằng cách sống giản dị và đặt ưu tiên cho các hoạt động thiêng liêng, chúng tôi có thể dành hầu hết thì giờ của mình cho công việc truyền giáo. Trong nhiều năm qua, chúng tôi được mời dọn đến các thành phố khác đang rất cần người truyền giáo. Ở những nơi ấy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi đã giúp những người chú ý, thành lập hội thánh, và xây dựng Phòng Nước Trời.

Giúp các anh em thiếu thốn

Tuy nhiên, không lâu sau đó, chúng tôi có được một triển vọng lý thú. Các anh có trách nhiệm muốn nối liên lạc với anh em tín đồ Đấng Christ sống ở vùng Balkan, nơi mà hoạt động của chúng ta bị cấm đoán. Trong nhiều năm, Nhân Chứng Giê-hô-va ở các nước ấy đã bị cắt liên lạc với anh em thế giới, nên nhận được rất ít hoặc không nhận được thức ăn thiêng liêng, và họ đã bị chống đối tàn bạo. Phần đông họ thường xuyên bị giám sát, và nhiều người bị tù giam hoặc bị cải tạo lao động. Họ rất cần các sách báo về Kinh Thánh, sự hướng dẫn, và khích lệ. Ví dụ, một tin nhắn bằng mật mã mà chúng tôi nhận được từ Albania viết: “Hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Sách để đi từng nhà bị tịch thu. Họ cấm chúng tôi học hỏi. Ba anh bị giam”.

Bởi thế, tháng 11 năm 1960 chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình dài sáu tháng để đi thăm một số nước ấy. Rõ ràng là chúng tôi cần “sức lực vượt quá mức bình thường”, lòng can đảm của Đức Chúa Trời ban cho, sự dạn dĩ, và tài khéo léo để hoàn thành sứ mạng. (2 Cô-rinh-tô 4:​7, NW) Nơi chúng tôi dự kiến đến đầu tiên là Albania. Chúng tôi mua một chiếc xe hơi ở Paris và khởi hành từ đó. Sau khi đến Rome, chỉ John được cấp visa vào Albania. Tôi phải đi sang A-thên, Hy Lạp, và đợi anh ở đó.

John đến Albania vào cuối tháng 2 năm 1961 và ở đó đến cuối tháng 3. Ở Tiranë, anh đã gặp tận mặt 30 anh em. Họ thật là vô cùng phấn khởi khi nhận được sách báo và sự khích lệ cần thiết! Đã 24 năm rồi anh em từ các nước khác đã không thể đến thăm họ.

John rất cảm động trước lòng trung kiên và sự bền chí của các anh em ấy. Anh được biết là rất nhiều anh chị đã mất việc làm và bị giam giữ vì không tham gia vào các hoạt động của nhà nước. Anh đặc biệt xúc động khi hai anh ngoài 80 tuổi đóng góp khoảng 100 đô la (Mỹ) cho công việc truyền giáo. Họ đã dành dụm trong nhiều năm từ khoản trợ cấp ít ỏi do nhà nước cấp.

Ngày cuối cùng John ở Albania là ngày 30 tháng 3 năm 1961​—⁠ngày Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. John nói bài giảng ở buổi Lễ Tưởng Niệm này cho cử tọa gồm 37 người. Bài giảng vừa xong, các anh vội đẩy John ra cửa sau, lái xe đưa anh ra cảng Durrës, để anh lên tàu hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đi sang Piraiévs (Piraeus), Hy Lạp.

Tôi vui mừng thấy anh trở về an toàn. Giờ thì chúng tôi có thể đi tiếp chặng còn lại của chuyến hành trình đầy nguy hiểm này. Chúng tôi đi sang ba nước khác của vùng Balkan nơi mà công việc của chúng ta cũng bị cấm đoán ​—⁠thật là mạo hiểm, vì chúng tôi mang theo sách báo về Kinh Thánh, máy đánh chữ, và những vật dụng khác. Chúng tôi đã có cơ hội tuyệt vời được gặp một số anh chị rất trung thành, sẵn sàng liều mất việc làm, mất tự do, và ngay cả mất mạng sống vì Đức Giê-hô-va. Lòng sốt sắng và tình yêu thương chân thật của họ quả là nguồn khích lệ. Chúng tôi cũng cảm kích trước việc Đức Giê-hô-va đã ban cho họ “sức lực vượt quá mức bình thường”.

Chuyến đi kết thúc tốt đẹp, chúng tôi trở về Hoa Kỳ. Những năm sau đó, chúng tôi tiếp tục cố gắng dùng nhiều cách để gửi sách báo sang Albania và nhận báo cáo hoạt động của các anh em ở đấy.

Nhiều lần đi đường, đầy gian nguy

Nhiều năm sau, John mất vào năm 1981, khi anh được 76 tuổi, để tôi lại một mình. Cháu gái tôi là Evangelia, và chồng cháu là George Orphanides, đã đón tôi về ở chung, và kể từ đó tôi được các cháu dành cho một sự nâng đỡ quý báu về tình cảm, cũng như các mặt thực tế khác. Chính các cháu cũng đã tận mắt thấy sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va khi phục vụ ở Sudan lúc bị cấm đoán. *

Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, thông tin liên lạc với các anh em ở Albania một lần nữa đã được nối lại. Vì dòng họ bên chồng tôi sống ở bên ấy, nên tôi được hỏi là có sẵn sàng đi một chuyến sang đó không. Dĩ nhiên là tôi rất sẵn sàng!

Sau nhiều tháng kiên trì nỗ lực, vào tháng 5 năm 1986, tôi đã xin được visa từ Đại Sứ Quán Albania ở A-thên. Các nhân viên ngoại giao đã nghiêm khắc cảnh cáo tôi là nếu có gì không ổn xảy ra thì không thể trông chờ sự giúp đỡ từ nước ngoài. Khi tôi đến gặp một nhân viên du lịch để mua vé máy bay đi Albania, anh ta rất đỗi ngạc nhiên. Không để sự sợ hãi ngăn trở, tôi nhanh chóng lên chuyến bay duy nhất hàng tuần đi từ A-thên sang Tiranë. Chỉ có ba người Albania lớn tuổi đi cùng chuyến bay với tôi, họ đã từng sang Hy Lạp để chữa bệnh.

Máy bay vừa đáp xuống là tôi bị dẫn vào một phòng trống dùng làm văn phòng hải quan. Mặc dù không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng em trai và em gái của chồng tôi đã vui lòng giúp tôi liên lạc với một số anh em địa phương. Theo pháp luật, họ phải khai báo với trưởng khu phố khi tôi đến. Kết quả là tôi bị cảnh sát theo dõi rất sát. Do đó, các người bà con gợi ý là tôi hãy ở nhà trong khi họ đi tìm hai trong số các anh em sống ở Tiranë để mời về cho tôi gặp.

Lúc đó chúng tôi chỉ biết có chín anh đã dâng mình ở Albania. Những năm cấm đoán, bắt bớ, và giám sát chặt chẽ đã khiến họ rất thận trọng. Gương mặt của họ hằn nhiều nếp nhăn. Sau khi tôi đã được lòng tin của hai anh, câu đầu tiên họ hỏi là: “Các báo Tháp Canh ở đâu hả chị?” Trong nhiều năm rồi họ chỉ có hai cuốn sách cũ​—⁠không có đến một cuốn Kinh Thánh.

Họ kể hết những biện pháp tàn bạo của chế độ chống lại họ. Họ nhắc đến trường hợp một anh thân yêu đã nhất quyết giữ sự trung lập về chính trị trong một đợt bầu cử. Vì nhà nước kiểm soát mọi việc, nên lập trường của anh sẽ khiến gia đình bị cắt lương thực. Các con anh cùng với vợ chồng con cái họ cũng đều sẽ bị bắt giam, mặc dù họ chẳng hề có cùng niềm tin tôn giáo với anh. Theo những gì được báo cáo lại, người nhà anh, vì sợ hãi, đã giết anh đêm trước cuộc bầu cử, quăng xác anh xuống giếng, rồi sau đó khai là anh sợ quá nên đã tự tử.

Sự nghèo khổ của các anh em tín đồ Đấng Christ này thật não lòng. Thế nhưng, khi tôi muốn tặng mỗi người 20 đô-la, họ đều từ chối, nói rằng: “Chúng tôi chỉ muốn thức ăn thiêng liêng thôi”. Các anh em yêu dấu này đã sống hàng chục năm dưới chế độ độc tài, một chế độ đã thành công trong việc giáo dục tư tưởng cho phần lớn dân chúng thành những người vô thần. Nhưng đức tin và sự quyết tâm của các anh em này vẫn mạnh mẽ như của các Nhân Chứng ở những nơi khác. Khi rời Albania hai tuần sau đó, tôi thật sự cảm kích trước khả năng của Đức Giê-hô-va ban cho “sức lực vượt quá mức bình thường”, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Tôi cũng có đặc ân thăm lại Albania vào năm 1989 và 1991. Vì nước này dần dần cho phép tự do ngôn luận và tự do tôn giáo nên số người thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng đã tăng nhanh. Từ chỉ một ít tín đồ Đấng Christ đã dâng mình trong năm 1986, nay số người công bố hoạt động đã lên đến hơn 2.200 người. Trong số đó có Melpo, cô em chồng tôi. Còn nghi ngờ gì chăng là Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nhóm nhỏ những tôi tớ trung thành ấy?

Một cuộc đời viên mãn nhờ quyền phép của Đức Giê-hô-va

Nhìn lại quá khứ, tôi tin chắc là John và tôi đã không làm một công việc vô ích. Chúng tôi đã dùng sức lực tuổi trẻ cách lợi ích nhất. Thánh chức trọn thời gian có ý nghĩa hơn bất cứ sự nghiệp nào khác mà chúng tôi có thể theo đuổi. Tôi vui mừng vì đã giúp được nhiều người thân thương học lẽ thật của Kinh Thánh. Nay đã lớn tuổi, bằng cả tấm lòng tôi có thể khuyên các bạn trẻ nên “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa trong buổi còn thơ-ấu”.​—⁠Truyền-đạo 12:1.

Mặc dù đã 81 tuổi, nhưng tôi vẫn còn có thể phục vụ với tư cách người công bố tin mừng trọn thời gian. Tôi dậy sớm và đi làm chứng cho những người tôi gặp ở các trạm xe buýt, bãi đậu xe, trên đường phố, trong các cửa hiệu, hoặc trong công viên. Mặc dù những vấn đề của tuổi già giờ đây cũng gây khó khăn cho cuộc sống tôi, nhưng những anh chị em thiêng liêng đầy yêu thương​—⁠gia đình thiêng liêng lớn của tôi​—⁠cũng như gia đình của cháu gái tôi, đã thật sự là nguồn nâng đỡ cho tôi. Trên hết mọi sự, tôi đã học được rằng “sức lực vượt quá mức bình thường bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”.​—⁠2 Cô-rinh-tô 4:​7, NW.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xin đọc Tháp Canh 1-9-1999, trang 25-29, để biết tự truyện của anh Emmanuel Lionoudakis.

^ đ. 11 Xin đọc Tháp Canh 1-11-1996, trang 22-27, để biết tự truyện của anh Emmanuel Paterakis.

^ đ. 31 Xin đọc Niên Giám 1992 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), trang 91-92, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 25]

Hình trên: John (ở ngoài cùng bên trái), tôi (ở giữa), với anh Emmanuel bên trái tôi, và mẹ bên trái anh, với một nhóm các anh chị ở Nhà Bê-tên, A-thên, 1950

[Hình nơi trang 25]

Hình trái: Với John ở quán ăn chúng tôi ở bờ biển New Jersey, 1956

[Hình nơi trang 26]

Đại hội địa hạt ở Tiranë, Albania, 1995

[Hình nơi trang 26]

Khu nhà Bê-tên, Tiranë, Albania, hoàn tất năm 1996

[Hình nơi trang 26]

Hình trên: bài trong “Tháp Canh” năm 1940 được bí mật dịch ra tiếng Albania.

[Hình nơi trang 26]

Với cháu Evangelia Orphanides (bên phải) và chồng, George